Phụ Lục
Ở các nước phát triển, việc chơi game lậu là một sự xấu hổ và là một hành động trộm cắp bất lương. Tuy nhiên đối với một số nước đang phát triển, game lậu lại được nhìn với một lăng kính khác. Nhưng dù gì đi nữa việc sử dụng game lậu vẫn được nhìn nhận chung là một hành động xấu gây thiệt hại cho làng game.
Mặc dù bị lên án từ khi mới manh nha từ hàng chục năm trước nhưng cho đến nay vấn đề game lậu – game bản quyền vẫn gây trang cãi không dứt trong làng game. Thậm chí nó hình thành nhiều “định kiến” về game lậu rất nghiêm trọng như xài game lậu là làm nhà sản xuất thất thu, vi phạm bản quyền trí tuệ, trộm cắp công sức của người khác… Nhưng thực sự nó có nghiêm trọng như vậy? Hãy cùng Mọt game nhìn nhận lại vến đề nhé!
Bạn có thực sự nghĩ rằng một bản game lậu được cài là nhà sản xuất mất 1 bản game có thể bán ra? Trong một thời gian dài điều đó nghiễm nhiên được xem là đúng và nhiều nhà sản xuất đã dựa vào đó chiến đấu sống chết với game lậu bằng rất nhiều biện pháp để bảo vệ doanh thu của mình. Tuy nhiên cho đến những năm gần đây, nhiều phân tích sâu về vấn đền này đã được đưa ra và có tính thuyết phục cao hơn nhiều.
Một số game thủ lâu năm, những người làm trong ngành công nghiệp game đã có những ý kiến trên các diễn đàn cộng đồng rằng cái công thức “1 bản game lậu = 1 game bản quyền thất thu” là không thực tế. Bởi vì phần lớn người chơi game lậu là người không có đủ khả năng tài chính để mua game bản quyền, vì vậy nếu không có bản lậu để chơi họ thường… nhịn chơi chứ không thể bỏ tiền mua game. Điều đó chỉ đúng với một số rất ít chơi game lậu vì lòng tham không muốn bỏ tiền khi mình có đủ điều kiện.
Phần lớn những quốc gia phổ biến game lậu như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu… đều có cùng một nhóm đặc điểm của các nước đang phát triển. Đó là sự tiếp cận kém với các game bản quyền, khó mua vì không có kênh bán chính thức, đồng tiền quy đổi ra đô la quá thấp khiến 1 game có giá bằng cả nửa tháng lương, vân vân. Điều đó đã xác nhận những ý kiến sau này là có cơ sở hơn sự quy chụp từ trước đến nay và cũng cho thấy việc sử dụng game lậu tuy có gây thiệt hại ở một mức độ nào đó nhưng không phải là một thiệt hại quá lớn. Việc các hãng game lấy số lượng tải game lậu rồi nhân với giá game xong tuyên bố con số đó là tài sản thiệt hại là một phép tính mơ hồ và không có cơ sở.
Nghe có vẻ nực cười, Mọt tôi cũng không lấy làm lạ nếu có vài bạn đã bật cười khi đọc đến phần này. Tuy nhiên theo các phân tích hiện đại của nhiều game thủ và các chuyên gia làm việc cho ngành game thì những người dùng game lậu tuy gây thiệt hại cho ngành game nhưng chính họ cũng góp phần làm phát triển các tựa game mà họ đang chơi bản crack.
Đầu tiên về mặt quảng bá và marketing thương hiệu. Những người chơi game lậu không trả tiền nhưng họ cũng là một fan của tựa game với đầy đủ đam mê, hiểu biết và kinh nghiệm trong game. Họ sẽ mang các thông tin của mình biết đi bàn luận với bạn bè và lôi kéo thêm nhiều người tìm đến game này. Một cách nào đó họ cũng góp phần làm lan tỏa sự nổi tiếng của một game tương đương một người chơi trả tiền.
Kế đến là sự đóng góp cho cộng đồng, những người chơi game lậu cũng có trải nghiệm và tìm tòi, và vì thế cũng sẽ viết review game, làm các hướng dẫn chơi game, viết các tư liệu về game đóng góp cho sự trường tồn của tựa game đó. Qua các diễn đàn và mạng xã hội họ làm video, stream game, hướng dẫn người chơi mới, sáng tạo những nội dung có liên quan và làm cho cộng đồng game ngày càng phát triển.
Ngay tại Việt Nam chúng ta đã có những diễn đàn huyền thoại là cái nôi cho rất nhiều cộng đồng fan game hoạt động và phát triển như Diễn đàn Gamevn, Diễn đàn Game4v, Trò Chơi Thứ Bảy, Gamethu.net… Bao nhiêu game thủ trong những diễn đàn năm ấy chơi game có bản quyền? Họ vẫn cần mẫn tích cóp làm những dự án cộng đồng để phục vụ cho sự phát triển của tựa game mình yêu thích.
Bản thân Mọt tôi ngày đó từng bỏ ra 1 tháng ngồi dịch file hướng dẫn Dynasty Warriors 4 Hyper 10.000 chữ tải từ Gamefaqs sau đó bỏ nửa tháng tiếp theo đi dọc game chụp ảnh đầy đủ mọi thứ minh họa cho bộ tài liệu đó. Lúc đó mình chẳng nghĩ gì, chỉ cảm thấy mình yêu thích game và muốn làm một cái gì đó cho game đó và cho những người bạn cùng đam mê game có thể dễ dàng trải nghiệm hơn. Tôi chẳng hề nghĩ rằng lúc đó mình chơi game lậu là đã loàm nhà sản xuất thiệt hại 60 USD cũng chẳng nghĩa cái dự án một tháng rưỡi mình làm là cống hiến không công cho nhà sản xuất. Và những người đồng trang lứa với tôi cũng làm những dự án tương tự với Final Fantasy VII, Resident Evil, Silent Hill, Parasite Eve...
Như đã nói ở trên, những người dùng game lậu một mặt nào đó cũng có những hành động và đam mê tương tự như người chơi game bản quyền. Chính vì vậy ở những nước có game lậu phát triển cũng có một cộng đồng fan phát triển đông đảo của game. Từ đây dẫn đến những lợi ích gián tiếp cho làng game như một sự “trả nợ” cho game lậu mà họ đã vay mượn.
Từ cộng đồng đó không ít người chọn sự nghiệp tương lai của mình gắn với niềm đam mê game. Họ học cao lên và ra đời như những chuyên gia công nghệ, nhà lập trình game, nhân viên làm việc cho nhà phát hành game, phóng viên trang tin game… Những người đó đã gắn liền niềm đam mê được thắp lên trong tuổi thơ bởi chính những tựa game lậu và quay lại làm việc cho ngành game để sống trong đam mê của mình.
Những người khác, vì cơm áo gạo tiền, vì công danh sự nghiệp riêng, đã không chọn con đường làm game nhưng họ lại đóng góp bằng một cách khác. Họ vẫn chơi game đến tận bây giờ, họ đi làm có tiền và bắt đầu mua game bản quyền để chơi, họ mua máy PlayStation 4 hay Xbox One để tận hưởng cái mà ngày xưa chưa thỏa mãn hay đơn giản là sống tiếp cuộc đời game thủ của mình theo một cách thoải mái và chính trực hơn.
Đặc biệt không ít người đã muốn “chuộc lại sai lầm xưa” bằng cách tranh thủ các đợt giảm giá mua lại càng nhiều tựa game mình chơi ngày xưa càng tốt. Có người tài khoản Steam đã lên đến 300 – 400 game toàn cực phẩm để đời nhưng họ hầu như chẳng chơi lại bao nhiêu. Họ chỉ mua để lưu giữ lại kỷ niệm một thời từng chơi qua những tựa game đó.
Mặc dù những điều trên có vẻ đã giúp những người từng chơi game lậu cảm thấy nhẹ nhõm hơn, việc làm của họ không quá xấu xa như người ta từng vẽ nên. Tuy nhiên cần phải nhìn thẳng vào sự thật, chơi game lậu không phải là một điều tốt hay vẻ vang.
Đã là ăn cắp thì chẳng có gì có thể thay đổi được. Chúng ta có thể biện minh bằng nhiều lý do hoàn cảnh như “nhà nghèo ba má đông” nhưng những lý do đó chỉ đóng vai trò biện minh cho một hành động xấu. Nó chỉ là một sự than thở đề cầu xin sự thông cảm từ người đối diện chứ không phải là một sự minh oan biến người xài game lậu thành một cái gì đó trong sạch và thánh thiện. Bạn có thể lấy cái nghèo làm lý do để đi ăn trộm nhưng chẳng tên trộm nào được xem là vô tội vì nói rằng “tại em nghèo” cả. Việc tha hay không là ở sự thương hại của người bắt tên trộm mà thôi.
Tóm lại, chơi game lậu vẫn gây hại cho làng game, tuy nó không quá nghiêm trọng như người ta lầm tưởng nhưng nó vẫn là một việc làm xấu. Bạn chẳng có lý do gì để hãnh diện khi mình xài game lậu cả. Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, với những nỗ lực của làng game thì ở thế giới hiện đại năm hai-ngàn-không-trăm-mười-tám này, game lậu ngày một hết đất sống. Còn lý do vì sao? Hãy đón xem ở bài viết kế tiếp nhé!