Phụ Lục
Với tuổi chơi game cũng đã hơn 10 năm, Mọt tui không dám vỗ ngực tự xưng đã chơi qua tất cả các game chiến thuật RTS của dòng game Command & Conquer, nhưng một mặt nào đó đã có những trải nghiệm không tệ với vài sản phẩm nổi bật trong đó. Chính vì vậy khi EA giới thiệu Command & Conquer: Rivals tại sự kiện E3 2018 này Mọt tui tự dưng thấy chạnh lòng.
Trailer công bố game Command & Conquer: Rivals
Một dòng game đồ sộ với những thương hiệu Tiberian Sun, Red Alert, Generals… cuối cùng chỉ còn lại một hậu nhân nhỏ xíu là một game mobile với màn chơi gói gọn trong… chưa đến 10 phút. Thật buồn khi những trận đấu cân não, những màn chơi giằng co đến hàng tiếng đồng hồ với thiên binh vạn mã giờ đây chỉ còn một nhúm nhỏ đến thảm thương.
Demo thi đấu một trận đấu Command & Conquer: Rivals
Tôi không có ý chê Command & Conquer: Rivals, căn bản những gì nó thể hiện là đủ chuẩn cho một game mobile đỉnh cao về chiến thuật. Rõ ràng tương tác 2 chiều thời gian thực là một việc làm cực khó trong game online chiến thuật trên mobile. Tuy nhiên, khi so sánh nó với những trải nghiệm ngày xưa quả là một sự hụt hẫng lớn.
Thời cực thịnh của chiến thuật RTS, chúng ta đã chứng kiến tứ trụ StarCraft, WarCraft, Red Alert (Kế thừa Tiberian Sun) và Age of Empires làm mưa làm gió trên thị trường với hàng triệu con tim hướng về từng trận đấu.
Mọt tui đã từng chơi game chiến thuật RTS một cách điên cuồng mặt dù chơi… rất dở. Cả đám bạn chỉ thích thu mình vào địa hình kín để thủ và phát triển mọi công nghệ và max quân. Sau đó sẽ là một trận tổng tấn công với thiên binh vạn mã của các phe đánh nhau một lượt. Cái thời game còn hỗ trợ chơi LAN thì tiệm game nào cũng sẽ là một chỗ để quẩy StarCraft Broodwar hay Red Alert 2 mod Battlezone theo cái kiểu chơi cho sướng tay chứ chả có chiến thuật hay kỹ năng gì ráo.
Những năm tháng chơi Red Alert không dễ gì quên
Mọt tui cũng đã chứng kiến một ông chủ tiệm net đầu tư đến hơn 30 máy và có cả một hội riêng ngồi đánh StarCraft cùng nhau quanh năm suốt tháng. Lần nào đến chơi cũng thấy ông lão ngoài 40 ngồi cắm cúi hò hét cùng bọn game thủ cùng kéo quân tấn công kẻ địch trong game. Đó là những năm 2000, lúc đó chỉ nghĩ ông ta thật đáng nể.
Thế giới mạng ngày một phát triển và các game đều hướng multiplayer của mình sang chơi online qua mạng thay vì qua LAN như trước. Đây có thể là điểm yếu chết người khiến cho thể loại chiến thuật RTS nói chung và dòng Command & Conquer của EA nói riêng bị suy yếu.
Những trận chơi LAN StarCraft ngày xưa mới thật là thú vị
Đặc tính của game chiến thuật RTS là tất cả các bên đều tương tác với nhau thời gian thực. Nếu một hay một vài bên bị lag sẽ ảnh hưởng đến công bằng của cả trận đấu. Chính vì vậy những ngày sơ khai của việc chơi game qua internet có lẽ chỉ có những game thủ ở những nơi phát triển có đường truyền mạnh mẽ hay trong những giải esports lớn mới có thể chơi.
Hãy lấy ví dụ về lag của một thể loại game tương tự là MOBA, vốn tách ra từ RTS với cách điều khiển đơn giản hơn là chỉ 1 đơn vị (unit) mỗi người trên một bản đồ kích cỡ trung bình và ít các đơn vị chuyển động (đồ họa xử lý nhẹ hơn). Chúng ta vẫn gặp lag ngay cả với bố trí tinh giản như thế, thử hỏi với một game full chiến thuật RTS với 8 người tham gia và mỗi người điều khiển tối đa 400 unit, liệu đường truyền và thậm chí đồ họa phần cứng có đỡ nổi?
Cái vụ LAN phía trên là sự phỏng đoán, còn về đánh giá chung của các chuyên gia thì chiến thuật RTS không còn hướng sáng tạo nữa, lõi gameplay của nó vẫn chỉ dừng ở dạng như thế. Rất ít thay đổi về gameplay từ thời StarCraft cổ xưa cho tới những tựa game mới nhất. Vẫn chỉ loanh quanh thu thập tài nguyên, sản xuất lính, nâng cấp công nghệ rồi đánh nhau với rất ít biến tấu.
Cossack 3 ra đời năm 2016 cũng nhanh chóng chìm mất tăm
Những game chịu khó biến tấu như Company of Heroes đã tạo ra những thành công nhất định nhưng kỳ thực có quá ít những cuộc cách mạng như thế. Phần lớn game chiến thuật đã phải hy sinh tính tương tác thời gian thực để biến thành một thể loại phối hợp mới như Total War pha trộn đánh theo lượt hay RPG pha trộn chiến thuật để khai sinh ra một MOBA đầy chấn động.
MOBA được xem là biến tấu mang tính kế thừa của RTS
Cũng chính MOBA sau đó được xem như một kẻ kế thừa cho chiến thuật RTS khi giữ được một số yếu tố nền tảng của chiến thuật RTS kèm theo sự cắt giảm giúp nhẹ cấu hình máy như nói ở trên, nó hoàn toàn thích hợp với thời đại mới. Cũng chính vì sự già cỗi và bất biến đó, mà RTS được xem là quá khứ và dần mai một, nhưng nó có thực sự chết?
Command and Conquer: Rivals kỳ thực chính là bộ mặt hiện đại của chiến thuật RTS, để sống sót nó phải biến thành như vậy. Bánh xe thời đại sẽ nghiền nát những ai chạy không kịp tốc độ tiến của nó, để chạy nhanh hơn, thể loại game chiến thuật RTS phải gọn nhẹ hơn. Đó là hướng sinh tồn của thể loại này trên những nền tảng mới như mobile. Đó cũng có thể là hàng loạt game indie kinh phí thấp cố gắng biến hóa chiến thuật RTS thành một cái gì đó mới hơn, dễ làm hơn.
Command and Conquer: Rivals sẽ là những gì còn lại của chiến thuật RTS đình đám một thời?
Còn đối với thể loại chiến thuật RTS truyền thống? Chúng ta đã chứng kiến khá nhiều bản remake với hy vọng giữ được cộng đồng “gộc” như StarCraft Remastered, Age of Empires Definitive Edition, Age of Empires 2 HD Edition… Chúng ta vẫn đang chờ đợi trong hy vọng những tên tuổi đến từ EA được làm lại như Red Alert 2, Tiberian Sun, hay dòng WarCraft của Blizzard. Chúng sẽ giữ cộng đồng RTS hardcore tiếp tục nóng và một ngày nào đó khi cộng đồng đủ “chín”, có thể chiến thuật RTS sẽ trở lại với một tựa game hoành tráng.
So sánh đồ họa giữa StarCraft cũ và bản Remastered
Còn bây giờ, chính những chuyên gia như David Pottinger – cựu trưởng lập trình của Ensemble Studio hiện đang là CEO của BonusXP cũng thừa nhận: “Thời nay chẳng ai dại gì ký duyệt 40 – 60 triệu USD cho một dự án làm game RTS lớn nữa.”
Thật buồn khi cả một nền game chiến thuật RTS chỉ còn lại một nhúm nhỏ như chúng ta thấy ở Command and Conquer: Rivals nhưng thời đại đã quyết định như thế, chúng ta cứ tạm hài lòng với những gì đang có vậy. Tương lai hy vọng sẽ khác.