Phụ Lục
Kinh dị là thể loại game được khá nhiều người ưa chuộng từ khoảng thời gian cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Các tựa game thuộc hàng siêu phẩm "trấn phái" của thời này như Resident Evil hay Silent Hill vẫn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí game thủ. Có thể nói, game kinh dị đã có chỗ đứng vững chắc trong thế giới game từ xưa tới nay.
Thể loại này đặc biệt ở chỗ nó có hướng đi khá ngược lại so với ngành công nghiệp game. Cho dù cơ chế gameplay trong các trò chơi kinh dị có không hoàn hảo nhưng chỉ cần các nhà phát triển làm tốt không khí u ám hay những pha hù dọa giật mình là đã đủ để lôi kéo người hâm mộ. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, cả số lượng cũng như chất lượng của dòng game này đã đi xuống một cách thảm hại. Dù là phần tiếp theo của series game kinh dị ăn khách hay một sản phẩm mới cố tạo dấu ấn khác biệt thì chúng vẫn chưa thể làm thỏa mãn cộng đồng người hâm mộ. Liệu thể loại này đã đi tới giai đoạn thoái trào?
Các trò chơi thể loại kinh dị hiện nay đang bị đánh giá là dần đi vào lối mòn với những ý tưởng cũ kỹ, xào đi xào lại trong suốt bao nhiêu năm qua mà không có bất cứ sự đột phá nào. Điều này không hẳn là sai, nhìn lại thời kỳ đầu của thể loại game kinh dị, hàng loạt trò chơi ra đời đều có những yếu tố và màu sắc thu hút người chơi khác nhau. Ý tưởng mỗi trò chơi cũng đều được chăm chút xây dựng rất kỹ lưỡng.
Còn hiện tại, rất ít những sản phẩm có lối đi đột phá hay ý tưởng táo bạo. Game kinh dị là thể loại không bị hạn chế về bối cảnh, trí tưởng tượng của các nhà phát triển không hề bị giới hạn bởi yếu tố lịch sử, bối cảnh chiến tranh hay nhân vật có thật, v...v… Họ có thể thoải mái làm tất cả những gì mình nghĩ ra, nhưng có vẻ như các hãng game không hề thích đặt cược và chỉ muốn làm dựa trên từ thành công mà các trò chơi đó đã có được.
Một phần lý do cho sự thoái trào của game kinh dị cũng tới từ chính cộng đồng người hâm mộ. Thị hiếu của người chơi ngày càng khó tính hơn, họ không dễ gì cảm thấy hài lòng với tất cả các sản phẩm, kể cả khi đó là series game huyền thoại. Một series game nếu cứ giữ nguyên hướng đi không thay đổi sẽ bị người hâm mộ chê nhàm chán. Còn nếu như hãng game quyết định thay đổi thì sẽ bị nói đã làm mất chất, đã phá huỷ những yếu tố truyền thống của series game đó.
Sự khó tính của cộng đồng đã ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định cũng như việc nghĩ và phát triển ý tưởng của những game kinh dị. Các hãng game do đó thay vì việc mạo hiểm với những ý tưởng mới, họ sẽ phát triển game theo những gì game thủ chơi để có thể bảo toàn được mặt doanh thu.
Khi bạn làm một game kinh dị, câu hỏi lớn nhất đặt ra là nhân vật chính có khả năng phản kháng với kẻ địch hay không? Nó dẫn tới yếu tố hành động trong game tuy nhiên nếu không cân bằng tốt, yếu tố hành động sẽ lấn át bầu không khí sợ hãi vốn rất cần cho một game kinh dị. Nếu bạn có thể bắn vỡ mặt con ma đang dí theo bạn, nó sẽ chẳng còn gì là "kinh dị" đáng sợ nữa, Resident Evil 4 và các phần sau nó là một minh chứng như vậy.
Mặt khác, những game nói "không" và tăng hết cỡ sự sợ hãi khi bị săn đuổi mà không có khả năng tiêu diệt lại kẻ địch như Fatal Frame (chỉ dùng máy ảnh) hay sau này là Outlast lại gây ra một sự ức chế lớn cho người chơi. Bạn bị đối phương đàn áp hoàn toàn và không có khả năng tự vệ hoặc có nhưng không quá mạnh để áp đảo, chỉ trốn chui trốn nhủi từ đầu game đến cuối game sẽ rất dễ nản. Ngay cả Dark Souls còn cho phép bạn đánh lại và tiêu diệt kẻ địch nên dù khó khăn nhưng cũng không khiến game thủ nản nhiều như kiểu cứ phải chạy trốn. Thể loại kinh dị "gộc" như thế rất kén người chơi và vì thế rất ít người mua.
Muốn nhiều người mua thì phải cho người chơi phản kháng, đánh tay đôi và đôi khi là tàn sát thật đã tay kẻ địch. Nó dẫn tới những game gọi là hàng "kinh dị" nhưng chẳng mấy gây sợ hãi sâu sắc như Dead Rising, Left 4 Dead hay... Dying Light.
Đúng vậy, thể loại kinh dị hiện giờ đang có rất nhiều những sản phẩm indie tới từ các hãng game nhỏ lẻ. Với nguồn vốn có hạn, những hãng này buộc phải làm game theo dạng “mì ăn liền", không có bất cứ một sự chăm chút nào cho khâu cốt truyện, nhân vật cũng được thiết kế qua loa và sử dụng lại trong cả nhiều phần game sau đó.
Điểm hút khách nhất là phần hù doạ thì được làm vô cùng hời hợt, chỉ đơn giản là tăng âm thanh lên mức cao hơn, dí sát con ma gần màn hình hơn, ấy thế mà những trò chơi đó được tôn sùng và phát hành tới 3 bản. Không như các sản phẩm chất lượng, không khí u ám đáng sợ theo người chơi từ đầu tới cuối game, len lỏi trong từng khoảnh khắc từng hành động mà người chơi thực hiện trong game. Sự lên ngôi của những tựa game kinh dị “rẻ tiền" đã phần nào khiến cho các hãng game không còn mặn mà lắm với thể loại này.
Mặc dù thời điểm hiện tại, chất lượng của các game kinh dị là rất thấp, số lượng các tựa game được đầu tư kỹ lưỡng không còn nhiều. Nhưng vẫn còn đó khá nhiều những trò chơi mang ý tưởng, bối cảnh hoàn toàn có thể được các nhà phát triển tận dụng. Như thể loại zombie chúng ta có The Last of Us hay Days Gone sẽ được phát hành sắp tới. Game kinh dị tâm linh chúng ta từng có series Fatal Frame hay Ku-on,... Các trò chơi kinh dị ngày xưa trên PS2 hay Xbox rất xứng đáng để được làm lại trên nền tảng đồ họa đẹp và chi tiết hơn.
Ngoài ra, thế giới cũng còn vô số những bối cảnh bí ẩn rùng rợn, mang màu sắc thực sự đáng sợ. Các nhà phát triển game hoàn toàn có thể làm những trò chơi dựa trên sự kiện hoặc bối cảnh có thật. Game kinh dị là thể loại nhà phát triển có thể thỏa sức sáng tạo theo trí tưởng tượng phong phú của mình.
Hơn nữa, game kinh dị không nhất thiết cứ phải phát triển theo những gì tâm linh, bí ẩn mà khoa học chưa khám phá ra được. Yếu tố kinh dị tâm lý cũng rất ít các hãng game có thể khai thác tốt được. Mối quan hệ người với người trong xã hội hiện đại, những mặt trái của gia đình, công việc hay bạn bè chẳng phải cũng đã gây nên nỗi sợ cho biết bao người đó sao.
Hiện giờ, thể loại này cần có nhiều hơn các sản phẩm đột phá mới có thể mong lấy lại vị thế từng có trong ngành công nghiệp game.