Phụ Lục
Tôi là một game thủ, tôi vừa xem xong bộ phim Everything Everywhere All At Once (Mọi thứ, mọi nơi ở một chỗ). Lấy đề tài đa vũ trụ nhưng phim không hoành tráng như Dr. Strange mà chỉ kể về một phụ nữ gốc Á tên Evelyn đang làm chủ tiệm giặt là ở California cùng chồng là Waymond. Cuộc sống của Evelyn bất ngờ thay đổi khi chồng cô tự nhận là người đến từ vũ trụ khác. Anh ta đã liên lạc với nhiều bản thể của Evelyn ở các vũ trụ khác nhau để cảnh báo về một thế lực hắc ám đang âm mưu phá hủy vũ trụ và nhận ra cô ở thực tại này này chính là chìa khóa cứu vớt mọi thứ.
Bộ phim tất nhiên là không thể nào lung linh kỹ xảo hay có nội dung hấp dẫn bằng câu chuyện về bác sĩ lạ nhưng nó cũng thành công gieo vào tâm trí tôi một câu hỏi sau khi màn hình credit chạy xong. Theo đó cách giải thích về “đa vũ trụ” mà bộ phim đưa ra là: Mỗi lựa chọn của bạn trong cuộc sống sẽ mở ra một vũ trụ mới và ở nơi đó, bạn sẽ có cuộc sống hoàn toàn khác so với hiện tại.
Lúc này tôi chợt nghĩ rằng liệu có vũ trụ nào mà ở đó, đam mê game của tôi thực sự trở thành một nghề nghiệp hái ra tiền hay không. Khi nhìn lại cuộc sống của mình trước kia, tôi cũng từng đứng trước những ngã rẽ mà bản thân chỉ cần gật đầu là hoàn toàn có thể trở thành game thủ theo đúng nghĩa đen. Nhưng rồi tôi lại nghĩ nếu vũ trụ đó thực sự đang tồn lại thì bản thân mình có đang hạnh phúc với cuộc sống đó hay không.
Suy cho cùng, trò chơi điện tử là thú vui giúp người chơi xả stress, có thể quẳng mọi gánh lo mà tận hưởng bất cứ thế giới nào chúng ta mong muốn. Nhưng khi nó trở thành một nghề nghiệp chính thức, tôi không dám chắc là tôi có thể trải nghiệm game theo cách tận hưởng như mọi ngày nữa. Một game thủ có thể kiếm tiền từ đam mê, liệu có phải làm game thủ hạnh phúc nhất?
Từ trước tới nay, tôi vẫn luôn được mọi người nói rằng đam mê tuyệt nhất là khi nó giúp mình kiếm ra được tiền. Hay có công việc đúng với đam mê sẽ khiến con người làm việc với tâm trạng vui vẻ, thoải mái hơn. Tuy nhiên, cách suy nghĩ của tôi lại hoàn toàn ngược lại. Đam mê và công việc kiếm tiền phải tách biệt hoàn toàn. Bởi lẽ bất cứ thứ gì dính tới tiền bạc đều mang lại rất nhiều áp lực. Áp lực không xấu vì nó thúc đẩy người ta phát triển nhưng tôi thì lại không muốn có áp lực khi chơi game.
Game thủ có thể đi làm kiếm tiền hàng ngày để nuôi dưỡng đam mê. Khi đó, sau một ngày dài làm việc, khoảng thời gian ít ỏi chơi game sẽ giúp bạn thư giãn hơn rất nhiều. Đó mới là lúc bạn thực sự cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Còn khi game là công việc, sẽ có rất nhiều nguồn áp lực khác nhau như từ chỉ đạo của sếp, áp lực từ cộng đồng mạng hay deadline đuổi sau lưng. Nó khiến con người ta cảm thấy mệt mỏi và bắt đầu có suy nghĩ rằng: “Liệu mình có thật sự đam mê game không?”
Ngày nay, trò chơi điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có thể nhìn thấy từ một thú vui giải trí, nó đã trở thành một cỗ máy kiếm tiền siêu cấp với đủ loại nghề nghiệp khác nhau có thể kiếm tiền. Ngày xưa nói game thủ người ta chỉ nghĩ về các ông developer ngồi gõ máy tính suốt ngày để viết code, ngày nay thì khái niệm đó rất rộng livestream, QA, KOL và nhiều mảng khác nữa. Nhưng có một điều không đổi là công việc thời nào cũng phải gánh vác những áp lực khác nhau.
Tôi tự hỏi khi bạn làm công việc bình thường, tối đến quá mệt mỏi thì còn mấy con game để mà giải trí. Vậy khi trò chơi điện tử trở thành một nghề nghiệp chính để nuôi sống bạn, nó mang tới nhiều áp lực khiến bạn muốn nghẹt thở, vậy bạn sẽ làm gì để xả hết đống áp lực đó ra? Chơi game nữa hả? Tôi không nghĩ đó là một ý tưởng hay ho dành cho game thủ nửa mùa như mình.
Tôi biết có rất nhiều người đang cố gắng ngày đêm làm việc với ngành nghề đúng đam mê của họ. Và tôi thấy những người đó thực sự rất đáng nể khi có thể cân bằng được cuộc sống. Đổi lại là mình, tôi không chắc mình có thể làm được ổn như vậy. Do đó, tôi không hề muốn đến một vũ trụ mà tôi đang phải vật lộn với đống áp lực đến từ chính cái đam mê đã nuôi dưỡng, chữa lành tâm hồn mình bao nhiêu năm qua.
Có thể bạn sẽ cho là tôi là yếu đuối, không dám đối mặt với thử thách hay nói thẳng là hơi "hèn" nhưng với tôi, chỉ có cân bằng giữa đam mê và kiếm tiền với mang lại một cuộc sống vui vẻ. Tôi cho rằng cũng sẽ có nhiều người suy nghĩ giống mình. Đã từng có thời điểm tôi nghĩ rằng được làm việc mình thích là rất tốt, nhưng tới khi có cơ hội trải nghiệm, tôi nhận ra mình không còn vui vẻ hay thoải mái với nó nữa. Chắc là vì tôi chịu áp lực kém nhưng đâu phải ai cũng bẩm sinh có tốt chất đó cơ chứ.
Có thể thời điểm đó tôi còn quá trẻ để đối mặt với áp lực. Tuy nhiên, kể cả ở hiện tại, mỗi khi bật chiếc PlayStation 4 lên, tôi không bao giờ muốn mình mất đi sự tận hưởng mà mình có được vào cuối ngày. Cảm giác tôi phải chơi những game mình không muốn chỉ vì tiền là thứ cảm giác tôi không thể nào vượt qua được. Game chính là thứ xây dựng cuộc sống tinh thần của tôi và khi nó dính dáng tới vật chất, cuộc sống lúc đó sẽ bị mất cân bằng.
Tôi không hề có ý phê phán hay đánh giá về những người đang cố gắng làm việc mà họ đam mê, nhất là những người trong ngành game. Đối với tôi, họ thực sự rất đáng nể, đáng để học tập. Tuy nhiên, lựa chọn nằm ở góc nhìn cuộc sống và cảm nhận của mỗi người. Về cá nhân tôi thì sau một ngày dài vật lộn với áp lực, tôi muốn ngả lưng ra ghế sofa, trải nghiệm game với một tâm thế vô lo vô nghĩ của một game thủ hơn là vừa chơi vừa phải cố ghi nhớ xem con game này có thứ gì hay để ngày mai đưa nó vào bài viết của mình và nộp cho sếp.
Dĩ nhiên ngay cả khi bạn có lựa chọn đam mê game làm định hướng cho sự nghiệp của mình, bạn vẫn có những cách xả stress hay giải trí khác nhau bên cạnh trò chơi điện tử. Chỉ cần bạn có thể cân bằng được vật chất và tinh thần là cuộc sống đã quá trọn vẹn rồi.
Với những người đã và đang có định hướng nghề nghiệp với đam mê game, tôi mong họ sẽ thực sự vững tâm với lựa chọn của mình. Việc bạn làm có liên quan tới đam mê sẽ mang lại áp lực gấp nhiều lần so với bình thường. Bởi đó là lúc bạn đang phải chứng minh cho gia đình và xã hội thấy mình phải đánh đổi rất nhiều với lựa chọn này, và chắc chắn đam mê này phải mang lại thành công.