Phụ Lục
Tất nhiên Total War Saga: Troy vẫn là một game khá tốt, nhưng mà nó không xứng đáng với những gì mà game thủ chờ đợi, thực tế thì tôi cũng khá là bất ngờ khi nó chỉ ra mắt sau Three Kingdoms có một năm nhưng mà khi nhìn thấy chữ “Saga” thì cũng đủ hiểu luôn, thành ra khi Epic Games tuyên bố tặng miễn phí thì cũng không hào hứng cho lắm.
Dành cho ai chưa biết thì ngoài các game Total War chính thức thì dòng này còn một nhánh phụ gọi là “Saga”, chúng vẫn nằm trong series nhưng bị game thủ đánh giá thấp hơn nhiều và thực tế là chất lượng của các bản game “Saga” cũng khá tệ. Điển hình như Thrones of Britannia chỉ nhận được đánh giá từ game thủ có 54 điểm. Bên cạnh đó một số trường hợp đặc biệt như Fall of the Samurai cũng có thể tính là Saga mặc dù chúng không mang chữ đó trong tên. Với chất lượng trồi sụt thất thường nhiều người còn cho rằng Creative Assembly đã tạo ra các game Saga để... thử nghiệm tính năng mới là chính.
Giờ quay trở lại với Total War Saga: Troy, có rất nhiều hạt sạn trong trò chơi từ hình ảnh, cốt truyện, lối chơi cho tới cả tính năng game… nhưng trong phạm trù bài viết này thì tôi sẽ chỉ nói những thứ dễ thấy nhất thôi cho khỏi lan man. Đầu tiên là cốt truyện hay chính xác là phần chơi chiến dịch của game ít ỏi một cách thảm hại, người chơi chỉ được chọn 8 vị tướng chia làm hai phe phái gồm Troy và Hi Lạp, số lượng này thật sự quá ít ỏi nếu so sánh với các bản game trước.
Việc chia làm 2 phe Hi Lạp và Troy cũng là cách để Total War Saga: Troy tái hiện lại lịch sử, nhưng vấn đề ở đây là ngoại trừ vài cái tên từng được đưa vào phim ảnh như Hector, Paris hay Achilles thì nhiều nhân vật còn lại như Aeneas, Sarpedon… không quen thuộc cho lắm với game thủ (nếu không muốn nói là hoàn toàn xa lạ). Dù sao thì sử thi Iliad rất nổi tiếng nhưng mức độ tiếp cận của nó với độc giả đại chúng là không lớn, thành thử khi vào game bạn sẽ ít có cảm giác hào hứng như cái hồi trải nghiệm Three Kingdoms.
Và tạo hình nhân vật của Total War Saga: Troy cũng thật sự có vấn đề, nhất là khi thấy nàng Helen với khuôn mặt lòe loẹt như trát lên hẳn 6 lạng phấn nhìn vô cùng kinh dị. À bạn có thể nói rằng đó là phong cách trang điểm đặc trưng của quý tộc thời đó nhưng thời nay chúng tôi không dặm phấn nhiều như thế. Và đã xét về sử thi có cảm giác Total War Saga: Troy nó khá dở dở ương ương khi không chính thức đi theo hướng nào cả. Kiểu như cố gắng tạo hình cho Helen giống với dân Hy Lạp hồi đó nhưng lại thoải mái đưa hệ thống thần thánh vào game, rốt cục người chơi sẽ hoang mang không biết NSX thật sự đang muốn làm cái gì.
Về phong cách tạo hình tả thực, bạn sẽ có cảm giác Total War Saga: Troy giống như một bản mod đổi skin của Rome Total War nhiều hơn là game độc lập. Thực tế thì Total War Saga: Troy có thể coi là một bản sao “thứ cấp” của Rome và Three Kingdoms, các đơn vị tướng cũng chia thành từng class riêng biệt nhưng do game không phải dạng Romance nên chúng khá là yếu. Tướng yếu một cách đáng chán đặc biệt là các anh hùng huyền thoại, cảm giác Achilles của bạn chẳng khác gì một đơn vị thường thực sự là vô cùng mất hứng, anh hùng cái quái gì mà lao vào đám lính thường mà còn bị đập cho gần chết.
Có thể nhiều người nói đâu phải game nào cũng là Tam Quốc, nhưng nếu đã đọc sử thi Iliad thì cũng biết rằng Achilles còn bá gấp 100 lần Lữ Bố cơ nhưng mà trong game thì anh ấy yếu như một con sên đúng nghĩa đen. Một điều nữa là tôi cảm thấy Total War Saga: Troy quảng cáo chém gió kinh khủng, lúc đầu thì nhà phát hành bảo rằng người chơi sẽ có cơ hội điều khiển các đơn vị quân trong thần thoại như Minotaur, Centaur, Cyclops… các kiểu, nhưng khi vào game bạn mới thấy chúng “mạnh” cỡ nào.
Được xếp hạng vào loại super unit và có hẳn một khung riêng, nhưng đám lính này thực tế không phải sinh vật thần thoại gì mà chỉ là người bình thường đang chơi cosplay ở thời kì đồ Đồng. Centaur là một đám kị binh bắn cung có tên “Centaur”, Harpy là mấy con mụ già mặc áo đen ném lao và kinh điển nhất phải kể đến Minotaur tức Nhân Ngưu – Oh yeah nó là một anh trai cơ bắp tập Gym cao to như The Rock mặc đồ đầu bò... nếu cái này không phải lừa đảo thì tôi cũng không biết gọi là cái gì nữa.
Tướng trong Total War Saga: Troy đã yếu rồi thì còn chớ mà bọn họ còn không được mặc định cưỡi xe ngựa hay ngựa như các bản trước, cảnh tượng Achilles hùng mạnh cầm giáo chạy "hai cẳng" đuổi theo đám lính cung và bị chúng nó rỉa máu thực sự vô cùng lố bịch. À thì về sau game cũng cho bạn được cưỡi chiến xa Chariot với một thằng nô tài dắt ngựa đấy, nhưng tôi thực sự hoài nghi mắt thẩm mỹ của mấy ông nội thiết kết vì “chiến xa” trông không khác gì mấy cái xe bò chở rơm, hoàn toàn phá nát óc tưởng tượng của game thủ về một thứ xe tăng thời cổ đại với song mã càn quét tứ phương.
Và như đã nói Total War Saga: Troy giống Rome rất nhiều, từ các loại lính, đội hình và cách đánh. Thế nên không có gì lạ khi kị binh trong game rất ít và yếu trong khi đó lính giáo chiếm vai trò chủ đạo, vẫn là cái trò cũ dàn ngang bộ binh đi trước rồi tới cung tà tà theo sau. Tướng thì vừa yếu vừa chậm, chưa kể bây giờ dùng kỹ năng giống kiểu hỗ trợ cho có là nhiều, vì bạn phải chờ anh hùng đập nhau để lên điểm Rage trước rồi mới muốn làm gì thì làm.
Các loại điểm nâng cấp và xây dựng của Total War Saga: Troy gần như y chang Three Kingdoms, chẳng qua đổi tên một chút như bảng Reform thì thành Royal Decrees (phe Troy). Các loại tài nguyên thì có đa dạng hơn một chút khi chia thành Lương thực (xây nhà, trả lương), Gỗ (xây nhà), Đồng (vũ khí) và Vàng… nhưng mà căn bản chỉ là màu mè một chút theo chứ không có gì đặc biệt.
Cuối cùng nếu ai kì vọng vào các trận đánh nổi tiếng trong sử thi như màn Achilles chọc tiết Hector, cảnh Ares hạ phàm gầm lên một tiếng cả vạn lính hai bên tè ra quần hay Athena phù hộ cho một tên người phàm đập què tay anh mình... thì tất cả đều không xuất hiện bởi chúc phúc của thần thánh chỉ đơn giản là tăng chỉ số. Nhìn chung thì Total War Saga: Troy cũng là một game hay nhưng kém khá xa các game trước đây nhưng chúng ta nên cám ơn Epic Games vì đã miễn phí nó để game thủ đỡ phải tốn tiền ấy chứ.