Phụ Lục
The Last of Us Part 2 quả thật là một dự án gặp quá nhiều sóng gió của Naughty Dog. Trò chơi gặp nhiều áp lực từ thành công quá lớn của The Last of Us phần đầu tiên, nội bộ hãng phát triển gặp nhiều vấn đề khiến quá trình làm game bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến việc phát hành game của nhà Chó Hư cũng không được như ý muốn, họ buộc phải hoãn lại lịch phát hành để chờ đợi tiến triển của đại dịch.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải toàn bộ những gì mà The Last of Us Part 2 và Naughty Dog gặp phải. Gần kề ngày phát hành, một cuộc khủng hoảng lớn đã bao trùm lên toàn bộ công ty.
Vài ngày qua, thị trường game đã dậy sóng bởi nội dung của The Last of Us Part 2 – một trong những tựa game được mong chờ nhất hiện nay – bị leak ra gần như toàn bộ. Nội dung bị rò rỉ trên mạng bao gồm rất nhiều đoạn video cốt truyện, gameplay đã hoàn thành, kèm theo đó là những chi tiết về những plot twist (nút thắt) quan trọng trong cốt truyện chính. Nhiều nguồn tin cho rằng đây là hành động của chính những người đã từng làm việc trong Naughty Dog, do quá bất mãn với chế độ đãi ngộ và áp lực công việc trong nhiều năm.
Mặc dù Sony và Naughty Dog đã nhanh chóng xóa bỏ toàn bộ các bản leak ra nhưng vẫn không kịp, một số game thủ đã kịp tải video về và đưa lên các kênh video "giang hồ" nằm ngoài tầm với của hãng. Cộng đồng game thủ trên khắp thế giới đã bàn tán xôn xao trên khắp các diễn đàn lớn nhỏ về video game.
Chính Naughty Dog cũng lên tiếng, tỏ thái độ bức xúc với những “kẻ phá hoại” này. Ban đầu, họ chưa xác định được ngày phát hành mới bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 sẽ khiến các bản game không thể được phát hành cùng lúc cho tất cả mọi người, dẫn tới nạn spoil game sẽ tràn lan. Tuy nhiên, sau sự cố khủng hoảng vừa rồi, công ty đã quyết định ấn định luôn ngày phát hành của The Last of Us Part 2 là vào 19 tháng 6 năm 2020.
Từ xưa tới nay, việc một trò chơi bị leak nội dung ra ngoài không phải là mới. Tôi sẽ không nói về những nội dung bị rò rỉ bởi thực sự, đây là một hành động phá hoại đáng bị lên án và bài trừ khỏi thị trường. Tôi chỉ nói được rằng những nội dung chính của The Last of Us đang khiến người hâm mộ cảm thấy vô cùng thất vọng. Nếu như họ từng xuýt xoa về phần đầu tiên ra sao thì phần thứ hai này vừa gây tranh cãi, vừa khiến nhiều người hâm mộ mất niềm tin vào Naughty Dog.
Quả thật, sau thành công to lớn từ phần đầu, quá trình phát triển The Last of Us Part 2 gặp nhiều sóng gió hơn, bị soi mói nhiều hơn. Bản thân nội bộ Naughty Dog cũng gặp nhiều vấn đề hơn.
Việc game bị leak không mới, nhưng phần đông cộng đồng game thủ lại…ủng hộ hành động này của kẻ phá hoại. Từ những nội dung bị lộ ra bên ngoài, những game thủ này đã tự nghĩ ra hàng trăm lý do để chửi bới Naughty Dog cũng như The Last of Us Part 2, dù cho game còn chưa ra mắt. Nếu bạn đọc dạo quanh các diễn đàn bàn luận về trò chơi này sẽ thấy đa số các ý kiến chửi rủa có, nếu rõ quan điểm cá nhân và phân tích có nhưng phê phán người leak ra thì lại rất ít.
Tại sao The Last of Us Part 2 lại bị ghét tới vậy? Thực chất ngay từ phần đầu tiên, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh thành công to lớn của Naughty Dog và The Last of Us. Tới phần thứ 2, khi biết nội dung game xoay quanh Ellie cùng câu chuyện tình yêu đồng tính của cô nàng (cái này đã có trong trailer chính thức), cộng đồng game thủ lại càng thấy ghét trò chơi hơn. Các vấn đề về nữ quyền, tình yêu đồng giới vốn gây tranh cãi rất nhiều trong ngành công nghiệp game. Ở thời điểm khi chỉ có một vài hãng dám đưa các yếu tố đó vào game, chẳng một ai để ý và chửi bới. Nhưng khi hãng game nào cũng đua nhau làm về nữ quyền, điều đó tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Hầu hết những ý kiến phản đối đều cho rằng việc quá lạm dụng nữ quyền hay LGBT sẽ khiến nội dung trò chơi bị mất chất.
Naughty Dog cũng nói rằng trong The Last of Us Part 2, họ sẽ lồng ghép vào nhiều hơn các yếu tố xã hội, triết lý cuộc sống. Điều này khiến các game thủ nghĩ rằng dường như video game đang đi quá xa so với định nghĩa “một loại hình giải trí”. Lúc này, triết lý làm game của Naughty Dog lại được mang ra so sánh với Nintendo – một hãng chuyên làm game chú trọng phần giải trí.
Trong cộng đồng game thủ, không phải tất cả mọi người đều hả hê khi The Last of Us Part 2 bị rò rỉ. Vẫn còn đó rất nhiều người đang thực sự mong chờ trò chơi này và muốn tận tay trải nghiệm nó, họ không hề muốn đọc những đoạn nội dung bị leak ra. Nhưng có những người ngược lại, họ sẵn sàng download các đoạn bị rò rỉ ra, rồi sau đó đi comment ép hoặc "gài bẫy" những người khác cũng phải xem và nói rằng “Tao vừa cứu mày khỏi việc tốn 60 USD đó”. Điều này đi ngược hoàn toàn với việc chơi một video game theo cách đúng đắn và tôn trọng trải nghiệm của người khác, nó khiến người ta nhớ lại những hành động thiếu ý thức của các fan spoiler khi phim Avengers: Endgame ra mắt.
Trải nghiệm của mỗi người không giống nhau, có người thấy dở thì cũng sẽ có người thấy hay. Nếu bạn thấy game đó dở, không đáng bỏ tiền ra mua, không thích hợp với khẩu vị của bạn, chẳng ai ép bạn phải mua cả. Ngay cả việc làm game để giải trí hay làm game để truyền tải những triết lý cuộc sống sâu xa thì cũng là việc của các hãng phát triển, và họ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về kế hoạch của họ thông qua việc game bán chạy hay không. Bạn có thể xem spoil, bạn có thể chửi game nhưng không có nghĩa là những người khác cũng sẽ như vậy.
Còn chưa kể spoil một sản phẩm trước khi được công bố là một hành động phạm pháp, xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp. Chắc chắn khi "kẻ phá hoại" được xác định, hắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải chịu án phạt cũng như bồi thường thiệt hại cho đơn vị sở hữu trí tuệ, ở đây là Naughty Dog.
Video game hay điện ảnh đều là những loại hình giải trí mà những người làm trong ngành luôn đau đầu tìm cách đối phó với nạn spoil. Tuy nhiên, khác với điện ảnh, cảm nhận về một tựa game phải do chính tay game thủ trải nghiệm trong toàn bộ thời lượng vài chục tiếng. Một trò chơi có rất nhiều yếu tố mà bạn không bao giờ cảm nhận được nếu chỉ xem video hay đọc nội dung cốt truyện. "Chơi bằng youtube" là một meme phổ biến, nhưng bản thân ý nghĩa của nó cũng ngầm chỉ sự thiếu hụt trải nghiệm thật nên mới phải đi xem video spoil lại của game thủ, một kiểu đói quá thì phải ăn tạm.
Vậy nên nếu bạn có trót lỡ nhấn vào các link spoil The Last of Us Part 2 hay bị một gã nào đó quấy rối trên diễn đàn cộng đồng, tôi tin trải nghiệm của bạn khi chơi game thực tế vẫn sẽ còn trong tầm cứu được. Một đoạn spoil vài phút không thể quyết định được chất lượng của một trò chơi có thời lượng tận vài chục tiếng. Nhưng không vì thế mà bạn có thể nhấn vào xem những nội dung bị leak, bởi vì càng xem nhiều bạn sẽ càng bị phá trải nghiệm nhiều hơn, các đoạn nút thắt bất ngờ sẽ nhạt đi nhiều.
Dẫu sao, chúng ta đã mất tới 7 năm chờ đợi The Last of Us Part 2. Đây vẫn có thể là một trò chơi xứng đáng để chúng ta bỏ ra 60 USD hay đầu tư một chiếc PlayStation 4 về để trải nghiệm. Quá trình phát triển của hãng game có thể gặp nhiều trắc trở, nhưng đối với một game thủ thì thành quả cuối cùng mới đáng để quan tâm.