Nói tới những game bom tấn lấy đề tài thế giới mở trong năm 2018 thì thực sự quá nhiều, chỉ cần kể ra những cái tên nổi bật nhất thôi cũng đã là cả tá, thí dụ như: Yakuza 6: The Song of Life, Assassin’s Creed Odyssey, Red Dead Redemption 2 hay Spider-Man… còn nếu tính xa hơn thì ngay cả God of War cũng có hơi hướng theo kiểu thế giới mở.
Theo xu hướng hiện tại thì những game lấy đề tài thế giới mở ngày càng nhiều, đến mức gần như thành một thể loại bắt buộc nếu bạn muốn tựa game của mình trở nên khổng lồ và thu hút game thủ. Nó làm cho mọi thứ to lớn hơn một cách nhanh chóng, dỡ bỏ đi rào cản trong tư duy của các nhà phát hành game, cũng như khiến người chơi có nhiều lựa chọn và sự tự do để trải nghiệm. Nhưng không phải lúc nào thế giới mở cũng tốt, đôi khi có nhiều tựa game không hề cần đến sự rộng lớn này chút nào.
Thế giới mở về cơ bản là sự tự do, tức là cho phép người chơi muốn làm cái gì thì làm, kể cả việc thay đổi tiến trình cốt truyện hay kết thúc theo ý riêng của mình. Về điểm này thì những game như Red Dead Redemption 2 hay Spider-Man đều chỉ mới đạt phân nửa mệnh đề, khi chúng đều có rất nhiều bí mật cho game thủ tìm hiểu, các sự kiện ngẫu nhiên diễn ra liên tục và đồ họa tuyệt đỉnh theo góc nhìn rộng từ trên xuống… nhưng đến cuối cả hai đều có cốt truyện tuyến tính 100%, không cho lựa chọn kết thúc và trên cơ bản vẫn chưa thể coi là thế giới mở hoàn toàn được.
Tất nhiên chúng ta không thể quá khắt khe trong vấn đề này, khi mà khái niệm thế giới mở càng ngày càng rộng hơn, nó đơn giản giống như một cách để quảng cáo cho tựa game của các nhà phát hành mà thôi. Chúng ta có thể lấy ví dụ là Middle-earth: Shadow of War vừa ra mắt cuối năm ngoái, khi nó được giới thiệu là tái hiện thế giới Chúa nhẫn rộng lớn nhưng đến cuối cùng thì chỉ là vài cái map được đổi skin qua lại, không có NPC để tương tác và chẳng có gì gọi là bí mật hết.
Một ví dụ khác cho việc lạm dụng thế giới mở là Assassin’s Creed Odyssey, thực ra Ubisoft thử xoay chuyển seri của họ theo một hướng tiếp cận mới từ nhiều năm trước. Việc đưa dòng Assassin’s Creed vào một thế giới khổng lồ đã nhận đủ các lời khen chê khác nhau, khi các game thủ gạo cội cho rằng nó làm mất đi chất sát thủ của game và biến nó thành một dạng hành động “không não” như kiểu những game chặt chém thông thường.
Nhìn vào đánh giá cũng như doanh số của Assassin’s Creed Odyssey thì có thể thấy Ubisoft đã đi đúng hướng, khi mà tính tới giờ đây vẫn là tựa game vô cùng thành công trong năm 2018. Điều thấy rõ ràng nhất là với bối cảnh mới tại Hy Lạp, cộng thêm nhân vật chính là dòng dõi chiến binh chứ không phải sát thủ đã làm nhiều người bảo nên đổi tên là Warrior’s Creed thì đúng hơn. Việc đưa đề tài lén lút + thế giới mở là một sự kết hợp khá tệ vì nhiều nhẽ, trong đó lớn nhất là việc có quá nhiều kẻ thù. Nếu như bình thường bạn sẽ phải tính toán qua từng cảnh một để làm sao ám sát mục tiêu êm thấm nhất, thì nay với bản độ rộng mênh mông và việc luyện cấp được đề cao, cách tốt nhất là cứ… cầm vũ khí vào mà đồ sát hết cho nhanh.
Thực tế thì Assassin’s Creed Odyssey cũng giống như vậy, ám sát trong cái game này khá vớ vẩn và hầu hết mọi người đều cầm hàng vào doanh trại lính mà quẩy như Devil May Cry chứ chả có chút lén lút gì cả, đám trùm bí mật cũng là minh chứng rõ ràng cho việc đây là game hành động (không được quyền ám sát bọn này luôn). Cuối cùng thì thế giới mở đã làm mất chất vô cùng nhiều cái seri này, không biết là trong tương lai Assassin’s Creed sẽ còn phát triển “lệch đường” tới đâu nữa nếu cứ đi theo con đường hiện tại.
God of War cũng là một nạn nhân của việc lạm dụng thế giới mở không cần thiết, như Mọt Game đã nói ở các bài đánh giá khi game vừa ra, God of War mới này đi theo phong cách “thế giới mở một nửa” – tức là cho người chơi tự do di chuyển nhưng có giới hạn theo cốt truyện, trái ngược hoàn toàn kiểu đi cảnh một lèo của seri cũ. Cải tiến này khiến God of War đi theo đúng như mục tiêu mà Sony đề ra, đó là giúp game thủ trải nghiệm cốt truyện nhiều hơn với các đoạn hội thoại trên đường đi của cha con Kratos – nó thực sự là rất tốt.
Nhưng điểm bất lợi của kiểu chơi thế giới mở một nửa này nằm ở khâu nhất quán, nếu như các bản God of War cũ mọi người luôn trải nghiệm các trận đánh trùm hoành tráng, thì bản mới này lại không được như vậy. Trong God of War mới thiếu đi những trận tay đôi gay cấn liên tục, xuyên suốt cả game theo cốt truyện chính thì chỉ có mỗi một trận quẩy với hai anh em Magni và Modi là có lực một chút. Còn đâu thì số còn lại hầu hết là đi theo tiến trình hoặc chỉ dẫn của cốt truyện, phải đến tận cuối game thì chúng ta mới được đụng mặt đám xịn hơn là các nữ thần Valkyries.
Nguyên nhân cho điều này vì thế giới mở đã vô tình kéo dài thời gian chơi của God of War ra, qua đó khiến những trận đấu boss phải được tính toán làm sao cho người chơi còn có cái để khám phá vào cuối game (Valkyries). Theo cá nhân người viết thì nó không đã tay như các phần trước, hoặc vốn với một game thuần tuyến tính như God of War thì việc cho yếu tố thế giới mở vào cũng chả cần thiết cho lắm.
Không phủ nhận thế giới mở vẫn luôn là chất xúc tác quan trọng của làng game, nhưng việc lạm dụng nó mọi lúc mọi nơi và các nhà phát hành cứ cố tình nhét chúng vào sản phẩm của họ thì không tốt chút nào. Nếu bạn không để ý thì các tựa game nhập vai dạng tuyến tính đang ngày càng ít dần đi, nó rõ ràng chả phải dấu hiệu tốt đẹp gì đâu.