Vào cuối thế hệ máy chơi game trước, giới game thủ dường như bắt đầu chán nản với các trò chơi tuyến tính (ngoại trừ một vài trò chơi đỉnh cao như Uncharted hay The Last of Us). Đó là thời điểm mà các hãng game nhận ra mình phải làm cho thế giới rộng lớn và tự do hơn. Sang tới thế hệ PS4/Xbox One, hầu hết các trò chơi đều chuyển mình sang yếu tố thế giới mở. Ngay cả các series vốn tuyến tính cũng phải thay đổi sao cho người chơi được tự do khám phá hơn.
Tuy nhiên, việc hầu hết các trò chơi chuyển mình sang thế giới mở cũng đã bắt đầu khiến các game thủ cảm thấy có phần ngán ngẩm và mệt mỏi. Đây cũng là lúc tôi tự hỏi liệu sang tới thế hệ console tiếp theo, ngành game sẽ lại chuyển mình sang thể loại nào khác. Sau một hồi suy nghĩ, tôi nhận ra có lẽ thế giới mở vẫn là đích đến cho nhiều hãng game muốn hoàn thiện hơn sản phẩm của mình.
Có rất nhiều lý do cho điều này. Lý do đầu tiên và cũng là dễ thấy nhất, game có yếu tố thế giới mở là một trong những thể loại được game thủ đón nhận nhiều nhất, được hoan nghênh nhất. Trên Metacritic, 3 trong số 4 trò chơi có điểm đánh giá cao nhất của thế hệ này đều là các game thế giới mở. Từ đó, doanh thu của các game thế giới mở cũng khá khẩm hơn nhiều so với các trò chơi tuyến tính.
Tôi có thể lấy một vài ví dụ như Grand Theft Auto V trở thành một trong những game có doanh thu cao nhất mọi thời đại, khiến bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng phải thèm muốn. The Witcher 3 trở thành game hay nhất của năm một cách xứng đáng. Breath of the Wild là game Zelda bán chạy nhất. Assassin’s Creed Odyssey là phần thành công nhất của cả series (dù đối với tôi những âm hưởng của Assassin’s Creed II là không bao giờ có thể quên được).
Đến với lý do tiếp theo, thông thường, các tựa game AAA không phải do các hãng nổi tiếng nhất phát triển thường được bán ra rất nhiều nhưng đều không để lại những dấu ấn lâu dài. Tất cả chúng đều sẽ trôi vào quên lãng chỉ sau một thời gian ngắn. Chính yếu tố thế giới mở là thứ giúp các trò chơi có giá trị chơi lại cao, từ đó danh tiếng của các hãng phát triển cũng sẽ được nhiều người biết đến hơn về sau.
Bản chất của game thế giới mở là cho phép game thủ được tự do khám phá, tự mình tạo ra vô vàn kịch bản khác nhau mà không gây nhàm chán. Bạn không thể chắc chắn rằng mình có thể tìm hiểu hết mọi thứ trong game thế giới mở chỉ sau một lần trải nghiệm. Kể cả sau hàng trăm giờ chơi, tôi cam đoan rằng vẫn còn đó rất nhiều thứ đang chờ người chơi khám phá.
Tất cả những điều này đều chứng minh rằng ngay cả khi người hâm mộ có phàn nàn rằng yếu tố open world đang quá bị lạm dụng khiến nhiều thương hiệu biến chất, họ vẫn sẽ ủng hộ hơn hẳn so với các trò chơi tuyến tính. Vậy nên sang tới thế hệ console tiếp theo, với một cấu hình phần cứng khủng cho phép nhiều hãng có thể đưa các trò chơi vượt xa hơn so với thế hệ trước, không có lý do gì để game thế giới mở lại phải nhường chỗ cho thể loại khác cả.
Tôi có thể khẳng định rằng game thế giới mở chính là cái đích đến cuối cùng, là mục tiêu của các nhà phát triển ngay từ khi thế giới bắt đầu biết đến trò chơi điện tử. Toàn bộ ý tưởng của trò chơi điện tử ban đầu là đưa người chơi nhập tâm hoàn toàn vào một thế giới, nơi cho phép họ được tự do làm bất cứ những điều mình thích và tương tác với thế giới đó theo một cách chân thực.
Do các thời kỳ trước công nghệ làm game bị hạn chế nên bạn sẽ thấy hầu hết các nhà phát triển chỉ làm game tuyến tính hay một số trò chơi có yếu tố open world nửa vời. Thực chất, bất cứ ai hoạt động trong ngành này cũng đều muốn bạn được sống tự do trong thế giới game mà họ tạo ra. Họ muốn bạn phải cảm thấy thế giới trong game là vô tận và bạn có thể tương tác với bất cứ ai, ở bất cứ địa điểm nào.
Tạo ra một trò chơi thế giới mở không phải công việc đơn giản, nó đòi hỏi phải có sự nỗ lực và phối hợp tốt ở rất nhiều các yếu tố. Ngay cả những game không phải thuần open world, mà chỉ đưa vào một chút yếu tố mở, cũng đã khiến lượng công việc tăng lên bội phần rồi. Nguyên nhân bởi trong một môi trường mở, các nhà phát triển phải tính toán tới số lượng biến có thể xảy ra, rồi sau đó tính tiếp tới sự hoán vị hay kết hợp của các biến đó. Đó thực sự là một khối lượng công việc nhiều tới mức kinh khủng.
Dĩ nhiên, bất cứ điều gì cũng đều có 2 mặt. Nếu các nhà phát triển không làm tốt thì kết quả sẽ chỉ cho ra một trò chơi open world tệ hại, phá hỏng trải nghiệm của game thủ. Tồi tệ hơn, một trò chơi thế giới mở chất lượng kém sẽ đạp đổ đi sự thành công của cả một series game đã phải mất nhiều năm gây dựng. Tôi thực sự đồng cảm với những ai cảm thấy ghét game mình yêu thích bị biến tướng thành open world theo cách rất nửa mùa.
Tuy nhiên, dù ghét hay không thì bạn cũng không thể phủ nhận rằng ở thế hệ sắp tới, trò chơi thế giới mở vẫn sẽ tiếp tục được các hãng phát triển hướng tới và hoàn thiện hơn so với các thế hệ trước. Tôi có thể khẳng định rằng không một thể loại nào đủ sức để khiến thế giới mở phải lui xuống cả. Trải qua bao nhiêu năm phát triển, open world chính là đích đến của các nhà làm game ở hiện tại và cả tương lai.