Nếu các bạn không nhớ thì The Bridge Curse 2: The Extrication hay “Nữ Quỷ Kiều 2: Thích Hồn Lộ” là một tựa game kinh dị do ông hoàng tiên hiệp SOFTSTAR ENTERTAINMENT hứa hẹn phát hành vào mùa đông năm nay, tiếp nối phần game The Bridge Curse: Road to Salvation nổi tiếng năm 2022.
Thông qua trailer, demo, cũng như giới thiệu từ phía nhà sản xuất, ta biết rằng câu chuyện trong The Bridge Curse 2 kể về chuyến trình một cô gái phóng viên tên Liên Thư Vũ nhận được lá thư bí ẩn của nữ sinh Hoàng Đình Đình mất tích từ 16 năm trước gửi đến, nên đã quyết định đặt chân đến tòa nhà Đại Nhẫn, nằm trong khuôn viên trường đại học Văn Hoa, khám phá bí ẩn.
Tại nơi này, Thư Vũ đã chạm trán ông chú bảo vệ ca đêm Hoàng Trung Dũng, được ông ta đưa đi tham quan một vòng khuôn viên trường và kể lại những chuyện kì lạ từng xảy ra trong đại học Văn Hoa. Đặc biệt nhất phải kể đến việc, ngôi trường này nằm trên một mảnh đất nối liền hai cõi âm dương, trong quá trình thi công, vì sơ xuất nên bản thiết kế đã bị đảo ngược, biến tòa nhà Đại Nhẫn trong khuôn viên trường thành nơi chuyên giam giữ linh hồn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, Thư Vũ đã được bảo vệ Hoàng dặn phải rời khỏi nơi này trước khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Tuy nhiên, vì quá tò mò, cô nàng phóng viên đã quyết định nán lại rồi bị kéo vào thế giới linh hồn, nơi cô bị truy đuổi bởi một hồn ma nữ sinh sắp lìa đầu, và bảo vệ Hoàng trong một hình dạng cực kỳ gớm ghiếc.
Cơ bản thì đó là tất cả những gì đã được hé lộ trong phần demo. Ban đầu, khi trải nghiệm bản demo, ai cũng nghĩ cốt truyện của Nữ Quỷ Kiều 2 được viết mới hoàn toàn chứ không dựa trên phim hay sự kiện có thật giống với phần 1, nhưng có vẻ như chúng ta đã lầm.
Nếu phần 1 của “Cây cầu ma nữ” được làm dựa trên bộ phim kinh dị Đài Loan cùng tên, ra mắt vào năm 2020 của đạo diễn Hề Nhạc Long, thì phần 2 của tựa game lại được dựa trên bộ phim “Cầu Hồn” cùng đạo diễn, vừa ra mắt vào cuối tháng 11.
Nên, nói theo mặt nào đó, nếu bạn đã ra rạp xem “Cầu Hồn”, thì có lẽ bạn sẽ biết hết những tình tiết trong Nữ Quỷ Kiều 2: Thích Hồn Lộ, vì đọc giới thiệu mọi thứ gần như chẳng khác gì nhau. Còn nếu bạn chưa xem thì hãy để Mọt tôi xâu chuỗi lại câu chuyện cho bạn biết nhé… cảnh báo spoiler lần nữa, phần sau của video sẽ tiết lộ khá nhiều tình tiết phim, nếu không thích thì tốt nhất bạn nên dừng lại tại đây.
Cầu Hồn hay The Bridge Curse: Ritual xoay quanh câu chuyện về một truyền thuyết đô thị tồn tại trong trường đại học Văn Hoa. Chuyện kể rằng, đại học Văn Hoa vốn được xây dựng trên ranh giới nối liền hai cõi âm dương nên thường xuyên bị ma quỷ quấy phá.
Vì để hóa giải cục diện đó, hiệu trưởng đã mời một kiến trúc sư giỏi phong thủy về, lên kế hoạch xây dựng tòa nhà Đại Nhẫn, tên là “Đại Nhẫn Quán” theo hình bát quái. Tòa nhà Đại Nhẫn được thi công với hy vọng có thể trấn áp cô hồn dã quỷ, trả lại bình yên cho ngôi trường. Nhưng chẳng hiểu vì sao, kiến trúc sư lại đổi bản thiết kế thành hình bát quái ngược, kết quả tòa nhà Địa Nhẫn vốn để trừ tà, lại trở thành nơi chuyên giam giữ những linh hồn vất vưởng bên trong trường đại học Văn Hoa.
Nhiều năm trôi qua, chuyện truyền miệng về những hiện tượng tâm linh xuất hiện trong tòa nhà này mỗi lúc một nhiều. Tiêu biểu phải kể đến chiếc thang máy đi xuống âm phủ, nữ quỷ múa bale trong phòng dạy nhạc, tiếng hát bí ẩn trên hành lang vào buổi đêm… Nhưng chưa một ai có thể hóa giải lời nguyền, giải phóng những hồn ma ở nơi này.
Câu chuyện trong phim bắt đầu trở nên cao trào khi một nữ sinh tên Liên Dụ Đình kêu gọi những người bạn cùng nhau hoàn thành một tựa game thực tế ảo dựa trên những truyền thuyết ở nơi này. Ba năm trước, anh trai của Dụ Đình - Liên Khải đã hôn mê bất tỉnh tại thang máy của trường, đến giờ vẫn chưa tỉnh, và tựa game mà nhóm Dụ Đình muốn hoàn thành chính là tâm huyết cả đời của người anh.
Ban đầu mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào những bước cuối cùng để hoàn thành trò chơi, nhóm Dụ Đình bắt đầu gặp phải các hiện tượng tâm linh kỳ lạ, rồi vô tình phát hiện nguyên nhân khiến Liên Khải bất tỉnh vào 3 năm trước…
Đến đây, hẳn các bạn đã thấy những điểm tương đồng so với cốt truyện trong game rồi đúng không? Theo thông tin tôi tìm được, ngoài Liên Dụ Đình thì bộ phim còn có sự góp mặt của bốn cái tên quen thuộc khác là Tâm Kiều, Bách Nhữ, Đức Toàn và Liên Thư Vũ. Trong đó, ngoài Thư Vũ ra thì 3 cái tên còn lại đều là những nhân vật đã xuất hiện trong công cuộc khám phá lời nguyền của cây cầu ma nữ ở phần 1.
Đáng nói là, theo true ending của phần 1 thì Tâm Kiều và Bách Nhữ đều đã về chầu ông bà, chỉ còn Đức Toàn sống sót, quay về thế giới thật. Vậy tại sao họ lại xuất hiện trong phần 2 này?
Về Tâm Kiều và Bách Nhữ thì lý do cả hai người này lại đột nhiên “đội mồ sống dậy” trong phần 2 này không sâu xa lắm đâu, nhưng để tránh spoil hết mức có thể thì tôi khuyến khích bạn nên ra rạp xem phim để biết lí do tại sao nhé.
Còn về phần Đức Toàn, ngay từ trailer, ta đã biết anh chàng nằm sắm vai một anh bảo vệ điển trai trong phần 2. Ban đầu, Đức Toàn vốn là sinh viên của câu lạc bộ phim ảnh trường đại học Đông Hồ, đối thủ của đại học Văn Hoa.
Vào thời điểm sự kiện trong phần game “Cây cầu ma nữ 1” xảy ra, những người bạn của Đức Toàn đều đã qua đời, chỉ còn một mình anh ta sống sót. Để bảo toàn tính mạng, Đức Toàn đã thỏa thuận với ma nữ rằng, vào ngày 29 tháng 2, cách 4 năm một lần, anh ta sẽ dẫn người đến hiến tế cho ma nữ. Cũng vì thỏa thuận đó mà Đức Toàn có khả năng tạo ra một vòng lặp thời gian mà ta thấy trong phần game đầu tiên.
Còn trong phim Cầu Hồn, ta biết rằng mọi thứ sẽ xảy ra sau “Cây cầu ma nữ 1”. Đức Toàn vì sợ hãi với những gì mình đã gây ra nên đã đến trường đại học Văn Hoa làm bảo vệ với hy vọng kiến trúc bát quái ngược của ngôi trường có thể bảo vệ tính mạng của mình, đương nhiên, đó không phải là tất cả, nhưng tôi sẽ không đề cập trong video này để tránh spoil quá nhiều.
Theo truyền thống của phần 1, tôi nghĩ phần 2 của game sẽ không khác quá nhiều với phim gốc. Nên về cơ bản, sau khi Liên Thư Vũ bị ma nữ và chú bảo vệ Hoàng rượt chạy trong bản demo thì khả năng cao, cô nàng sẽ gặp lại Đức Toàn, sau đó là mở ra thêm những bí ẩn khác về tòa nhà Đại Nhẫn.
Đến đây, chắc có bạn sẽ cảm thấy khó hiểu vì dòng thời gian bị loạn đúng không? Theo những gì ta từng trải nghiệm trong phần 1 thì dòng thời gian rơi vào khoản năm 2016 - 2020, nhưng trong phần 2, ta lại thấy nữ phóng viên Liên Thư Vũ đặt chân đến trường Văn Hoa vào năm 2016. Nếu đúng thì ở thời điểm này, Đức Toàn vẫn còn là sinh viên trường Đông Hồ, vậy làm cách nào anh ta có thể xuất hiện với tư cách bảo vệ trong phần game này?
Thật ra thì… sau phần 1, tôi nghĩ chúng ta không nên suy nghĩ quá nhiều về logic thời gian trong game, bởi vì truyền thống của The Bridge Curse là vòng lặp thời gian và dòng thời gian hỗn loạn, thêm nữa là Đức Toàn cũng có năng lực tạo vòng lặp thời gian, nên việc anh ta ở mấy chục năm sau có đặt chân đến năm 2016 thì cũng không khó hiểu lắm. Mà đơn giản nghĩ đơn giản hơn thì, biết đâu anh ta xin làm thêm bảo vệ ca đêm cũng nên? Ai mà biết được, đúng không nào~
Trước mắt, tôi sẽ chỉ tiết lộ cho bạn là vị kiến trúc sư có liên quan đến việc tòa nhà Đại Nhẫn bị xây thành hình bát quái ngược. Trong trailer phim, có cảnh bảo vệ Hoàng nối dây tơ hồng với một cô gái, cũng có cảnh ông ta quằn quại trên đất, và cuối bản demo, bạn sẽ thấy cảnh ông ta lao vào thang máy, nên đúng như bạn nghĩ đấy, ông bảo vệ vui tính mà chúng ta biết thật ra là một hồn ma trong tòa nhà này.
Ngoài ra, phần game này ta sẽ được trải nghiệm cảm giác game trong game, và phải đối mặt với hồn ma vừa trong trò chơi do nhóm của Liên Dụ Đình tạo ra, vừa phải vật lộn với sự tấn công của các thực thể bí ẩn ngoài đời thật.
Mọi chuyện tiếp theo như thế nào, tôi nghĩ mình sẽ không nói thêm nữa, vì những bạn xem phim chắc cũng đoán được hết các tình tiết trong game rồi, còn những bạn chưa xem phim thì giờ nói ra hết lại mất hay. Nên thôi, tiếp theo, hãy cùng đến với phần mà các bạn mong chờ nhất, câu chuyện ma được lấy cảm hứng tạo nên tựa game The Bridge Curse 2 nhé.
Giống với phần 1 lấy cảm hứng từ câu chuyện kinh dị “Cây cầu ma ám” ở đại học Đông Hải, quận Tây Đồn, phần 2 đã được nhiều người xác nhận là lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Thang máy bị ma ám” của trường đại học Văn Hóa Trung Quốc. nằm ở quận Sĩ Lâm, Đài Bắc.
Đây là một trường tư thục được tiến sĩ Trương Kỳ Quân thành lập vào năm 1962. Đến thời điểm hiện tại, trong trường có tất cả 12 phân viện với các ngành nghề từ xã hội đến tự nhiên như ngoại ngữ, quản trị, báo chí và khoa học, chào đón hơn 20 nghìn sinh viên đến học tập mỗi năm.
Cũng giống với trường đại học X giấu tên ở nước ta, đại học Văn Hóa cũng có rất nhiều câu chuyện kinh dị được truyền qua nhiều đời học sinh. Các sinh viên ở trường mô tả, đại học Văn Hóa trông giống một ngôi miếu cho ma quỷ cư ngủ, không nơi đâu trong ngôi trường này là không có chuyện tâm linh xảy ra.
Và nơi được lấy cảm hứng là “tòa nhà Đại Nhẫn” trong “Cây cầu ma nữ 2” là “tòa nhà Đại Nhân”. Rất nhiều sinh viên chia sẻ, chỉ cần đặt chân vào tòa nhà Đại Nhân thì bạn không những được nghe rất nhiều câu chuyện kinh dị, mà có thể còn được tận mắt chứng kiến các hiện tượng tâm linh xảy ra.
Giống trong trò chơi, tòa nhà Đại Nhân ngoài đời thật cũng được đồn là nằm giữa ranh giới âm dương. Lúc xây dựng, phía nhà trường đã đích thân mời một kiến trúc sư có hiểu biết về phong thủy thiết kế xây dựng tòa nhà. Ban đầu, bản thiết kế được vẽ theo kiến trúc hình bát quái, nhưng trong quá trình xây dựng, vì nhiều vấn đề mà tòa nhà Đại Nhân lại bị xây thành hình bát quái ngược. Kết quả, sau khi được khánh thành, rất nhiều hiện tượng kỳ lạ bắt đầu xảy ra ở nơi này. Nếu bạn có dịp đặt chân đến tòa nhà này, bạn sẽ nhìn thấy một chiếc thang máy bị cấm sử dụng, đó chính là chiếc thang máy được những sinh viên trong trường đồn là bị ma ám.
Nhiều sinh viên kể rằng, lúc mới khánh thành tòa nhà, các giảng viên và quan chức chính phủ có tổ chức một buổi gặp mặt và chụp hình kỉ niệm ở đây. Lúc chụp hình chỉ có khoảng 20 người, nhưng sau khi rửa hình, số người trong ảnh lại tăng lên thành 50 người. Đến đây thì hãy nhớ lại bức tranh chụp khánh thành ở phòng truyền thống trong game, bạn sẽ nhận ra, nó được lấy cảm hứng từ câu chuyện này.
Đặc biệt, tòa nhà Đại Nhân này chỉ có 3 cánh cửa nhỏ để sinh viên ra vào chứ không có cửa lớn. Thật ra, lúc trước tòa nhà này có một cánh cửa lớn, nhưng giờ đã bị khóa. Lí do là vì lúc trước, có nhiều sinh viên kể rằng, khi mùa đông đến, trước cửa lớn của tòa nhà Đại Nhân sẽ có rất nhiều sương mù. Các sinh viên kể lại, mỗi khi bước ra vào cửa lớn ở thời điểm này, họ sẽ thấy mình lạc trong một không gian khác chứ không phải tòa nhà Đại Nhân, đi mãi đi mãi vẫn không ra được, chỉ đến khi sương mù tan, mọi thứ mới về lại bình thường.
Nếu chỉ có một sinh viên gặp thì có thể xem là chuyện hoang đường, nhưng rất nhiều sinh viên đã từng trải qua sự việc tương tự. Sau khi nhận được quá nhiều đơn kiến nghị, phía trường học đã quyết định đóng cửa lớn vĩnh viễn. Vậy nên, nếu bước vào đại học Văn Hóa, bạn nhìn thấy tòa nhà nào sinh viên chỉ vào bằng cửa phụ chứ không vào bằng cửa chính thì đó chính là tòa nhà Đại Nhân.
Đặc biệt hơn, bên trong tòa nhà Đại Nhân này có một cái ao khá nông, nước chỉ cao đến đầu gối, nhưng lạ ở chỗ, rất nhiều sinh viên đã bất hạnh bỏ mạng ở cái ao này. Sinh viên trong trường nói rằng, có hai cái cầu bắc qua ao, nhìn rất giống cầu Nại Hà, lúc trước có một sinh viên chơi dại, không tin vào tâm linh nên đã thử xuống ao xem có gì đáng sợ không, kết quả lại bị một thứ gì đó kéo mạnh xuống ao, suýt thì bỏ mạng. Sau vụ việc đó, trường học đã quyết định rút cạn nước trong ao, đó cũng là lí do tại sao trong tòa nhà Đại Nhân xuất hiện một cái ao cạn.
Tiếp theo, chính là thang máy bị ma ám, trung tâm của phần game lần này. Trong tòa nhà Đại Nhân có một cái thang máy bị cấm sử dụng. Nghe kể, trước đó có một cậu sinh viên ấn thang máy từ lầu 1 lên lầu 7, bên trong thang máy chỉ có một mình cậu ta. Khi đi đến lầu 4, thang máy đột nhiên dừng lại. Sau khi cửa mở ra, cậu sinh viên đó thấy trước cửa thang máy có rất nhiều người, trong đó còn có một người bạn của cậu ta, nhưng chờ một lúc vẫn không ai bước vào.
Cậu sinh viên rất khó hiểu, nên sau đó đã hỏi bạn mình tại sao khi thang máy đến lầu 4 lại không vào? Kết quả, bạn của cậu ta nói, lúc đấy thấy trong thang máy đông quá nên không vào nữa….
Một sự kiện khác cũng kỳ lạ không kém. Một nữ sinh kể rằng có lần mình bắt thang máy đi lên lầu 7, lúc đấy trong thang máy chỉ có một mình cô ấy. Cứ mỗi lầu là thang máy lại dừng một lần, nhưng lần nào mở cửa thì cũng không thấy ai cả. Nữ sinh đó kể, khi đó cô cảm thấy rất lạ, thang máy cũng càng ngày càng nóng, đến mức cô nàng đó té xỉu. Kết quả sau đó, may mắn có người phát hiện nên cô nàng được đưa đến phòng y tế.
Sau khi có quá nhiều sinh viên phản ánh, một giảng viên đã quyết định đích thân đi kiểm tra thang máy. Ban đầu, mọi thứ vẫn rất bình thường, nhưng chuyện kỳ lạ xảy ra khi thang máy dần đi xuống. Tòa nhà Đại Nhân không có tầng hầm, nhưng thang máy đi xuống tầng 1 vẫn tiếp tục rơi tự do. Giảng viên lúc đó đã cố ấn nút khẩn cấp nhưng thang máy không có dấu hiệu dừng lại, phải một phút sau đó, cửa thang máy mới dừng rồi từ từ mở ra.
Theo lời giảng viên đó kể lại thì khi đấy, trước cửa thang máy không phải là lầu 1 mà là một khung cảnh rất âm u, tăm tối hệt như địa ngục, có một cây cầu rất giống cầu Nại Hà dẫn từ cửa thang máy ra ngoài. Sau khi cửa thang máy đóng lại lần nữa, giảng viên đấy mới trở về được tòa nhà Đại Nhân.
Phía nhà trường biết chuyện thì lập tức thông báo đóng thang máy vĩnh viễn, không cho sinh viên sử dụng nữa. Về phần giảng viên kia, nghe đồng nghiệp bảo là không lâu sau chuyện đó thì anh ta bất ngờ qua đời…
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~