Valorant, tựa game bắn súng mà Riot đang phát triển (vốn được biết đến dưới tên gọi Project A hoặc Project Ares) đã trở thành đề tài nóng trong cộng đồng game thủ Việt trong vài ngày gần đây, khi những hình ảnh đầu tiên được công bố trên internet. Đó là những hình ảnh cho thấy các nhân vật, bản đồ và gameplay của trò chơi. Dựa trên những hình ảnh này, game thủ thế giới lẫn Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra so sánh giữa Valorant với những tựa game có phần tương tự như Overwatch, CSGO hay thậm chí là Rainbow Six Siege. Đây là một điều dễ hiểu bởi Valorant tỏ ra là một game bắn súng ở góc nhìn thứ nhất như CSGO, nhưng lại có các nhân vật “hero” sở hữu những kỹ năng riêng không khác nhiều so với Overwatch hay Rainbow Six Siege.
Một trong những điều khiến Valorant bị chê bai nhiều nhất ở thời điểm hiện tại là phần hình ảnh của nó. Thật vậy – hình ảnh của Valorant thực sự không có gì ấn tượng nếu mang ra so sánh với những tựa game mà Mọt nhắc đến bên trên, thậm chí còn có phần thua kém CSGO đã 8 năm tuổi. Là một game thủ cuồng đồ họa, Mọt tui cũng thừa nhận rằng mình không có hứng thú lắm với trò chơi này khi nhìn vào những hình ảnh đầu tiên. Tuy nhiên ngay cả đồ họa xấu cũng có nhiều lợi thế riêng của nó, và Mọt sẽ giới thiệu với các bạn về những lợi thế đó trong bài viết này.
Đầu tiên, hãy giả định rằng vẻ ngoài hơi lạc hậu này được tạo ra theo đúng mong muốn của Riot. Tại sao họ lại muốn làm game xấu? Cần phải nhớ rằng LMHT của Riot thành công một phần nhờ eSports, và Valorant chắc chắn sẽ được phát triển thành một tựa game eSports mới với gameplay 5vs5 truyền thống. Điều gì tạo ra sự phổ biến cho một tựa game eSports? Chưa nói đến gameplay, điều đầu tiên mà một tựa game phổ biến cần có là… sự nhẹ nhàng trong cấu hình. Khi ra mắt vào năm 2009, LMHT trông chẳng hấp dẫn là mấy nếu so sánh với DotA trên Warcraft 3 hay Heroes of Newerth, nhưng việc thân thiện với rất nhiều cấu hình máy khác nhau đã đem lại cho trò chơi cơ hội cất cánh. Với Valorant, Riot đã thẳng thắn nói rõ là họ muốn những cỗ máy có tuổi đời 10 năm cũng phải chạy được game ở tốc độ tối thiểu 30 khung hình/giây, và đồ họa thấp là cần thiết để đạt được mục tiêu này.
Tác dụng thứ 2 mà sự xấu xí đem lại là tốc độ khung hình. Game thủ bình thường như Mọt tui là sinh vật thị giác, luôn muốn đẩy đồ họa lên thật cao và đôi khi sẵn sàng trả giá bằng tốc độ khung hình, nhưng các game thủ eSports chuyên nghiệp lại khác. Họ đánh đổi vẻ đẹp đồ họa để có số khung hình cao hết mức có thể, bởi từng khung hình đều đem lại cho họ lợi thế khi thi đấu chuyên nghiệp. Tốc độ 60 khung hình / giây là không đủ để thỏa mãn những game thủ này, và họ luôn cố gắng vươn lên những mức khung hình cao hơn như 144, 240… bằng cách trang bị những màn hình có tần số quét cao hơn, card đồ họa mạnh hơn và giảm hình ảnh game xuống sâu hơn nữa.
Đó là còn chưa kể đến một lợi thế khó ngờ khác của đồ họa xấu: sự tiện lợi khi theo dõi các trận đấu. Theo Mọt, dù Blizzard thiết kế Overwatch là một tựa game eSports ngay từ đầu và công bố sẽ tổ chức Overwatch League khi game còn chưa kịp ra mắt, trò chơi không thực sự thu hút được sự chú ý của khán giả bởi việc theo dõi những gì diễn ra trên màn hình quá khó khăn. Giữa vô vàn nguồn ánh sáng, những hiệu ứng bẻ cong khung hình, các kỹ năng đầy màu sắc rực rỡ và những pha nhảy nhót tưng bừng, người xem rất khó biết được điều gì đang xảy ra. Nên nhớ, khán giả mới chính là thứ sẽ đẩy giá trị của một môn eSports lên cao bằng các giá trị về quảng cáo, chứ không phải đồ họa.
Và thật ra đồ họa không phải là yếu tố bắt buộc để thành công. Đột Kích mà chúng ta quen thuộc không chỉ thành công tại Việt Nam mà còn rất thành công tại châu Á cùng một vài nước phương Tây, và có lẽ là tựa game duy nhất tiếp cận được với LMHT về số lượng người chơi tại Việt Nam dù đã 13 năm tuổi. Vì vậy, Mọt mạnh dạn đoán rằng sự mờ nhạt và thiếu chi tiết của đồ họa mà Riot chọn cho Valorant có thể giúp trò chơi dễ dàng thăng tiến trong vai trò là một tựa eSports. Dĩ nhiên đây chỉ là suy đoán riêng của Mọt, còn Riot có “âm mưu” gì khi lựa chọn phong cách đồ họa thiếu chi tiết và những màu sắc nhạt nhòa này thì chưa ai biết cả.
Lợi thế thứ 4 mà phần đồ họa này đem lại là giúp cho game đạt được “visual fidelity,” một khái niệm thường xuyên được đưa ra trong các tựa game eSports. Nói nôm nay thì đây là sự “gọn gàng” trong khung hình của game thủ, khi các chi tiết có thể quấy nhiễu tầm mắt của bạn ở mọi góc độ bị vứt bỏ và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết cho gameplay, trong khi sự tương phản giữa nhân vật và môi trường được đẩy lên cao nhất. Khi một chiếc bàn gỗ lật ngang có thể cung cấp cho bạn chỗ ẩn náu khỏi tầm nhìn của kẻ địch, không lý do gì lại phải nhét một chiếc bàn chạm trổ công phu, được nạm ngọc, cẩn xà cừ vào đó, đại loại thế.
Video gameplay demo do team Valorant công bố
Điều này khá phù hợp với một chi tiết thú vị mà Mọt tui biết được về trò chơi này: trong đội phát triển Valorant có sự góp mặt của Volcano, một cựu game thủ CSGO chuyên nghiệp từng chinh chiến cho hai đội tuyển Team 3D và Team Dynamic cũng như từng tham dự vào việc thiết kế bản đồ de_cache cho CSGO. Hẳn những kinh nghiệm của anh trên chiến trường CSGO sẽ giúp Riot tạo ra một tựa game phù hợp với đấu trường eSports trong tương lai.
Và cuối cùng, rất có thể tất cả những dự đoán mà Mọt tui đưa ra để giải thích cho nền đồ họa trên đều sẽ… vô nghĩa nếu Riot quyết định nâng cấp đồ họa cho game trong thời gian tới, hoặc những gì mà chúng ta đang thấy hiện tại chỉ là để “xí chỗ” chờ những hình ảnh đẹp mắt, hoàn thiện hơn. Hãy cùng chờ đợi xem phiên bản chính thức của Valorant sẽ trông như thế nào, bạn nhé!
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]