Phụ Lục
Từ những truyền thuyết đô thị, zombie đã trở thành một trong những trụ cột của văn hóa điện ảnh hay video game. Có thể nói bối cảnh hậu tận thế với những con thây ma đã trở nên phổ biến nhất trong thể loại game kinh dị. Trong suốt những năm qua, game về zombie được phát triển rất nhiều, theo phong cách khác nhau, cốt truyện khác nhau. Điều quan trọng là mức độ phổ biến rộng lớn của zombie không làm game thủ ngán ngẩm. Đây vẫn được coi là đề tài làm game được ưa thích.
Vậy tại sao zombie lại được yêu thích trong thế giới game tới vậy? Và dù cho có nhiều hãng làm như thế nào thì nó vẫn không bao giờ khiến người hâm mộ thấy nhàm chán?
Trong thế giới game, zombie là một đề tài có thể phát triển với nhiều ý tưởng khác nhau. Và vì đây là sinh vật không có thật, không dựa trên bất cứ quy tắc nào nên các nhà phát triển có thể biến nó theo sự sáng tạo của mình mà không làm game thủ thấy chán. Dĩ nhiên nó vẫn phải dựa trên một số quy chuẩn nhất định như: chết não, hung dữ, sẵn sàng tấn công người sống theo cách tàn bạo nhất.
Jespi Barisic, đại diện cho Gamespires, nhà phát triển/phát hành cho tựa game SCUM đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về zombie:
“Về thiết kế trò chơi, có rất nhiều cách bạn có thể làm với zombie. Vì vậy, đề tài này có nhiều biến thể thú vị khác nhau, các phong cách chơi khác nhau. Ví dụ trong Dying Light của Techland, zombie là một nỗi khiếp sợ vào ban đêm. Hoặc có thể làm cho zombie có số lượng khủng khiếp, truy đuổi người chơi không khác gì những đợt sóng biển ào ạt. Bạn cũng có thể trói buộc zombie với phép thuật; đó là cách mà zombie bắt đầu những truyền thuyết trong văn hóa dân gian. Cũng có thể zombie được tạo ra bởi các loại virus. Hoặc là công nghệ chip kiểm soát thần kinh khi con người chết.”
Zombie là một ý tưởng mà nhà phát triển có thể “tái sử dụng” nhiều lần mà không khiến game thủ cảm thấy nhàm chán.
Trong cuộc sống, con người luôn tò mò về việc: Nếu thế giới này sụp đổ, con người sẽ sống và đối mặt như thế nào? Đề tài hậu tận thế là một cách tuyệt vời để các nhà phát triển thỏa trí sáng tạo, nhằm thỏa mãn sự tò mò của con người về bối cảnh hậu tận thế theo nhiều cách khác nhau. Do đó, cho tới giờ, đây vẫn là bối cảnh game được nhiều người ưa thích. Và zombie là lý do cho sự sụp đổ của xã hội là cách được nhiều hãng game tận dụng nhất. Thông qua những thây ma, các nhà làm game có thể lồng ghép được rất nhiều yếu tố xã hội vào, họ sẵn sàng vạch trần những mặt tối có thật của con người trong xã hội hiện đại.
Trong bối cảnh hậu tận thế, con người bị đẩy xuống tận cùng của tháp nhu cầu Maslow. Tức con người phải làm sao để thỏa mãn được tầng đầu tiên của tháp nhu cầu như: Thức ăn, nước uống, nơi cư trú,… Zombie tồn tại như một áp lực, có ảnh hưởng lớn trong việc con người tìm cách thỏa mãn nhu cầu sinh tồn của mình. Các nhà thiết kế game có thể tạo ra một loạt những mối đe dọa từ zombie để thách thức game thủ. Và khi vượt qua được những mối đe dọa đó, người chơi sẽ tìm được sự thỏa mãn.
Vậy tại sao cứ nhắc tới tận thế là các nhà làm game sẽ nghĩ ngay tới zombie? Về cơ bản, nhắc tới vấn đề tận thế, đa số trong đầu mọi người sẽ chỉ nghĩ tới 2 kịch bản. Một là thảm họa thiên nhiên quét sạch toàn bộ sự sống trên hành tinh này, và hai là đại dịch zombie nổ ra biến con người thành quái vật. Sự khác biệt ở đây là thảm họa tự nhiên sẽ gần njhư là kẻ thù vô hình không cho con người có bất cứ cơ hội nào gồng mình lên chống lại. Còn khi zombie xuất hiện, nó là kẻ thù hữu hình ngay trước mắt, con người có thể tóm lấy bất cứ thứ gì làm vũ khí chống lại chúng ngay lúc bị tấn công. Với kịch bản zombie, loài người sẽ có hàng tá cách để chống lại ngay tức khắc. Đó là lý do vì sao bối cảnh thảm họa tự nhiên hợp với điện ảnh hơn, còn video game sẽ dễ dàng khai thác bối cảnh về zombie/quái vật hơn.
Một lý do nữa khiến các nhà làm game thích bối cảnh về zombie hơn là bởi lũ thây ma không đòi hỏi AI quá phức tạp. Nếu nhân vật game đóng vai kẻ địch là người bình thường, nhà làm game sẽ phải thiết kế AI phức tạp hơn, để sao cho nhân vật có những hành động, biểu cảm và tính cách giống với con người ngoài đời nhất. Còn nếu lũ zombie có những hành động nào đó ngu ngu cũng chẳng làm sao cả, vì chúng là thây ma mà.
Yếu tố đạo đức trong video game được chúng ta nhắc tới rất nhiều, đặc biệt là những trò chơi cộp mác “bạo lực”. Dù chỉ là video game nhưng việc các nhân vật game bắn giết lẫn nhau đều sẽ bị đánh giá dựa trên yếu tố đạo đức của người chơi. Hàng tá câu hỏi sẽ hiện lên trong đầu cả người làm game lẫn người chơi như: “Mình làm thế liệu có đúng không?”, “Nhân vật chơi như vậy liệu có quá tàn bạo không”,… Còn game về zombie lại khác, bạn thích giết zombie và giết hàng nghìn con quái vật trong một lúc cũng chẳng ai phán xét gì cả. Về cơ bản, zombie được xem là một dạng quái vật là thứ cần phải giết mà không cần phải hỏi tại sao.
Mọi người yêu thích các trò chơi zombie chính bởi sự đa dạng của đề tài này. Zombie vừa đem lại được những khoảnh khắc hài hước, nhưng cũng tạo ra được những bi kịch lấy đi nước mắt của người chơi. Những trò chơi co-op như Left 4 Dead luôn tạo được những tràng cười sảng khoái cho người chơi cùng bạn bè mình, đặc biệt là với những bản mod. Nhiều trò chơi cũng được game thủ thực hiện dưới hình thức những pha highlight đầy hài hước với zombie.
Tuy nhiên, khi cần, nó cũng được tạo nên được những bi kịch đầy đau thương. Sự mất mát trong bối cảnh hậu tận thế chưa bao giờ dễ chịu với những người sống sót cả. The Walking Dead hay The Last of Us đã tạo nên được những câu chuyện đầy lôi cuốn, những tình tiết đáng nhớ in sâu vào tâm trí người chơi. Sự hài hước không còn, thay vào đó chúng ta thấy được sự tàn khốc của dịch bệnh cũng như cách mà loài người đối xử với nhau khi thế giới lụi tàn.