Phụ Lục
Vào năm 2008, Dead Space ra mắt và giới thiệu cộng đồng game thủ Issac Clarke, một kỹ sư bị buộc phải chiến đấu trên tàu vũ trụ với quái vật đột biến. Ngay lập tức, Dead Space đã tạo ra một cú hit cực mạnh, giành được rất nhiều giải thưởng lẫn doanh thu. Dead Space trở thành một trong những cái tên nổi bật của thể loại kinh dị sinh tồn.
Không có gì ngạc nhiên khi EA ra mắt Dead Space 2 sau đó 3 năm, vào năm 2011. Trò chơi vẫn nối tiếp được thành công của phần đầu tiên. Nhưng tới năm 2013, Dead Space 3 ra mắt, người hâm mộ mới bắt đầu kêu trời vì EA cuối cùng cũng đã chịu “lộ bộ mặt thật”. Cái chất của cả dòng Dead Space đã biến mất, thay vào đó là hãng bắt đầu đưa vào những yếu tố có thể móc hầu bao của game thủ.
Sau đó, EA vẫn tuyên bố Dead Space là một IP quan trọng của công ty. Nhưng cho tới nay, Dead Space 4 hay một phần game mới vẫn chưa được hé lộ. Phải chăng EA đã đưa trò chơi này vào dĩ vãng?
Một trong những nguyên nhân khiến EA sẵn sàng gạt phần tiếp theo của dòng game Dead Space sang một bên là bởi Dead Space 3 có doanh số bán kém. Trong một cuộc phỏng vấn, Frank Gibeau, cựu chủ tịch của EA đã nói: “Bạn cần phải đạt được quy mô khán giả khoảng 5 triệu mới có thể tiếp tục đầu tư vào các phần tiếp theo của IP lớn như Dead Space.” Đó là một cách nói giảm nói tránh cho việc nếu một tựa game không bán được 5 triệu bản, nó chỉ phí thời gian và công sức của EA mà thôi.
Và thực tế, Dead Space 3 đã không đạt được ngưỡng mà EA mong muốn. Trong tuần đầu tiên phát hành, Dead Space 2 thậm chí còn xuất xưởng đi được tới 2 triệu bản, nhiều gần gấp đôi so với phần đầu tiên. Ngược lại, Dead Space 3 chỉ tẩu tán được có hơn 600 ngàn bản mà thôi. Mặc dù game vẫn lọt top bán chạy nhất tháng 2 năm 2013, nhưng như vậy vẫn chưa khiến EA thỏa mãn.
Thất bại doanh thu của Dead Space 3 còn góp phần khiến EA giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Đó đã là quá đủ để khiến hãng cho Dead Space về nghỉ hưu.
Có những trò chơi dù doanh thu không được như kỳ vọng nhưng ít ra chúng cũng nhận được những lời đánh giá tích cực từ cộng đồng, nhưng Dead Space 3 thì không. Tựa game vừa có doanh thu kém, lại không được lòng cộng đồng cũng như giới chuyên môn cho lắm.
Theo Metacritic, Dead Space đầu tiên nhận được điểm đánh giá trung bình là 86% (phiên bản PC) và 89% (phiên bản Xbox 360). Dead Space 2 xuất sắc hơn với điểm trung bình là 87% tới 90%.
Sang tới Dead Space 3, tựa game chỉ đạt được con số 78%. Theo Metacritic, điều này chưa hẳn đã tệ vì trung bình video game có điểm số rơi vào 70 tới 75%. Các nhà phê bình vẫn dành lời khen về mặt hình ảnh và âm thanh của Dead Space 3. Nhưng họ lại không thích việc phần 3 đã tách mình ra khỏi hướng Kinh dị - Sinh tồn để tập trung hơn vào Hành động.
Bị tụt giảm về cả doanh số lẫn những lời đánh giá, chẳng trách EA lại muốn nhanh chóng dừng thương hiệu Dead Space lại để tập trung phát triển hướng khác.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến EA phải “shut down” Dead Space là bởi thể loại game kinh dị đã và đang thay đổi. Nó khiến cho Dead Space trở thành lỗi thời.
Game kinh dị đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2008, thời điểm Dead Space 1 ra mắt. Cho tới năm 2014, PT, một đoạn game (hoặc có thể coi là trailer chơi được) của Hideo Kojima và Guillermo del Toro đã khiến cộng đồng game thủ phát sốt và ám ảnh bởi những trường đoạn, hình ảnh siêu thực. Đặc biệt hơn, game kinh dị dường như đang hạn chế nhất có thể việc chiến đấu, hay các pha hành động. Thay vào đó, các nhà phát triển tập trung xây dựng sự sợ hãi từ môi trường xung quanh hay từ những trường đoạn giải đố.
Resident Evil 7 được giới chuyên môn và người hâm mộ khen nức nở cũng đã hạn chế đi mảng hành động so với các phần trước. Thay vào đó, sự sợ hãi lại tới từ không gian chật hẹp, môi trường u ám hay các nhân vật phản diện đầy ghê rợn. Resident Evil 2 Remake cũng được phát triển lại với cách thức tương tự. Tựa game Soma mặc dù rất ám ảnh nhưng lại được game thủ ưa chuộng khám phá và giải các câu đố. Outlast thậm chí còn không cho người chơi khả năng chiến đấu nào nhưng vẫn rất thành công.
Nói cách khác, game kinh dị đang dần rời bỏ tính năng chiến đấu hoặc họ hạn chế đi tối đa đạn dược để người chơi không còn quá phụ thuộc vào vũ khí, tập trung phát triển các câu đố. Nếu bạn có thể bắn bỏ mọe đánh tay đôi thắng được mấy con ma thì chúng sẽ chẳng còn đáng sợ chút nào, đúng không? Cách thức xây dựng game kinh dị này sẽ đánh thẳng vào tâm lý sợ hãi, khiến game thủ buộc phải động não, mày mò, khám phá thế giới trong game nhiều hơn.
Glen Schofield, người sáng tạo ra Dead Space, đã rời Visceral và Electronic Arts vào năm 2009 để thành lập công ty riêng, đó chính là Sledgehammer Games. Wright Bagwell, nhà thiết kế chính của Dead Space và là giám đốc sáng tạo của Dead Space 2, đã gia nhập Zynga vào năm 2011. Steve Papoutsis, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Visceral và là giám đốc dự án của Dead Space series đã rời EA vào năm 2015.
Nói cách khác, những người đã góp công lớn trong việc tạo ra Dead Space đã bỏ đi thực hiện các dự án khác. Bên cạnh đó, Visceral Games đã bị đóng cửa vào tháng 10 năm 2017. Đây là kết quả của việc các studio muốn thực hiện một dự án trái lệnh của EA. Theo đó, Visceral muốn tạo ra một tựa game theo cốt truyện, trong khi EA lại muốn làm một game thế giới mở và dễ kiếm tiền hơn.
Cái chết của Visceral Games đã báo hiệu rằng Dead Space sẽ không bao giờ quay trở lại. Hoặc nếu có, thì đó cũng không phải là thương hiệu mà người hâm mộ vốn từng biết nữa.
Hai phần Dead Space đầu tiên khiến người chơi cảm thấy ám ảnh và đáng sợ bởi nhân vật chính chỉ có một mình. Nhưng Dead Space 3 thì khác, EA muốn mở rộng hơn đối tượng tiếp cận trò chơi (để dễ kiếm tiền) nên đã thêm vào chế độ co-op vào phần chơi chiến dịch. Đột nhiên Issac có thêm bạn đồng hành là một người lính không có tính cách riêng, chỉ đơn giản là dập khuôn với một cái tên cũng rất tầm thường, John Carver.
Mức độ chặt chẽ trong từng nhiệm vụ, cảm giác ngột ngạt trong từng màn chơi đã mất, thay vào đó, người chơi liên tưởng Dead Space 3 giống với trò chơi bắn súng Lost Planet hơn là một game kinh dị. Phần thứ 3 đã mất đi sự căng thẳng trong bối cảnh kinh dị, thay vào đó là những trường đoạn bắn súng cùng với người đồng đội một cách... khá nhàm chán.
Điều này dễ hiểu khi Dead Space 3 ra mắt vào năm 2013, nhưng những con người đã từng dành tâm huyết cho cả series từ phần đầu tiên đã rời đi. Điều này khiến cho phần thứ 3 đã bị đẩy ra khỏi hướng mà Dead Space vốn đang đi. Những con người mới chắc chắn đã không thể thay thế và kế thừa được niềm đam mê, hiểu biết độc đáo và chất kinh dị của dòng Dead Space.
Phần lớn câu chuyện của Issac đã được giải quyết sau Dead Space 2, và đã hơn nửa thập kỷ kể từ phần Dead Space cuối cùng được phát hành. Có lẽ một tựa game reboot lại toàn bộ series hoặc thay thế bằng một câu chuyện của nhân vật khác sẽ tốt hơn là phần nối tiếp. Chính những người đã tạo ra thương hiệu này cũng phải đồng ý điều đó.
Khi nói chuyện với Eurogamer, Ben Wanat – giám đốc sáng tạo của Dead Space thừa nhận rằng anh luôn tưởng tượng về Ellie Langford, người duy nhất có khả năng kế thừa vai chính từ Issac cho Dead Space tiếp theo. Wanat nghĩ rằng một số nhà thiết kế của EA có thể hồi sinh được thương hiệu này.
“Tôi nghĩ vũ trụ Dead Space đủ lớn cho các phần tiếp theo, những câu chuyện mới hay những ý tưởng mới”, Wanat chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm dù các phần tiếp theo có thay đổi ra sao, miễn là những người phát triển gắn bó với cốt lõi của cả loạt game.
Mặc dù đó là lời của giám đốc sáng tạo, nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại. Visceral đã chết, những con người tạo ra Dead Space từ thuở ban đầu đã ra đi tìm hướng phát triển mới, Dead Space 3 biến chất và không dành được thiện cảm của cộng đồng, doanh thu sụt giảm, ý kiến chê bai nhiều lên,... Thực sự rất khó để EA nghĩ tới một trò chơi Dead Space tiếp theo.
Nhưng Resident Evil 2 Remake và Resident Evil 7 vẫn hay dù không có Shinji Mikami, chúng ta cũng có thể hy vọng về Dead Space reboot hay cả Metal Gear reboot nếu họ tìm được những người đủ khả năng kế thừa vinh quang cũ theo một cách mới. Đúng không?