Phụ Lục
Có thể nói Call of Duty 4 là 1 cột mốc, 1 tượng đài bất hủ trong ngành công nghiệp game. Đỉnh cao vinh quang của dòng game Call of Duty thực sự bắt đầu từ phần 4, cùng với đó là hàng loạt trào lưu xu thế nhằm ăn theo thành công của nó. Giờ đây khi mà Infinity Ward đang cố gắng reboot Modern Warfare nhằm tái lập lại phép màu trước đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại tượng đài 1 thời này để thấy được sự thành công, giá trị vượt thời gian cũng như sức ảnh hưởng của Modern Warfare đến làng game.
Nếu nhìn lại dòng game FPS những năm 2000, trước khi mà Call of Duty 4 lên ngôi, có thể nói cốt truyện hay nhân vật thường không phải trọng tâm. Ngoại trừ 1 số game FPS thực sự có đầu tư ở khoản này thì hầu hết đều có cốt truyện tối thiểu hóa ở mức có là được, nhân vật chính thì bá đạo ngầu lòi còn vai phụ thì làm nền là chính. Đặc biệt đối với các game quân sự nghiêm túc thì yếu tố này lại càng được tối giản. Thế nhưng với Call of Duty 4 thì hoàn toàn thay đổi. Trong khi phần chơi Lính thủy đánh bộ Mỹ với Paul Jackson vẫn khá tương đồng với các game Call of Duty trước đó khi bạn vẫn 1 người lính như bao người khác thì phần chơi của Soap trong lực lượng SAS Anh Quốc chính là sự thay đổi.
Cốt truyện game được kể rõ nhất tại đây khi người chơi hiểu và thực sự quan tâm đến từng diễn biến của nó. Lối kể chuyện cũng rất độc đáo và cuốn hút với các đoạn cutscene chất lượng, khiến cho chúng như đang theo dõi tin tức, tư liệu cũng như cung cấp thông tin về mục tiêu cùng kế hoạch chi tiết trước nhiệm vụ. Cùng với đó lối kể chuyện thông qua gameplay cũng được chú trọng khi mọi chuyện thực sự diễn ra trước mắt bạn, khiến bạn cảm giác mình thực sự là 1 phần của câu chuyện. Các nhân vật cũng không còn để làm nền khi được viết nên rất cụ thể và chi tiết, tạo nên cảm giác gắn kết với họ, hoặc ít ra hiểu rõ về họ. Nó tạo nên những người đồng đội khó quên Gaz, Nicolai, Griggs hay kinh điển nhất vẫn là Captain Price hoặc những tên phản diện chất lượng như Zakhaev. Đó chính là những mấu chốt khiến cốt truyện và nhân vật khó quên đến vậy cũng như tạo nhiều động lực cho người chơi trải nghiệm lại game nhiều lần.
Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn cùng mối liên kết chặt chẽ với nhân vật, bản thân phần chơi chiến dịch của Modern Warfare thôi cũng đã quá hấp dẫn và khó quên rồi. Modern Warfare dù phần chơi đơn ngắn nhưng được thiết kế vô cùng hợp lí, bên cạnh những trường đoạn hành động hoành tráng là các màn chơi chậm hơn, đậm tính lén lút, tạo nên nhịp điệu dồn dập, khác với các game FPS cùng thời. Cùng với đó là các màn chơi sáng tạo bậc nhất khi đó, điển hình như chính đoạn intro của game, khi người chơi vào vai tổng thống trên đường ra pháp trường, đó là 1 cách rất hay để tổng quát bối cảnh của game ngay từ đầu. Hay như nhiệm AC-130 cùng nhiệm ám sát Zakhaev. Mỗi một nhiệm vụ đều mang 1 cảm giác rất riêng và nhờ sự độc đáo mới lạ khi đó mà người ta nhớ mãi về chúng, kể cả sau này khi không ít game cố gắng tái tạo lại chúng.
Phần 4 chính là thời điểm Call of Duty nói chung trở nên nặng về chơi mạng hơn cả, đến tận bây giờ lí do chính để mua Call of Duty vẫn là phần chơi mạng. Phần multiplayer của game FPS trước kia nói chung, ngoại trừ 1 số game như Battlefield, Counter-Strike hay Halo ra thường bó hẹp theo khuôn mẫu của các game multi những năm 90 như Quake hay Unreal Tournament. Vẫn là các mode cơ bản như Team Deathmatch, Deathmatch, Capture the Flag,… để người chơi có thứ để làm sau khi hoàn thành phần chơi đơn.
Sang đến Modern Warfare, phần chơi mạng thực sự mới mẻ và thu hút cũng như yêu cầu người chơi đầu tư nhiều thời gian vào hơn. Vũ khí và phụ kiện được unlock chính là phần thưởng cho thời gian game thủ bỏ ra để lên level. COD 4 áp dụng hệ thống class, perk và tùy chỉnh phụ kiện cho phép người chơi có vô vàn lựa chọn cũng như thỏa mái chọn phong cách chiến đấu, những thứ nghe có vẻ chỉ của game nhập vai khi đó. Cùng với đó là hệ thống map thiết kế rất đa dạng, hợp lí khiến người ta chơi hoài không chán.
Hệ thống killstreak của game khi ấy còn sơ khai với chỉ 3 killstreak cơ bản cho tất cả người chơi, thế nhưng nó không những đủ mà còn giúp Call of Duty 4 phần nào nổi trội hơn các game về sau bởi sự đơn giản đó giúp game cân bằng bậc nhất cả dòng game nhưng vẫn đủ động lực cho người chơi giành lấy chúng. Không phải tự nhiên Modern Warfare Remastered làm lại gần nguyên si như vậy và vẫn thu hút đông đảo các fan bởi dù thời nào thì phần multiplayer của Call of Duty 4 cũng có thể coi là hoàn hảo rồi. Call of Duty 4 cùng Halo 3 và Gears of War cũng đánh dấu kỉ nguyên bùng nổ Xbox Live, thời kì hoàng kim của Xbox 360 cùng các game chơi mạng trên console, khiến cho PC thời đó phần nào bị lấn lướt trước khi Steam thực sự trỗi dậy.
-
Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e