Phụ Lục
Blizzard vừa qua đã thừa nhận họ dự đoán rằng việc công bố Diablo: Immortal sẽ bị phản ứng tiêu cực, chỉ là họ không người phản ứng lại quá mạnh như thế. Vậy hãng game này đã sai ở đâu? Tại sao game thủ ruột của hãng lại phản ứng quá mạnh như vậy và tại sao họ lại có xu hướng xem game mobile là game rác?
Tất cả bắt đầu bởi sự khác biệt của văn hóa chơi game ngay trong lòng cộng đồng game thủ phương Tây.
Các game thủ hardcore rất coi trọng vấn đề “trải nghiệm” game. Họ quan niệm rằng mình bỏ một số tiền mồ hôi nước mắt không nhỏ để mua một game hay tải một DLC thì phải nhận lại một trải nghiệm xứng đáng. Đó là nguyên tắc hưởng thụ xứng đáng của bất kỳ khách hàng dịch vụ nào, bạn bỏ ra món tiền lớn để vào một nhà hàng 5 sao bạn sẽ đòi hỏi phải được ăn món ngon trong bầu không khí sang trọng quý sờ tộc, đó là điều hiển nhiên.
Blizzard vốn là một nhà phát hành lâu năm và cộng đồng fan trung thành của họ luôn kỳ vọng sẽ được trả lại những trải nghiệm xứng đáng với món tiền mà họ chi ra cho công ty, chi ra để trả lương cho đám nhân viên làm game đông đúc và mấy ông giám đốc chóp bu cùng mấy lão cổ đông góp vốn của hãng. Và kỳ Blizzcon này họ đã thất vọng vì hãng game mà họ đặt nhiều kỳ vọng lại không đưa ra một tín hiệu đáng kể nào để họ nhìn một năm 2019 một cách tươi sáng hơn bên cạnh chút hy vọng le lói ở Warcraft III: Reforged.
Vậy Diablo: Immortal đóng vai trò gì ở đây và nó kích hoạt cơn giận của fan như thế nào? Câu trả lời là sự khác biệt về khái niệm trải nghiệm này.
Khái niệm “shock văn hóa” (culture shock) chắc hẳn không quá xa lạ với nhiều bạn đọc. Nó thể hiện sự khác nhau về thói quen và tập quán của từng nền văn hóa khiến cho những người thuộc các nền văn hóa nảy sinh xung đột do “cái thói quen anh làm khiến tôi không ưa”. Sự khác nền tảng cũng mang lại một cú shock văn hóa như vậy, ở đây là giữa nền tảng di động và nền tảng PC.
Với các game thủ hardcore của hệ PC, trải nghiệm được xây dựng dựa trên quá trình khám phá và “sống” trong thế giới game. Nó là một kiểu trải nghiệm tự thân, giống như trong Skyrim bạn phải tự đi tìm NPC nhận quest, rồi tự đi tìm vị trí làm quest thậm chí tự săn nguyên liệu rèn vũ khí. Cũng chẳng cần xa xăm như Skyrim, ngay đến Diablo 3 bạn cũng phải tự đánh quái, tự chọn lọc các item rớt trên đất để nhặt món nào bỏ lại món nào. Tất cả trải nghiệm tuyệt với theo tập quán của dân hardcore PC là tự tay dựng nên thế giới.
Còn với game di động? Auto chính là câu trả lời. Trải nghiệm game di động càng lúc càng gắn chặt với khái niệm auto bất kể nó là game thẻ tướng hay MMORPG. Auto chính là văn hóa chơi game của nền tảng mobile. Nguyên nhân chính là từ sự khác biệt về phần cứng và điều khiển. PC có hàng trăm nút bàn phím và con chuột cơ động còn di động chỉ có cái màn hình cảm ứng nhỏ xíu và 1 chục nút ảo gắn chi chít. Nếu không có auto hỗ trợ người chơi sẽ không xử lý xuể các tình huống trong game. Và thật không may nó cũng chính là cái mà các game thủ hardcore PC ghét nhất. Vì nó đi ngược hoàn toàn văn hóa “trải nghiệm tự thân” mà họ tôn thờ.
Blizzard thừa nhận họ đã đoán trước phản ứng của game thủ, nghĩa là họ cũng biết sự xung đột này nhưng kỳ thực họ cho rằng game thủ sẽ thông cảm phần nào với nỗ lực mở rộng nền tảng cho thương hiệu Diablo quý giá của hãng và cũng là của cộng đồng fan. Tuy nhiên họ đã đoán sai ở phần này.
Với các fan của Diablo nói riêng và Blizzard nói chung, họ hầu hết là game thủ hardcore PC và Blizzcon từ lâu được xem là “ngày thiêng” của họ. Việc mang một game mobile vào giới thiệu như một trong các nội dung chính của Blizzcon chẳng khác nào cho 1 ông fan Man U vào ngồi giữa dàn fan Man C trong trận derby thành Manchester. Mọi thứ sẽ nhanh chóng được “khởi nghiệp” và sau đó là “bùng cháy”.
Và minh chứng rõ nhất chính là người anh hùng áo đó đứng lên “vả” thẳng vào mặt đại diện Blizzard cũng như NetEase bằng 1 câu hỏi rất thâm: “Đây có trò cá tháng tư lỗi thời không vậy?” – Ý nó muốn nói rằng có phải Blizzard đang diễn một trò hề dở tệ trên sân khấu đến nỗi chẳng ai buồn cười cả. Càng khó cười hơn khi bạn bỏ ra 200 USD, một món tiền gấp 3 lần giá một tựa game bom tấn để mua vé vào Blizzcon và những gì bạn nhận được là sự “long trọng công bố” một cái game mobile.
Diablo: Immortal có thể không bị ném đá như thế nếu nó được công bố ở đâu đó bên lề Blizzcon, như một món ăn thêm cho fan của Diablo, chứ không phải một vai chính trong ngày hội lớn nhất năm này. Theo xu hướng thì các tựa game đỉnh đều sẽ có bản mobile được chế lại cho phù hợp, nhưng nó tốt nhất là an phận như một món phụ.
Fallout Shelter từng như thế khi được Bethesda giới thiệu như một sản phẩm phụ giải trí tạm trong khi chờ đợi Fallout 4 ra mắt. Kết quả của sự an phận này là game thủ tự cảm nhận được cái hay của nó và tự dưng game trở nên hot, thậm chí được port lên nhiều hệ máy kể cả PC.
Với sự sơ suất của Blizzard vừa qua, Diablo: Immortal vốn đã khó được đón nhận nay lại càng là một món ăn khó tiêu hơn với game thủ. Vốn được thực hiện bởi NetEase, trong mắt các fan “gộc” thì Diablo: Immortal nghiễm nhiên là con ghẻ và được làm bởi những bàn tay “không phải Blizzard” đồng nghĩa với chất lượng không đảm bảo. Mặc dù NetEase là một hãng lớn có nhiều tựa game chất lượng nhưng lại mắc phải thành kiến “đi ăn cắp ý tưởng”.
Con đường duy nhất để Diablo: Immortal lấy lại lòng tin của người hâm mộ Diablo là dùng chính chất lượng thực của nó khi ra mắt để giải tỏa nghi ngờ. Tuy nhiên với màn công bố không thể tồi tệ hơn giờ đây số người muốn bấm tải game khi nó ra mắt chắc sẽ giảm đi rất thê thảm. Kéo theo đó tất nhiên là cơ may tự minh oan cho mình của Diablo: Immortal bị thu hẹp hơn bao giờ hết. Có thể nói game này chưa ra mắt đã “chết một nửa” rồi.
Như vậy bạn đã biết cơ bản lý do tại sao Diablo: Immortal bị ném đá dữ dội, sau khi biết hẳn bạn sẽ có chút thông cảm và suy nghĩ tích cực về vấn đề. Diablo: Immortal hay dở thế nào thì phải chờ bạn tự trải nghiệm để đánh giá. Xuất phát điểm đầy tai hại kia chẳng qua cũng chỉ là một tai nạn, nó không phản ánh nội dung game nên không thể dùng nó để đánh giá game được.
Game Blizzard thì sao? Game NetEase thì sao? Chẳng phải chúng ta thưởng thức và đánh giá game bằng trải nghiệm chứ không phải bằng định kiến về xuất xứ của nó sao? Bạn nên nhớ có không ít game hay cũng được làm ra bởi những studio “ngoài” không thuộc nhà phát hành. Vậy hãy đợi đến khi game ra mắt và trải nghiệm thử để phán xét nó một cách công tâm nhất và khách quan nhất. Đừng để những giận dỗi và thành kiến làm bạn bị mờ mắt nhé!