“Ngày xửa ngày xưa”, Blizzard từng là một nhà phát triển nhỏ tí tẹo. Tựa game đầu tiên họ phát triển là RPM Racing, rồi vài trò chơi khác đáng nhớ hơn như The Lost Vikings, Blackthorne. Nhưng chỉ sau vài năm ngắn ngủi, họ đã trở thành một thế lực lớn trong làng game nhờ tựa RTS là Warcraft: Orcs & Humans, được phát triển dựa trên cảm hứng từ Dune II, một siêu phẩm chiến thuật thời bấy giờ.
Với Warcraft: Orcs & Humans, game thủ thế giới bắt đầu biết đến Blizzard. Thành công của trò chơi nhanh chóng được tiếp nối bằng Warcraft II: Tides of Darkness, Warcraft III: Reign of Chaos. Cả ba đều là những tựa game chiến thuật kinh điển vẫn còn được chơi cho đến tận ngày nay.
Warcraft: Orcs & Human
Nếu Blizzard là Activision hay Ubisoft, họ sẽ làm gì? Còn phải hỏi, dĩ nhiên là tung ra “Warcraft IIII”, V, VI và hơn thế nữa. Nhưng không, đây là Blizzard, nên tận 16 năm sau vẫn chưa có một tựa RTS Warcraft mới nào được tung ra.
Tại sao?
“Tan đàn xẻ nghé”
Đội ngũ phát triển Warcraft 1, Warcraft 2 ngày nào nay đã không còn nguyên vẹn. Sau thành công của phần 2, Blizzard chia chia làm hai nhóm: “Đội 1” tiếp tục ở lại với thể loại game chiến thuật quen thuộc, và tung ra Warcraft 3 khác hẳn hai người tiền nhiệm nhờ bổ sung yếu tố RPG từ Diablo. “Đội 2” bắt tay vào việc thử nghiệm một vài ý tưởng mới trước khi quyết định làm MMO bởi khi đó Ultima Online và EverQuest là hai tựa game đang gây sóng gió trên toàn cầu. Thêm nữa, mô hình trả phí tháng của cả hai cho Blizzard thấy một phương thức kinh doanh hoàn toàn mới.
Vẫn những nhân vật quen thuộc, nhưng lối chơi thì không.
Thế là Đội 2 bỏ ra nhiều năm để phát triển một MMO mới, nhưng vẫn gắn bó với thương hiệu Warcraft đã rất thành công. Họ tạo ra World of Warcraft, tựa game được xem là “bố già” của làng game MMO trả phí trên khắp thế giới.
Ở thời kỳ đỉnh cao, WOW có đến 12 triệu người trả phí hàng tháng, là tựa game lớn nhất, gây ảnh hưởng nhất, lợi nhuận cao nhất trên trái đất. Trong giai đoạn từ 2004 đến 2010, Blizzard không tung ra một tựa game nào khác ngoài những nội dung mới cho WOW. Những gói nội dung này khiến những Illidan, Arthas hay Jaina Proudmore trở thành những cái tên quen thuộc với game thủ khắp thế giới.
Với hàng triệu game thủ ngày nay, đây là tựa game Warcraft duy nhất họ thích.
Nhưng cho đến lúc này, đã 14 năm trôi qua kể từ khi WOW ra mắt, và có một thế hệ game thủ fan Warcraft chưa từng được thấy ngày phát hành của một tựa RTS lấy bối cảnh thế giới Warcraft. Với họ, “Warcraft” là một tựa game online nơi họ chỉ có thể điều khiển một nhân vật, chứ không phải một game chiến thuật nơi số đơn vị bạn điều khiển chỉ bị giới hạn bởi Food.
Nhưng còn đội 1 cùng tựa RTS của họ?
Trong khi Đội 2 chúi mũi vào “đẻ” nội dung cho WOW, Đội 1 vẫn tiếp tục làm RTS. Sau đúng 8 năm từ khi W3 được phát hành, Đội 1 tung ra StarCraft II: Wings of Liberty. Sau đó họ lại tiếp tục tạo ra Heart of the Swarm và Legacy of the Void, đồng thời nỗ lực cân bằng game để tạo ra một môi trường eSports thành công như StarCraft: Broodwar từng có. Họ vẫn đang bận bịu với StarCraft II cho đến tận lúc này, trong đó phiên bản cập nhật vừa được ra mắt hồi năm 2017 đã biến SCII thành một tựa game Free to play.
StarCraft II
Blizzard không có lý do gì để tạo ra một tựa game RTS mới tranh giành fan với SCII vẫn đang “sống khỏe”. Trong khi đó, nhà phát triển này vẫn tiếp tục khai thác những thể loại game mới bằng những Hearthstone, Heroes of the Storm hay Overwatch. Blizzard rất nghiêm túc trong việc theo đuổi những hướng đi mới, minh chứng là Allen Adham – đồng sáng lập Blizzard - đã trở lại với Blizzard sau 12 năm rời đi để dẫn đầu đội ngũ nghiên cứu và phát triển những ý tưởng mới.
Mọt game cho rằng Blizzard sẽ ưu tiên cho những điều mới mẻ mà người hùng Allen Adham tung ra trong tương lai hơn là trở lại với Warcraft, một thương hiệu cũ nhưng vẫn có hai tựa game đang vận hành như Warcraft (WOW và Hearthstone).
Những nền tảng khác
Ngày nay, console là một thế lực lớn trong làng game, và Blizzard không muốn bỏ qua thị trường này. Họ đã lần lượt tung ra Hearthstone, Diablo, Overwatch trên các hệ máy console và cả mobile. Điểm chung của tất cả những hệ máy này là chúng đều không thực sự phù hợp với RTS. Dù có một vài studio từng thử “cách mạng hóa” thể loại RTS trên console (Supreme Commander 2, Halo War, Halo War 2…) nhưng đặc trưng của RTS khiến cho các studio này đều không thu được lợi nhuận đáng nói.
Cố gắng nhồi nhét game cho vừa Xbox 360 là lý do Supreme Commander 2 thất bại.
Nhưng hãy cho là Blizzard thừa tiền và muốn làm một tựa Warcraft mới để chiều các fan, nó sẽ ra sao? Trong hơn 20 năm qua, đã có rất nhiều thay đổi trong nội bộ Blizzard. Chris Metzen, người viết nên những dòng đầu tiên trong cốt truyện Warcraft đã nghỉ hưu vào năm 2016 khi chỉ mới 42 tuổi. Rob Pardo, trưởng nhóm thiết kế Warcraft và cả World of Warcraft nay có studio riêng của mình.
Chris Metzen đã nghỉ hư u và không còn làm việc cho Blizzard.
Dĩ nhiên không ai cấm Blizzard làm nên Warcraft IV với những người mới, bởi họ từng “thay máu” gần như toàn bộ đội ngũ phát triển Diablo III và tạo ra một Diablo III hoàn toàn khác so với những hình ảnh đầu tiên. Nhưng vì những lý do trên, nếu Blizzard làm WarCraft IV, nó có lẽ sẽ chỉ được ra mắt trên PC. Nó sẽ là một trò chơi rất khác, và ngốn một lượng nhân lực, vật lực khổng lồ chỉ để cạnh tranh với StarCraft II của chính họ.
Diablo III phiên bản 2005
“Fan RTS” còn những ai?
Ngoài những lý do chủ quan từ chính Blizzard, còn một lý do khách quan là lượng fan RTS ngày nay không còn nhiều. Trong suốt hơn 10 năm qua, MOBA – một thể loại có thể được xem là thoát thai từ RTS - là tâm điểm sự chú ý của game thủ khắp thế giới.
Những tựa game xây dựng căn cứ, thu thập tài nguyên, huấn luyện đơn vị và điều khiển micro nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, bởi MOBA đã thu hút sự chú ý từ những game thủ lẽ-ra-chơi-RTS hiện tại. Hồi năm ngoái, Relic từng cố gắng thu hút game thủ MOBA trở lại với RTS bằng cách phối hợp cả hai trong Dawn of War III, nhưng dù có một trailer cực ấn tượng, trò chơi vẫn thất bại vì sự “nửa nạc nửa mỡ” của nó.
Trailer siêu ấn tượng của Dawn of War III
Có nhiều lý do mà RTS không hấp dẫn với những game thủ ngày nay. Thể loại này đòi hỏi rất nhiều thời gian để học hỏi và làm quen, chứ chưa nói đến chuyện trở thành “gosu”. Trong một thời buổi mà game thủ có quá nhiều lựa chọn như hiện tại, chỉ những fan cuồng của RTS ngày nào mới có thể ngồi lại và dành thời gian cho những tựa game này – nhưng tiếc thay, đa số họ lại bận rộn với công việc, gia đình và cũng không thể nào dành nhiều thời gian cho RTS như trước.
Sự lan tỏa của internet có lẽ cũng góp phần khiến RTS không còn phổ biến. Khi một nhóm bạn có thể cùng nhau í ới trong một tựa MOBA 5vs5 hay vào Battle Royale 4vs96, và kết thúc trận đấu sau vài phút đến vài mươi phút, những trận AOE có khi ngốn hàng giờ không phải là lựa chọn hàng đầu. Họ còn có thể #420noscope trong COD hay #yoloenhance với MMO, và khoe thành tích của mình trên MXH cùng bè bạn.
Vậy là không còn Warcraft?
Có thể đúng, mà cũng có thể không. Blizzard thường xuyên tung ra những bản cập nhật cho những tựa game của họ, ngay cả khi đã nhiều năm trôi qua từ ngày phát hành, chẳng hạn Diablo II nhận được bản patch 1.14b 16 năm sau khi ra mắt.
Thêm vào đó, trước khi Blizzard công bố StarCraft: Remastered vào tháng 3/2017, không ai biết trò chơi này sẽ được hồi sinh. Nó được đánh giá rất cao bởi đánh trúng vào tâm lý hoài cổ của game thủ, và giữ nguyên những gì khiến game thủ từng yêu thích StarCraft Broodwar ngày nào. Trước thành công này, chủ tịch Blizzard Mike Morhaime từng nói rằng những bản cập nhật tương tự có thể sẽ được tung ra trong tương lai.
Bởi thế, nếu Blizzard trở lại với Warcraft RTS, có lẽ nó sẽ là phiên bản làm lại của Warcraft 1, 2 hoặc 3, chứ không phải là bản 4 mới toanh. Điều này sẽ giúp họ thắp lại ngọn lửa đam mê trong lòng game thủ, tận dụng những nền tảng lối chơi, cốt truyện đã có mà không phải đổ một lượng tiền của khổng lồ vào một trò chơi đúng chuẩn bom tấn ngày nay.
Trailer của Warcraft Adventures: Lord of the Clans
Nhưng có thể Blizzard sẽ thử tìm một hướng đi mới cho Warcraft. Nó khởi đầu là một RTS, phát triển thành MMO và thành công rực rỡ với card game. Năm 2016, Blizzard đã thử đưa Warcraft vào điện ảnh. Họ đã từng phát triển một tựa game phiêu lưu có tên “Warcraft Adventures: Lord of the Clans” trước khi hủy bỏ nó hồi năm 1998. Khi Project Titan bị hủy bỏ đã trở thành Overwatch, tại sao chúng ta không thể mơ về một trải nghiệm RPG tuyệt vời với Warcraft như CD Projekt RED làm với The Witcher?
Blizzard có tiền của, nhân lực và thời gian để làm bất kỳ thể loại game nào họ muốn, nhưng Warcraft là một cái tên giữ vị trí đặc biệt trong lòng những game thủ đam mê, dù họ chơi RTS hay MMO. Vì thế, có lẽ lý do mà Blizzard không làm Warcraft IV cũng giống như lý do Valve không làm Half-Life 3: sự kỳ vọng quá cao của game thủ chúng ta.