Phụ Lục
Đầu tiên, Mọt phải nói rằng tai nghe “thường” không có nghĩa là tai nghe kém chất lượng như kiểu bạn thường thấy trong quảng cáo “bột giặt thường, kem đánh răng thường, tã thường.” Thật ra, “headphone thường” hoàn toàn có thể có chất lượng đỉnh cao, giá cả đắt đỏ, thiết kế hào nhoáng,… Ở đây, Mọt dùng chỉ “thường” chỉ để nói rằng những sản phẩm đó được thiết kế không phải cho nhu cầu chơi game mà thôi!
Đặc điểm đầu tiên và rõ rệt nhất của một tai nghe gaming là thiết kế “tất cả trong một” nhờ sự tồn tại của micro. Rất nhiều game có chế độ multiplayer và hỗ trợ giao tiếp qua voice chat, và những tai nghe không có micro không thể gọi là “gaming.” Ngay cả khi các micro này chỉ có chất lượng trung bình – khá, nó vẫn giúp game thủ tiết kiệm một khoản tiền và không gian đáng kể do không cần mua thêm mic rời. Các micro chất lượng cao thậm chí còn được trang bị tính năng lọc âm thanh để giảm bớt những tiếng ồn phổ biến quanh chúng ta, chẳng hạn quạt máy, xe cộ... Ngược lại, các headphone thường có thể có giá cao hơn nhưng vẫn yêu cầu game thủ phải chi thêm tiền mua mic để giao tiếp với bạn bè trong game.
Độ thoải mái khi sử dụng là yếu tố quan trọng thứ hai của một chiếc tai nghe gaming. Khác với sản phẩm dành cho các nhu cầu sử dụng bình thường như nghe nhạc hay xem phim, thường game thủ đeo tai nghe suốt nhiều giờ liền và vì thế, một chiếc tai nghe nóng bức, thiếu thông thoáng, quá chật hay quá rộng đều ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của game thủ. Dĩ nhiên những tai nghe dành cho âm nhạc hay phim ảnh cũng phải chú trọng đến việc né tránh các nhược điểm này, nhưng những sản phẩm đáp ứng được tất cả các yêu cầu này sẽ bắt bạn phải trả những khoản tiền kha khá để sở hữu chúng. Trong khi đó, sản phẩm gaming luôn xem trọng các yếu tố này và cố gắng tránh làm game thủ khó chịu khi đeo.
Để giúp game thủ có thể quên rằng mình đang đeo một chiếc tai nghe khi chơi game, các nhà sản xuất thiết bị gaming đã dành rất nhiều tiền của và công sức vào việc cải thiện trải nghiệm của người dùng. Bạn sẽ tìm thấy nhiều đặc điểm thường chỉ có ở tai nghe gaming như chụp tai lớn và dày bao phủ kín vành tai, nhiều khớp điều chỉnh trên hai củ tai để giúp chúng có thể xoay chuyển theo nhiều góc độ, điều chỉnh được khoảng cách, đệm đầu lớn và co giãn… Tất cả đều nhằm mục đích làm cho chiếc tai nghe ôm sát vào đầu game thủ, cách ly với thế giới bên ngoài giúp họ dễ dàng chìm đắm vào trò chơi.
Một tai nghe gaming thường sẽ có driver mạnh mẽ cho phép bạn tinh chỉnh rất nhiều thông số khác nhau, bởi nhu cầu của game thủ là cần được nghe những âm thanh quan trọng như tiếng súng, tiếng bước chân, các thông báo từ đồng đội... hơn là trải nghiệm cân bằng của tổng thể âm thanh. Nếu như một headphone không dành cho mục đích gaming rất chú trọng chất âm sẽ làm cho các kênh âm thanh cân bằng nhau (neutral) để tái hiện âm thanh đúng như thực tế thì headphone gaming có thể có bass, treble, vocal được thay đổi nhằm tách biệt chúng ra và hỗ trợ cho trải nghiệm của người chơi. Mức độ thay đổi này có thể được cài đặt vào profile ngay trong chip nhớ trên tai nghe hoặc lưu trữ trên internet và giúp game thủ có được trải nghiệm “hệt như ở nhà” mà chỉ cần đem chiếc tai nghe theo người.
Ngoài ra, còn có một điều thú vị mà Mọt tui nhận thấy khi thử nghiệm vài chiếc tai nghe gaming gần đây là dù giá mềm hay giá “đại gia”, chúng đều có tích hợp các bộ lọc Magic Voice trong driver. Các bộ lọc này giúp game thủ có thể biến đổi giọng nói của mình thành nam, nữ, léo nhéo hay trầm ổn. Đây là một tính năng khá vui nhộn và dù hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến gameplay, bạn vẫn có thể dùng nó để troll đồng đội khi Duo hay Squad trong các tựa game có hỗ trợ giọng nói.
Một số sản phẩm cao cấp hơn nữa sẽ cho phép game thủ tự tạo ra các bộ lọc giọng nói của riêng mình, chẳng hạn một sản phẩm mà Mọt tui có dịp thử nghiệm gần đây là Logitech Pro X. Nhờ tích hợp các bộ lọc Blue Vo!ce, game thủ có thể biến mình thành một phát thanh viên radio hay chỉnh sửa tần số của âm thanh qua ba băng tần EQ để cường hóa phần “hay” trong giọng nói và giảm bớt phần “dở” nếu muốn.
Cuối cùng, chúng ta cũng phải nhắc đến các tính năng phụ trợ thường được quảng cáo ngay trên hộp sản phẩm là hỗ trợ âm thanh vòm 5.1, 7.1... Việc tạo ra trải nghiệm âm thanh vòm thật trong một không gian giới hạn (củ tai nghe) là rất khó khăn. Các kỹ sư âm thanh của các hãng sản xuất headphone đã cố gắng tạo ra nhiều giải pháp khác nhau để hiện thực hóa điều này, nhưng tựu trung chúng đều tìm cách đánh lừa bộ não của bạn. Do việc phân biệt vị trí của nguồn âm hữu ích nhất khi chơi game, tính năng này ít khi xuất hiện trên một headphone giá rẻ và không dành cho mục đích gaming.
Hãy tưởng tượng một ai đó đang nói chuyện ở bên trái của bạn. Ở ngoài đời, cả hai tai của bạn đều nghe được tiếng nói đó, nhưng tai phải sẽ nghe được trễ hơn và với âm lượng nhỏ hơn. Điều này giúp bộ não nhận ra rằng nguồn âm phát ra từ bên trái. Bằng cách mô phỏng điều này, ngay cả một tai nghe stereo bình thường chỉ bao gồm hai kênh trái – phải cũng có thể giả lập cảm giác về vị trí của nguồn âm thanh khi bạn chơi game. Hiệu ứng âm thanh vòm được xây dựng dựa trên nguyên lý này, nhưng được bổ sung thêm một vài chiêu xử lý khác để đánh lừa bộ não rằng nguồn âm thanh có thể phát ra từ nhiều nguồn hơn nữa. Các chiêu xử lý đó có thể là bí quyết độc quyền của từng hãng, và là sự khác biệt giữa các chuẩn âm thanh như Dolby, Creative Media, DTS…
Dĩ nhiên không thiếu các tai nghe có âm thanh vòm thực sự chứ không phải giả lập. Các tai nghe này sẽ đặt nhiều màng loa trên cùng một củ tai để có thể tạo ra cảm nhận về nguồn âm. Chẳng hạn khi một kẻ địch lén lút tới gần bạn từ phía sau, bạn sẽ nghe được âm thanh mà hắn ta phát ra rõ nhất trên các kênh trái-sau và phải-sau, còn các kênh khác yếu hơn hẳn. Những tai nghe này không chỉ tuyệt vời khi chơi game mà còn cho bạn trải nghiệm âm thanh “như xi nê” khi xem phim ảnh trên chiếc màn hình nhỏ bé của mình.
Như bạn có thể thấy, với game thủ thì một chiếc tai nghe gaming thực sự đem lại cho họ nhiều tiện ích đáng kể ngay cả khi so sánh với các sản phẩm cao cấp nhưng không được thiết kế cho game. Vì thế nên việc lựa chọn một tai nghe gaming phù hợp là một khoản đầu tư mà bạn không nên tiết kiệm nếu muốn có trải nghiệm thú vị nhất, “chuẩn” nhất trong khung thời gian giải trí của mình.