Thông thường, khi Mọt tôi nhắc đến Warhammer chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến dòng game đồ sộ cùng tên. Tuy nhiên game chỉ là một phần trong thế giới thương hiệu Warhammer khổng lồ và Tabletop Warhammer là một trong những mảng tồn tại song song với game.
Có thể nói Tabletop là một món chơi đầy tao nhã nhưng cũng không kém phần rườm rà cực khổ. Khi nghe mô tả về cách chơi chắc cõ lẽ bạn sẽ thốt lên “ông nào chơi cái này một là cực kỳ tâm huyết hoặc… khổ dâm nặng”.
Cách chơi đầy tỉ mỉ và kỳ công
Tabletop Warhammer được xếp vào thể loại boardgame, nhưng nó không đơn giản như các loại boardgame hiện đại mà cực kỳ tỉ mỉ và chi tiết. Game chơi trên một sa bàn 3D tự dựng hoặc mua của nhà sản xuất với nhiều kiểu môi trường như đồi núi, thành thị, rừng hay vũ trụ (với phiên bản Tabletop Warhammer 40k).
Đấy mới chỉ là bàn cờ thôi, mỗi người chơi phải tự sưu tập một bộ quân đội riêng bao gồm các đơn vị quân, nhân vật hay xe cộ trong thế giới Warhammer do nhà phát triển Game Workshop sản xuất. Tương ứng với mỗi loại đơn vị quân (unit) sẽ có kèm một tài liệu mô tả cách chơi và cách vận hành loại quân này trên bàn cờ (gọi là codex). Chưa hết, các loại quân này không phải mấy cái mô hình nhựa dập khuôn xấu xí như con cờ tỷ phú “ngàn hai, ngàn rưỡi” mà bạn mua ngoài tiệm tạp hóa, nó là mô hình miniature hay còn gọi là figure.
Nếu bạn là dân chơi mô hình Figure hay Gundam thì bạn sẽ biết. Mô hình này được sản xuất theo bộ ráp, bạn phải mua về ráp từng mảnh lại thành một mô hình thu nhỏ của đơn vị lính và sau đó là… sơn trang trí theo cách riêng của bạn trước khi mang ra sử dụng.
Bước vào màn chơi, mỗi người sẽ có một số lượng đơn vị nhất định được tham gia vào sa bàn. Người chơi sẽ lần lượt lắc xí ngầu và điều khiển đơn vị của mình di chuyển, chiến đấu trên sa bàn theo chiến thuật của mình cũng như quy định của codex. Một trận chiến có thể kéo dài từ 2 tiếng cho đến… vài ngày tùy vào độ rộng chiến trường, số lượng quân và cả mục tiêu đề ra của trận chiến.
Bạn không nghe lầm đâu, một trận chiến Tabletop Warhammer không đơn giản là các phe lao vào tẩn nhau xem ai còn trụ lại đến cuối đâu. Bạn còn có thể đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu của trận chiến và nhờ đó tính chiến thuật sẽ cao hơn khi mục đích không phải là tiêu diệt nhau nữa mà là thực hiện điều kiện đặt ra của trận đấu.
Sân chơi tại Việt Nam đang mở rộng
Tabletop Warhammer nghe qua phức tạp và khó khăn là thế tuy nhiên tại Việt Nam vẫn có những fan theo đuổi rất kiên trì. Thậm chí những tụ điểm chơi Tabletop Warhammer kết hợp bán các mẫu đơn vị đang được mở ra dần. Đơn cử gần đây nhất là Iron Hammer (Ngõ 82, số 3 Đặng Tiến Đông) tại Hà Nội.
Đây là một mô hình sân chơi dành cho fan của các thể loại boardgame gần đây khi kết hợp giữa café, shop và địa điểm tụ họp hội nhóm. Đặc biệt hơn nữa đây là cửa hàng hiếm hoi tại Việt Nam và đầu tiên tại Hà Nội đạt được ủy quyền đại lý từ chính nhà sản xuất Tabletop Warhammer là Game Workshop. Nếu bạn còn đang “đứng hình” thì có thể hiểu rằng nó giống như một đại lý chính thức được xác nhận Authorized của Apple để bán iPhone vậy.
Iron Hammer hiện đã bước vào đợt mở cửa thử nghiệm (soft opening) từ ngày 4/2 – 11/2 với các ưu đãi hấp dẫn dành cho các fan của Tabletop Warhammer như giảm giá 20% đồ uống và miễn phí chơi boardgame tại quán. Có thể nói đây sẽ là một tụ điểm chơi “chắc tay” dành cho cộng đồng Tabletop Warhammer tại Hà Nội trong thời gian tới khi cung cấp các điều kiện chơi “tươm tất” nhất có thể cho cộng đồng.
Nếu bạn thấy seri Total War là đã đủ phê, vậy nếu kết hợp nó với Heroes và dòng WARHAMMER để cho ra đời Total War: WARHAMMER II thì sao?
Riêng với các fan của Tabletop Warhammer tại TP HCM có thể đến một trong những địa điểm có cơ cấu tương tự như Empire Capital (16 Quách Văn Tuấn, Phường 12, Tân Bình) để tìm hiểu về món chơi đầy công phu nhưng thú vị này.