Bên cạnh sự phát triển vượt trội của ngành công nghiệp game nói chung và Esports nói riêng, phái đẹp càng được xem trọng hơn so với nam giới thậm chí không ít nữ game thủ đã tận dụng lợi thế này để phát triển sự nghiệp game thủ chuyên nghiệp cũng như streamer và xem đây là một nghề nghiêm túc đảm bảo thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình.
Đặc biệt chỉ cần lướt sơ một trang web cho thuê game thủ nữ chơi chung cũng có thể thấy lượng game thủ nữ ăn nên làm ra vượt trội hơn so với cánh đàn ông ra sao, nhìn chung đây là một dấu hiệu đáng mừng cho sự bình đẳng về giới của những tựa game đang ăn khách hiện nay như Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, PUBG, Free Fire... Tuy nhiên bên cạnh việc nam nữ bình đẳng luôn tồn tại một sự thật là phần lớn game thủ nữ luôn toxic hơn nam. Hãy cùng Mọt Lang Thang tìm hiểu và chém gió về vấn đề này nhé!!!
Trong tiếng Anh "toxic" có nghĩa là chất độc, còn trong môi trường game trực tuyến ngày nay toxic được hiểu nôm na là những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến trải nghiệm game của đồng đội hoặc những game thủ khác trong trận. Dấu hiệu thường thấy của một game thủ toxic là luôn miệng sỉ vả đồng đội chỉ vì họ chơi kém hoặc chẳng may lỡ miệng động chạm hay nói gì đó khiến người kia phật lòng.
Game thủ toxic có thể dễ dàng tìm thấy trên máy chủ của bất kỳ tựa game nối tiếng như LMHT, Liên Quân hoặc PUBG... Mặc dù số lượng game thủ nữ chơi game ít hơn nam nhưng theo trải nghiệm từ cộng đồng thì game thủ nữ ngày nay đang có xu hướng học hỏi thói xấu và phát triển nhanh hơn so với nam game thủ về phương diện toxic.
Về cơ bản thì nam nữ vốn bình đẳng nhất là trong những tựa game chú trọng đến kỹ năng, với game thủ nữ càng không ngoại lệ và một số cô gái còn vui vẻ chấp nhận luyện tập kỹ năng để đánh bại các chàng trai. Tuy nhiên phụ nữ lại dễ dàng bị tổn thương trước những câu nói bông đùa trong vô thức của các chàng trai game thủ như "Ủa nữ hả? Con gái mà cũng chơi game này à? Bạn biết chơi nhân vật đó không?". Thường thì khi mới gặp lần đầu các cô nàng cũng dễ dàng bỏ ngoài tai thôi, nhưng theo thời gian khi đã tu luyện lên đến những bậc xếp hạng cao như Kim Cương, Cao Thủ... (LMHT) hoặc tinh nhuệ, thủ lĩnh (PUBG) mà còn bị hỏi những câu này thì các mỹ nhân càng dễ bị cảm xúc chi phối. Nhẹ thì toxic sỉ vả, nặng hơn thì block dằn mặt hay thậm chí chụp hình lại bóc phốt trong cộng đồng hoặc gạ kèo đánh cho các chàng biết game thủ nữ cũng sở hữu kỹ năng cao đâu thua kém chi nam nhân.
Nguyên nhân chính khiến game thủ nữ khá nhạy cảm và dễ toxic hơn khi bị xem thường, phần lớn đến từ quan điểm họ vốn là phái yếu luôn được nâng niu che chở nhưng khi vào game mọi thứ hoàn toàn bình đẳng thậm chí những nam game thủ lại yêu cầu nhiều hơn để chiến thắng và chỉ cần một sai sót nhỏ thôi là họ đã trở thành mục tiêu chỉ trích của cả đội. Lâu dần môi trường game cảm nhiễm khiến nữ game thủ tin rằng toxic là cách duy nhất để bảo vệ họ trước khi bị biến thành mục tiêu công kích. Ngoài ra với một số nữ game thủ đi theo nghiệp streamer, khán giả của họ đôi khi lại thích hình tượng một cô gái nổi loạn, cá tính hơn là một cô nàng hiền lành ít nói, do đó học hỏi theo cách giao tiếp toxic trong game của nam giới chính là chìa khóa để họ tiến hóa bản thân và thu hút nhiều người xem hơn.
Trong một số trường hợp toxic có thể đem lại tiếng cười cho người hâm mộ nhưng với đồng đội thì cảm xúc của họ chắc chắn chẳng vui vẻ gì thậm chí họ có thể chẳng thiết tha gì chiến thắng khi phải chơi cùng một đồng đội toxic luôn ra vẻ ta đây trên khung chat. Đặc biệt cùng với việc những tựa game ngày càng chú trọng vấn đề voice chat để tiện phối hợp cùng đồng đội thì nữ game thủ toxic chỉ lợi 1 với người hâm mộ thân quen, còn với bạn chơi cùng hoặc người chơi mới thì họ lại mất điểm tới 8-9 phần.
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, lượng game thủ nữ ngày nay vốn không phải ít và nếu cứ giữ mãi thái độ toxic thì cô nàng game thủ sớm muộn gì cũng sẽ muối mặt khi gặp gỡ cao thủ thật sự hoặc những streamer nữ ở bậc cao hơn mà thôi. Đặc biệt với nam thì có thể dễ dàng cho qua vì đâu có quý ông game thủ nào muốn so đo với một cô gái đâu nhỉ? Nhưng với một nữ game thủ khác thì đây lại là câu chuyện khác vì "ghen tức" vốn vũ khí vô cùng đáng sợ của phụ nữ rồi.
Đôi khi game thủ nữ sẽ ngộ nhận toxic là một cách để họ thể hiện cảm xúc và trút đi bao nỗi bực dọc mà xã hội đem lại cho họ, tuy nhiên cần biết rằng game vốn là một xã hội thu nhỏ trên mạng cũng có người này người kia. Do đó thay vì cố gắng tạo ra thêm nhiều kẻ thù, tại sao những cô gái không sử dụng vũ khí lợi hại nhất của mình để hóa giải can qua, hòa khí sinh tài. Con đường game thủ vốn không hề bằng phẳng, dù nam hay nữ thì toxic vẫn là trở ngại mà chúng ta phải vượt qua nếu muốn phát triển tên tuổi và sự nghiệp trong cộng đồng.