Không có gì phải bàn cãi, Cyberpunk 2077 là một trong những tựa RPG được chờ đợi nhất trong những năm qua. Nó thu hút mọi ánh nhìn kể từ khi được hé lộ hồi đầu năm 2013, và phải đến hơn 5 năm sau, những hình ảnh mới về trò chơi mới được công bố tại E3 2018. Vài tháng sau, game thủ thế giới mới được xem đoạn video gameplay đầu tiên của trò chơi, và nó đã chinh phục gần như tất cả mọi người, ngoài những game thủ còn “lăn tăn” về việc một tựa RPG lại có góc nhìn người thứ nhất.
Để có được đoạn video gameplay dài gần 50 phút mà game thủ thế giới thưởng thức, CD Projekt Red đã mất nhiều năm ròng để phát triển trò chơi. Nó đã được thực hiện trong một thời gian dài bởi những con người tài giỏi và đam mê. Trong bài viết này, hãy cùng Mọt khám phá những cơ duyên đã dẫn đến sự ra đời của dự án Cyberpunk 2077 theo lời kể của Mike Pondsmith, cha đẻ của thương hiệu Cyberpunk.
Đoạn teaser được ra mắt vào năm 2013.
Hẳn các bạn đều đã biết rằng Cyberpunk 2077 được thực hiện dựa trên boardgame (cờ bàn) Cyberpunk 2020, tác phẩm của nhà thiết kế video game, RPG và boardgame người Mỹ tên Mike Pondsmith. Boardgame này được ra mắt lần đầu vào năm 1988, với tên gọi Cyberpunk The Roleplaying Game of the Dark Future. Trò chơi lấy bối cảnh năm 2013 – thời điểm đoạn trailer đầu tiên của game được công bố - và vì thế thường được gọi là Cyberpunk 2013. Sau nhiều lần cập nhật luật chơi, đến năm 1990, ông Mike tung ra Cyberpunk 2020, một quyển sách hướng dẫn mới với cốt truyện được cập nhật và cơ chế chơi mới.
Cyberpunk được Mike và công ty của mình là Talsorian Games trao quyền phát hành cho rất nhiều công ty khác nhau. Trong số đó, có một công ty nọ muốn được trao quyền phát hành tại Ba Lan. Đây là một điều bất ngờ, bởi vào thời điểm này, “bức màn thép” của Liên Xô và các nước Đông Âu vẫn còn tồn tại. Ông Mike nghĩ rằng mình sẽ bán được chừng… 5 bản tại Ba Lan, nhưng vẫn đồng ý. Không rõ doanh số thật của Cyberpunk tại Ba Lan vào thời điểm đó là bao nhiêu, nhưng có 5 bản boardgame đã được bán ra cho một số cậu trai tuổi teen hoặc đại học, những người sau này trở thành một phần của CD Projekt Red.
48 phút gameplay của Cyberpunk 2077.
Có lẽ chính nhờ những bản boardgame này mà sau khi giành được những thành công rực rỡ với The Witcher 1 và 2, CD Projekt Red liên hệ với Mike và hỏi liệu họ có thể cùng hợp tác để tạo ra một tựa game Cyberpunk hay không. Vào thời điểm đó Mike đang làm việc cho Microsoft và một phần công việc của ông là ghé thăm các công ty phát triển phần mềm tại các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Ông đã quen thuộc với việc ghé thăm các quốc gia này và thường xuyên thấy sự tụt hậu về công nghệ của các quốc gia đó. Vì thế nên khi nghe tin này, suy nghĩ đầu tiên của ông là “Tôi tưởng tượng (CD Projekt Red là) 10 anh chàng trong một căn phòng chật cứng với máy tính cổ và một con dê. Thực sự tôi đã từng đến những studio như vậy. Và rồi họ gửi cho chúng tôi một bản The Witcher 2 và chúng tôi nói, ‘chà, game này hay thật. Con dê đó quả thật biết cách lập trình!’”
Tưởng tượng hóa ra khác xa so với sự thật. Mike bay đến Ba Lan và nhận ra rằng CD Projekt Red có một studio hoành tráng hơn cả những studio của Microsoft. Các chàng trai của CD Projekt Red thậm chí còn hiểu biết về Cyberpunk hơn những gì Mike nhớ về trò chơi do mình tạo ra. “Họ biết Cyberpunk. Họ yêu Cyberpunk. Họ có thể.” Đây là một đánh giá rất cao mà Mike dành cho CD Projekt Red bởi thật ra từng có nhiều studio khác liên hệ Mike để mua bản quyền làm game dựa trên Cyberpunk kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng theo ông những studio đó đều không đủ sức làm ra một trò chơi theo ý muốn của mình.
Trong chuyến đi này Mike cũng được thấy những hình ảnh đầu tiên về The Witcher 3 và nó góp phần thúc đẩy ông đồng ý trao bản quyền phát triển game Cyberpunk cho CD Projekt Red. Không chỉ có thế, ông còn quyết định góp sức cho CD Projekt Red bằng những kinh nghiệm mình có được trong quá trình làm những tựa game như Mech Commander 2, Blood Wake, Crimson Skies: High Road to Revenge, The Matrix Online. Vì vậy, Mike rất tự hào mình là người trực tiếp tham gia vào việc tạo nên Cyberpunk 2077. “Tôi cảm thấy mình cực kỳ may mắn được hợp tác với CD Projekt Red, tôi thậm chí còn làm việc cho họ, và họ chẳng biết là tôi sẽ làm thế.” Ông không chỉ là người tạo ra thương hiệu Cyberpunk, mà còn biết điều gì hợp lý, điều gì cần được sửa chữa khi chuyển thể thành game, và sửa chữa như thế nào.
Sau đoạn video gameplay mà CD Projekt Red tung ra, trò chơi được sự hoan nghênh nhiệt liệt của game thủ và vì thế Mike cảm thấy rất vui mừng. Ông cũng tiết lộ rằng mình đã được tận tay khám phá Night City – thành phố mà bạn sẽ sống trong game. Trong khi game thủ chỉ được xem những gì diễn ra trên video, Mike đã được điều khiển nhân vật của mình khám phá Night City theo ý muốn. Đây quả là một điều hết sức tuyệt vời, khi bạn không chỉ được chơi tựa game làm ra dựa trên tác phẩm của mình, mà còn được tận tay tham dự vào quá trình phát triển nó.
Hiện tại, Cyberpunk 2077 vẫn còn chưa có ngày phát hành, nhưng theo lời ông Mike, quá trình phát triển trò chơi đang diễn ra một cách suôn sẻ. Có thể chúng ta sẽ phải chờ đến cuối 2019 hoặc 2020, và nếu bạn quá thèm thuồng những thông tin về trò chơi này, hãy thử ghé thăm bài viết trước của Mọt nhé.