Phụ Lục
Dù hiện tại PUBG đang rơi vào giai đoạn phía bên kia của sườn dốc, nhưng không thể phủ nhận được sự thật chính nó đã đưa thể loại Battle Royale đến với cộng đồng game thủ. Không phải trò chơi Battle Royale đầu tiên, nhưng thành công PUBG đạt được đã khiến cho nó trở thành một trong những kẻ tiên phong trong thể loại này.
Và điều tất yếu sẽ xảy ra, PUBG đã tạo nên một cơn sốt khổng lồ trên toàn thế giới, thu lại không biết bao nhiêu lợi nhuận. Hàng loạt các hãng game lớn nhỏ đều muốn tiếp bước PUBG để xâu xé miếng bánh ngọt Battle Royale. Hàng loạt những tựa game ăn theo đã nhanh chóng được phát triển và ra mắt cộng đồng như Darwin Project, Survival Games: Battle Royale,… Còn trên hệ mobile cũng không kém cạnh với những Rules of Suvival, Freefire,…
Nhưng trong một cuộc cạnh tranh đường dài, không phải trò chơi nào cũng giữ vững được phong độ. Số lượng game Battle Royale ăn theo PUBG ra mắt nhiều không đếm xuể nhưng game thủ có lẽ sẽ chỉ nhớ tới 1 hoặc 2 cái tên tiêu biểu mà thôi.
Khi game thủ bắt đầu biết tới PUBG, Fortnite hay thể loại Battle Royale, họ luôn tò mò với bất cứ sản phẩm nào gắn mác ăn theo PUBG hay BR. Vì đơn giản khi đó PUBG đang trở thành một hiện tượng toàn cầu, người hâm mộ có người sẽ hóng các sản phẩm ăn theo xem có trò chơi nào đem lại trải nghiệm được như chính chủ không, hoặc đơn giản là có những người ghét PUBG nhưng lại thích Battle Royale nên luôn chờ đợi các sản phẩm khác cũng thuộc thể loại này.
Tất nhiên tính tò mò cũng chỉ có một giai đoạn ngắn. Khi cộng đồng game thủ đã bắt đầu thấy loãng với thể loại này, các trò chơi ăn theo tức khắc sẽ lộ rõ bản chất “chỉ là một game ăn theo” của mình. Số lượng người chơi giảm sút nghiêm trọng, bị gỡ khỏi nền tảng phân phối, bị cộng đồng chửi lên chửi xuống.
Đơn cử như Realm Royale có thể nói là một hiện tượng sáng giá trong thể loại Battle Royale. Tuy nhiên, nó đã tụt dốc một cách thê thảm. Trong vòng 2 tháng, trò chơi đã bị mất tới 94% lượng người chơi. Ngày 10 tháng 6, game đạt được tới 105.440 người nhưng tới hiện tại, con số này chỉ là hơn 4 ngàn mà thôi.
Có thể thấy khi người ta đã hết tò mò, ngành công nghiệp game bão hòa với thể loại BR, game nào hấp dẫn, trò chơi nào tệ sẽ trở về đúng vị trí của nó.
Vì chỉ là sản phẩm ăn theo những yếu tố đã tạo nên thành công của PUBG nên các hãng phát triển thường không có bất cứ sáng tạo nào vượt trội. Khoảng 10 game thì 8 game đều có duy nhất một lối chơi, một bối cảnh. Một số ít khác tuy có sáng tạo về mặt nội dung nhưng lại không đủ ngân sách cho công đoạn marketing để quảng bá rộng rãi tới người hâm mộ, hoặc những sáng tạo đó quá nhỏ, không đủ tạo một chất riêng rõ rệt.
Đến ông lớn như PUBG hay Fortnite lại liên tục thay đổi mình thông qua các bản update lớn nhỏ để mong giữ chân được người hâm mộ. Khi quá nhàm chán với một nội dung duy nhất, việc bị cộng đồng nhanh chóng quay lưng là điều dễ hiểu.
Nhưng thực tế, các trò chơi ăn theo đều chỉ là sản phẩm của các hãng phát triển nhỏ, ít tên tuổi. Họ không đủ kinh phí cũng như nhân sự để theo được cuộc cạnh tranh đường dài này. Những gì các hãng game nhỏ cần khi ra mắt trò chơi ăn theo chỉ là một số lượng người chơi vừa đủ giúp họ có thêm được một chút kinh phí duy trì, gỡ gạc lại vốn cũng như có thêm ngân sách cho các trò chơi tiếp theo. Cùng với đó là một chút hi vọng về việc cộng đồng sẽ để ý tới mình lâu dài.
Một lý do nữa khiến cho các sản phẩm ăn theo sẽ nhanh chóng lụi tàn là việc các ông lớn dần chuyển mình qua Battle Royale. Call of Duty và Battlefield là 2 tượng đài lâu năm của dòng game bắn súng. Trong năm 2018, 2 series game này cũng không đứng ngoài cuộc chơi Battle Royale. Dù họ có nhập cuộc muộn hơn là vào cuối năm 2018, nhưng không vì thế mà Call of Duty hay Battlefield lại chịu lép vế vì khả năng sáng tạo của họ là không thể phủ nhận.
Danh tiếng mà EA và Activision đã xây dựng trong hơn thập kỷ qua cho CoD và Battlefield có thể đạp đổ bất cứ hi vọng của con game nào. Các chuyên gia Marketing của những ông lớn cũng khẳng định đẳng cấp và vị thế trên đấu trường Battle Royale. Từng chi tiết nhỏ hay các đoạn trailer được tung ra đều khiến cho cộng đồng game thủ phải phát sốt.
Và lẽ dĩ nhiên, sự chú ý của người chơi nhanh chóng không còn tập trung vào các sản phẩm nhỏ, ít danh tiếng nữa. Đó còn chưa kể một vài bản DLC của các trò chơi nổi tiếng từng phát hành trước đó cũng không thể bỏ qua Battle Royale. Vậy đấy, những game nhỏ lẻ, không đủ ngân sách marketing, lại không có thương hiệu làm sao có thể cạnh tranh nổi đây.
Dù Battle Royale đang tới giai đoạn ổn định và sàn lọc, nhưng nó vẫn là một chiếc bánh ngọt ai cũng muốn cắn một miếng. Tất cả các hãng game lớn nhỏ đều chịu sức ảnh hưởng nặng nề của thể loại này. Số lượng sản phẩm ăn theo sự thành công của PUBG là không đếm xuể, có những sản phẩm thực sự hay và có tính sáng tạo cao.
Nhưng trong một chặng đường dài, chỉ có kẻ khôn hoặc đủ tiềm lực tài chính mới có thể trụ vững. Về vấn đề này thì các hãng game lớn đã hoàn toàn ăn đứt khi họ có thừa về nhân lực cũng như kinh phí.
Cho tới cuối cùng, trong thể loại Battle Royale, người hâm mộ cũng chỉ biết tới những cái tên như PUBG, Fortnite, Call of Duty, Battlefield mà thôi. Các trò chơi sao chép y nguyên PUBG có thể mới đầu sẽ đạt được những thành công không ngờ, nhưng càng về sau, chúng sẽ phải trở về đúng với vị trí của mình mà thôi.