Đối với game thủ, streamer là một trong những nghề đầy tự hào khi giúp bạn có thêm tự tin sống với đam mê và trở thành biểu tượng thành công trong mắt cộng đồng. Tuy nhiên qua phóng sự "Streamer: tự do và trách nhiệm" của một nhà đài trong thời gian gần đây, phụ huynh và xã hội lại một lần nữa dậy sóng với lập luận lên án gay gắt cho rằng "streamer cần phải có trách nhiệm kiểm soát nội dung phản cảm tục tĩu trên mạng". Nhưng sự thật thì đó chỉ là góc nhìn từ phía nhà đài, còn góc nhìn từ phía cộng đồng thì sao? Hãy cùng Mọt Lang Thang điểm qua những góc nhìn đa chiều về tự do và trách nhiệm của streamer nhé.
Đối với cộng đồng thì một phóng sự lên án streamer dường như là một cái tát thẳng mặt vào tín ngưỡng của game thủ, nhất là khi trở thành một streamer nổi tiếng với hàng triệu lượt xem và theo dõi chính là mơ ước của hàng triệu game thủ Việt Nam. Tuy nhiên theo góc nhìn của phía nhà đài thì họ không hề sai, nhất là khi tất cả những lập luận của họ đều được củng cố bằng những thông tin đã được xác thực và dẫn chứng trực tiếp từ những bài phỏng vấn phụ huynh và cả cựu streamer. Nhất là khi streamer đang trở thành một hướng đi mới và những bậc phụ huynh càng muốn tìm hiểu rõ hơn con cái họ sẽ làm gì khi theo nghề này để đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.
Tuy nhiên cũng chính vì tiếp cận trực diện và trực tiếp sử dụng hình ảnh streamer nên nhà đài vô tình mất điểm với cộng đồng người hâm mộ và game thủ dẫn đến hậu quả là nhà đài phải khóa luôn phần bình luận bên dưới phóng sự để hạn chế những bình luận tiêu cực . Nhưng nói đi cũng phải nói lại trước đó và cả trong phần phóng sự, nhà đài không hề nói game hoặc streamer là một dạng tệ nạn. Thậm chí đây có thể xem như là một lời nhắc dành cho những ông lớn streamer hiện nay, để giúp họ cải thiện nội dung và đưa nhiều thông tin hữu ích hoặc thông điệp ý nghĩa đến người xem nhiều hơn đồng thời tránh không bị xử phạt hành chính sau này theo đúng luật pháp nước nhà.
Tất nhiên nhà đài có lý do và trách nhiệm đưa phóng sự cảnh báo cộng đồng. Tuy nhiên đây lại là một câu chuyện khác đối với người hâm mộ và game thủ, nhất là khi dành trọn tình cảm cho thần tượng và dồn toàn bộ đam mê để theo đuổi nghề streamer, game thủ sẽ giống như một kẻ si tình yêu quên lối về và cho rằng nhà đài chính là nguyên nhân chia cắt tình cảm lứa đôi của họ. Qua đó quan điểm của người hâm mộ rất đơn giản, stream là một hình thức giải trí và streamer là những nghệ sỹ tự do sống hết mình vì đam mê game và trong khoảnh khắc nhập tâm hết mình đó đôi khi những câu chửi thề nói tục lại khiến người nghe cảm thấy vô cùng buồn cười trong hoàn cảnh lúc đó của họ.
Dẫu biết rằng nói tục chửi thề là không tốt, thế nhưng trong vòng quay hối hả của cuộc đời không chỉ game thủ mà đôi khi những nhân viên văn phòng, công chức lịch thiệp cũng không ít lần thô tục bởi lẽ để đối mặt với áp lực công việc thì chửi thề, nói tục là cách tốt nhất để xả đi bực dọc. Do đó không ít game thủ tự hỏi nếu streamer không chửi thề nói tục thì liệu có giả tạo quá hay không? Và nếu streamer làm gương cho giới trẻ bằng việc kiểm soát ngôn từ thì liệu giới trẻ có thể không chửi thề không? Kênh lúc nào cũng để giới hạn độ tuổi và trẻ em có thể xem youtube Kid mà? Ngoài ra còn đó những câu hỏi như tại sao những youtuber nội dung bẩn dạy hư trẻ em như N.T.N thì lại không đề cập đến còn những streamer chỉ chơi game bằng cả cảm xúc và đôi khi nói bậy lại trở thành tâm điểm truyền thông?
Dưới 2 góc nhìn trái ngược nhau, nghề streamer vô tình trở thành một tệ nạn trong ánh mắt của phụ huynh và xã hội, nhất là khi phần lớn người xem còn đang ở lứa tuổi học sinh dễ bị ảnh hưởng và học hỏi theo. Do đó phụ huynh càng có lý do để cấm đoán, bảo vệ con mình khỏi những văn hóa phẩm không lành mạnh đồng thời những streamer như Thầy Giáo Ba, Độ Mixi... cũng sẽ dè chừng lời nói hơn để làm gương cho lớp trẻ như Pewpew.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại cả nhà đài và xã hội đều đang cố gắng bảo vệ quá mức cho người xem, nhất là khi những người xem stream thường xuyên đều là những thanh thiếu niên ở độ tuổi trưởng thành. Họ đều có đủ nhận thức đẻ hiểu rõ khi nào cần và phải nói tục chửi thề và thay vì nhắc nhở cộng đồng bằng một bài phóng sự nhà đài nên đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân tại sao các em học sinh lại văng tục chửi thể? Do gia đình hay do chính áp lực trường lớp mà các em phải xem stream thường xuyên để giải tỏa tâm lý?
Từ những góc nhìn xã hội trên ít nhiều game thủ đã có cái nhìn cận cảnh hơn về những game thủ truyền tải cảm hứng và áp lực họ phải chịu. Ở đây Mọt Lang Thang không đưa ra góc nhìn từ chính streamer bởi lẽ, chắc chắn không một streamer nào muốn người xem trở thành tâm điểm bàn tán chỉ vì đứng ra bảo vệ thần tượng. Do đó hy vọng tất cả game thủ và streamer hãy tỉnh táo để cùng xử lý vấn đề trước khi mọi chuyện đi xa theo chiều hướng xấu hơn.