Với việc chúng ta bước qua thập niên mới 2020, đồng nghĩa là có rất nhiều thay đổi đã diễn ra và sự xuất hiện của dòng game Souls-like là một trong những thứ như vậy. Kể từ khi ra mắt chính thức với Dark Souls (trước đó là Demon's Souls), FromSoftware đã tạo nên một dòng game mới có thể nói là thay đổi bộ mặt của thể loại hành động, tới mức khai sinh ra cụm từ “Souls-like” được sử dụng rộng rãi cho tới ngày hôm nay.
Tuy vậy thì Dark Souls hay Souls-like không thể tính là một thể loại game chính thống, hơn nữa bản thân nó còn có phần khá vớ vẩn và mang tính kiểu như được bơm thổi bởi cộng đồng quá nhiều, hơn là giá trị thật sự của nó.
Đầu tiên phải nói cụm từ Souls-like có thể giải thích đơn giản là “các game giống như Dark Souls”, từ giống ở đây càng dễ hiểu hơn nữa khi chúng ta tóm gọi lại bằng bốn chữ “càng khó càng tốt” – có nghĩa là game hành động nào càng khiến người chơi chết thật nhiều và vô cùng khổ sở thì nó có nghĩa là đạt chuẩn rồi đó.
Tất nhiên Souls-like cũng có những chuẩn mực nhất định, khi game đó buộc phải là thể loại hành động (chặt chém hoặc bắn súng), có những màn chơi nối tiếp nhau bằng phân điểm là những con trùm. Có độ khó khủng khiếp hay gần ở mức không thể vượt qua, khi bất kì con quái nhỏ nào cũng có thể đánh một phát bay khoảng 1/3 cây máu. Cuối cùng là việc phải chơi lại liên tục, khi chết hai lần liên tiếp sẽ mất toàn bộ điểm kinh nghiệm hoặc tài nguyên hiện có.
Bỏ qua 3 seri Dark Souls thì hiện tại có rất nhiều game Souls-like nổi tiếng như: Nioh, The Surge, Bloodborne, Hollow Knight hay Sekiro: Shadows Die Twice... chúng đều được cộng đồng đánh giá rất cao, nhận được các lời khen hoa mỹ nhất, thậm chí Sekiro còn vừa vượt qua Death Stranding để giành giải thưởng Game of The Year vừa rồi. Nhưng thực sự thì dòng Souls-like này không thần thánh đến như vậy, hay nói đúng hơn nó chỉ là một phân nhánh nhỏ của dòng game hành động chứ chẳng phải một thể loại game được.
Nên nhớ trước khi Dark Souls ra đời, chúng ta không thiếu những tựa game hành động siêu khó như Ghosts ‘n Goblins, Ninja Gaiden hay God Hand... cái khiến cho dòng Souls nổi tiếng chính ở việc nó ép buộc người chơi phải chấp nhận cái độ khó hư cấu đó, không có tùy chỉnh, không có handicap và không có cheat để skip qua màn chơi nào đó mà bạn phải thực sự hạ gục chướng ngại vật trước mặt.
Cái khái niệm này được các fan gọi là công bằng, tức là tất cả mọi người khi đã chơi Souls-like sẽ đều có một trải nghiệm (khó) y chang nhau với cùng một lộ trình đánh trùm. Những game Souls-like chính thống từ FromSoftware cũng không đặt nặng vấn đề đồ đạc hay cày cuốc, nó thử thách kỹ năng người chơi nhiều hơn (khác với những game cải tiến như Nioh hay The Surge).
Nhưng nếu chỉ bao nhiêu đó thì Souls-like không thể gọi là một thể loại game được, vì tất cả những gì tinh túy nhất của nó gần như chỉ nằm gọn trong hai từ là “siêu khó”. Có rất nhiều game hành động cũng đi theo lộ trình luyện cấp – đánh trùm từ xưa và Souls-like cũng chẳng phải ngoại lệ, có lẽ khác biệt nằm ở chỗ cách nhìn của cộng đồng mà thôi.
Lấy ví dụ như Bloodborne – tựa game Souls-like được cho là hay nhất trong tất cả, thì thực tế việc nó nổi tiếng và trở thành biểu tượng không phải là lối chơi, mà nằm trong cốt truyện, cách kiến tạo hình ảnh và cái không khí bí hiểm trải dài suốt từ đầu tới cuối. Nhắc tới Bloodborne là nhắc tới một thế giới điên loạn trong thành phố Yharnam, một cái cốt truyện rối rắm vẫn còn đang được bàn luận cho tới hiện tại, chứ còn những trùm siêu khó chỉ là một phần mà thôi.
Nếu giả sử bỏ đi cái phần đánh đấm siêu khó đậm chất “Soul-like” thì Bloodborne sẽ vẫn là một game kinh điển, tất nhiên cái mác Souls-like có thể sẽ khiến nó cao giá hơn nhiều, vì thời đại này cứ cái game nào mà có cảm giác hơi khoai khoai một chút là cộng đồng sẽ lập tức gán vào cụm từ “Dark Souls phiên bản xyz”.
Tất nhiên cốt truyện và lối chơi luôn đi song hành để làm nên thành công của game, nhưng trong trường hợp các game Souls-like thì cộng đồng có vẻ như hơi bị đề cao phần đánh đấm siêu khó này quá đáng, theo kiểu người ta biết thì mình cũng phải biết nhiều hơn. Thí dụ khác là Nioh chẳng hạn, đánh đấm chỉ là một phần phụ thôi vì khi bạn đi tới late game thì build đồ ra sao cho mạnh mới là tinh túy của Nioh.
Souls-like có khi bị biến tướng thành kiểu giành cho một số thành phần “thượng đẳng” nửa mùa, lấy cái mốc mình có thể hoàn thành game để lên mặt. Thời mà Sekiro: Shadows Die Twice mới ra mắt, có vài đại hiệp không biết có bị bại não hay không mà từng nói cái game này là “khó quá không chơi nổi và như thế nó không hay”. Điều này vô tình càng làm cho việc hoàn thành Sekiro trở thành cái gì đó rất đáng tự hào, ờ thì tất nhiên cũng có phần đúng, nhưng chẳng phải việc đó cũng áp dụng với những ai hạ gục được Ultimate Weapon trong FF mà không cần hướng dẫn sao.
Vào thời buổi này rất nhiều thanh niên đã coi việc chơi Souls-like là thứ phân biệt đẳng cấp, cũng như cho rằng thể loại game này là thứ gì đó rất thần thánh. Sự thực thì vẫn phải nói nó chỉ là một loại rẽ nhánh của game hành động mà thôi, nói đơn giản là bạn tăng gấp 5 lần độ khó, không có tùy chỉnh giảm xuống và đặt ra thêm vài con trùm nữa là gần như bất cứ game hành động nào cũng trở thành “Souls-like” ngay, chẳng có gì đặc biệt cả.
Hơn nữa sự nổi tiếng của Dark Souls cũng thu hút cộng đồng, có lẽ sẽ có kha khá thanh niên mua những game Souls-like và mặc dù không thể hoàn thành nổi nó, thì vẫn phải lên mạng mà khen lấy khen để nhằm mục đích nâng tầm bản thân lên. Thực ra về một nghĩa nào đó nếu như một thể loại game với lối chơi đặc dị, không dành cho tất cả mọi người và chỉ gói gọn tách biệt ra thì chắc chắn nó không nên là thứ đại diện hay xuất sắc vượt trội được.
Do đó dù đang rất thịnh hành, nhưng Souls-like vẫn có thể nói là một dòng game khá là “vớ vẩn” theo nhiều nghĩa, nó có thể rất hay nhưng cũng chỉ đến mức độ và phạm vi nhỏ mà thôi, không phải ai cũng thích khổ dâm và tất nhiên không phải cái gì khó cũng cần gắn mác “Souls-like” vào cho có vẻ thượng đẳng.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]