đó là những gì tác giả Rainer Sigl tại trang Video Game Tourism đã làm được qua bài viết sau. [Chú ý: bài viết nặng hình ảnh.]
Sơ lược về nghệ thuật chụp hình qua game
"Đôi với tôi, nhiếp ảnh là nghệ thuật của sự quan sát. Đó là về chuyện tìm một thứ thú vị ở một nơi bình thường...Tôi đã hiểu rằng nó không liên quan tới những thứ bạn thấy mà là cách bạn nhìn chúng." Elliott Erwitt - nhiếp ảnh gia, người nắm bắt khoảnh khắc.
Nhiếp ảnh ở khắp mọi nơi. Với sự lên ngôi của các thiết bị di động, chúng ta đã quen với việc mang theo những máy chụp hình đa năng ở trong túi quần bất kì lúc nào, bất kì nơi nào - và thế là chúng ta chụp ảnh. Thật khó để nhớ lại giai đoạn khi chụp hình chỉ giới hạn trong những dịp đặc biệt, vì dụng cụ, phim và chuyện rửa ảnh quá đắt đỏ. Cha mẹ chúng ta cũng chụp hình, nhưng ít hơn nhiều, và chỉ chụp vào những dịp đặc biệt: ảnh đi nghỉ, mừng sinh nhật, cột mốc du lịch, những khoảng khắc độc đáo. Với sự tiện dụng và rẻ mạt của nhiếp ảnh kỹ thuật số, động cơ của chúng ta đã thay đổi: Bây giờ, ta chụp hình những vật bình thường, những vật vui vẻ, những danh sách mua hàng, các đám mây, những chuyện xảy ra quanh ta.
Và, dĩ nhiên, ta vẫn ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống - những chuyến phiêu du lớn, những dịp trọng đại, những thắng lợi và thành tựu đáng nhớ. Như nhiều thứ khác, những khoảnh khắc này đã trôi vào cái khoảng không ảo chúng ta sống trong đó.
Game thuộc về phạm trù trải nghiệm cũng như giải trí. Mọi người không nên bất ngờ khi ánh nhìn nhiếp ảnh, con mắt của bố cục và thẩm mỹ hình ảnh, lại tìm ra những cơ hội để chụp lại trong các không gian ảo này. Thật ra, bất ngờ thay là nhiếp ảnh game - phục vụ mục đích thẩm mỹ chứ không phải ghi lại những trận thắng hoặc những pha liều lĩnh để dùng làm wallpaper cho màn hình - vẫn chưa được khám phá đúng mức của nó.
Vài nhiếp ảnh game, dù vậy, đã bắt đầu du hành trong những không gian này để săn lùng các bức hình đẹp. Kẻ tiên phong được biết đến và tán thưởng nhiều nhất là Duncan Harris của trang deadendthrills. Tay phóng viên game người Anh này so sánh những bức hình tối giản, bóng loáng đã được chỉnh sửa đến mức tối đa của mình với cách chụp ảnh tĩnh trong giới làm phim, và như ảnh chụp từ phim, những gì anh làm đang ngày được sử dụng bởi các công ty game chuyên nghiệp để quảng bá cho sản phẩm. Gần đây, Harris còn được tặng một phiên bản thô của Dishonored, tựa game steampunk - hành động sắp ra mắt, để tiếp sức cho sự mong đợi và cung cấp một cái nhìn nâng cao về thế giới hình ảnh choáng ngợp của game.
Những hình ảnh chuyên nghiệp của Duncan Harris vô cùng hút hồn, nhưng anh không phải thợ chụp ảnh duy nhất có con mắt tốt về khái niệm 'du lịch game' và sự kết hợp giữa không gian ảo và nhiếp ảnh. James Pollock, sinh viên thiết kế đồ họa ở Bath, Anh, sưu tầm những hình anh chụp trong game lên trang blog Virtual Geographic. Anh nói rằng ban đầu mình ảnh hưởng từ deadendthrills, nhưng sau đó lại chọn một cách tiếp cận khác: Thay vì đi theo kỹ thuật đổ bóng, đã chỉnh sửa cực cao cấp của Harris, anh chọn một con đường khá thô sơ và đã chụp hình màn hình TV bằng iPod, với Instagram và Hipstamatic để thêm hiệu ứng - một cách đi vòng tốt đối với hệ thống chụp screenshot hạn chế - nếu không phải là không có - của nhiều console.
Những bức ảnh trắng đen về thiên nhiên hùng vĩ của Skyrim và sa mạc của Red Dead Redemption gợi nhớ đến ký ức của Anselm Adams và những hình ảnh cổ điển của nhiếp ảnh thiên nhiên, trong khi đó những hình ảnh đặt trong khung Polaroid của thế giới hộp Minecraft và Jet Set Radio Future cho thấy đồ họa thực tế không phải là yếu tố cần thiết cho những bức hình ấn tượng.
Khi những bộ hình có liên quan được chụp bởi Robert Overweg, Kent Sheely và John Pau Bichard (3 nhiếp ảnh gia khác) được coi là một loại hình nghệ thuật thử nghiệm, Pollock thấy chúng không khác gì với nhiếp ảnh thực sự: "Coi các không gian thực tế ảo như thật là một trong những điều khiến trải nghiệm này thật đặc biệt với tôi.
Như kiến trúc và không gian đô thị, môi trường game, đặc biệt là những gì trong các game open world với những sân chơi đa chiều được tự do khám phá, đều là do con người tạo ra. Nên không bất ngờ khi yếu tố kiến trúc, đặc biệt là những kiến trúc không bị trói buộc bởi quy luật thực tế, lại là đề tài yêu thích của các nhiếp ảnh gia game. Những bức hình của game thủ người Úc Iain Andrews, sưu tầm trên Steam Postcards, tập trung vào chi tiết trên những môi trường này, các hẻm sâu, những góc và trang trí trên các không gian ảo được làm ra để di chuyển. Như hình của Joshua Taylor, sưu tầm trên trang blog NOTRL, hình ảnh của Andrews ghi lại thế giới được tạo nên một cách chăm chút và những chi tiết chắc chắn game thủ sẽ bỏ qua.
So với Harris và Pollock, Andrews và Taylor ít chỉnh lại hình của mình và thường dùng screenshot bình thường, không hiệu chỉnh hay mod gốc của game (đây là một thế mạnh của người chơi PC so với console). Josh Taylor, một cư dây của Richmond, Va cũng thử nghiệm các cách kể chuyện trong một dự án tên là 'chuyến đi của Shepard'. Taylor thử ghi lại cốt truyện của toàn bộ 3 phần Mass Effect trong những hình chân dung và phong cách choáng ngợp - một hành động đáng được kính trọng khi nghĩ đến các hiểm nguy của Uncanny Valley có thể làm gì với những người mẫu máy của chúng ta.
Việc chụp được những cấu trúc hư hư thực thực, trải dài của thế giới game huyền ảo và viễn tưởng là một thử thách, nhưng cũng có một cách khác để gán ghép thực tế và game với nhau: dự án 'ảnh chụp thực tế ảo' của nhiếp ảnh gia và thiết kế đồ họa hành nghề ở Sao Paulo tên Leonardo Sang sử dụng game là nền tảng cho cái anh gọi là 'nhiếp ảnh đời thường', và hình anh chụp thành phố Sao Paulo trong Max Payne 3 được gắn bảng tên kế bên hình chụp đời thật của thành phố. Hứng thú với chụp hình game trong Sang được khuyến khích bởi camera trong chiếc điện thoại ảo của GTA IV, một món đồ chơi nhỏ trong trò sandbox của Rockstar Games. Và còn bởi anh nhận ra rằng, bất kỳ trò chơi open world nào cũng cung cấp những cơ hội cho một nhiếp ảnh gia như thế giới thật vậy.
Có vẻ hơi mỉa mai rằng thứ đem anh đến với nhiếp ảnh game là một vật phẩm ảo, một chiếc điện thoại gắn camera ảo. Nhưng suy cho cùng cũng hợp lý: ngay cả trong đời thật, những thiết bị di dộng đa năng này đã mang nhiếp ảnh vào túi mọi người và bắt đầu làn sóng hình chụp đời thường, có thể chứng minh ở Instagram, Flickr và hàng triệu blog ở Tumblr.
Nghệ thuật chụp hình game vẫn còn trong trứng nước, nhưng có thể thấy rõ là, với mức độ chân thực ngày càng tăng và sự thịnh hành của những game open-world, càng lúc sẽ càng nhiều nhiếp ảnh gia đi tìm cảm hứng và cơ hội trong thế giới ảo. Game cũng là những địa điểm và những nơi giải trí; và cuối cùng, như câu nói của Elliott Erwitt lúc đầu: Nhiếp ảnh không liên quan đến những gì chúng ta thấy, mà là cách ta nhìn chúng.
Nguồn: https://videogametourism.at/content/art-game-photography