Ông bạn siêu nhân Henry Cavill bỗng chốc trở thành đại sứ không chính thức cho cộng đồng PC Master Race khi liên tục tạo ra tiếng vang trong làng game. Đầu tiên là vào vai sói trắng Geralt trong phim chuyển thể The Witcher, một nhân vật mà trong làng game chắc không mấy người chưa nghe đến tên. Tiếp theo trong khi trả lời phỏng vấn về bộ phim này anh lại thẳng thắn nhận mình là PC Gamer kỳ cựu khi được MC đưa ra 2 lựa chọn là Xbox hay PlayStation khiến cả MC cũng đứng hình bối rối vì sơ suất của mình. Và giờ đây anh tăng chất “PC Master Race” của mình lên tầm cao mới khi tung ra video Henry Cavill tự ráp máy tại nhà đầy vui nhộn.
https://www.instagram.com/tv/CCs-N1Eh2Z5/?utm_source=ig_web_button_share_sheet
Nếu bạn thực sự là một người từng tự học ráp máy sau đó dùng đôi tay vàng để tự build cho mình một chiếc PC, bạn sẽ rất thấu hiểu video này. Trông Henry Cavill ráp máy không có pro hay ảo diệu như mấy bộ phim anh từng đóng (Man of Steel, Justice League, Mission: Impossible, The Witcher), vì phim vốn có cố vấn lẫn training trước khi vào cảnh quay. Thực sự anh đã phạm một số sai lầm và đó rõ ràng là những sai lầm hoặc lúng túng rất thực của một người lần đầu lắp máy. Thế mới nói nó thô nhưng trông rất thật chứ không phải làm màu cho thiên hạ coi.
Sai lầm đầu tiên có thể ít ai nhận ra đó là… anh chưa biết làm mà lại chọn đồ phức tạp, Mọt tui muốn nói cái tản nhiệt có màn hình led đấy! Thường nếu một game thủ tự ráp máy lần đầu thì chỉ nên chọn những thiết bị cơ bản để làm quen với cách lắp, nhưng đó là lời hướng dẫn của một chuyên gia. Còn thực sự sai lầm mua hàng phức tạp lại chính là điều hầu như ai cũng vấp phải lần đầu vì quá ham thích muốn có một con PC ngon nhất. Xong vò đầu bứt tóc đọc hướng dẫn mò cách lắp nó vào làm sao để cắm điện không có tiếng nổ.
Sai lầm thứ 2 thì chính Henry Cavill ráp máy xong cũng đã chỉ ra, đó là lắp ngược chiều cái cục tản nhiệt. Nhưng thực sự cách xử lý của anh chàng diễn viên này cũng rất dễ thương, vui vẻ hông quạu. Anh bỏ đó hơn 1 ngày sau mới mở ra sửa vì biết tâm lý người háo hức ráp sẽ bị nản nếu phải tháo bung ra làm lại, thế là anh bỏ đấy chơi game qua hôm sau tính tiếp. Và đúng như bạn thấy, việc tháo phần tiếp xúc đó rất phiền vì phải gỡ mặt tiếp xúc với lưng CPU ra và lau sạch lớp keo tản nhiệt mới toanh đi, sau đó lại phải chích keo mới dán vào lại.
Thực sự thì anh chàng diễn viên này làm rất chính xác những gì một game thủ PC “tự thân” sẽ trải qua ở lần đầu tự ráp máy.
Xem video clip Henry Cavill ráp máy PC xong, Mọt Leo Cây tui không khỏi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian làm game thủ PC “mới toanh” của mình. Cũng nghiên cứu cách ráp máy, cài win, sửa lỗi, thay thiết bị các thứ. Và mỗi lần ráp xong cắm điện lại âm thầm cầu trời khi ấn nút mở máy không có tiếng cháy nổ nào.
Là một game thủ thế hệ 8x đời đầu, Mọt tui có thể xem như là nhóm game thủ cuối cùng của thế hệ “tự lo” trước khi công nghệ tin học được phổ biến tại Việt Nam. Ngày trước muốn chơi game PC yên ổn thì bản thân game thủ phải tự học hầu hết các kiến thức cơ bản vì có rất ít người hiểu biết về máy vi tính ở thập kỷ 90 cho đến trước năm 2000, ở thành phố lớn còn dễ chứ tỉnh lẻ thì… thua. Bạn sẽ có 2 lựa chọn là tự mày mò học kiến thức về lắp ráp và cài đặt máy tính hoặc phó mặc cho các tiệm sửa hiếm hoi trong vùng mỗi khi máy trục trặc và có trời mới biết họ có “thuốc” mình không.
Mọt tui đã chọn cách tự học. Đi tìm đọc ké các tạp chí tin học, lân la ra các tiệm game nhìn các chủ tiệm sửa máy xong học hỏi. Cũng may lúc chưa có máy thì việc cắm chốt ở tiệm game rồi quen luôn chủ tiệm là chuyện không hiếm và các chủ tiệm cũng thường tự học về kiến thức máy tính để đỡ tốn tiền công thuê thợ sửa lỗi vặt.
Thực sự cảm giác khi ráp con máy đầu tiên rất hồi hộp, các phần ráp cơ bản đã học qua cách nhìn người khác làm, nhưng phần phức tạp nhất là cắm chân điện các nút power, reset và đèn HDD từ thùng máy lên mainboard. Cũng may sau khi đọc kỹ hướng dẫn trên tài liệu đi kèm Mọt cũng cắm đúng và mở máy không nghe tiếng cháy nổ.
Ngoài việc tự ráp máy, một game thủ PC thời đó còn phải biết về phần mềm như Windows, Driver, DirectX… Các hệ điều hành Windows 98 tới XP đều còn khá “rối” khi liên quan đến cài và chơi game. Có rất nhiều lỗi “trời ơi đất hỡi” bao gồm cả màn hình xanh và màn hình đen. Một game thủ tự thân sẽ phải làm quen và tìm cách dò lỗi để bảo đảm không phí tiền mua đĩa game. Bởi vì muốn đổi trả đĩa bạn phải chứng minh lỗi do đĩa hoặc do bản cài trong đĩa game. Nếu mang đĩa ra tiệm mà cài trên máy tiệm chạy tốt nghĩa là bạn phải giữ đĩa đó không được đổi trả.
Thế là dù ngày xưa mua đĩa lậu không quá mắc nhưng cũng là cả mấy ngày tiền tiêu vặt, không thể “chịu chết” chỉ vì có cái gì đó không đúng trên máy của mình khiến game không chơi được phải ngồi nhìn cái đĩa trừ cơm. Thế là bắt đầu công cuộc dò la, hỏi đám bạn, hỏi chuyên gia xung quanh để biết vấn đề do đâu, chưa cài driver mới nhất hay thư viện DirectX chưa cập nhật, hay do cấu hình không đủ để chạy game. Chuyện vì một con game mà phải cài mới cả Windows chấp nhận bỏ hết mọi thứ đang có là như cơm bữa.
Sau vài năm “try hard” và nắm được các kiến thức kha khá về phần cứng lẫn phần mềm, thứ đột phá tiếp theo chính là tìm nguồn tải game mà không cần mua. Đó là lúc Mọt tui tiếp xúc với mạng internet và các trang tải game như Rapidshare, Mediafire, Megaupload… và cuối cùng là thanh bảo kiếm Torrent. Tất nhiên tất cả các game chia sẻ trên đó đều là game lậu, điều này thực chẳng vẻ vang gì nhưng tình thế lúc đó chỉ biết đến đó thì chịu vậy.
Nếu các game thủ PlayStation thường dành dụm tiền mua đĩa và “cục save” giá trên trời thì đám PC ngoài cái giống nhau ở chỗ mua đĩa crack thì lại khác ở chỗ lấy tiền mua đĩa mềm và USB. Thời đầu với cái đĩa mềm chỉ hơn 3MB có thể chép game “for Dos” về bằng cách chia ra 2 – 3 dĩa. Sau này có tiền mua cái USB 32MB – 64MB là rất oách rồi.
Số là ngày xưa chi phí internet khá đắt từ dial up cho đến ADSL tính dung lượng, gói ADSL xài thoải mái giá khá cao nên chỉ nhà khá giả mới có điều kiện dùng. Chính vì vậy cầm USB ra tiệm net tải các thứ mình thích rồi copy mang về máy nhà dùng là chiêu quen thuộc của đám game thủ PC. Cũng chính vì vậy mà Mọt tui có thể tự hào rằng máy nhà bảo mật tốt gắp trăm lần máy trong phòng vi tính ở trường. BKAV ở nhà là bản mới nhất còn ở trường đã cũ đến 3 năm. Có lần Mọt còn chơi nổi copy bản BKAV mới nhất tải từ mạng về mang vào cài cho máy trường, kết quả máy trường phải cài lại Windows vì BKAV nó phát hiện 30.000 mẫu virus và fix nát file hệ thống cũng như các phần mềm đi kèm.
Sẽ có nhiều bạn cho rằng anh chàng Henry Cavill đang cố quảng cáo hình ảnh game thủ của mình để hút fan, nhưng qua video anh ta tự ráp máy có thể thấy những biểu hiện của một game thủ PC thực thụ. Tất cả những trải nghiệm, thói quen và cả sự lười biếng hài hước đều từng xảy đến với bất kỳ game thủ PC tự thân nào. Thậm chí một phép lạ trong truyền thuyết là “máy hư sửa mãi không xong, bỏ qua đêm mở lại thì… chạy bình thường” dường như cũng được ẩn dụ qua việc Henry Cavill để tận 1 ngày sau mới tháo ra gắn lại cái tản nhiệt bị gắn ngược.
Tóm lại, nếu ai đó còn nghi ngờ thì Mọt xin không ý kiến nhưng bản thân Mọt Leo Cây tui với tất cả trải nghiệm của một game thủ PC tự thân, tui chấp nhận xem Henry Cavill là một game thủ PC đúng chất. Trong clip chúng ta mới thấy Henry có bật CMOS để kiểm tra, hãy chờ xem anh ta có tự cài Win không nhé!