Phụ Lục
Trong khoảng thời gian gần đây, bỗng dưng tác giả cảm thấy thèm RPG hack & slash bối cảnh fantasy một cách lạ lùng. Tuy nhiên đây lại không phải là thời điểm của thể loại này, bởi trong khi các nhà phát triển thi nhau tung ra những tựa game RPG theo lượt đình đám như Pillars of Eternity 2: Deadfire (bổ sung chế độ theo lượt với bản cập nhật đầu năm 2019), Divinity: Original Sins 2, thể loại hack & slash lại khá khó tìm game khủng. Vì vậy nên sau một thời gian dài lùng sục trên Steam, Mọt tui quyết định trở về với Kingdoms of Amalur: Reckoning, một tựa game quá hay nhưng có doanh số thấp vì thường bị bỏ qua, khiến nhà phát triển 38 Studios phải phá sản.
Lý do mà Mọt trở về với tựa game này đơn giản là vì nó thực sự hấp dẫn. Dù game có một vài nhược điểm về sự cân bằng - chẳng hạn trang bị nhặt được dù có là Legendary cũng quá yếu so với đồ tự chế - và một số bug linh tinh, chúng có thể được cải thiện bằng những bản patch không chính thức do cộng đồng game thủ tự thực hiện. Nhưng ngay cả khi game thủ chẳng bận tâm đến việc cân bằng game và quyết định dùng đồ tự chế để cảm thấy sự “bá đạo” của nhân vật, chúng ta vẫn có thể thưởng thức những phần hấp dẫn nhất của Kingdoms of Amalur: thế giới mà trò chơi tạo nên, và hệ thống chiến đấu của nó.
Thế giới của game được xây dựng bởi R.A Salvatore, với bối cảnh kéo dài hàng chục ngàn năm và đầy những nút thắt, nhiều bí ẩn chờ được khám phá hoặc mở rộng bằng những phiên bản mới – điều đã không xảy ra bởi sự sụp đổ của 38 Studios. Game thể hiện bối cảnh rộng lớn của nó thông qua vô vàn những lời thoại từ các NPC được lồng tiếng rõ ràng, những nhiệm vụ phụ góp phần làm đầy đặn thế giới Amalur, và cả những quyển sách nhặt được trên đường chứa những mẩu thông tin thú vị mà bạn có thể sử dụng để vượt qua các nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn hẳn, hoặc đơn thuần là giúp bạn hiểu biết hơn về game. Trong khi đó, những kho báu bí mật ẩn giấu đây đó trong thế giới của game sẽ là thứ khuyến khích người chơi trèo đèo lội suối, sục sạo mọi ngóc ngách của game và thưởng thức khung cảnh huyền ảo mà nó đem lại cho mình.
Hệ thống nhiệm vụ của trò chơi cũng được sắp xếp một cách khá gọn gàng và dễ dàng theo dõi. Bạn sẽ tìm thấy nhiệm vụ chính, nhiệm vụ phụ, nhiệm vụ phe phái… Nếu phải so sánh, sự tự do trong hệ thống nhiệm vụ của Kingdoms of Amalur còn xa mới đọ được với Original Sins 2, nhưng cũng đã vượt xa so với nhiều tựa RPG khác ra đời sau nó.
Nếu như cốt truyện và bối cảnh chinh phục game thủ một cách âm thầm, phần combat của Kingdoms of Amalur tóm lấy bạn như một cơn lốc. Game đem lại 9 loại vũ khí là kiếm, búa, đại kiếm, đũa phép, trượng, Chakrams, dao găm, Faeblades, cung; và cho bạn được chọn hai loại để mang theo người. Chúng được chia làm ba nhóm Sức mạnh (Might), Phép thuật (Sorcery), Linh hoạt (Finesse); và mỗi món đều đem lại một gameplay hoàn toàn khác biệt. Điều này cho phép game thủ tạo ra những nhân vật “dị” nửa nạc nửa mỡ nhưng lại hiệu quả đến bất ngờ, chẳng hạn sát thủ… rút kiếm tay đôi khi bị phát hiện, hoặc chiến binh bị đánh gần chết móc đũa phép ra hồi máu.
Khi hệ thống vũ khí và kỹ năng linh hoạt của Kingdoms of Amalur được kết hợp cùng Destiny, chúng ta có hàng chục kiểu xây dựng nhân vật khác nhau để game thủ tự do thưởng thức trò chơi theo ý thích: chiến đấu đầy hoa mĩ với Faeblades, xông vào đập bẹp kẻ địch trong cận chiến hay tung phép thuật hủy diệt. Gameplay hành động của trò chơi yêu cầu game thủ phải quan tâm đến nhịp độ của từng đòn đánh và sẵn sàng né tránh bằng những động tác như lăn tròn hay đón đỡ, nhưng được cân bằng khá tốt để khiến bạn không cảm thấy mình là kẻ yếu như trong Dark Souls. Cảm giác về sức nặng của từng loại vũ khí cũng rất khác nhau khiến game thủ phải bỏ thời gian thích nghi với món vũ khí mình sử dụng, nhưng một khi đã thành công làm chủ vũ khí, game thủ sẽ thực sự cảm thấy nhân vật của mình là một người hùng trong thế giới của game.
Thật ra bạn cũng chẳng bị bó buộc vào một cách lên đồ hay nâng kỹ năng nào cả. Kingdoms of Amalur để game thủ tự do quyết định cách chơi của mình, bởi nhân vật của bạn là “The Fateless One” – kẻ không có vận mệnh. Anh ta hay cô ta có thể là một chiến binh toàn năng, kết hợp giữa pháp sư với thần xạ thủ trong bộ giáp chói lòa, mà cũng có thể là một kẻ chui rúc trong bóng tối. Mọt tui chọn cách chơi thứ hai, kết hợp giữa những cái bẫy và đôi dao găm để được thấy những con số to ngoại cỡ bùng lên và kẻ địch gục xuống trong nháy mắt. Không gì thú vị bằng việc len lỏi qua góc khuất để né tránh tầm mắt kẻ thù và dọn dẹp từng tên một trong âm thầm, rồi quay lưng bỏ chạy và kéo mục tiêu vào những cái bẫy mình đã đặt nếu chẳng may ám sát không thành trong game.
Nhờ lựa chọn đồ họa kiểu hoạt hình và được cách điệu mạnh mẽ, Kingdoms of Amalur không cần phải là sát thủ phần cứng mà vẫn có hình ảnh rất đẹp mắt. Có thể bạn không cảm thấy sự choáng ngợp như lần đầu tiên rời khỏi Fort Tarsis trong Anthem hay khi leo lên các triền núi dốc đứng của Skyrim, nhưng nét đẹp đầy màu sắc của Kingdoms of Amalur tỏ ra rất phù hợp với bối cảnh fantasy và gameplay của nó. Mọt tui thích mọi thứ phải lấp lánh, rực rỡ và đầy sắc màu, dù đó là một con troll xấu xí hay những hang động sâu hun hút và tối tăm, điều mà Kingdoms of Amalur thực hiện một cách hoàn hảo. Bạn thậm chí còn có thể nâng cấp chất lượng đồ họa của game với Reshade, khiến thế giới trong game thêm “đậm đà” và tươi đẹp hơn.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Mọt tui trở lại với Kingdoms of Amalur. Skyrim hoành tráng và rộng mở hơn còn The Witcher 3 đẹp mắt và chi tiết hơn, nhưng với tác giả, Kingdoms of Amalur tỏ ra là tựa game vừa đúng, kết hợp giữa một thế giới có chiều sâu, gameplay hấp dẫn và hình ảnh tươi đẹp. Trò chơi đem lại niềm vui một cách thuần túy, để bạn cảm thấy mình thực sự là người hùng gánh số phận của cả thế giới trên vai. Chỉ có một điều duy nhất khiến Mọt không hài lòng về tựa game này: bởi 38 Studios đã phá sản, chẳng biết bao giờ chúng ta mới được chạm đến phần 2.