Phụ Lục
Game Remake là khái niệm mô tả việc các hãng thường làm lại, theo đúng nghĩa đen, những trò chơi đã từng ra mắt trước đó. Nhà phát triển sẽ thêm rất nhiều nội dung mới, cải tiến lại gameplay, góc quay camera, nền tảng đồ họa để hợp với thị hiếu của cộng đồng hiện tại hơn. Biến nó thành trò chơi hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ lại cái tên, cốt truyện chính hay tuyến nhân vật để người chơi không cảm thấy xa lạ.
Còn game Remastered chỉ được cải thiện lại nền tảng đồ họa mà thôi. Những trò chơi dạng này thường sẽ được nâng cấp về chất lượng hình ảnh phù hợp với công nghệ phần cứng hiện giờ như độ phân giải FHD, 2K, 4K hoặc cải thiện mức khung hình lên 60 FPS. Về cơ bản một trò chơi Remastered vẫn giữ lại những gì bản gốc có nhưng sẽ đem lại chất lượng đồ họa tốt hơn, hoặc nhà phát triển có thể thêm một số nội dung chơi mới.
Trong kinh doanh, việc bán lại được sản phẩm cũ cho tập khách hàng cũ và mới luôn đem lại một nguồn lợi nhuận không hề nhỏ, với các sản phẩm Remake hoặc Remastered trong ngành game cũng vậy. Với bản Remastered, nó sẽ phù hợp cho những người chơi khó tính về mặt đồ họa hay những người chưa có cơ hội trải nghiệm trò chơi trên các đời máy cũ. Như vậy, các hãng sẽ kiếm thêm được một chút lợi nhuận từ chính sản phẩm mà họ đã ra mắt cách đó có khi phải tới cả chục năm.
Còn game Remake, các nhà phát triển có thể đưa vào những điều mới mẻ hơn trong cơ chế chơi, thay đổi một chút về tuyến nhân vật hoăc cốt truyện,... Đôi khi, bản Remake này sẽ khác xa hoàn toàn so với bản gốc nhưng vẫn sẽ giữ lại thương hiệu quen thuộc để người chơi dễ dàng tiếp cận hơn. Rõ ràng, việc lợi dụng thương hiệu nổi tiếng đã có sẵn cũng sẽ khiến game dễ bán hơn là giới thiệu một thương hiệu mới mẻ, gây nhiều ngờ vực cho game thủ. Đặc biệt, nó cho thế hệ game thủ sau này cơ hội trải nghiệm những cái tên huyền thoại của quá khứ với nền tảng chơi game hiện đại.
Việc làm và phát hành lại các trò chơi cũ là một cách kéo dài thời gian khá hay của các hãng game. Một hãng game chắc chắn không phải lúc nào cũng có được những ý tưởng hay hoặc có đủ thời gian làm game đúng như dự tính. Trong quá trình phát triển sẽ xuất hiện vô vàn những lý do khiến trò chơi bị đình trệ hoặc gặp khó khăn trong khâu sản xuất nào đó. Lúc này, việc Remake hay Remastered lại trò chơi cũ sẽ giúp các hãng có thêm thời gian để chăm chút cho ý tưởng hoặc dự án họ đang thực hiện.
Điều này rất có lợi khi hãng đó không bắt người hâm mộ phải chờ đợi quá lâu cho sản phẩm mới. Thông thường, khoảng thời gian một hãng game phát hành sản phẩm mới trung bình là 2 năm, có những hãng cá biệt hơn thì là 5 năm hoặc hơn. Và trong các khoảng thời gian đó, họ sẽ liên tục tìm lại những trò chơi cũ, giao cho một nhóm phát triển khác làm lại và phát hành xen kẽ với những dự án mới. Như vậy giúp cho lịch phát hành của hãng đó được dày đặc mà vẫn không gây khó chịu cho game thủ với lý do “Phát hành nhiều game mà không sản phẩm nào ra hồn”.
Vì lý do là gì đi chăng nữa mà cộng đồng không thích thì các hãng game cũng không bao giờ làm. Cho tới nay, hầu hết game thủ đều rất hào hứng với các bản làm lại như Call of Duty: Modern Warfare Remastered, The Last of Us Remastered, Resident Evil 2 Remake hay mới đây là Final Fantasy VII Remake được công bố đã khiến cho các fan gào thét trong sung sướng. Thậm chí có những bản làm lại được đánh giá còn tốt hơn bản gốc dù chỉ có một vài thay đổi nhỏ.
Rõ ràng chính sự ủng hộ của người hâm mộ là lý do quan trọng nhẩt để các hãng lần lượt chạy theo xu thế này. Và đến bây giờ, có những trò chơi làm lại được game thủ mong ngóng còn hơn cả phần game mới trong series. Dù chỉ là một chút thông tin được rò rỉ ra thôi cũng khiến cộng đồng game thủ bùng nổ.
Cho dù một hãng game có làm đi làm lại bao nhiêu sản phẩm mà không được cộng đồng ủng hộ thì vẫn thất bại mà thôi. Chính vì vậy, các hãng sẽ chọn lựa kỹ lưỡng những trò chơi nào sẽ khiến game thủ thấy phấn khích. Việc này không hề dễ dàng một chút nào, nếu quá lạm dụng nó và đưa ra cho cộng đồng những sản phẩm chắp vá thì hãng đó chắc chắn sẽ nhận lại sự quay lưng của chính game thủ.
Việc phát triển một tựa game đã khó, nhưng việc lựa chọn các tựa game cũ để phát hành lại còn khó hơn gấp bội. Nó giống như một con dao 2 lưỡi vậy, hoặc nó sẽ giúp cho hãng game tăng cả doanh thu lẫn danh tiếng, hoặc nó sẽ nhấn chìm toàn bộ hãng đó vào bài toán “khủng hoảng kinh tế” không lời giải đáp. Nếu vì làm lại game mà bị lỗ, game mới cũng sẽ bị ảnh hưởng về kinh phí theo dây chuyền.