Với việc là một siêu phẩm của năm 2018, tất cả chúng ta đều chỉ thấy Red Dead Redemption 2 nhận được vô số lời khen từ cả giới chuyên môn tới game thủ, cho thấy nó sẽ là một game vĩ đại nhất mà mọi người từng được biết. Nhưng không phải tất cả mọi thứ đều toàn là mặt tốt, Red Dead Redemption 2 cũng có một vấn đề khá là nhạy cảm, đó là bắt nhân viên làm việc tăng ca thật nhiều để kịp tiến độ.
Cốt truyện Red Dead Redemption 2 là một cuộc hành trình dài, đơn độc và đau buồn của nhân vật chính Arthur Morgan, một anh hùng của thời đại cũ.
Mọi chuyện bắt đầu với khẩu súng lục Cattleman Revolver trong Red Dead Redemption 2, nó là loại vũ khí cùi bắp nhất Red Dead Redemption 2, nên không lạ là chẳng có ai thèm sử dụng nó trong game, nhưng nếu bạn đọc kỹ dòng mô tả thì có một phần không hề liên quan lắm như sau:
- Được tạo ra bởi đội ngũ công nhân lành nghề, những người đã làm việc không mệt mỏi hàng giờ liền suốt cả tuần lễ, bỏ qua cả những kỳ nghỉ chỉ bằng số tiền lương ít ỏi, với mong muốn mang lại cho bạn một khẩu súng lục tốt nhất trên thị trường.
Nếu xét vào bối cảnh những năm 1899 thì cái dòng mô tả này hoàn toàn không có một chút thực tế nào, nhiều game thủ cho rằng đây thực ra là cách mà những nhân viên của Rockstar đã khéo léo “nói xấu” sếp của mình thông qua Red Dead Redemption 2. Theo đó trước khi siêu phẩm này ra mắt, đã có rất nhiều bài viết nói về tình trạng làm việc thâu đêm suốt sáng tại Rockstar, với cường độ có khi lên tới hơn 100 giờ công/tuần, tất cả để Red Dead Redemption 2 có thể ra mắt đúng thời hạn
Thực ra cái văn hóa làm thêm giờ này có hẳn một từ riêng – trong ngành game gọi nó là “crunch”, việc này không chỉ xuất hiện tại Rockstar mà còn ở những ông lớn khác như Electronic Arts (EA) hay vụ Telltale Games bị phá sản cách đây không lâu cũng có vì do ban lãnh đạo bắt nhân viên làm thêm giờ (crunch) quá nhiều.
Vụ “crunch” của Red Dead Redemption 2 bị lôi ra bắt nguồn từ lúc đồng sáng lập Rockstar - Dan Houser trong một cuộc phỏng vấn đã “hớ mồm” nói rằng đội ngũ phát triển của hãng có lúc đã phải làm việc tới 100 giờ/tuần, với mục tiêu kịp tiến độ phát hành. Sau khi cái bài phỏng vấn này lên sóng, Dan Houser cảm thấy mình đã sai cm nó lầm rồi thì phải, nên ông ta liền đính chính lại là vụ 100 giờ/tuần chỉ áp dụng với các trưởng đội ngũ mà thôi – đại loại là nhóm cấp cao của Rockstar, chứ nhân viên thì cũng có tăng ca nhưng không tới mức đó.
Đáng tiếc là lời giải thích này không được các nhân viên cũ trong công ty đồng ý, rất nhiều người từng làm việc tại Rockstar đã lên tiếng chỉ trích vấn đề “crunch” này khi chính bản thân họ đã từng trải qua. Hãy nói một chút về lịch sử của dòng Red Dead khi nó bắt đầu từ studio Angel Studios được Rockstar mua lại vào năm 2002, chỗ này về sau đổi tên thành Rockstar San Diego và bắt đầu xây dựng seri này thành tựa một trong những game thành công nhất lịch sử.
Sau khi phần một của Red Dead Redemption ra mắt và đạt những thành công rực rỡ, vào đầu năm 2011 – Rockstar bắt đầu lên kế hoạch cho phiên bản tiếp theo, cũng như bắt đầu công việc xây dựng nhân vật. Đến cuối năm 2012, nhóm phát triển từ Rockstar San Diego đã hoàn thành phần kịch bản thô, sau đó họ bắt tay vào những cuộc họp liên miên với đội ngũ biên kịch, đạo diễn hình ảnh, họa sĩ và đồ họa của Rockstar trên toàn thế giới, hàng đống ý tưởng được đưa ra ùn ùn như thác lũ.
Tuy không phải là một tựa game thiên về đấu súng, nhưng Red Dead Redemption 2 vẫn có một hệ thống vũ khí vô cùng đồ sộ với hơn 50 loại.
Theo lời kể của các nhân viên từng làm việc lúc đó, chỉ riêng phần kịch bản chính cho game đã dài tới hơn 2000 trang, còn nếu tính cả mớ nhiệm vụ phụ và hậu truyện thì nó có thể chất cao tới gần 2 mét rưỡi. Đội ngũ thiết kế ước tính là để đem cái mớ khổng lồ đó dựng thành game, sẽ cần sơ sơ khoảng 1200 diễn viên, trong đó 700 là để lồng lồng tiếng – nói cho dễ hình dung thì Grand Theft Auto III chỉ phải tốn 5 ngày để hoàn thành khâu mô phỏng chuyển động, còn với Red Dead Redemption 2 là gấp hơn 100 lần như vậy.
Để trả giá cho cái khối lượng công việc kinh hoàng như vậy, Rockstar đã phải “crunch” nhân viên của mình một cách cực kỳ tích cực. Sau màn phỏng vấn đại họa của Dan Houser, nội bộ Rockstar đã bùng lên rất nhiều ý kiến tranh cãi về tính xác thực của việc làm theo giờ này, về sau hãng cũng bỏ luôn lệnh cấm trên mạng xã hội và để nhân viên của mình được tự do chia sẻ. Tất nhiên sự thực thì không phải ai cũng phải làm tới 100 giờ/tuần, nhưng việc các nhân viên phát triển phải làm từ 60 tới 70 giờ là rất bình thường.
Từ lúc phát triển tới khi hoàn thành, Red Dead Redemption 2 có tổng cộng 300 ngàn hoạt cảnh và 500 ngàn câu thoại, kể cả khi phát hành thì dung lượng hơn 100 GB của nó cũng khiến game thủ hết hồn. Tuy nhiên dù có tăng ca nhiều như vậy, nhưng hầu hết các nhân viên Rockstar đều không lấy làm phiền lòng vì họ cảm nhận được mình đã được trân trọng, cũng như góp phần làm nên một tựa game hay nhất lịch sử.