Phụ Lục
Tính đến nay đã tròn 1 tuổi tựa game sinh tồn Playerunknown's Battlegrounds (PUBG), là tựa game hot nhất 2017 ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Sự bùng nổ một cách khó tin của tựa game này chỉ trong giai đoạn early access đã làm tâm điểm của sự chú ý bởi cộng đồng game thủ.
Dựa theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết và bộ truyện tranh Battle Royale, gameplay sinh tồn được miêu tả 1 cách sống động, nhập tâm, cảm giác hồi hộp đến sợ hãi khiến rất nhiều người chỉ xem qua cũng đã bị “dính”.
Thế nhưng sau 1 năm , độ hot của game liên tục chững lại, thậm chí còn thụt lùi so với các game khác như Fornite hay Rules of Survival. Nhiều người còn cho rằng PUBG đã hết thời, nhàm chán, không thể phát triển được, có nhiều người gọi đây là “dead game”, sự thật có đúng như vậy?
Những con số không biết nói dối
Quay về 2017, nếu nói PUBG là game độc bá ngôi đầu với gần 21 triệu người tham gia, thậm chí liên tục phá vỡ kỷ lục của chính mình: 2 triệu người chơi cùng lúc và con số tăng lên hơn 3 triệu vào cuối năm 2017. Thế nhưng phong độ này không giữ được lâu, chỉ vài tháng vừa qua đầu năm 2018, PUBG liên tục đánh mất chính mình, tỏ ra hụt hơi so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Tháng 2/2018, số người chơi PUBG giảm 12%, xấp xỉ 190.000 người chơi; số người chơi tiếp tục giảm 7% tương đương 95.000 game thủ đã bỏ mặc tựa game này. Con số này không có dấu hiệu dừng lại trong tháng 4 này.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Fornite của Epic Game, đạt con số 40 triệu người chơi tính đến tháng 2/2018 với 3,4 triệu ngươi chơi cùng lúc, vượt mặt PUBG đúng lúc mà số người chơi PUBG giảm kỷ lục. Không những thế, theo số liệu của superdataresearch.com cho thấy doanh thu trong tháng của Fornite là 126 triệu $, cao hơn hẳn 103 triệu $ của PUBG, trong khi PUBG mới là game thu phí.
Lượng người chơi PUBG tại các nước châu Á vẫn lớn hơn Fornite rất nhiều, đặc biệt tại Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới. Thế nhưng vẫn không đủ để giữ mình trên đỉnh phong độ, trong khi Fornite được các nước phương Tây ưa chuộng hơn, và vượt qua PUBG về số lượng người chơi.
Với các đối thủ “làng nhàng” hơn như Rules of Suvival, PUBG cũng bắt đầu tỏ ra yếu đuối với sức tăng trưởng mạnh mẽ của tựa game này. Tính đến đầu năm 2017, đã có hơn 50 triệu tài khoản, hơn 10 triệu người chơi ROS mỗi ngày chưa bao gồm Trung Quốc. Mới đây thôi, PUBG đã đâm đơn kiện ROS về hành vi vi phạm bản quyền. Chưa biết ai đúng ai sai, nhưng hành động trên đã chứng tỏ việc cạnh tranh với các game khác cùng thể loại đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của Bluehole.
Vậy lý do nào đang khiến PUBG dần trở thành “dead game” ?
PUBG là một game đòi hỏi quá nhiều, trước khi bỏ tiền ra mua Key bản quyền để chơi game, các bạn phải đầu tư 1 PC đủ để chiến, hoặc các phòng net phải làm điều đó. Không chỉ là ram hay vi xử lý, card màn hình, mà còn là ổ cứng, refresh rate của màn hình, cuộc chạy đua giữa các phòng net trở nên căng thẳng và tốn kém hơn, các game thủ có máy chơi game ở nhà cũng phải dần đáp ứng các yêu cầu về cấu hình của nhà phát hành.
Thế rồi cũng có những động thái tốt hơn của nhà phát hành, cố gắng làm cho game nhẹ hơn, bỏ được các lỗi về yêu cầu cấu hình cao như “nhà đất sét“, hiện tượng tụt FPS, giật lag nơi động người… nhưng cũng không được bao nhiêu, thậm chí nhiều lần sau khi nhà phát hành tung ra bản update “ giảm lag “ thì game còn… giật hơn rất nhiều.
Nếu coi các bản update, những điều mới lạ là vũ khí thì PUBG đang chậm chân hơn trong cuộc “chạy đua vũ trang” so với các đối thủ khác. Trong khi Fornite liên tục đưa ra các thay đổi và thêm các tính năng mới vài tuần một lần, thì PUBG chậm đến vài tháng một lần.
Có thể coi việc duy trì game vẫn diễn ra khá tốt, nhưng quá trình trì hoãn và ít ra mắt các tính năng mới dễ khiến game thủ nản lòng. Đừng hỏi tại sao khá nhiều người chơi lại “chạy đi” trải nghiệm những tựa game khác, những thế giới khác mới lạ hơn.
Đây luôn là vấn đề nhức nhối của cộng đồng game thủ chân chính với tất cả các tựa game. Thế nhưng ở PUBG, tình trạng hack cheat trở thành vấn nạn nan giải nhất của nhà phát hành và khó chịu nhất của những người chơi game.
- “Có khoảng 99% người chơi hack/cheat đến từ Trung Quốc, vì dù sao đây cũng là đất nước sở hữu lượng người chơi lớn nhất thể giới“
Brendan Greene, cha đẻ của PUBG đã trả lời như v65y trong một cuộc phỏng vấn. Ngay lập tức, rất nhiều người chơi đã kêu gọi chặn IP của các game thủ Trung Quốc, không cho họ truy cập vào các server khác. Nhà phát hành PUBG tại Trung Quốc - Tencent, cũng đã nỗ lực trong việc loại bỏ các thành phần này và có nhiều biện pháp để khiến cộng đồng trong sạch hơn. Từ tháng 12/2017 đến tháng 1/2018, Tencent đã phối hợp với cảnh sát Trung Quốc bắt giữ khoảng 120 nghi can liên quan đến các phần mềm hack PUBG, bên cạnh đó có hơn 1,5 triệu tài khoản đã bị ban vì sử dụng phần mềm gian lận.
Thế nhưng những điều trên vẫn không thể ngăn cản được sự phát triển của Hack/cheat. Đơn giản nhất là macro, Aimbot, hack speed, hack map... liên tục xuất hiện, đó là còn chưa kể tới các loại hack mới như “kéo dài cơ thể“, rơi ngay trên “thùng thính “, hay đấm chết người từ trong phòng chờ bắt đầu game là những điều gây ức chế tột độ.
Trong bản cập nhật của tuần trước, nhà phát hành Blue Hole đã phải gỡ bỏ tính năng chống hack mới nhất trong PUBG. Nguyên nhân của quyết định trên đến từ việc hệ thống này đã khiến game gặp lỗi, dẫn đến tình trạng giật, lag và sụt fps khi chơi.
Lợi dụng lỗi game cũng coi là cheat, thế nhưng game vẫn còn quá nhiều lỗi mặc dù đã ra được 1 năm. Và mới đây thôi, OpTic Gaming là á quân tại giải IEM Katowice PlayerUnknown’s Battlegrounds Invitational, đã bị tước giải thưởng 12.000 USD vì lợi dụng bug game nhìn xuyên tường.
Có nhiều game thủ Việt đã nói rằng đây chính là “Đột Kích ver.2“ tại Việt Nam, nếu không giải quyết vấn nạn Hack/cheat tràn lan, thì PUBG sẽ sớm trở thành Dead game mà thôi!
Nếu có theo dõi nhiêu giải đấu PUBG, chắc hẳn các bạn cũng nhiều lần nhìn thấy nhàm chán vì camera chỉ có thể quay được một vài điểm trong rất nhiều điểm, và không ít trong số đó chỉ quay các nhân vật đang loot đồ. Bị bỏ qua những pha đấu súng kinh điển hay những tình huống hấp dẫn, người xem cảm thấy rất khó chịu vì không thể chứng kiến được đội tuyển hay game thủ yêu thích đã và đang làm gì trong trận chiến sinh tồn này. Hoặc nhiều trường hợp chỉ có thể thấy từ trên cao, một cách tổng quát chứ không thế thấy được cách xử lý, thao tác tay của các tuyển thủ như các dòng game bắn súng khác.
Giải Twitch Rivals Presents: PlayerUnknown’s Battlegrounds Invitational 2018 đã chứng minh điều này. Lượng người xem tại kênh chính thức chưa bằng 1/10 tại các kênh của streamer tham gia giải đấu như Shroud, Grimmmz, DrDisrespect, Lirik…
Đây cũng chỉ là một điểm trừ nhỏ, vì Blue Hole cũng và cả cộng đồng game thủ cũng đã nghĩ ra nhiều phương pháp để có thể theo dõi các giải đấu. Map 4x4 sắp ra mắt hứa hẹn cho nhiều tình huống đụng độ máu lửa hơn, hấp dẫn và dễ theo dõi hơn. Nhưng nếu không thể eSports hóa, đây cũng có thể là một bước đệm để PUBG trở thành “dead game”.
Nói đi cũng phải nói lại, thế mạnh PUBG dựa trên sự chân thật, hấp dẫn trong cuộc chiến sinh tồn so với các game cùng thể loại Battle Royale. Những “fan ruột” của PUBG luôn thích cách vận hành logic của PUBG, hơn hẳn việc “xây nhà” của Fornite, hình ảnh không mấy đẹp mắt của RoS hay các game không có nhiều người chơi như Warface, H1Z1.
Số người chơi hàng ngày của PUBG đang biến động (nguồn: Steamdb)
PUBG Mobile mới ra mắt cũng phần nào kéo lại danh tiếng cho PUBG khi liên tục xô đổ các kỷ lục tải về trên bảng xếp hạng. Nhưng đó là một vấn đề hoàn toàn khác, không liên quan đến việc sống còn của game PUBG trên PC.
Trong tương lai, ngoài việc tập trung phát triển game, NPH nên cố gắng loại bỏ triệt để những mặt hạn chế ở trên, thì việc bùng nổ lần tiếp theo là điều hoàn toàn có thể. Thế nhưng trước khi có thể làm được điều mà các game thủ đang mong chờ, liệu PUBG có trở thành “dead game” hay không? Blue Hole phải tự định đoạt về tương lai của mình vậy.