Phụ Lục
Khi được công bố vào năm 2017, Ghost of Tsushima nhanh chóng được game thủ thế giới gom vào cùng một nhóm với Nioh 2 và Sekiro: Shadow Die Twice. Đây là một điều dễ hiểu bởi cả ba trò chơi đều được công bố rất gần nhau trong giai đoạn từ cuối 2017 (Ghost of Tsushima) đến E3 2018 (Sekiro, Nioh) và cùng lấy bối cảnh Nhật Bản.
Giờ đây sau khi cả Sekiro lẫn Nioh đều đã ra mắt với gameplay gần giống nhau và điểm số cũng khá ấn tượng, mọi ánh mắt của game thủ đổ dồn về Ghost of Tsushima để xem kẻ xuất hiện sau cùng trong bộ ba này có xứng đáng với hai tựa game trước hay không. Sự tò mò đó đã được thỏa mãn sau khi Sony công bố một video gameplay dài 18 phút giới thiệu các khía cạnh của trò chơi, từ việc khám phá thế giới mở, khả năng tùy biến nhân vật, phương thức chiến đấu kiểu samurai và ghost (hoặc cũng có thể gọi là ninja) và các hiệu ứng cinematic của nó.
Sau khi xem hết video trên, Mọt tui cảm thấy khá hào hứng với tựa game này. Tuy nhiên khi dạo qua một số MXH, subreddit có liên quan đến game, Mọt thấy một hiện tượng lạ: kha khá game thủ đem gameplay của trò chơi ra so sánh với Sekiro hoặc Nioh và kết luận rằng mình thất vọng với tựa game này, dự đoán rằng game sẽ "xịt" rồi chỉ trích nhà phát triển.
Việc game thủ cảm thấy thất vọng khi một trò chơi không giống với ý tưởng của họ là hoàn toàn bình thường – đám Mọt game cũng tưởng tượng khá nhiều về gameplay của trò chơi này trước khi được xem trailer trên. Nhưng Mọt cũng phải nói rằng việc chỉ trích nhà phát triển lại là một điều không công bằng: những game thủ này đã gộp Ghost of Tsushima, Sekiro và Nioh 2 lại với nhau quá lâu đến mức quên đi một điều rằng bản thân nhà phát triển Sucker Punch chưa bao giờ nói rằng mình sẽ làm một tựa game souls-like.
Nếu bạn chấp nhận điều này và xem lại video gameplay của Ghost of Tsushima vừa được công bố tại sự kiện State of Play vừa qua, hẳn đánh giá của bạn dành cho trò chơi sẽ khác. Rõ ràng là Sucker Punch muốn tạo ra một tựa game hành động thế giới mở lấy bối cảnh nước Nhật, kết hợp giữa các sự kiện thực tế (hai cuộc đổ bộ của quân Mông Cổ lên Nhật Bản vào năm 1274 và 1281) với trí tưởng tượng của mình để tạo ra một trò chơi hấp dẫn.
Phần chiến đấu của Ghost of Tsushima là thứ mà game thủ soi mói nhiều nhất trong đoạn trailer này. Quả thật với những ai đã chơi qua cả Nioh 2 lẫn Sekiro và quen thuộc với lối đánh hổ báo, đầy phong cách và các chuyển động mượt mà, nhịp nhàng của các nhân vật chính thì những chiêu thức mà Jin Sakai sử dụng khi khoác bộ giáp Samurai lên mình tỏ ra cứng ngắc và chậm chạp. Tuy nhiên game hiện vẫn còn nằm trong giai đoạn phát triển nên các động tác này có thể được làm mượt mà hơn.
Những gì mà Sucker Punch đưa vào video gameplay cũng làm Mọt tui cảm thấy sự quen thuộc khó tả. Sau khi lục lọi lại trí nhớ của mình, Mọt tìm thấy nguồn gốc của sự quen thuộc đó: các tựa game Assassin’s Creed. Thật vậy, những chú chim hay cáo dẫn đường cho game thủ, các nhiệm vụ phụ ở từng địa điểm, các ngôi đền ẩn nấp, khả năng nhặt nguyên liệu trên lưng ngựa,… đều là những yếu tố mà bạn có thể tìm được trong các tựa game Ubisoft gần đây.
Với tác giả, sự tồn tại của những yếu tố này trong gameplay của Ghost of Tsushima đã xác nhận rằng nó là một tựa game “hồn Sucker Punch, da Ubisoft.” Điều này không đồng nghĩa với việc game sẽ dở, bởi nếu có những collectible được phân bổ hợp lý, đem lại phần thưởng thú vị và nhiệm vụ phụ cảm động hoặc có cốt truyện sâu sắc, Sucker Punch hoàn toàn có thể khiến game thủ chết mê chết mệt với trò chơi.
Thay vì mang Ghost of Tsushima ra cân đo đong đếm theo những tiêu chuẩn mà Nioh 2 hay Sekiro (những tựa game thuộc một thể loại hoàn toàn khác) đã dựng nên, hãy chú ý đến những điều đặc sắc riêng của nó. Tốc độ chiến đấu vừa phải của game không hẳn là điểm trừ: phần combat vẫn có chiều sâu và chỗ để game thủ thể hiện kỹ năng, chẳng hạn nhân vật chính Jin Sakai cần phải canh thời gian chuẩn xác để đánh bật đòn tấn công của đối thủ và phản kích để gây sát thương lớn. Bên cạnh đó, nó cũng khiến game “dễ nuốt” hơn với những game thủ không thể phản ứng trong 1/10 giây như các bậc thầy Sekiro hay Nioh 2.
Các kẻ địch trong game có vẻ cũng không phải là những con trâu ngoại hạng. Các binh sĩ bình thường bị hạ gục chỉ bằng một nhát kiếm, trong khi tên chỉ huy mặc giáp trụ dày nặng cũng bị hạ sau hai đòn. Tuy nhiên nói chung đây chỉ mới là video gameplay và khó mà nói được phần chiến đấu sẽ đem lại cảm giác như thế nào cho game thủ, nên Mọt tui sẽ chờ bản demo trước khi nhận xét về combat của Ghost of Tsushima.
Dù vậy, cũng phải nói rằng việc kẻ địch sợ hãi khi nhìn thấy nhân vật chính là một điều rất thú vị. Trong khi những dân thường và lính quèn trong Skyrim hoàn toàn không biết sợ, sẵn sàng "chơi khô máu" với thợ giết rồng Dovahkiin chỉ vì hắn ta lỡ chạm vào một con gà, việc một tên lính Mông Cổ hung hãn sợ hãi buông vũ khí khi thấy bạn xuất hiện trước mắt là một điều chắc chắn sẽ làm game thủ thỏa mãn vô cùng.
Mọt tui đã bị đồ họa của Ghost of Tsushima chinh phục từ những trailer đầu tiên, và những khung cảnh mới được thể hiện trong video gameplay hoàn toàn không làm chúng ta thất vọng. Những cánh đồng hoa cỏ của game đẹp đến nao lòng, trong khi tính năng khám phá của game tỏ ra rất thú vị nhờ sự giúp đỡ của chim chóc và những chú cáo lông đỏ rực.
Đồ họa của Ghost of Tsushima cũng có những điểm nhấn cần nhắc đến. Ngoài những khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời mà bạn có thể thấy trong video, thứ Mọt muốn nói đến nhất là các nguồn sáng chói lòa xuất hiện ở mọi nơi, mọi thời điểm – dù bạn đang chiến đấu trong đêm hay ngắm cảnh giữa ban ngày, những nguồn sáng này đều xuất hiện và thu hút sự chú ý một cách rõ rệt. Chúng thường là mặt trăng hoặc mặt trời bị che phủ sau một lớp sương mù để tạo ra hiệu ứng tán xạ, như bạn có thể thấy trong hình sau:
Những nguồn sáng đó có vẻ là lựa chọn của Sucker Punch nhằm tạo ra điểm nhấn riêng về hình ảnh trong game. Nếu từng xem phim kiếm hiệp, hẳn bạn sẽ khá quen thuộc với những cảnh các giang hồ hào kiệt chiến đấu trong rừng giữa đêm khuya dưới ánh sáng của những ngọn đèn cao áp. Chúng có thực tế không? 100% là không, cả về lịch sử (thời đó làm gì có đèn điện) lẫn logic (ban đêm), nhưng chúng đem lại cho người xem những khung hình ấn tượng, rõ ràng. Các nguồn sáng của Ghost of Tsushima cũng vậy: đây là một lựa chọn nhằm tạo ra nét độc đáo riêng cho hình ảnh của trò chơi.
Những tính năng được Sucker Punch gọi chung là “Samurai Cinema” cũng tỏ ra là một điểm nhấn. Ngoài việc thưởng thức game với đồ họa đầy màu sắc và có dấu ấn riêng như Mọt đã nói ở trên, bạn cũng có thể kích hoạt các bộ lọc đen trắng, hiệu ứng film grain, các luồng gió hữu hình mà nhà phát triển đã đưa vào game để có được một trải nghiệm “như xi nê” đầy hấp dẫn. Chúng là những thứ không mất nhiều thời gian phát triển nhưng hoàn toàn có thể khiến cuộc chơi của game thủ trở nên ấn tượng và thi vị hơn rất nhiều.
Dù không phải là một game thủ console và rất ít khi chạm đến chiếc DualShock 4 (ngoài việc co-op Moving Out gần đây), Ghost of Tsushima tỏ ra là một tựa game có thể khiến tác giả giành tay cầm PS4 với đồng nghiệp. Đoạn video gameplay vừa ra mắt đã thành công khiến Mọt tui thòm thèm chờ đợi những thông tin kế tiếp cũng như ngày phát hành của trò chơi, 17/7/2020.