Perception là sản phẩm "đầu tay" của những cựu binh từng tham gia phát triển BioShock và BioShock Infinite. Giờ đây, các thành viên từng sống chung dưới mái nhà Irrational Games đã lập "chốn tụ tập" mới tại Deep End Games.
Nội dung từ câu chuyện có thật
Perception đưa các Mọt Game đến với Cassie, một cô gái trẻ nhưng bị mù từ nhỏ. Mọi chuyện bắt đầu từ việc Cassie liên tục gặp những cơn ác mộng về một ngôi nhà bí ẩn. Và trong những cơn mơ đó, luôn xuất hiện hình ảnh của những vật phẩm không thể tìm lời giải thích. Để giải thoát bản thân khỏi những cơn ác mộng ám ảnh này, Cassie đã quyết định đến ngôi nhà đó, tìm hiểu xem liệu có điều bí mật gì đang chôn kín ở đây.
Với nội dung được xây dựng trên những câu chuyện có thật, thế nhưng các Mọt Game sẽ chỉ hiểu tường tận ngay khi kết thúc trò chơi. Ngay cả gốc gác ban đầu của nhân vật chính cũng không được đề cập gì nhiều. Bản thân người chơi chỉ biết Cassie bị mù từ nhỏ, trải qua một thời thơ ấu khó khăn vì không nhìn thấy đường. Thế nhưng, nỗ lực vượt khó của cô gái đã được đền đáp. Và giờ đây, cô một thân một mình tìm đến ngôi nhà trong ác mộng để khám phá cội nguồn của những giấc mơ khó hiểu này.
Đồ họa chủ yếu là đơn sắc
Đập vào mắt các Mọt Game đầu tiên là chất lượng hình ảnh thật sự không thể gọi là đẹp. Đây là nhận xét chính xác về đồ họa của Perception. Dưới "con mắt" của cô gái mù, mọi thứ mà người chơi nhìn thấy được vẽ nên thông qua cảm nhận tiếng vọng, tạo chiều sâu cho không gian. Mọi thứ trong mắt người chơi hầu như chỉ có một màu xanh xám. Nó thể hiện một cách khá sáng tạo cảm nhận không gian của một người mù. Cái cảm giác ban đầu đó khá u ám, tạo cảm giác rờn rợn với người chơi.
Nhưng rồi rất nhanh sau đó, ngay khi bước chân vào tòa nhà, mọi thứ sẽ chợt biến mất. Xung quanh là không gian tối đen như mực. Bạn sẽ thấy hoảng khi tầm nhìn chỉ ở khoảng cách một bước chân, không đủ để cảm nhận được không gian xung quanh. Nói cách khác, người chơi gần như hoàn toàn "mù", không thể nhìn thấy gì cả. Và nếu đứng yên trong sợ hãi, những gì bạn thấy chỉ là một màn đêm đúng nghĩa, không hơn không kém.
Cách chơi không mới, nhưng thú vị
Thực tế, Perception có lối chơi khám phá khá giống What Remains of Edith Finch, chỉ khác là bạn sẽ không nhìn thấy gì cả. Thay vào đó, mỗi bước chân của Cassie sẽ tạo nên tiếng vọng âm thanh. Tôi cũng không biết cô có mang giày cao gót không, nhưng tiếng vọng khá lớn đủ để bạn "nhìn" được xung quanh ở cự ly rất gần. Cách thể hiện này khá hay, nó giúp bạn hiểu được cách người mù cảm nhận mọi thứ xung quanh như thế nào thông qua các giác quan còn lại. Thế nhưng, những hình ảnh tạo nên từ tiếng bước chân không đủ để người chơi "thấy" được những gì cần thiết. Chính vì vậy, giải pháp của Perception là dùng gậy dò đường tạo tiếng vang lớn hơn, mở ra toàn bộ quang cảnh xung quanh ở khoảng cách xa hơn.
Nói vậy, có lẽ các Mọt Game cũng nhận thấy không có cách nào khác ngoài việc gõ gậy thường xuyên. Nhưng nếu vậy thì không còn gì hấp dẫn. Perception thiết kế một cơ chế gọi là Presence, nhằm hạn chế người chơi lạm dụng việc dò đường. Thực tế, Presence là một con ma sát thủ cư ngụ trong ngôi nhà này. Nó khá khó tính và rất nhạy cảm với tiếng động. Nếu nghe quá nhiều âm thanh, nó sẽ xuất hiện, truy sát và ăn thịt nhân vật của người chơi. Vấn đề ở chỗ, Cassie mù lòa nên không có giải pháp nào để phản kháng hay chiến đấu với Presence. Thế nên, ngoại trừ việc chấp nhận mò mẫm trong bóng tối để tìm hiểu những bí ẩn của ngôi nhà, bạn không còn cách nào khác là tìm chỗ trốn mỗi khi Presence xuất hiện.
Vẫn có những vấn đề không thể không nói
Thực tế, bị Presence ăn thịt không phải là trường hợp xấu nhất trong trải nghiệm. Bởi lẽ, người chơi chẳng mất gì khi bị chết. Trái lại, nhân vật thường hồi sinh ở gần vị trí làm nhiệm vụ hơn, đỡ công dò đường đi lại trong bóng tối khá nhiều. Nhưng lạm dụng nó sẽ khiến trò chơi trở nên khá dễ, mất đi nhiều cái cảm giác trải nghiệm hấp dẫn được xây dựng ban đầu. Cá nhân tôi xem đây là lỗ hổng trong thiết kế trò chơi. Nhưng có vẻ lý do chính là do nhà phát triển không muốn làm game quá khó, gây nản lòng người chơi.
Nhân vật Cassie là một cô gái mù. Do vậy, cô có một thứ giống như trực giác hay bạn có thể gọi đó là giác quan thứ sáu cũng được. Khả năng này cho phép người chơi xác định được vị trí thực hiện yêu cầu của trò chơi. Cảm giác giống như gian lận vậy, trong khi thực tế nó chỉ dẫn vị trí cần đến khá cụ thể. Việc cố gắng không sử dụng nó sẽ khiến trải nghiệm Perception trở nên khó không tưởng. Đã "mù đường" lại không thể định hướng đi đâu tiếp, đúng là bó tay. Chính vì vậy, yếu tố này khiến trò chơi trở nên dễ hơn, nhưng nhờ đó sẽ khiến nhiều người chơi có thể tiếp cận hơn.
Cùng với lối chơi "một mình trong bóng tối", Perception còn có thêm Scan with Delphi và Friendly Eyes để hỗ trợ Cassie, mà thực tế là người chơi. Cá nhân tôi thấy hai yếu tố này mang nặng tính hình thức, chủ yếu để thông tin đến người chơi hơn nên không đề cập chi tiết, để các Mọt Game tìm hiểu trong quá trình chơi.
Âm thanh là "cái hồn" của trò chơi
Thực tế, phần này tôi có cảm giác nhà phát triển làm tốt nhất. Bạn có thể lắng nghe tiếng vọng bước chân, tiếng gõ gậy vang khắp nhà hay tiếng gió thổi, chúng tạo cảm giác căng thẳng trong trải nghiệm. Đang lò dò đi bỗng dưng một bóng hình mờ ảo bất ngờ xuất hiện, âm thanh vang lên một tiếng khiến bạn giật thót. Hay tiếng gió hú "trong nhà ngoài phố", đều có thể khiến bạn thấy lạnh người trong giây lát.
Phần lồng tiếng cũng là một điểm đáng khen. Các diễn viên lồng tiếng đều tạo được cái hồn cho nhân vật. Không chỉ vậy, những chapter sau cũng thay đổi nguyên trạng của ngôi nhà. Nó cổ kính hơn, đồng nghĩa với già nua ọp ẹp hơn và việc di chuyển trong đó cũng tạo nhiều âm thanh hơn. Thiết kế môi trường có nhiều yếu tố tạo tiếng động ngoài ý muốn hơn, khiến "lão" Presence khó tính xuất hiện truy đuổi các Mọt Game bán mạng nhiều hơn.
Kết
Theo quan điểm cá nhân tôi, Perception khá thành công trong việc mang đến trải nghiệm thú vị ban đầu. Nhưng sau khoảng nửa tiếng quen dần với lối chơi, trò chơi "lộ diện" không hẳn mang chất kinh dị mà là trải nghiệm phiêu lưu đi lang thang tìm đường hơn. Tuy vẫn có những khoảnh khắc khiến bạn giật thót người đó, nhưng chưa thể gọi là kinh dị được. Nếu thích chút cảm giác mạnh kiểu nửa đêm tắt hết đèn, đeo tai nghe hoặc mở âm lượng lớn rồi đắm chìm trong thế giới game, thì Perception thật sự đáng cân nhắc. Còn nếu bạn muốn tìm kiếm một tựa game kinh dị máu me rùng rợn sau thất vọng với Friday the 13th: The Game, rõ ràng Perception không phải là lựa chọn phù hợp đâu. Vấn đề đáng phàn nàn nhất là thời lượng game khá ngắn, chỉ mất khoảng ba đến bốn tiếng là hết. Ngoài ra, game chống chỉ định với các Mọt Game có tiền sử khả năng định hướng hạn chế. Nếu cố "chịu đấm ăn xôi", trò chơi có thể mang đến cho bạn một trải nghiệm hết sức "ác mộng".
Perception hiện có trên Windows, PlayStation 4 và Xbox One.