Phụ Lục
Từng là một tựa game huyền thoại của huyền thoại trong lòng game thủ, Onimusha đột nhiên biến mất không hiểu lý do, trở thành một trong những tiếc nuối lớn nhất mọi thời đại. Từ những thời khởi đầu khi xuất hiện trên Playstation 2, Onimusha đã trở thành chuẩn mực của lối chơi hành động old-school, với phong cách chiến đấu và giải đố độc nhất vô nhị của mình.
Onimusha gần như trở thành cụm từ không thể thiếu khi nhắc tới các tựa game hành động theo phong cách Samurai, thành công của nó luôn là niềm tự hào của game thủ và những ai yêu thích lối chơi cổ điển. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại thì đột nhiên Onimusha lại mất tích hoàn toàn, không một tin tức không một dự án nào của nó được nhắc đến nữa, cứ như một bóng ma bốc hơi khỏi nhân gian. Tại sao một tựa game nổi tiếng lại có thể bị quên lãng nhanh đến vậy, đó là một câu chuyện khá dài đấy.
Sự đi xuống của PUBG
Được phát hành bởi Capcom, seri Onimusha lần đầu xuất hiện trên Playstation 2 vào năm 2001 và ngay lập tức đạt được thành công to lớn. Phiên bản lúc đó – Onimusha: Warlords là tựa game đầu tiên trên hệ máy console của Sony đạt doanh số bán ra hơn 1 triệu bản, thậm chí còn được ghi vào sách kỷ lục Guinness.
Thừa thắng xông lên, phần tiếp theo sau đó là Onimusha 2: Samurai's Destiny cũng không thua kém gì người anh em của nó, khi đạt được doanh số 1,9 triệu bản trên toàn cầu, biến cái tên Onimusha đi luôn vào ngôi đền của những huyền thoại trong lòng game thủ. Ở thời kỳ đó Onimusha là con gà đẻ trứng vào của Capcom, nhất là khi họ đang bị kẹt lại với Resident Evil và cần tìm một thứ gì đó mới mẻ hơn.
Thậm chí bản thân Onimusha còn chưa phải là tựa game được thiết kế cho Playstation 2, mà nó ban đầu là hướng tới cho Nintendo 64, vì vậy có thể thấy là tựa game này lúc đầu giống như một viên ngọc thô của làng game vậy, nó có thể đã không thể tỏa sáng nếu như thời điểm không chín muồi như vậy.
Điểm đi xuống của Onimusha đến khá nhanh ngay sau 2 phần game đầu, ở đây không phải nói những phần sau của tựa game này không hay, chúng vẫn được đánh giá cao cả về lối chơi lẫn hình ảnh, Onimusha 3: Demon Siege còn gây nhiều hứng thú khi “mượn mặt” của những diễn viên nổi tiếng cho 2 nhân vật chính của mình. Vấn đề ở đây là chúng không đạt được kỳ vọng như 2 phần đầu tiên, theo như đánh giá thì chỉ đạt 60% so với mong đợi.
Vấn đề nằm ở chỗ Onimusha: Dawn of Dreams ra mắt đúng ngay thời điểm cuối đời của Playstation 2 (2006), khi chỉ còn vài tháng nữa là các hệ console đời tiếp theo ra mắt. Điều này dẫn tới việc phiên bản thứ 4 này chỉ bán ra chưa được bằng 1/4 những người anh em đi trước của nó, mặc dù Dawn of Dreams có lối chơi khác lạ hẳn so với những sản phẩm các cùng seri, chưa kể hình ảnh của nó có thể tính là đẹp nhất.
Một điểm đáng buồn nữa khi vào thời điểm bên sườn dốc này của Onimusha, Capcom lại không mặn mà lắm trong việc tìm cách cải thiện nó. Trái ngược hẳn với một đống bản remake và remaster của những game như Resident Evil hay Megaman, thì Onimusha lại không có may mắn như vậy. Capcom không tìm cách hồi sinh lại Onimusha mà chỉ đơn giản là để nó bị lãng quên dần đi, 4 phiên bản của tựa game này vì thế mà chìm dần đi một cách đầy tiếc nuối, kể từ sau phần Dawn of Dreams thì chúng ta không còn thấy Onimusha nữa rồi.
Một điểm nữa khiến Onimusha khó lòng có thể được xuất hiện lại cũng vì lối chơi quá cũ của nó, kể từ thời điểm hoàng kim nhất thì tựa game này đã nổi tiếng với phong cách cổ điển, tức là chú trọng cân bằng giữa giải đố và đánh nhau. Nói cho chính xác thì chúng ta không thấy quá nhiều sự thay đổi trong cả 4 phần Onimusha, trong khi nhìn sang một tựa game khác như Resident Evil thì sự khác biệt theo thời gian là khổng lồ (tới mức đi hẳn sang hướng khác từ phần 4).
Điểm khiến cho Onimusha, hay trước đó là Resident Evil chết dần đi chính là ở cách bố trí camera chết, với các góc máy kẹt để tạo sự căng thẳng cho người chơi. Nhưng theo thời gian khi lối chơi thay đổi – nhất là khi khái niệm thế giới mở ra đời, thì việc này lại là bước lùi của Onimusha, vì game thủ muốn mình tự do hơn chứ không bị gò bó với cái camera tĩnh mãi suốt bao nhiêu năm như vậy.
Đây là điểm yếu cố hữu của seri này, nếu là một fan của Onimusha thì bạn cũng biết là tựa game này cứ bình bình như vậy qua 4 phiên bản, chứ không có một sự đổi mới nào đó khiến người hâm mộ phải thốt lên “cái WTF” gì vậy (kể cả theo nghĩa xấu). Việc ra mắt các phiên bản quá nhanh và liên tiếp nhau cũng là một trong những lý do khiến seri này có quá ít thời gian để phát triển, bạn không thể đòi hỏi nó phải thay đổi 180 độ khi mà cứ mỗi năm lại có một tựa game Onimusha mới ra đời được, thành công quá nhanh cùng mĩ mãn của Onimusha khiến Capcom bị ngợp và có vẻ họ đã lạm dụng nó hơi quá.
Bây giờ thì kể cả khi Onimusha có xuất hiện lại thì lối chơi cũ của nó cũng không thể dùng được nữa, nhưng nếu thay đổi 180 độ thì liệu các fan gạo cội có còn quan tâm nữa không?
Nếu bạn nhìn vào lịch phát hành của Onimusha bạn sẽ thấy mật độ ra game của Capcom với dòng này quá chặt: 3 phiên bản đầu tiên ra đời gần như liên tiếp. Điều này khiến cho cái tên Onimusha nhanh chóng trở nên nhàm chán và đội ngũ làm game không kịp nghĩ ra ý tưởng mới để cải tiến gameplay. Họ chỉ đơn giản là vắt sữa cật lực và vắt cạn kiệt nhanh chóng.
Nhìn sang Call of Duty mà xem, mặc dù Activision tuyên bố họ sẽ ra game mới hàng năm nhưng họ cũng cần đến 3 studio khác nhau làm luân phiên và các nhánh của Call of Duty cũng xen kẽ nhau. Hãy nghĩ xem ở những năm 2000 làm sao Capcom có thể xoay được với mật độ dày như thế? Có lẽ họ đã mệt mỏi sau 4 phiên bản và muốn nhanh chóng "kết thúc trong danh vọng" trước khi nó thành "daed game".
Di sản mà Onimusha để lại là rất lớn, gần như tất cả những game mang phong cách Samurai về sau đều ít nhiều có dính líu tới huyền thoại này. Chúng ta có thể kể đến cái tên gần nhất là Nioh hay sắp tới là Ghost Of Tsushima với phong cách – lối chơi và cốt truyện rất gợi nhớ tới Onimusha, nhưng đây vừa là điểm lợi vừa là điểm hại với tựa game này, vì sự thành công quá lớn của những tựa game đi sau sẽ là áp lực quá lớn tới Onimusha (nếu nó được hồi sinh).
Thực ra phong cách một chiến binh Samurai đơn độc chống lại quái vật không phải ý tưởng độc quyền của Onimusha, nhưng tựa game này mới là thứ đưa nó đến toàn thể cộng đồng game thủ và khiến nó trở nên độc nhất vô nhị. Nhưng thời gian trôi qua lâu như vậy thì những lựa chọn về sau càng nhiều và hay hơn, trừ khi Capcom có thể thần kỳ tập hợp một đội ngũ siêu khủng đủ khả năng kết hợp các yếu tố cũ và mới trong Onimusha, thì nói chung là rất khó lòng để tựa game này quay trở lại.
Và với những lý do trên, thì có thể thấy tuy các lý do Onimusha bị lãng quên phần vì doanh số hay lối chơi, hoặc đơn giản vì Capcom không muốn và cũng không quan tâm tới đứa con rơi này nữa. Với hàng đống dự án remake và remaster trước mặt, khởi động lại Onimusha cũng mạo hiểm giống như Square Enix làm Final Fantasy Remake vậy, Capcom không muốn và cũng không cần phải làm như vậy. Onimusha sẽ luôn là một huyền thoại trong lòng người hâm mộ, nhưng chúng ta sẽ khó lòng mà thấy tựa game này xuất hiện lại nữa.