Phụ Lục
Đôi khi tôi tự hỏi: Tại sao các hãng game lại phải tái phát hành, remastered hay remake lại các thương hiệu game cũ? Tại sao họ không dùng nguồn lực đó để sáng tạo ra một thứ gì đó lôi cuốn, hợp thời hơn? Và quan trọng hơn là tại sao cộng đồng game thủ lại thường dồn sự chú ý hơn vào những thương hiệu game nổi tiếng trong quá khứ? Lấy ví dụ như khi Final Fantasy 7 Remake tung đoạn video nhỏ đầu tiên tại sự kiện E3, nó được nhiệt liệt hoan nghênh tới mức đã có người rơi nước mắt vì sung sướng.
Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận ra bất cứ game thủ nào cũng đều tồn tại một sự hoài niệm mạnh mẽ trong tâm trí mình. Kể cả khi thời gian có trôi qua 20 hay 30 năm, trải nghiệm về nó vẫn được lưu trữ ở một vùng nhất định trong não bộ. Và các nhà làm game đã tận dụng điều đó để thu về thành công từ những thương hiệu trò chơi kinh điển trong quá khứ.
Có nhiều người cho rằng đây là một việc làm thể hiện sự bí ý tưởng của các nhà làm game, nhưng thực tế, theo tôi thấy đây là một phương án kinh doanh hiệu quả của họ. Nếu họ không dày công suy nghĩ để làm sao cho cẩn thận, nó có thể trở thành một con dao 2 lưỡi. Chúng ta có thể gọi đây là phương pháp Nostalgia.
Theo định nghĩa, Nostalgia là một cảm xúc, đôi khi là một tình trạng bệnh lý liên quan tới sự khao khát mãnh liệt những gì thuộc về quá khứ. Tôi có thể ví von Nostalgia giống như một điếu thuốc lá vậy. Khi hút thuốc, nó khiến tâm trí của người hút trở nên thoải mái, sảng khoái trong một khoảng thời gian ngắn. Nostalgia hay sự hoài niệm cũng tương tự như vậy, khi bạn được trải nghiệm lại những gì vốn từng quen thuộc với mình, bạn sẽ thấy tâm trạng vô cùng thư thái.
Giải thích rõ hơn khi được trải nghiệm một điều gì đó mà bản thân chúng ta thấy hoài niệm, hay những ký ức hạnh phúc vui vẻ ùa về, ngay lập tức não bộ sẽ xảy ra phản ứng hóa học, đặc biệt ở vùng Hải mã (hippocampus) và vùng Hạnh nhân (amygdala), tiết ra một chất được gọi là dopamine, có tác dụng điều hòa thần kinh. Trong văn hóa và truyền thông đại chúng, dopamine còn được gọi hóa chất của hạnh phúc.
Tôi tin rằng trong tâm trí mỗi game thủ, những khoảnh khắc được chơi game thời thơ ấu sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đó là thời kỳ tươi đẹp nhất của mỗi con người. Trải qua 20 năm, thế hệ game thủ 8x, 9x ngày nào giờ đã phải lo toan sự nghiệp, gia đình, họ đang ở trong giai đoạn khó khăn của tuổi trưởng thành. Và đó chính là điều kiện để sự hoài niệm hay phương pháp Nostalgia được tạo ra.
Theo một nghiên cứu của trường đại học Leeds năm 2008, khi não bộ đang ở giai đoạn hình thành đầu tiên ở độ tuổi thiếu niên, chúng ta thường có xu hướng gắn bó với những gì mình thích và tạo thành nét cá tính riêng của mỗi người. Điều này xảy ra trong suốt cuộc đời con người nhưng mạnh mẽ nhất là ở độ tuổi 12 - 22. Đối với game thủ chúng ta, nó chính là những thương hiệu trò chơi đã ghi dấu ấn mạnh với bản thân trong quá khứ. Tôi tin rằng video game cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giúp cho nhiều người hình thành tính cách của mình.
Do đó, sau khi trải qua một thời gian dài, chúng ta được trải nghiệm lại một sự kiện, một tựa game quen thuộc từ thời còn bé, não bộ sẽ nhận được một lượng dopamine và cảm xúc trong mỗi chúng ta dâng trào, một cảm giác hạnh phúc. Đó cũng là lý do tại sao cho tới giờ, vẫn còn rất nhiều người yêu quý các trò chơi ngày xưa, có những người sẵn sàng bỏ ra cả một gia tài để mua lại một món đồ liên quan tới thương hiệu game mình yêu thích hồi còn bé. Thậm chí, có nhiều người còn quyết định xăm lên người những hình xăm liên quan tới video game cũ thời kỳ trước.
Rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng Nostalgia để tiếp thị hoặc bán sản phẩm của mình, đa số những sản phẩm đó đều rất thành công. Còn đối với ngành công nghiệp game, nó chính là những bản remake, remastered của những thương hiệu game từng được coi là kinh điển. Tất cả các nhà làm game đều cố gắng bám víu lấy thương hiệu cổ điển, họ hi vọng sẽ kích hoạt được chất dopamine trong não của người hâm mộ, sản sinh ra những cảm xúc tích cực và sâu sắc với sản phẩm. Nhờ vậy họ mới có thể bán thành công sản phẩm hay trò chơi của mình.
Đoạn video giới thiệu PlayStation Classic là một ví dụ tuyệt vời cho cách tiếp cận tới sự hoài niệm của game thủ. Sony đã sử dụng sự kết hợp các hình ảnh 3D các nhân vật game kinh điển nhất của mình trên nền nhạc cổ điển pha trộn với âm nhạc hiện đại, cùng với đó là tiết tấu nhịp độ rất nhanh.
Chỉ trong khoảng 30 giây ngắn ngủi, Sony đã đánh thức cả một bầu trời tuổi thơ của người hâm mộ. Khiến người xem nhớ lại tất cả những điều thú vị của video game khi mình chỉ là một đứa trẻ chơi đùa cùng chiếc PlayStation 1. Mặc dù sản phẩm phát hành không mấy thành công nhưng ít nhất, nó đã khiến người hâm mộ được hồi tưởng lại những tháng ngày thơ ấu tươi đẹp của mình.
Mặc dù bị nhiều người chê trách là vắt sữa, là bí ý tưởng, nhưng về cá nhân tôi các bản game remake hay remastered từ các thương hiệu cũ vẫn có sức hút nhất định. Tôi không cần biết là trò chơi mới có kế thừa được những tinh túy từ trò chơi cũ hay không nhưng nó đã giúp tôi có thể hồi tưởng lại một lần nữa những niềm vui nhỏ bé thủa ấu thơ.
Khi trưởng thành, tôi và cả các bạn nữa đều phải va vấp, đối mặt với rất nhiều áp lực. Tôi nghĩ rằng đôi lúc, chúng ta có cơ hội hoài niệm, có cơ hội được trải nghiệm lại những trò chơi ngày trước là một cách rất hay để xả stress. Đó là lý do tại sao tôi vẫn thường xuyên chơi lại Mario, Contra, Ninja cứu mẹ, Bắn Tăng,… Những trò chơi đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và tôi biết mình đã từng hạnh phúc như thế.
Tôi vẫn sẽ ủng hộ các nhà phát triển game làm lại các thương hiệu game ngày xưa. Bởi tôi luôn sẵn sàng và muốn được sống lại những tháng ngày vô tư đó thêm một lần nữa.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]