Phụ Lục
Leak game dường như đã là 1 phần không thể thiếu của ngành công nghiệp game. Bên cạnh việc hóng thông tin từ các hãng game thì cộng đồng hoàn toàn có thể trông đợi vào các thông tin bị rò rỉ dù độ xác thực có thể không cao cho lắm. Chúng ta sẽ cùng tiếp tục nhìn lại những vụ leak game đáng nhớ nhất từ trước tới nay với những nạn nhân kế tiếp nhé!
Sau thành công vang dội của MW2, dòng game Modern Warfare đối mặt với sóng gió lớn từ sự bất hòa giữa Infinity Ward và Activision. Việc nhiều thành viên chủ chốt của studio rời đi khiến không ít người lo ngại cho phần 3 cho đến khi Sledgehammer Games được chọn tham gia nhóm 3 studio phát triển xoay vòng của dòng game Call of Duty. Studio này dù góp phần trong sự thành công của MW3 nhưng cũng gây ra đôi chút khó khăn trước khi game ra mắt. Theo đó vào tháng 5 năm 2011, trang game Kotaku đã tổng hợp nhiều thông tin đáng tin cậy từ “trong nội bộ” cả bên phát triển lẫn phát hành MW3 và công khai đăng chúng.
Các thông tin bao gồm chi tiết toàn bộ cốt truyện, concept art, screenshot, file audio, vũ khí, level và chế độ chơi, tất cả chính xác đến tuyệt đối. Sự kiện này khiến cho CEO Activision Eric Hirshberg phải cuống quýt thúc đẩy quảng bá, tung trailer cũng như tổ chức sự kiện 1 cách nhanh chóng nhất có thể trong các tuần tiếp theo nhằm cứu vớt lấy chiến dịch marketing triệu đô của hãng. May cho Activision rằng MW3 lại tiếp tục là 1 thành công lớn, khẳng định tên tuổi của thương hiệu Call of Duty.
Bên cạnh tầm ảnh hưởng to lớn tới ngành công nghiệp game, dòng game Halo cũng duy trì truyền thống bị rò rỉ trước ngày ra mắt một cách liên miên qua từng phiên bản. Tất cả bắt đầu với Halo 2, tựa game FPS được mong chờ bậc nhất thời điểm đó. Theo như điều tra, nhiều khả năng một bản game Halo 2 tiếng Pháp từ 1 cơ sở sản xuất tại châu Âu đã bị mất cắp và sau đó bị phát tán lậu trên mạng khiến game phải ra mắt sớm hơn 3 tuần. Cùng lúc đó, Microsoft cũng phải quay sang làm việc với nhà chức trách hòng ngăn chặn việc phát tán bản lậu của game.
Kế đến là phiên bản Halo 3 cũng bị tung ra sớm hơn 1 tuần khi mà một số cửa hàng tại Anh đã mở bán game quá sớm. Tiếp đó tại Pháp nhiều nơi bày bán Halo 3: ODST trước lịch tới 1 tháng. Sau đó đến lượt Halo Reach tiếp tục bị leak do các mã lệnh của game bị đánh cắp và phát tán. Halo 4 cũng không thoát khi tiếp tục bị leak các bản game cùng 1 số hình ảnh và video khiến cho game thủ chơi và đăng video về nó tràn lan trên mạng, buộc Microsoft phải khóa mọi tài khoản Xbox Live nào có dấu hiệu chơi Halo 4 trước ngày ra mắt. Sau đó, cả Halo 5 lẫn Halo: Master Chief Collection tiếp tục bị rò rỉ nhiều thông tin quan trọng đến mức các fan có lẽ chả cần phải đợi thông báo gì từ nhà phát hành cả. Với đà này thì không có gì ngạc nhiên nếu Halo Infinite sắp tới cũng sẽ tiếp nối truyền thống này.
Quay trở về thời điểm năm 2006, lúc này Ubisoft đang thăng tiến một cách nhanh chóng với hàng loạt các dự án game quy mô lớn đáng được mong chờ. Cuối năm đó, 1 file nén của công ty đã bị đánh cắp từ server và nhanh chóng bị tung lên mạng. Chúng bao gồm concept art và thông tin về các dự án lớn mà Ubisoft đang đầu tư phát triển.
Thương hiệu Assassin’s Creed hoàn toàn mới của hãng bị leak cũng không phải là vấn đề gì to tát khi bản thân game này đã được trình diễn tại các sự kiện từ trước đó, nhưng 2 dự án đáng chú ý nhất đó là Far Cry 2 và Splinter Cell: Conviction cũng bị rò rỉ trong khi cả 2 đều chưa được Ubisoft công bố chính thức. Việc 2 dự án còn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai mà đã bị rò rỉ những thông tin cốt lõi gây ít nhiều khó khăn cho Ubisoft, nhưng cũng đồng thời khiến cho 2 tựa game nói trên trở thành đề tài bán tán cũng như được mong chờ từ các fan. Có thể nói là trong cái rủi Ubisoft cũng vớt vát được một ít cái may vậy.
Với sự thành công lớn của StarCraft II: Wings of Liberty vào năm 2010, Blizzard tiếp tục đầu tư các gói nội dung mới cho phần 2 nhằm mở rộng phần chơi cốt truyện. Phần cốt truyện tiếp theo là StarCraft II: Heart of the Swarm được dự kiến ra mắt kế tiếp vào năm 2013, thế nhưng thật không may là vào đúng tầm tháng 10 năm 2010, đoạn CGI ending của nó đã bị rò rỉ và phát tán rộng rãi trên mạng. Theo đó, đoạn cắt cảnh CGI này vẫn còn rất thô sơ, môi nhân vật không cử động cùng 1 số dòng text của storyboard còn sót lại. Thế nhưng nhìn chung đoạn ending này vẫn chứa đủ thông tin về chi tiết cốt truyện, giọng lồng tiếng cũng như để rõ cả logo công ty hiệu ứng đồ họa thực hiện đoạn phim mà Blizzard là khách hàng.
Với những người không kềm chế được sự tò mò thì đa phần tỏ ra không hài lòng với cốt truyện và hướng đi của bản mở rộng, cho rằng chúng khá là vô nghĩa. Sau đó 1 số nguồn tin cho rằng đoạn ending leak này chưa phải là chính thức và Blizzard có thể sửa đổi ít nhiều nội dung của bản mở rộng dựa trên phản hồi của các fan. Thế nhưng cuối cùng khi bản mở rộng StarCraft II: Heart of the Swarm chính thức được phát hành, các fan có thể thôi tưởng bở khi mà đoạn CGI ending ngày nào xuất hiện trở lại, ngoài việc nó là 1 đoạn CGI hoàn thiện ra thì nội dung chả có gì khác so với phiên bản sơ khai bị leak từ năm 2010.