Phụ Lục
Trong những năm gần đây, các nhà phát triển – phát hành lớn trong làng game ngày càng e ngại mạo hiểm, mà tập trung vào việc khai thác những thương hiệu cũ đã thành công bằng nhiều cách khác nhau, từ làm bản mới đến “tái chế” game cũ. Đại đa số game thủ đều rất hài lòng với những phiên bản này và đón nhận thông tin về chúng một cách nồng nhiệt, chẳng hạn Warcraft III Reforged, Age of Empires Definitive Edition, Darksiders Warmastered Edition…
Tuy nhiên, cũng có không ít tựa game thuộc về những thương hiệu nổi tiếng vừa được công bố đã lãnh cả một rổ “phẫn nộ” từ game thủ, khiến nhà phát triển bị ném đá "vỡ alô" vì sặc mùi làm tiền hoặc quá đổi khác so với truyền thống. Hãy cùng Mọt tui điểm lại một vài tựa game thuộc dạng này trong thời gian qua nhé!
Sau một loạt phiên bản Call of Duty ngày càng đi xa hơn vào tương lai (BO2, Ghosts, Advanced Warfare, BO3), game thủ yêu thích series này trông đợi Infinity Ward – “người hùng” khai sinh ra Modern Warfare ngày nào sẽ đưa họ trở lại với thế chiến 2, hoặc ít ra là chiến tranh hiện đại. Vì thế, khi Infinite Warfare lấy bối cảnh tương lai siêu xa được công bố, game thủ xem Infinity Ward là kẻ phản bội và trút giận vào nút Dislike của trailer game trên YouTube.
Trailer của Infinite Warfare vẫn đang là trailer game có lượt dislike cao nhất trên YouTube.
Nói một cách công bằng, Infinite Warfare là một tựa game hấp dẫn, và có thể sẽ thành công lớn hơn nữa nếu nó không mang tên Call of Duty và gánh chịu sự trông đợi của game thủ về một tựa FPS hiện thực hơn. Tuy nhiên game thủ thích các phiên bản thời WW2 hay Modern Warfare không phải là game thủ thích bối cảnh tương lai, thế nên nhà phát triển bị mắng không tiếc lời. Vài tháng sau, Activision lại thêm dầu vào lửa khi công bố game thủ chỉ có thể chơi bản remastered của Modern Warfare nếu chịu bỏ tiền mua bản đặc biệt của Infinite Warfare, và một lần nữa khiến game thủ phẫn nộ. Infinite Warfare vẫn thành công về mặt doanh thu, nhưng thành công đó chỉ bằng một nửa so với người tiền nhiệm Black Ops 3 của Treyarch.
Ngày xửa ngày xưa, Fallout là một series RPG với góc nhìn từ trên cao, nhưng khi vào tay Bethesda, nó được nâng cấp thành một game 3D thời thượng kể từ Fallout 3. Game nhanh chóng chinh phục được game thủ dù không hề hoàn hảo, và khiến Bethesda được khen ngợi là một trong những hãng làm RPG “mát tay” nhất thế giới. Fallout New Vegas và Fallout 4 tiếp tục là những tựa game chất lượng, đẩy danh tiếng của series này lên cao.
Thế nên vào đầu năm nay, khi có tin đồn rằng Bethesda sẽ phát hành một tựa game Fallout mới, game thủ khắp thế giới đều háo hức trông chờ một trải nghiệm RPG kinh điển mới. Nhưng không, nó là một game online. Dù Mọt phải thừa nhận rằng chẳng có gì sai khi Bethesda muốn dấn thân vào khai phá những thể loại game mới với thương hiệu Fallout, nhưng Fallout 76 không đủ “nội lực” để trở thành một tựa game riêng biệt, mà khiến game thủ có cảm giác như một đứa con lai giữa Minecraft và Fallout 4 ngày nào. Vì vậy, không có gì lạ khi không ít game thủ trung thành của series quay lưng lại với trò chơi, nhà phát triển bị mắng mỏ nặng nề còn Fallout 76 cũng phải đối mặt với ánh mắt nghi ngờ của game thủ.
Tại BlizzCon 2018, có hai câu nói đã trở thành meme: “Đây là trò Cá tháng Tư lệch mùa à?” và “Các bạn không có điện thoại hả?” Hai câu nói đến từ hai phía - game thủ và nhà phát triển game – cho thấy sự “lệch pha” giữa những gì đôi bên suy nghĩ. Fan Diablo là những game thủ hạng nặng muốn có một tựa game riêng cho mình, trong khi Blizzard muốn làm một tựa game mobile để mở rộng thương hiệu Diablo đến với những game thủ casual trên di động - những người không hề đứng trong khán phòng ngày hôm đó.
Sự tức giận của game thủ khi biết về Diablo Immortal thực ra chỉ là “từ yêu sinh hận,” bởi trong nhiều tháng trước khi BlizzCon 2018 diễn ra, họ đã hi vọng rằng mình sẽ được thấy một tựa Diablo mới trên PC dựa trên những thông tin mà Blizzard từng úp mở trước đó. Toàn bộ niềm hi vọng của game thủ bị đập nát khi Diablo Immortal xuất hiện, và trở thành sự phẫn nộ khi các fan “thương lượng” với Blizzard xem liệu trò chơi có thể xuất hiện trên PC hay không, và nhận được câu trả lời “các bạn không có điện thoại à?” từ nhà thiết kế game Wyatt Cheng của Blizzard. Nhà phát triển bị mắng vì không biết game thủ cần gì, còn game thủ thất vọng vì Blizzard chẳng chịu hé lộ Diablo 4.
Game thủ: Có kế hoạch lên PC không, hay chỉ mobile?
Nhà phát triển: Các bạn không có điện thoại à?
Khác với Diablo Immortal, Command & Conquer: Rivals là một ví dụ cho việc nhà phát hành biết game thủ muốn gì, nhưng không biết làm thế nào để đáp ứng yêu cầu đó. Thay vì một tựa Command & Conquer nghiêm túc, trung thành với lối chơi xây nhà mua quân truyền thống, Rivals lại là một game mobile có lối chơi bị đơn giản hóa tối đa, đồ họa kiểu hoạt hình để nhét vừa màn hình nhỏ bé của smartphone.
Dù phiên bản mobile không phải lúc nào cũng tệ, sự tức giận của game thủ khi nghe Rivals là một game mobile là hoàn toàn dễ hiểu bởi họ đã chờ một tựa Command & Conquer mới hơn 8 năm trời. EA cũng mang tiếng là một nhà phát triển / phát hành luôn tìm cách hút máu game thủ bằng mọi giá ngay cả trong những tựa game giá 60 USD trên PC và console, nên người chơi không thể tin tưởng một tựa game mobile free to play sẽ thoát khỏi những trò bào tiền bẩn thỉu mà EA luôn sử dụng từ trước đến nay. Vì vậy, game thủ đồng thanh phản đối, còn EA vẫn “ngây thơ vô số tội” không hiểu tại sao chỉ có 2.240 người theo dõi tài khoản Twitter chính thức của Rivals. Sau đó, EA đã phải tìm cách lấy lòng game thủ bằng cách công bố sẽ làm lại một tựa Command & Conquer kinh điển nhân kỷ niệm 25 năm series này.
Sau khi Konami cắt cúp một phần nội dung Metal Gear Solid 5 để ra mắt trò chơi và tống khứ Hideo Kojima sớm hết mức có thể, nhà phát triển này lại có gan “xào nấu” lại MGS5 để tạo thành tựa game mới có tên Metal Gear Survive. Nó chẳng liên quan gì đến series Metal Gear, và khiến game thủ nghĩ rằng Konami chỉ muốn “hốt cú chót” trước khi để cho dòng game này chết hẳn. Khi trò chơi được phát hành, nó chỉ cho game thủ thấy rằng quả thực nếu không có Kojima, Konami chỉ có thể làm ra một bản sao rác rưởi của một dòng game từng hết sức thành công.
Chưa hết, trò chơi còn bắt game thủ phải chi thêm 10 USD mỗi lần muốn có thêm một slot save game. Trò hút máu ngu xuẩn này có lẽ đã đánh đuổi nốt những game thủ vẫn còn có chút hứng thú với trò chơi. Chỉ vài tháng sau khi ra mắt, Metal Gear Survive đã trở thành một tựa game miễn phí trên PlayStation Plus, với một cộng đồng game thủ gần như không tồn tại.
Minh chứng cho thấy MG Survive là trò xào nấu Metal Gear Solid 5.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên những game thủ yêu thích các dòng game của Konami bị nhà phát hành này tát vào mặt. Họ từng vuột mất một phiên bản Silent Hills và vì thế không bỏ lỡ cơ hội nào để dùng những lời lẽ cay độc nhất khi nói về Konami và thảm họa Metal Gear Survive.
Trong thời gian sắp tới, Mọt tui tin chắc rằng sẽ còn khối thảm họa tương tự đang chờ đợi game thủ, nên các bạn hãy để dành nước bọt chờ dịp mới để mắng các nhà phát triển game. Một trong số đó chắc chắn là Blizzard, studio từng một thời là biểu tượng của những tựa game chất lượng trong lòng game thủ bởi giám đốc Blizzard Allen Adham xác nhận họ đang làm phiên bản mobile cho tất cả các thương hiệu lớn của mình, phát biểu đáng lo ngại này khiến cổ phiếu của họ lập tức sụt giảm trước phản ứng của game thủ.
Một lần nữa, tác giả muốn nhấn mạnh rằng bản mobile chưa hẳn là tệ - Blizzard có Hearthstone rất thành công và được game thủ yêu thích trên cả PC lẫn mobile, đem về cho hãng những khoản tiền khổng lồ từ việc bán card pack. Tuy nhiên, Blizzard cần phải khéo léo trong việc công bố các phiên bản mobile này nếu không muốn trở thành kẻ bị chế giễu bằng những meme mới xuất hiện trong tương lai. Starcraft Mobile? Warcraft Mobile? Hhhmmmm...