Sự nổi tiếng và mong đợi là những gì mà rất nhiều seri game kinh điển như God of War, Final Fantasy hay Resident Evil nhận được. Những game thủ đã gắn bó với chúng luôn đòi hỏi phiên bản sau phải hoàn hảo hơn, nhưng đó cũng là áp lực khổng lồ với các nhà phát triển game.
Hãy lấy trường hợp của Red Dead Redemption 2 làm ví dụ, sau phần một quá đỗi xuất sắc tới mức độ gần như là hoàn hảo – một game kinh điển thực sự, thì Rockstar đã phải tốn gần mười năm để viết nên một câu chuyện khác với mức độ xuất sắc không kém. Tính tới thời điểm hiện tại thì Red Dead Redemption 2 là một trong những game xuất sắc nhất lịch sử console, cả về lối chơi, đồ họa lẫn phong cách thế giới mở độc đáo của nó. Nhưng đến cuối cùng ở giải thưởng cao quý nhất Game of The Year, Red Dead Redemption 2 lại không thắng nổi God of War khi mà ai cũng nghĩ nó vượt trội hơn mọi mặt.
Có một vấn đề dễ nhận thấy là Red Dead Redemption 2 thực ra có thể gọi là một bản nâng cấp toàn diện của phần một, khi nó kế thừa và phát triển hầu hết mọi thứ (kể cả cốt truyện) chứ không bẻ ngoặt đổi mới toàn bộ như God of War. Tất nhiên với một seri chỉ mới có 2 phần thì thay đổi 180 độ là thứ hoàn toàn không cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là liệu Rockstar có dám làm phần 3 của Red Dead Redemption hay không, khi mà sự thành công của nó đã là quá lớn, tới mức đủ đè bẹp cả cái seri huyền thoại này mãi mãi. GabeN: Tao đồng cảm vụ này!
Khi một tựa game thành công tới mức trở thành một chuẩn mực, thì nó đã được xếp vào dạng game kinh điển và bất cứ thay đổi nào cũng có thể phá tan nát cả cái seri đó ra tro. Trước khi Resident Evil 2 Remake thành công như hiện nay thì Capcom đã có một thời gian dài chật vật tìm cách thay đổi phong cách từ kinh dị sinh tồn - bắn súng cổ điển sang lối chơi tự do hơn. Nó bắt đầu với Resident Evil 4 và kéo dài cho tới tận phần 7 nhưng bị fan đánh giá là càng ngày càng xa rời lối chơi gốc, thậm chí cả khi Resident Evil 2 Remake được công bố thì nhiều người vẫn cho đây là hành động vắt sữa cùng kiệt như mọi lần chứ chẳng trông mong gì được.
Nhưng dĩ nhiên là game kinh điển nào cũng sẽ “già” và lỗi thời theo thời gian, vòng đời cũng như lứa tuổi trải nghiệm game thủ mỗi thời mỗi khác, sẽ là điên rồ nếu bạn giữ nguyên lối chơi cũ cách đây 10 năm không có gì cải tiến. Trường hợp của FromSoftware cũng vậy, sau khi họ tạo ra cái lối chơi hành động siêu khó (nổi tiếng nhất với dòng Souls), thì rất nhiều các tựa game về sau cũng đi theo phong cách này rồi thành công như Nioh, Salt and Sanctuary, The Surge hay sắp tới là Code Vein... nó nổi tiếng tới mức định hình một dòng game mới hoàn toàn.
Và đến khi FromSoftware thông báo họ sẽ cho ra đời sản phẩm tiếp theo, chắc hẳn phải 99% mọi người đều nghĩ đó sẽ lại là một thứ gì đó mang phong cách Souls nữa và rồi chúng ta có Sekiro: Shadows Die Twice. Tuy rằng vẫn giữ nguyên độ khó điên rồ có phần còn hơn cả các game trước, nhưng Sekiro đã thoát khỏi cái bóng của dòng Souls khi có lối chơi độc đáo nhất từng xuất hiện. Nếu như FromSoftware chỉ đơn giản làm thêm một Bloodborne hay Dark Souls khác thì hẳn nó cũng sẽ là một game kinh điển thành công, nhưng như vậy thì họ sẽ chẳng thể nào tự tách ra khỏi cái bóng của chính mình được.
Tất nhiên với những game kinh điển đã có tuổi thọ tính bằng hàng thập kỉ, thì mỗi một phần của nó đi kèm với áp lực khủng khiếp từ người hâm mộ. Cứ nhìn vào The Last of Us là chúng ta có thể hiểu được sự kỳ vọng của người chơi ra sao, mọi thứ mà bạn dày công xây dựng trong 10 năm với một seri có thể sẽ trở thành huyền thoại sẽ tan thành bụi cám nếu nó không được như mong đợi.
Thành ra đổi mới luôn đi kèm với các rủi ro, trường hợp của Castlevania: Lords of Shadow cũng tương tự như vậy, khi cải biên từ kiểu chơi 2D truyền thống thành hành động 3D, đáng tiếc là sau phần một rất được đón nhận thì Lords of Shadow 2 thực sự là một thảm họa, kéo theo cả seri game kinh điển Castlevania cũng tịt ngòi luôn từ đó không thể trở lại nữa.
Bạn càng nổi tiếng thì áp lực càng cao và thời gian chuẩn bị không bao giờ là đủ, như Final Fantasy 7 Remake tưởng chừng như đã có lúc sẽ bị delay mãi mãi không bao giờ có thể xuất hiện. Thậm chí đến tận thời điểm này khi mà game sẽ ra mắt vào tháng 3 năm sau, cộng đồng vẫn còn đang rất mơ hồ không rõ liệu lối chơi của nó rốt cuộc sẽ tròn méo như thế nào. Chính bản thân Square Enix cũng phải thừa nhận họ bị buộc công bố Final Fantasy 7 Remake sớm hơn dự tính, vì tất cả những thứ tin đồn lan tràn đầy trên mạng về tựa game này, đến độ đã có thời gian nó bị hoãn rất lâu vì không bói đâu ra người làm.
Thực ra cũng dễ hiểu tại sao Final Fantasy 7 Remake lại chịu nhiều áp lực như vậy, vì chỉ cần nó không được đúng như kì vọng một chút thôi, cả cái seri game kinh điển này có thể sẽ tan tành và Square Enix gọi là ăn chửi ngập mặt có lẽ là còn quá nhẹ. Áp lực để thay đổi luôn là thứ khiến các game kinh điển phát triển, đôi khi nó tốn nhiều thời gian hoặc không như dự kiến, nhưng nếu cứ giữ mãi một lối chơi cũ, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết tới các siêu phẩm chất lượng thế hệ tiếp theo được.