Phụ Lục
Chúng ta đã nói quá nhiều tới những tựa game hay nhất trong năm 2018, thì giờ là đến lúc điểm lại các game đáng thất vọng nhất, gây cho cộng đồng game thủ nhiều ngạc nhiên không ngờ vì sao chúng lại có thể tệ hại tới vậy.
Đây có lẽ là trường hợp đáng tiếc nhất trong danh sách này, khi mà bản thân Agony lúc chưa ra mắt cũng là một tựa game được trông chờ hệt như những bom tấn khác. Với màn quảng cáo hoành tráng về thể loại kinh dị hoàn toàn mới, lấy bối cảnh địa ngục kinh hoàng nhất mà con người có thể tưởng tượng ra… đáng tiếc là những gì Agony làm được thật đáng thất vọng, khi nó tiếp tục là một sản phẩm “treo đầu dê bán thịt chó” khác.
Cái làm cho Agony bị chê bai khủng khiếp chính là ở phần đồ họa, khi nó đã quá lạm dụng hiệu ứng tối tăm để khiến game trở nên ghê rợn, mà quên béng đi làm sao để người chơi nhìn thấy chúng mới là vấn đề. Agony hệt như một vở kịch vụng về nơi đạo diễn tìm cách nhồi nhét nhiều ý tưởng nhất có thể, cuối cùng biến nó thành một đống hổ lốn toán loạn. Trong hầu hết thời gian chơi bạn sẽ chẳng cảm nổi Agony có hình thù ra sao, khi xung quanh là một màu đỏ chói nhức mắt, các ánh đèn leo lét mờ ảo và rất nhiều chi tiết rối rắm khắp nơi.
Cơ bản Agony không phải là một game kinh dị tốt, vì cốt truyện của nó lằng nhằng tới mức phát bực, hầu hết thời gian bạn sẽ phải lần mò tìm tim gan phèo phổi gì đó để đặt lên các bệ hiến tế, chui rúc qua đám đường hầm làm bằng thịt người để kiếm manh mối. Agony làm khá tốt phần “tởm lợm” mà nó đã hứa, nhưng ngoài cái đó ra thì chẳng còn gì cả, mọi thứ của tựa game đáng thất vọng này trôi qua một cách nhạt toẹt như nước lã.
Sau khi Hideo Kojima rời khỏi Konami, rất nhiều game thủ đã dự đoán một cái chết cho dòng game Metal Gear, có điều mọi việc đến sớm hơn dự tính với sự xuất hiện của Metal Gear Survive. Có lẽ từ game đáng thất vọng nhất năm 2018 là chưa đủ với cái thứ của nợ này, vì nó thảm họa tới mức không thể tưởng tượng nổi, với doanh thu chỉ bằng… 5% Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, thậm chí Konami còn không dám nhắc tới tựa game này bất cứ một lần nào nữa sau khi nó ra mắt.
Thay vì kiểu chơi hành động lén lút như cũ, Metal Gear Survive chuyển cụ nó lối chơi thành co-op phòng thủ Zombie, nó không có một chút dính dáng gì tới seri chính mà hoàn toàn biến thành một thứ quái thai dị hình nào đó mà Konami đã nghĩ ra. Ngay trong ngày đầu ra mắt Metal Gear Survive đã bị chửi một cách điên cuồng, khi mà game thủ không thể ngờ được tại sao Konami lại có thể hủy hoại seri huyền thoại này nhanh tới vậy.
Một điều nữa khiến Metal Gear Survive mất điểm nữa là hệ thống mua đồ trong game, khi đây là tựa game đầu tiên bắt người chơi phải… bỏ tiền ra để mua slot save, chưa kể còn lùm xùm một đống thứ khi Konami cố tình “quên” không đưa Hideo Kojima vào danh sách những người cần nhắc tới trong game. Có vẻ như độ thảm họa của Metal Gear Survive còn xa mới kết thúc, nhưng hiện tại thì nó đã lọt top những tựa game đáng thất vọng nhất năm 2018 rồi.
Extinction vay mượn ý tưởng khá nhiều từ Attack On Titan, từ kích thước to lớn của đám quái vật cho tới cách bạn dứt điểm chúng. Điểm hay là game cũng cho phép người chơi bay nhảy khá thoải mái, bộ đồ của nhân vật chính Avil giúp anh ta có thể nhảy và lướt trên không rất xa, cũng như bắn móc vào những vị trí cố định để di chuyển nhanh hơn. Tính năng này rất mượt mà và nhìn vô cùng đã mắt, đúng chất một game dạng diệt khổng lồ như Extinction, đáng tiếc là nó vẫn một game đáng thất vọng khác.
Ngoài những bom tấn xịn ra, năm 2018 cũng có vô số game hay nhưng lại khiến người chơi muốn phát khùng khi trải nghiệm chúng.
Sau khoảng chừng 30 phút hào hứng, người chơi sẽ bắt đầu cảm thấy nhạt dần vì lối chơi của Extinction quá một màu. Dù có làm gì đi chăng nữa thì thứ tự lần lượt luôn là: đi thu thập đủ năng lượng Rune Energy – phá các phần được bảo vệ của lũ Ravenii khổng lồ – kết liễu chúng và qua màn. Quá trình này lặp đi lặp lại từ đầu tới cuối game, có chăng là khó khăn tăng một chút khi về sau đám Ravenii được bảo vệ nhiều lớp hơn mà thôi, không có thêm tính năng hay thử thách gì thực sự đáng để níu chân người chơi.
Mặc dù rất được mong chờ vào ngày ra mắt, nhưng cuối cùng Extinction chỉ là một tựa game đáng thất vọng với lối chơi ăn theo kém hấp dẫn. Nó bị đánh giá thấp một cách thảm hại bởi hầu hết cộng đồng, khá đáng tiếc vì có vẻ như các nhà phát triển Extinction đã quá vội vã khi cho ra tựa game này, thành ra với việc bắt chước phong cách của người khác đã khiến Extinction không thể phát triển được.
Cuối cùng thì trong danh sách các tựa game đáng thất vọng nhất năm hiển nhiên luôn có Fallout 76, thật sự thì người viết đã chửi nó nhiều tới mức không thể kiếm ra từ mà tiếp tục nữa. Nói ngắn gọn lại thì Fallout 76 giống như một bản mod online của Fallout 4, với server bất ổn định, số lượng người chơi bị hạn chế, các nhiệm vụ khô khan và nhất là méo có một tí hơi hướng nào của game thế giới mở cả.
Không còn hệ thống VATS thần thánh, tất cả những gì Fallout 76 thể hiện là một phần chơi online chán ngắt với một tá người chơi chạy lầm lũi trong thế giới “chết” đúng nghĩa không hề có 1 NPC nào. Điểm sáng duy nhất của Fallout 76 là các trận đấu boss thế giới tạm gọi là hoành tráng, nhưng như vậy cũng chả cứu nổi tổng thể thối nát toàn tập của cái game này, khi mà cái chất của Fallout đã không còn, thay vào đó là một tựa game hành động vô cùng tầm thường.
Kết cục cuối cùng cho sự thảm hại của Fallout 76 còn nằm ở việc hậu mãi, khi cú lừa bọc ni lông trị giá 200 USD sẽ còn được nhắc tới muôn đời kiếp kiếp mãi sau này. Thêm nữa là Bethesda cũng bắt đầu biến cách kiếm tiền từ việc mua bán trong game, khi họ có những tỉ lệ quy đổi đỉnh cao, bạn có biết để mua được một bộ giáp trong Fallout 76 còn tốn tiền ngang ngửa cả một DLC của The Witcher 3 hay không? Sau từng đấy năm đứng trong hàng ngũ những nhà phát triển huyền thoại, Bethesda đã tự phá hủy danh tiếng của mình trong đúng 1 tuần với Fallout 76.