Phụ Lục
Thường thì chúng ta tìm tới game là để giải trí, nhưng có những thể loại game đặc biệt lại rất thích hack não người chơi và làm cho họ phải vắt óc suy nghĩ rất nhiều – tất nhiên đó là trong trường hợp bạn có não.
Các nhà phát hành khi lựa chọn để tạo ra các cô gái đẹp trong game cũng rất cân nhắc, vì nhiều hình mẫu quá nổi tiếng rất dễ bị săm soi.
Paper, Please là một game đặc biệt đúng theo nghĩa đen khi nó đưa người chơi vào vai một nhân viên kiểm tra di trú, với nhiệm vụ là đóng mấy cái mộc cho phép hoặc không cho người nhập cư vào đất nước. Nó diễn ra trong một bối cảnh sặc mùi khả nghi tại đất nước giả tưởng mang tên Arstotzka – với câu khẩu hiệu vô cùng thối khăm khẳm là “Vinh quang cho Arstotzka”. Công việc của người chơi rất đơn giản là xem xét dân nhập cư, tìm hiểu xem người đó có đủ tiêu chuẩn để vào Arstotzka hay không.
Mỗi người dân nhập cư sẽ có một hoàn cảnh riêng, thí dụ như một cặp đôi già thiếu giấy tờ sắp bị chia cắt, một tên xã hội đen dắt gái mại dâm nhưng lại có đầy đủ thủ tục… rất nhiều tình huống làm con người ta giằng xé, giữa việc làm đúng bổn phận của mình hay “lỏng tay” để cứu giúp những con người khốn khổ. Cơ mà nếu như bạn chơi đủ lâu thì sẽ thấy Paper, Please còn đang muốn nói một thứ quan trọng hơn, đó là cách mà thế giới này vận hành.
Đầu tiên là nhân vật chính cũng có gia đình, thế nên làm ngu rồi nó mới là đứa đói rã họng trước chứ không phải lũ dân nhập cư. Có câu người không vì mình trời tru đất diệt, bạn cảm thấy lương tâm của mình cắn rứt chăng, vậy thì hãy lỏng tay đi để rồi bị trừ lương, vợ chửi con khóc gia đình đổ vỡ tan tành như nồi cám lợn. Những cháu bé yếu lòng có thể thấy thương cảm vì những mảnh đời éo le, nhưng tới ngày nhận tiền mà bị trừ 50% thì mọi thứ sẽ bắt đầu đen tù mù như cuộc đời chị Dậu ngay.
Câu hỏi ở đây là trong cái game đặc biệt này lương tâm có thể mài ra ăn chăng, câu trả lời là có và rất ngon là đằng khác, chúng ta có thể “nhắm mắt” một cô gái trẻ thiếu dấu mộc miễn sao là nó có cái gì đó để bù lại (một bên nhắm mắt thì bên còn lại đưa chân chẳng hạn). Không ai bán đi lương tâm trừ khi nó được giá đó là bài học rút ra từ Paper, Please, cuộc sống không cho không ai cái gì cả và kể cả là bạn có tấm lòng bồ tát thì bao tử vẫn là của người phàm thôi, méo có gì cho vào mồm thì đừng có ở đấy mà lo lắng bao đồng.
Có tới 3 nhân vật chính trong Detroit: Become Human và tất cả chúng nó đều muốn đấu tranh cho lý tưởng của mình, Connor – một thằng ranh con muốn trở thành người thật, Kara – một người máy giúp việc muốn thoát khỏi gông cùm nô lệ việc nhà và cuối cùng là Markus – cháu bé muốn cosplay Martin Luther King với ước mong Android được sống bình đẳng như con người. Mặc dù hành trình có khác nhau nhưng tất cả đều có mơ ước, bất chấp thực tế phũ phàng là bọn này vừa nghèo lại còn vừa ngu nữa.
Một mặt Detroit: Become Human là game đặc biệt cực kỳ khi nói về việc làm sao để đạt được ước mơ bất chấp khó khăn, mặt khác nó chỉ ra mảng tối của xã hội với đám nhãi ranh mới lớn chưa trải mùi đời. Lấy Kara làm điển hình, cô ta tìm kiếm sự tự do bằng cách bắt cóc con gái chủ nhà, dẫn nó đi qua mấy nghìn cây số tìm cách vượt biên và suýt nữa thì bị bán đi để moi nội tạng (thực tế là trong game là lấy linh kiện do bọn này là robot, cơ mà bạn cũng tự hiểu đi). Từ khâu đầu tiên nó đã sai bét, thành ra trong thực tế có lẽ Kara nên bị tống vào tù ngay lập tức.
Trở lại với Markus thì anh ta là nhân vật có các trường đoạn vãi nồi nhất trong game, kể cả việc đóng vai trò như một đám khủng bố tấn công vào đài truyền hình gây chết người, hay khi đại hiệp dẫn đầu cơ số Android ra biểu tình và bị cảnh sát bắn cho rụng như sung. Ngay trong tên game Detroit: Become Human đã cho thấy sự khác biệt này là về chủng tộc, con người không coi Android là sinh vật sống, đồng nghĩa chúng không có quyền để đòi hỏi tự do hay bất cứ cái gì tương tự.
Nhiều thanh niên sẽ ảo tưởng về biểu tình bất bạo động sẽ ra quả ngọt, thực tế thì cuộc đấu tranh đòi quyền lợi trong cái game đặc biệt này kết thúc bằng bạo lực. Đó là khi Connor hack được vào trụ sở và dẫn nguyên cả đàn Android đến uy hiếp quân đội rồi dọa sẽ chơi khô máu tới bến thì sự việc mới yên. Bạn muốn trở thành người cứu thế với ba tấc lưỡi cùng lời nói thuyết phục à, chuyện đó chắc chắn méo bao giờ xảy ra đâu. Cuối cùng thứ hiện hữu nhất vẫn là hành động, vì đừng có mà tay không đứng nói lý với kẻ địch cầm súng năng lượng có khả năng bắn vỡ đầu mình nhé.
Dòng GTA là thể loại game đặc biệt nhất xét theo phạm trù thế giới mở, khi mà bỏ qua vấn đề cốt truyện và bí mật thì điều mà người chơi thích làm nhất đó là… phá hoại thành phố và đóng vai tội phạm bị truy nã. Hầu hết nhân vật chính trong GTA đều là đám đầu trộm đuôi cướp, không buôn ma túy thì cũng là trộm xe đập két, cho nên tôi cũng phải thực sự xem xét về mục đích của Rockstar là gì với người chơi khi cho họ điều khiển mấy thằng điên như vậy.
GTA V tất nhiên cũng không nằm ngoài vấn đề đó, khi có một màn chơi cho phép nhân vật chính Trevor tra tấn theo đúng nghĩa đen kẻ địch. Chúng ta sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc tuyệt hảo với đầy đủ đồ chơi từ: kềm, búa, dây điện, ngạt nước, chích điện… không thiếu một cái gì, nói chung tôi cũng hơi ngạc nhiên là thế quái nào Rockstar nghĩ được nhiều đồ chơi thế, kiểu như là cố tình để mồi chài vậy.
Cái này chính xác là bài test nhân phẩm cho game thủ, đó là nếu như đặt vào một môi trường tự do không bị ràng buộc bởi pháp luật, thì con người sẽ hành xử như thế nào. Cụ thể trong GTA V thì Trevor đúng nghĩa là củ hành con mồi một cách thực sự nhiệt tình, còn hơn cả một tên đồ tể yêu nghề đích thực. Hãy nhìn cảnh tượng Trevor tỉ mẩn chọn từng cái búa cái kềm, với đôi mắt cháy bỏng nóng rừng rực cùng nhiệt huyết to lớn, sau đó anh y ra cầm hàng mà giã con mồi như giã gạo.
Bạn sẽ thấy mình nhập vai vào Trevor còn hơn cả chính chủ, vì tôi cá rằng ai cũng đã từng đứng nhẩn nhả nhấp từng cái vũ khí và nghĩ xem mình nên xài cái gì cho đúng. Mặt tối của GTA thể hiện hết qua trong cái phần này, vì kể cả là bạn có khi phá hoại thành phố thì nó cũng chỉ mang tính chơi đùa nhiều hơn, còn đây là đúng nghĩa tra tấn trực tiếp. Cuối cùng là kể cả trong game thì cũng chẳng ai để ý tới việc Trevor làm dù đồng bọn của hắn đứng ngay kế bên, nó gần giống như rất nhiều tai nạn ngoài đời khi mọi người hoàn toàn vô cảm trước tai nạn, để mặc nạn nhân nằm đó trong đau đớn.
Thường thì mấy cái game JRPG có cốt truyện khá là dễ chịu, khi nó xoay quanh việc thanh thiếu niên anh hùng đi cứu thế giới là nhiều, chưa kể cái phần đồ họa anime như Persona 5 thì chẳng ai nghĩ nó là game đặc biệt gì đen tối cả. Nhưng thực tế thì Persona 5 lại nói về hiện trạng của xã hội Nhật Bản, với đầy đủ thói hư tật xấu từ quấy rối, bắt nạt, tẩy chay, buôn ma túy, chạy án… tới mức bạn có cảm giác thế giới này sắp tàn cụ nó rồi.
Ngay từ chương đầu tiên thì Persona 5 đã dẫn chúng ta đến chuyện tình tuổi học trò, với những thanh niên mới lớn chạy tung tăng trong những bồ đồ tập thể dục rất dễ làm người ta muốn vào tù, ờ mà trong cái game này thì là đi tù đúng nghĩa luôn đấy. Chúng ta có thầy giáo dạy thể dục kiêm huấn luyện viên bóng chuyền Kamoshida đẹp giai khoai to, với ước mơ giống như Onizuka đó là tìm kiếm tình yêu chốn học đường… cho đến khi bạn nhận ra thằng chết toi bệnh hoạn này thường xuyên mời học sinh vào phòng “tâm sự mỏng”, cũng như làm cái gì đó có trời mới biết.
Kamoshida thường xuyên đưa con mắt khát tình của mình chạy khắp sân trường, cảm giác như bản thân là vua trong nguyên dàn harem mấy trăm học sinh đang chờ mà chén, tới mức có em gái bị lão gạ ghê quá phải kiếm đường tự tử. Nó cho thấy mặt tối tăm vãi cả nồi của Persona 5, nhất là khi bạn đi vào nội tâm Kamoshida và thấy lão mặc đồ lót khoe hàng, hai tay hai em gái ôm eo với tinh thần tự sướng vô cùng lớn, cho chúng ta cảm giác muốn bóp cổ chết tươi thằng cha này tại chỗ.
Persona 5 cũng cho thấy tất cả những thể loại ảo tưởng như Onizuka đều là lũ biến thái, vì bạn méo thể vào trường với tâm trạng để “chén” học sinh được, đó là lý do tại sao Kamoshida bị nhân vật chính đập cho bờm đầu trước khi bị đuổi việc. Nhưng game cũng cho thấy sự bất lực trong việc xử lý mấy vấn đề này của xã hội, vì bản thân nhân vật chính cũng chỉ có thể giải quyết Kamoshida bằng sức mạnh đặc biệt khi đi vào nội tâm của hắn – thứ méo bao giờ có thể xảy ra ngoài đời thực được đâu.
Nếu như mấy cái game đặc biệt kể trên toàn nói về những vấn đề to lớn, thì Catherine chọn một thứ nhẹ nhàng hơn là tình yêu thời hiện đại. Nhân vật chính Vincent đúng nghĩa là mẫu thanh niên hiện đại, tham lam, hám gái, lúc nào cũng mong muốn nhiều thứ nhưng vừa lười vừa vô trách nhiệm. Bằng một cách thần thánh nào đó Vincent cũng có bạn gái tên là Katherine, nhưng anh ta lại bị một cô gái là Catherine quyến rũ, chưa kể còn có mối quan hệ mờ ám với “em gái” tên Rin nữa. Bạn có thể thắc mắc rằng Vincent đã ăn phải cái gì để có vận khí tốt tới vậy, nhưng cuộc đời này nó còn nhiều vấn đề khó nói lắm, vì trên cơ bản thằng khốn nạn này đang bắt cá nhiều tay.
Cuộc tình của Vincent với Katherine (K) là thứ bạn có thể bắt gặp rất nhiều ngoài đời, cả hai quen nhau từ lâu và bắt đầu phát triển tình cảm, cho tới khi chín muồi chuẩn bị tiến tới hôn nhân (thực ra là do Katherine bắt đầu “già”) thì như bao thằng đàn ông vô trách nhiệm khác Vincent đề nghị “từ từ tính”. Quãng thời gian trốn tránh đó anh ta quen Catherine (C) rồi cái chuyện gì tới nó cũng tới, chúng ta bắt đầu có chuyện tình cẩu huyết tay ba như thường lệ.
Vincent phản ánh đúng kiểu đàn ông chập chờn khi bắt đầu bước sang độ tuổi 30, đó là không thể cân bằng cuộc sống, tình yêu, gia đình và không sẵn sàng nhận trách nhiệm trong những quyết định quan trọng. Nó cho thấy mặt đen tối tù mù như đêm 30 của người trưởng thành, đó là liệu ta có thể từ bỏ thú vui cá nhân để bước vào một cuộc sống có trách nhiệm hơn và tới ngưỡng cửa hôn nhân – như ông bà đã nói lấy vợ như đeo gông vào cổ mà. Vincent trong game lựa chọn cái vế thứ 2 là bỏ chạy và trì hoãn, đáng tiếc nó cũng giống mơ của anh ta hàng đêm, vĩnh viễn vô vọng và chìm sâu trong lạc lối.
Cơ mà khi cuộc đời đã khốn nạn như vậy thì con người cũng có xu hướng lệch lạc theo, ở Việt Nam mấy bà tám rảnh hơi thường có câu “lâu rồi thằng đó không lấy vợ có khi nào nó bị...” thì Vincent cũng gặp tình trạng này, chỉ khác là “hàng” của anh ta quá ngon nên chắc có bị trap cũng mãn nguyện. Áp lực từ cuộc sống rất nhiều nên nếu như bạn cảm thấy hứng thú với “em gái” Rin thì cái này là tin buồn đấy, thôi thì cứ tán gái nhiều lên – không thành công thì chắc chắn cũng thành thụ thôi.
(Còn tiếp)