DLC Map Pack
Bạn là fan game bắn súng? Bạn thích so tài trên multiplayer? Vậy thì chắc chắn bạn đã biết đến Map Pack – trò đểu cáng mà các nhà phát hành đang làm với những tựa game bắn súng của mình.
Bạn có bao giờ thắc mắc là Zombie tại sao lại xuất hiện ở gần như tất cả các game kinh dị hay không?
Tại sao Mọt game lại gọi đây là trò đểu? Bởi chúng chẳng đem lại bất kỳ sự đổi thay, khác biệt gì cho game thủ, mà chỉ là một sân chơi mới cho những trò chơi cũ, với một cái giá cực chát. Game gốc đem lại cho chúng ta phần chơi đơn, 10-12 bản đồ chơi mạng với giá 60 USD, trong khi một Map Pack 15 USD chỉ có 3-4 bản đồ mới. Đôi khi những bản đồ này cũng chẳng mới, mà chỉ là “xào lại” bản đồ cũ được ưa thích từ một tựa game trước đó, chẳng hạn Outlaw trong COD BO3 là phiên bản tương lai của Standoff trong COD BO2.
Tuy nhiên có vẻ như các nhà phát hành cũng đã nhận ra rằng chỉ vài bản đồ không thể “dụ dỗ” được game thủ nữa, và giờ họ đang… xé nhỏ game để khiến các Map Pack hấp dẫn hơn. Activision cho thêm một màn chơi zombie vào mỗi Map Pack, trong khi Battlefield 1 của EA bổ sung một đạo quân mới vào Map Pack – điều khiến game thủ phẫn nộ khi họ quyết định chuyển quân đội Pháp, một lực lượng có vai trò quan trọng trong thế chiến thứ nhất vào DLC They Shall Not Pass thay vì để họ xuất hiện trong phiên bản gốc của trò chơi.
Microtransaction
Khi nhắc đến những trò bán hàng trong game (microtransaction), Overwatch và LMHT là những tựa game làm rất tốt việc bán vật phẩm không ảnh hưởng đến cân bằng trò chơi, đặc biệt là khi bạn có thể khoe khoang những gì mình có với bè bạn.
Bạn có biết số tiền thu được từ việc bán game, thì gần phân nửa lợi nhuận còn lại là đến từ Loot box từ shop tiền thật trong game không.
Nhưng khi một tựa game offline đã ngốn của chúng ta từ 60 đến hơn 100 USD, và vẫn cố gắng “kiếm thêm” bằng những vật phẩm lẽ ra phải xuất hiện miễn phí trong game, điều đó là không thể chấp nhận được. Chẳng có lý do gì bào chữa cho việc những vũ khí huyền thoại trong Assassin’s Creed: Origins hay mua trang bị trong Shadow of War lại không rơi ra từ quái hay là phần thưởng của các nhiệm vụ bình thường, ngoài sự tham lam của nhà phát hành game.
Có thể bạn sẽ nói rằng “có thì có, không ai buộc phải mua” và chẳng buồn phản ứng, nhưng đó là một quan điểm sai lầm. Khi một nhà phát triển hay nhà phát hành nhận thấy họ có thể đưa microtransaction vào game mà không hề bị phản đối, điều gì ngăn cản họ đưa microtransaction vào tất cả những tựa game sau đó, và cố ý bóp nghẹt tỉ lệ rơi của các vật phẩm cần thiết để bán được hàng trong tương lai? Chung quy là họ sẽ bán ế nếu giữ các thông số bình thường, họ phải “bùa” một tí cho bạn phải khổ sở mà nôn tiền ra mua lấy cái mà lẽ ra bạn có một cách miễn phí theo thiết kế.
Mặc dù là một bom tấn, một tựa game Single và chả có tí dính dáng online nào, nhưng Middle Earth: Shadow of War vẫn cứ quyết tâm phải kiếm thêm bằng đươc.
Bạn có biết rằng ban đầu, Dead Space 3 không được thiết kế cho microtransaction, nhưng EA đã buộc Visceral phải chỉnh sửa trò chơi, điều mà giám đốc sáng tạo Ben Wanat đã lên án là “giết chết trò chơi trước khi nó có cơ hội được sống?” Và giờ đây, ai cũng biết rằng số phận Dead Space 3 nó ra sao.
Pay to Win
Đây là một hình thức tệ hơn của Microtransaction, và đang được dùng trong gần như mọi tựa game xuất xứ Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Bạn bỏ tiền mua VIP để được tặng tướng cam, lên level nhanh hơn, phụ bản cho nhiều phần thưởng hơn… đó chính là Pay to Win. Điều này không hiện diện nhiều trong những tựa game bắn súng hay MOBA, nhưng với các MMORPG bình thường, Pay to Win là một vấn nạn gần như không thể tránh khỏi.
Thêm vào đó, lằn ranh giữa “trả tiền để thoải mái hơn” (Pay for Convenience – P4C) và “trả tiền để chiến thắng” cũng khá mong manh. Nếu bạn chi 20000 đồng để trang bị của mình không vỡ khi cường hóa, đó là P2W hay P4C? Theo Mọt Game, đó chính là P2W – bạn trả tiền để không mất trang bị. Các nhà phát hành lợi dụng điều này để khai thác tiền từ ví của game thủ, và vẫn được một bộ phận không nhỏ người chơi ủng hộ vì theo họ, đó chỉ là P4C.
Gachapon
Lợi dụng tâm lý cờ bạc của game thủ để bán Gachapon (cũng có thể gọi là Loot Box) là một cách kiếm tiền không mới nhưng đang bùng phát trong thời gian gần đây. Bằng cách nhét những vật phẩm đẹp mắt, quý hiếm vào các gói đồ ngẫu nhiên, và bán với giá rất rẻ so với giá vật phẩm đó, NPH dụ dỗ những con bạc khát nước vào việc chi một số tiền lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực của những vật phẩm tương tự (và nhận được một núi rác tùy vào sự hào phóng của NPH).
Rất đông game thủ xem đây là một trò cờ bạc và hoàn toàn có thể bị nhà phát hành gian lận bằng nhiều cách. Vì thế, ở Trung Quốc, các NPH buộc phải công bố rõ tỉ lệ vật phẩm trong các Gachapon, còn ở Hàn Quốc, Hiệp hội công nghiệp game khuyến khích các NPH công bố tỉ lệ rơi đồ từ Gachapon đến game thủ. Gần đây nhất, game thủ cũng đã tạo nên một cuộc vận động yêu cầu nghị viện Anh phải thông qua đạo luật xem Loot Box là trò cờ bạc trong game.
Quảng cáo trong game
Điều này ít khi xuất hiện trong game PC/Console (nó thường là đặc trưng của game mobile), và thường cũng khá tế nhị, trừ một trường hợp đặc biệt là trong DLC Claptastic Voyage của Borderlands: The Pre-Sequel. Trong DLC này, quảng cáo sẽ đập vào mặt bạn đúng nghĩa đen nhưng theo một cách hài hước và rất được game thủ hoan nghênh.
Nhưng khi quảng cáo không phải để cho vui, mà nhằm mục đích thương mại và kiếm tiền trong những tựa game đắt giá, game thủ sẽ cảm thấy đó là những hạt sạn to mà họ không có cách nào lọc bỏ. Ngay cả những tựa game mobile miễn phí kiếm ăn bằng quảng cáo cũng đủ đạo đức để tắt quảng cáo khỏi game khi bạn trả tiền, vậy tại sao một trò chơi 60 USD lại buộc người xem phải thấy quảng cáo trong game?
Và đó là những trò bẩn thỉu nhất của các nhà phát triển, phát hành game mà tác giả có thể nghĩ ra. Liệu tôi có bỏ sót điều gì không? Hãy để lại ý kiến của bạn trong phần comment bên dưới nhé.