Phụ Lục
Năm 2018 đã khép lại với rất nhiều siêu phẩm hấp dẫn, trong đó đặc biệt đề tài các ông bố trong game được khai thác khá nhiều, cũng như xuất hiện những nhân vật ấn tượng đóng vai người đàn ông của gia đình.
Nobunaga x Pokemon hay GlaDOS chơi Poker, đó chỉ là trong vô số game Crossovers “kỳ cục” mà các nhà phát hành từng nghĩ ra.
Về mặt sinh học thì Dutch van der Linde không có quan hệ hay con cái gì với những nhân vật khác, nhưng ông ta vẫn tự coi mình là người đứng đầu hay bố nuôi của hầu hết các thành viên trong băng. Thực tế thì cả 2 nhân vật chính là Arthur và John đều do Dutch nhận nuôi và bảo hộ, họ lớn lên với tư tưởng cao bồi vô chính phủ đến tận lõi cũng là do Dutch dạy cho hết, nên gọi Dutch là một ông bố trong game cũng không sai.
Nếu chơi để ý trong lúc chơi Red Dead Redemption 2 thì bạn sẽ thấy Dutch dùng từ “cha” rất nhiều lần khi nói chuyện, hoặc ám chỉ với Arthur vai trò của ông ta ra sao với anh ta cũng như tình cảm khắng khít với bọn họ. Đáng tiếc là Dutch bị bệnh cuồng kiểm soát, thành ra mớ tình cảm 3 xu đó rất nhanh được lão già này quẳng đi hết để nhường chỗ cho đống kế hoạch đánh cướp của mình – thứ mà chủ yếu là thất bại và thất bại.
Về cơ bản Dutch không phải là một người bố trong game thuộc dạng tốt, khi thường xuyên đẩy lũ con của mình vào chỗ chết. Tính tới cuối game thì thậm chí Dutch còn suýt tự tay xử tử một trong hai đứa con yêu thích của ông ta nữa. Lý tưởng của Dutch quá lớn và quá thiếu thực tế nên mặc dù khởi đầu với dụng ý tốt là kiếm đất cắm dùi cho gia đình, Dutch dần đi sai hướng để rồi khiến cả băng Van der Linde lên đường cả đám.
Kết cục của ông bố trong game cùng đàn con trực thuộc không đẹp đẽ gì cho lắm, khi mà 2 thằng con trai Dutch yêu quý nhất là Arthur và John đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân, còn ông ta thì nhảy núi tự sát. Thậm chí kể cả ở thời hoàng kim trong Red Dead Redemption 2 thì Dutch cũng không phải là một ông bố tốt, điều hay ho cuối cùng là ít nhất Dutch còn kịp để lại tài sản cho John để giúp anh ta trả nợ mua nhà – mặc dù sau đó vài năm chính John là người cầm súng lên đuổi cho Dutch phải tự tử… ờ thì vốn dĩ cái gia đình của bọn trộm cướp này nó chỉ đến thế mà thôi.
Nếu có danh hiệu người cha quốc dân hay xúc tích hơn là đổ vỏ-er quốc dân thì chắc Kazuma Kiryu – nhân vật chính trong loạt game Yakuza sẽ giành luôn cả giải nhất lẫn giải phong cách. Phòng trường hợp ai không biết thì Kazuma Kiryu là một tên xã hội đen mang tư tưởng hiệp sĩ, một trong hai nhân vật chính trong seri Yakuza nổi tiếng về đề tài thế giới ngầm của Nhật.
Cuộc đời của Kiryu là một chuỗi ngày đen như chó mực, anh gia nhập Yakuza từ rất sớm, bị vướng vào các cuộc nội đấu của băng đảng, vào tù như cơm bữa, người yêu đi lấy chồng và bản thân thì phải nuôi con hộ thằng khác. Từ những phần Yakuza đầu tiên, Kiryu đã phải nuôi dưỡng cô bé Haruka Sawamura – con của mối tình đầu Yumi Sawamura, điều này khiến cho Kiryu trở thành cha nuôi của Haruka và cuộc hành trình của cả hai kéo dài suốt 6 phần của seri này.
Tới phiên bản mới nhất là Yakuza 6 vừa ra mắt trong năm nay, Kiryu tiếp tục hành trình trên con đường đổ vỏ vĩ đại của mình, khi anh biết được con gái của mình đã tòi ra sản phẩm là một thằng nhóc có tên Haruto Sawamura, thành quả sau cuộc tình một đêm chóng vánh lúc thằng bố nuôi vẫn còn đang trong tù. Cốt truyện trong Yakuza 6 chủ yếu xoay quanh việc Kiryu tiếp tục nhận chăm sóc Haruto, cũng như tìm kiếm Haruka (lúc này đang nằm liệt giường vì tai nạn giao thông) – bước tiến hóa này khiến cho Kiryu trên lý thuyết đã trở thành ông ngoại ở tuổi 4x, tiếp tục công cuộc đổ vỏ qua tận 2 đời gái trong cuộc sống vốn đã xui xẻo của mình.
Không phải ngẫu nhiên Yakuza 6 lại có hậu đề là The Song of Life, khi nó tiếp tục kể về cuộc đời khốn khổ khốn nạn không có hồi kết của nhân vật chính. Sẽ rất khó để tưởng tượng một tên xã hội đen lại quấn tã và trông trẻ suốt Nhật Bản, hình tượng nó bật lên sự khổ tận cùng cực của một con người hết trông con lại tới trông cháu cho người yêu… không bao giờ xơ múi được gì cho mình. Thực ra thay vì gọi là bố trong game, chúng ta nên tính Kiryu là ông ngoại của năm thì đúng hơn, vì có lẽ ngoài anh ta ra chẳng ai đủ sức khỏe để đổ từng ấy vỏ như vậy cả.
Danh hiệu ông bố trong game của năm 2018 có lẽ không kiểu nào chạy thoát khỏi tay Kratos, với màn thể hiện “bố ơi mình đi đâu thế” cùng bois Atreus trong phần mới nhất của God of War. Kratos là định nghĩa cho câu “phóng hạ đồ đao” đúng nghĩa đen (cặp song đao Blade of Chaos bị chôn dưới nền nhà), tập trung cho gia đình cũng như chăm sóc con cái theo cách khá là bá đạo.
Mặc dù mắc chứng hay quên khi không bao giờ nhớ tên con mà chỉ đơn giản gọi nó là Bois, cộng thêm việc thường xuyên đẩy một thằng nhóc vào đánh nhau cùng lũ quái vật trong thần thoại, thì Kratos vẫn rất cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một người cha đúng nghĩa. Không còn những màn móc mắt bẻ cổ hay chặt đầu như các phiên bản trước, Kratos giờ nhân đạo trước mặt con nít hơn, khi chuyển sang dùng rìu để thị phạm cho con cái cách chẻ thần như chẻ củi là như thế nào.
Cuộc đời Kratos cho đến trước khi chăm sóc Atreus là một chuỗi ngày dài chìm trong máu me và giết chóc, nhiều tới mức thần chiến tranh phải đổi hộ khẩu qua Bắc Âu để làm lại từ đầu mà chả dám lên công an phường khai báo. Tuy vậy đến cuối cùng thằng cha cục súc này vẫn không thể thay đổi, khi một lần nữa cầm thanh Blade of Chaos lên, nhưng lần này là để bảo vệ con cái chứ không còn giết chóc như trước. Câu chuyện bảo vệ và nâng đỡ đã xoay chuyển cốt lõi của God of War, cũng như đóng vai trò quan trọng giúp nó đoạt giải Game of the Year 2018.
Cái kết của God of War khép lại với hình ảnh ông bố trong game của năm 2018 đứng nhìn con trai mình chạy lên đỉnh núi cao nhất cửu giới, cùng nhau rải tro của vợ và để lại sau lưng một đống đổ nát do mình tạo nên. Chuyến hành trình tiếp theo của Kratos và Bois chắc chắn sẽ không an lành, khi mà Atreus có thể là Loki và Thor thì đang trên đường xuống đồ sát bọn mọi đã phá hủy gia đình mình (cha con Kratos xử tử con cái Thor).