Phụ Lục
Những ngày qua, tựa game Ni no Kuni II: Revenant Kingdom đang nổi lên như một hiện tượng của làng game, khi nhận được vô số lời khen có cánh từ: hậu bản xuất sắc nhất, tựa game JRPG của năm và được các trang tin đánh giá ở mức “cực đỉnh”.
Ni No Kuni 2: Revenant Kingdom là một game JRPG rất được mong đợi trong năm 2018, và có vẻ nó phần nào thực hiện đúng được kỳ vọng của game thủ.
Là một người chưa từng thử qua seri này, và tò mò chơi Ni no Kuni II: Revenant Kingdom hầu hết qua các hiệu ứng quảng cáo và giới thiệu rầm rộ gần đây, thì tựa game này thực sự không xuất sắc như đã nghĩ.
Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không đi theo lối đánh theo lượt truyền thống như các JRPG khác, thay vào đó là kiểu chơi hành động thời gian thực. Ban đầu thì nó khá là hứng thú, nhưng sau khi chơi lâu thì bạn sẽ thấy là Ni no Kuni II: Revenant Kingdom đã “làm chưa tới”. Tại sao chúng ta lại dùng từ “làm chưa tới”, đó là bởi vì cách đánh trong game quá một màu, bạn chỉ có 3 nút tấn công cùng 4 nút tuyệt chiêu được gán riêng và chấm hết. Không có combo, không có phối hợp và cũng chả có những màn “limit break” hoành tráng luôn.
Tại sao các game JRPG thường thu hút người chơi, đó là vì độ hào nhoáng của chúng trong các trận đánh. Nếu so sánh Ni no Kuni II: Revenant Kingdom với những seri khác có lối chơi tương tự như Tales hay Star Ocean, thì thực sự nó chỉ đáng vứt sọt rác. Từ đầu tới cuối game, bạn gần như chỉ đánh theo đúng 1 kiểu là chặt chém rồi nhấn 1, 2, 3, 4 dùng tuyệt chiêu có sẵn, nó đơn điệu tới phát ngán. Trong khi đó dòng Tales là cả một bầu trời combo, còn Star Ocean là hàng rừng tuyệt chiêu cuối hủy thiên diệt địa mãn nhãn.
Tất nhiên sẽ là khá khập khiễng khi so sánh như vậy vì đây là 2 phạm trù khác nhau, nhưng kể cả có bỏ đi phần hình ảnh trong chiến đấu thì lối chơi của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom vẫn quá bình thường, điều không nên xuất hiện đối với 1 game tầm cỡ như vậy. Một phần khác là game còn có cả mục xây dựng vương quốc và tuyển mộ thần dân, tất nhiên về một mặt nào đó nó cũng khá hay ho, nhưng chừng đó là chưa đủ để bù lại cho thiếu sót trên.
Có một điều nhấn mạnh ở đây là trùm trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom cũng không phải dễ, nhưng chúng chủ yếu khó do đánh mạnh và máu nhiều, chứ không hề có tuyệt chiêu hay các thể biến mình nào ghê gớm cả. Thường thì trong các game JRPG truyền thống, việc một con trùm phải đánh cả tiếng đồng hồ là chuyện thường, độ khó và phức tạp của chúng khiến việc chinh phục trở nên có thành tựu hơn. Nhưng trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom thì lại không có điều đó, có cảm giác các con trùm trong game là như nhau, cũng như lối đánh của bạn là không đổi bất kể ra sao.
Có người sẽ phản bác là Ni no Kuni II: Revenant Kingdom vốn không phải là game thuần đánh đấm, khi nó tích hợp cả xây dựng và phát triển vương quốc, nhưng theo người viết thì cái quan trọng nhất của một game JRPG đầu tiên cứ phải là trùm cái đã, cuộc đời sẽ thật là chán chết khi bạn bỏ mấy chục tiếng trong game cày cuốc mà chả có ai để thử sức cả.
Thứ mà một game JRPG có thể để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ thì ngoài lối chơi và hình ảnh ra phải kể tới âm nhạc, điểm mà những game JRPG gây ấn tượng với game thủ đến rất lớn từ các bản nhạc hay bài hát đậm chất huyền ảo của chúng. Đáng tiếc là cũng giống như hình ảnh, âm nhạc trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom tiếp tục dừng ở mức bình thường không hơn không kém.
“Bình thường” ở đây được xét theo tiêu chí so sánh cùng những cái tên nổi bật khác như Persona 5, Lost Sphere hay NieR, hay nói chính xác hơn là Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không tạo được chất riêng của mình. Nếu như Lost Sphere là sự thất lạc, Persona 5 là sự phản bội thì Ni no Kuni II thực sự quá lạc lõng, xuyên suốt game không hề có một bản nhạc nền nào nổi bật, các bài hát ở từng thành phố hay trùm cũng vô cùng một màu, nó trôi thẳng tuồn tuột mà không để lại bất kỳ ấn tượng gì cho người viết.
Một tựa game hay phải tạo ra được bản sắc âm nhạc riêng của nó, tất nhiên đây là xét một cách khắt khe, nếu là người dễ tính có thể bạn vẫn sẽ cho qua được. Nhưng với Ni no Kuni II – một JRPG được kỳ vọng thì chúng ta có lý do để trông đợi nhiều hơn thế, cũng có thể một phần liên quan tới lối chơi của game, vì vốn khi bạn chỉ chạy vòng vòng quanh bản đồ làm nhiệm vụ thì cũng khó có thể đòi hỏi việc dừng lại thả hồn cùng âm nhạc được.
Chính vì âm nhạc quá tệ nên nó phần nào kéo tụt luôn cả phần hình ảnh, rất khó tìm được các điểm nhấn ở từng nhân vật khi không có các bản nhạc nền riêng ấn tượng. Một điểm nữa là Ni no Kuni II: Revenant Kingdom quá tiết kiệm phần lồng tiếng, trừ vài đoạn phim cắt cảnh nhỏ thì chắc phải hơn 70% thời lượng là chúng ta chơi “chay” trong im lặng. Thử tượng tượng một cái game mà nhạc nền đã bình thường, lại còn thêm không có cả tiếng nhân vật nó còn chán đến mức nào.
Có thể người viết là một người quá khó tính và hơi cực đoan, nhưng thực sự là ngoại trừ cốt truyện có đột phá thì Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không nổi trội hơn là mấy so với những game JRPG khác. Cũng giống như nhiều game thủ chưa từng chơi qua seri này, tôi đến với nó vì đống quảng cáo rầm rộ và số điểm cao vút từ những phần trước, nhưng thú thật thì mọi sự không đúng như kỳ vọng lắm.
Tất nhiên xét về một khía cạnh nào đó (cốt truyện, xây dựng thành phố…) thì Ni no Kuni II: Revenant Kingdom là một game khá, nhưng nó chỉ dừng ở mức “khá” đó thôi và chấm hết. Ni no Kuni II: Revenant Kingdom chưa xứng đáng ở tầm cỡ “một trong những JRPG hay nhất năm 2018”, nếu bạn là một fan hâm mộ của seri này thì tất nhiên hãy vẫn cứ thưởng thức nó, còn người mới thì có lẽ đừng hi vọng nhiều quá để rồi thất vọng.