Có đôi khi các nhà phát triển game đã cố tình lồng ghép các chi tiết rùng rợn hay kinh dị vào sản phẩm, như một cách gián tiếp để họ nói lên nỗi lòng của mình một cách kín đáo, để khi phát hiện ra bạn sẽ nhận thấy rằng cuộc đời này vốn dĩ không bao giờ tốt đẹp như mình tưởng kể cả là trong game.
Đừng để các bài đánh giá Detroit: Become Human đánh lừa bạn, đừng nghĩ rằng cái game này là thứ nói về tự do, về tình yêu hay về việc xóa bỏ ngăn cách giữa các giống loài... Tất cả những lý tưởng cao đẹp đó thực ra không hề tồn tại, khi nó che dấu về nhiều điều khốn khổ khốn nạn phía sau. Hãy nói về nhân vật nữ chính duy nhất Kara, cô ta là Android giúp việc cho Todd Williams – một lão lái taxi thất nghiệp, bị vợ bỏ và mang con theo. Để khỏa lấp đi cuộc sống tuyệt vọng của mình, Todd chơi ma túy sau đó vác về 2 con Andoird bắt chúng đóng vai “vợ” (dù lão chưa bao giờ xác nhận điều đó) và “con” để rồi chúng nó cũng cuốn gói cùng nhau bỏ đi mất y hệt phiên bản người thật trước đó.
Trường hợp tương tự như vậy là chủ của Markus – họa sĩ Carl Manfred, khi lão bị con trai là Leo Manfred về nã tiền và đòi chia gia tài liên tục. Câu chuyện của Markus cùng Carl sặc mùi phim bộ TVB, với các lời thoại kịch kiểu như “ông yêu nó hơn tôi” và “tại sao nó không phải con đẻ mà được ưu ái hơn tôi”. Khi cháu Leo tìm tới nhà ông bô đòi tiền mà không được xu teng nào bắt đầu nảy sinh bi kịch. Kết cục của Carl khá thê thảm, khi “con nuôi” đập vỡ đầu con đẻ và cả chúng nó cùng kéo ông ta xuống miền cực lạc (theo nhánh ending tồi tệ).
Cuối cùng là North – một Android tình d.zụ.c đột nhiên thức tỉnh “tâm hồn”, bóp cổ khách hàng của mình tới chết trước khi tìm tới và trở thành người yêu của Markus (có mùi NTR không hề nhẹ ở đây). Bạn thấy đấy Detroit: Become Human kể những câu chuyện thê thảm khủng khiếp, kiểu như khi chúng ta có một gia đình nát bươm như cám thì tốt nhất là nên nổi loạn để thay đổi xã hội. Hoặc đây cũng là nỗi lòng của các nhà phát triển game, về cuộc sống mà họ đang phải trải qua hàng ngày.
Hồi còn nhỏ khi còn chơi Red Alert 2 ở quán điện tử nối mạng LAN và một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, thay vì gọi 2 thế lực trong game bằng tên vốn có (tư bản và xã hội) thì tôi nhớ gọn là “phe xanh” và “phe đỏ” cho tiện. Trò chơi chiến thuật hấp dẫn này bên ngoài nhìn rất bình thường, nhưng ẩn giấu các màn đá đểu vô cùng tuyệt vời mà chỉ khi lớn lên bạn mới hiểu được.
Vũ khí của phe xanh rất bình thường, nhưng với phe đỏ thì lại khác. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy có nhiều vấn đề, khi mà chúng toàn hướng về các thể loại điên rồ như Crazy Ivan (đánh thuốc nổ tự sát), Terrorist (đặt bom tự sát) hay Demolition Truck cũng là xe tự sát nốt. Về sau trong bản mở rộng với Yuri (cũng được tách ra từ phe đỏ), thì mọi thứ còn “hardcore” hơn gấp 10 khi nó khuyến khích nô lệ hóa và hiến tế (cái lò xay thịt để đổi tiền ấy). Nhìn kiểu gì cũng thấy có gì đó không ổn, khi mà nguyên một cái thế lực không làm ăn gì chỉ chăm chăm tấy não để cướp bóc tài sản của người khác - mà Huấn Hoa Tử đã nói không làm mà đòi ăn thì chỉ có...
Bạn sẽ thấy có một sự bất công hoặc cố tình thiên vị rất rõ ràng trong cái game này, khi một bên rõ ràng đại diện cho cái tốt và ngược lại, tất nhiên đây cũng chỉ là góc nhìn của tôi thôi nhé chứ chắc gì các nhà phát triển đã Red Alert 2 nghĩ vậy. Nhưng rõ ràng nhất phải nói tới xe vàng của Yuri với một đống nhân công bị tẩy não phải làm việc không nghỉ đêm ngày và overtime điên cuồng, nó rất giống với các lập trình viên trong cái studio lớn bị bóc lột, phải nai lưng vắt giò lên cổ cho kịp tiến độ đến nỗi tự ví mình như nô lệ.
Khác biệt giữa Zombie và Infected là sinh vật bị nhiễm, Zombie là những cái xác sống, Infected còn “sống” nhưng đã bị chiếm quyền điều khiển cơ thể.
Đây cũng cũng có thể là điềm báo vô tình về tương lai của họ vào 10 năm sau, khi Red Alert được chuyển nhượng quyền sở hữu cho EA, để những tên nô lệ thời hiện đại tiếp tục bị ép phải làm ra một phiên bản Red Alert 3 hoàn toàn lạc quẻ và sau đó... à không bao giờ có sau đó cả.
Một trong những game giả lập cuộc sống thành công nhất mọi thời đại, khi nó thuần túy cho game thủ đóng vai chính mình trong thế giới tưởng tượng mô phỏng cuộc sống thật. Các nhà phát triển The Sims đã cố gắng hết sức để khiến cho những người mua cái game cảm thấy họ được “sống” thật. Mọi thứ trong The Sims thực là toàn màu hồng, khi bạn có nhà, có bạn gái, có công việc mơ ước và được làm mọi thứ... chỉ một vấn đề quan trọng nhất là phải bỏ tiền mua game đã.
The Sims được phát triển bởi EA, chỉ riêng cái câu đó đã đủ phác họa hết mọi thứ về nó, vì đây là một trong những game hút máu kinh khủng – tính sơ sơ cái đống DLC cho bản 4 là gần... 20 triệu đồng. Các nhà phát triển The Sims hẳn cũng đau khổ lắm, khi phải tạo ra một cuộc sống ảo và bòn rút tiền của game thủ, gieo cho người ta ảo tưởng vĩnh hằng không bao giờ thành hiện thực để rồi cuối cùng chỉ để làm giàu EA.
Chỉ có trong The Sims thì chúng ta mới có thể làm siêu mẫu, thân hình sáu múi, nhà cao cửa rộng và quan trọng nhất là có bạn gái mà không cần phải trả giá hay đánh đổi. Biết đâu được những người làm ra The Sims lúc đầu cũng là một anh trai FA kinh niên, với hi vọng mình sẽ có ai đó để ý tới dù chỉ là trong game. Tuy vậy đôi khi hiện thực cũng rất khủng khiếp, vì trong The Sims nhiều khi nhân vật thảm hại tới mức không thể đi tán tỉnh được ai và bắt buộc phải bắt chuyện với cả... người giúp việc của mình nữa kìa.
Nhện nhọ là anh hùng đen đủi nhất trong số các siêu anh hùng nổi tiếng mà game thủ quen thuộc, cả cuộc đời chìm trong thất nghiệp, nợ nần, bạn gái dọa bỏ và ăn bám gia đình trường kỳ. Spider-Man bay vòng vòng trên bầu trời New York không hề có thực, thí dụ như tựa game Marvel's Spider-Man chẳng hạn thì người hùng của chúng ta chỉ có làm các công việc thời vụ như móc cống, đổ rác, chụp ảnh dạo...
Spider-Man trong game không hề có cắc nào trong túi, công việc thời vụ thiếu ổn định, nhà thuê bị siết vì không đóng tiền đúng hạn và tài khoản ngân hàng chẳng mấy khi có số dư. Đối với dân New York, Người nhện là một biểu tượng lung linh cho việc trừ gian diệt bạo, bảo vệ yên bình cho thành phố. Nhưng với dì May, chắc bà cay lắm vì thằng cháu vô dụng không thể tự nuôi thân khiến bà dù đã già còn phải nuôi báo cô thằng cháu ăn hại.
Nếu có bài học nào mà các nhà phát triển game muốn truyền tải, thì đó là cuộc sống này vốn dĩ không có chỗ cho siêu anh hùng hoặc như ai đó từng nói sức mạnh của ngộ chính là giàu. Spider-Man hay Peter Parker đều thảm hại như nhau, bạn không thể nói về lý tưởng cứu thế giới khi mà trong túi không có tiền để trả tiền thuê nhà tháng này được. Cũng giống như đi làm mà bảo vì “đam mê” ấy – nó hoàn toàn là thứ không tưởng trừ khi bạn đam mê tiền.