Game online đã xuất hiện từ lâu và trở thành một hiện tượng lớn làm thay đổi giới trẻ Việt và nói không ngoa là một giai đoạn trong văn hóa Việt hiện đại. Những cái tên như Võ Lâm Truyền Kỳ hay sau này là Liên Minh Huyền Thoại gần như hỏi người nào cũng biết, ngay cả khi người đó chưa từng chơi game.
Để hình thành nên một hệ sinh thái như ngày nay, lịch sử làng game Việt đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng rất nhiều tựa game online khác nhau. Hãy cùng Mọt game điểm qua những cái tên game online có thể nói là sống mãi trong lòng game thủ, đặc biệt là thế hệ 8x và 9x nhé!
MU Online
Có thể nói đây là một trong những game online đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Thuộc thể loại MMORPG được phát triển bởi nhà sản xuất Hàn Quốc Webzen, game mang hình ảnh đậm chất Diablo bằng góc nhìn isometric xéo quen thuộc với 5 lớp nhân vật Dark Wizard, Dark Knight, Elf, Magic Gladiator, Dark Lord. Thậm chí có lúc có game thủ còn gọi MU Online là “Diablo chơi online” bới sự tương đồng về cơ chế vận hành kiểu nhập vai của cả 2 tựa game trên.
Game du nhập vào Việt Nam đầu những năm 2000 tạo nên cơn sốt cho hàng triệu con người, khi mà internet chưa thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam thời đó. Hàng loạt các server lậu ra đời như MU Hà Nội, MU Sài Gòn, MU Trống Đồng,… Mỗi khi nhắc về MU Online, không ai không nhớ đến việc reset, ép chaos hay thuật ngữ “cắm chuột” bằng tăm xỉa răng khi chưa có auto cho dòng game cày cuốc.
Về sau các server lậu dần bị đóng cửa, FPT đã đưa game chính thức về Việt Nam năm 2006 và phát triển hàng chục năm trước khi đóng cửa. Thế nhưng những kỷ niệm về một tựa game online đời đầu sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng game thủ và nó cũng là tiền đề cho hàng loạt game chạy theo chủ đề MU được “làm lại” sau này.
Gunbound
Cùng với MU Online, Gunbound là một trong những game online có mặt sớm nhất tại thị trường Việt Nam, góp phần phát triển Internet chuyển mình sang một thời kỳ khác, thời kỳ ADSL. Là một tựa game chiến thuật, hay còn gọi là bắn súng tọa độ, Gunbound xuất hiện với hình ảnh 2D đáng yêu, các nhân vật cưỡi trên những loài vật và bắn súng theo lượt. Có ai từng chọn random để có thể ra rồng hay kỳ lân chưa?
Game có cách tính hạng riêng, như búa đá, búa gỗ, búa vàng,… và thậm chí còn có giải Gunbound World Champion Grand Prix tổ chức tại Hàn Quốc. Chính đại diện Việt Nam, đội tuyển 4 người đã xuất sắc vô địch ngay lần đầu tiên tham dự, vượt qua 10 đại diện khác để khẳng định vị thế của Việt Nam trong làng game thế giới.
Đáng buồn là tình trạng hack, cheat, người chơi TOXIC khiến nhà sản xuất ngừng phát triển game tại Việt Nam, các game thủ chân chính đành phải tìm cách sửa IP để “chơi ké” server nước ngoài hay chơi ở các server lậu. Hiện nay vẫn còn nhiều game thuộc thể loại này phát triển rất mạnh, tiêu biểu là Gunny hay Gunbound M vừa ra mắt.
Võ Lâm Truyền Kỳ I
Đừng gọi là game online, hãy gọi Võ Lâm Truyền Kỳ là một huyền thoại! Là tựa game online đông người chơi nhất, nổi tiếng nhất và để lại dấu ấn sâu đậm nhất với các game thủ đời đầu. Từ học sinh, sinh viên đến kỹ sư, bác sĩ, những ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng,… quá nhiều những thế hệ, tầng lớp đã cùng nhau “hành tẩu giang hồ”, bôn ba chinh chiến. Cô độc trên đỉnh Hoa Sơn, luyện công tại Đảo Đào Hoa yên bình, hay cùng nhau săn boss, kề vai sát cánh trên chiến trường Tống Kim… Chỉ cần nhắc đến tên, hay một điệu nhạc trong game vô tình nghe được ở đâu đó cũng làm cho người ta hoài niệm, cả tuổi thơ đang ùa về!
Không chỉ tên game, những bài hát, phim ảnh, những câu chuyện về Võ Lâm Truyên Kỳ cũng để lại ấn tượng sâu sắc với tất cả mọi người. “Ta đi tìm em” của Kim Minh Huy, “Tình trong thiện hạ” của Ưng Hoàng Phúc, “Giấc mộng thời trai” của Lam Trường và rất nhiều bài hát khác đều thuộc dạng hot nhất thời đó. Câu chuyện về nữ game thủ Trân Yêu, cảm động hơn cả chuyện tình Hàn Quốc từng làm chấn động khắp các mặt báo, có ai còn nhớ không?
Ở quê tác giả ngày ấy chưa có rạp chiếu phim, cũng không ai quan tâm đến việc xem phim công cộng, thế mà khi người ta thuê lại nhà thiếu nhi chỉ để dựng máy chiếu đơn sơ phim Võ Lâm Truyền Kỳ của Đan Trường, vé bán không đủ phải thả cửa chen chúc nhau vào xem.
Cho tới bây giờ, qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu dòng game phát triển, Võ Lâm Truyên Kỳ 1 thu phí vẫn còn phát triển từng ngày. Huyền thoại vẫn mãi là huyền thoại!
Audition
Năm 2006, thị trường game online bắt đầu đa dạng nhưng ít sự đổi mới, Audition ra đời như một làn gió mát, tạo nên một sức hút kỳ lạ với các game thủ lúc bấy giờ. Với lối chơi vừa nghe nhạc thư giãn, vừa luyện tập ngón tay, vừa có thể treo auto các game cày cuốc, Audition trở thành một món ăn không thể thiếu của làng game Việt Nam. Bên cạnh đó, game thu hút rất đông các game thủ nữ trong khi các game khác thì không. Vì vậy có thể coi Audition còn là một nơi “mai mối” các cặp đôi đến với nhau.
Game thậm chí phát triển tới mức không chỉ có các cuộc thi online về game, mà còn có các cuộc thi thần tượng ngoài đời thực, nơi đánh dấu các bước đi đầu tiên của nhiều ca sĩ nổi tiếng bây giờ như Bảo Thy, Chi Pu, Emily,… Không những thế nó còn được phát triển để từ một cuộc thi dành cho nữ game thủ của một game online trở thành một cuộc thi dành cho tuổi teen toàn quốc với tên gọi mới là MissTeen.
Tuy không bằng thời kỳ hoàng kim, nhưng hiện nay Audition vẫn đang là một trong những tựa game online sống cùng năm tháng với lượng người chơi khá ổn định. Bên cạnh đó những phiên bản làm theo cả chính chủ lẫn học hỏi gameplay của Audition trên di động cũng thu hút lượng người chơi đông đảo.
Boom Online
Đầu năm 2007, Vinagame (sau này đổi tên là công ty VNG) ra mắt tựa game Boom Online với lối chơi khá giống với Bomber Man, tựa game offline huyền thoại. Đây là bước đi đầu tiên thành công ngoài mong đợi của VNG đánh vào dòng game Casual, nơi mà “bà hoàng Audition” đang độc cô cầu bại. Có hơn 30.000 người chơi sau khi ra mắt, Boom Online bỗng rơi vào khủng hoảng khi tình trạng hack, cheat tràn lan. VNG bắt tay cùng Nexon giải quyết triệt để vấn đề này, vực dậy tựa game với con số kỷ lục: 50.000 người chơi.
Thế rồi đến 2015, khi mà những tựa game khác liên tục ra đời, Boom Online với cách chơi cũ kĩ, không đổi mới đã dần đánh mất mình. Nhiều lỗi game, sự nhàm chán, ít người chơi, Boom Online chính thức thông báo đóng cửa vào tháng 3/2017. Kết thúc một tựa game huyền thoại.
Làm sao quên được những ngày 2 đứa cùng ngồi chơi trên một máy, những ngày lập team làm nhiệm vụ, những trận chiến PvP căng thẳng,… Một lần nữa, sau một năm, xin chào tạm biệt người bạn đồng hành với tuổi thơ của game thủ Việt!
Thiên Long Bát Bộ
Ở đây tác giả không kể về những game 3D đầu tiên như Con Đường Tơ Lụa hay Prison Tale, mà là Thiên Long Bát Bộ. Tuy là một game có vẻ “sinh sau đẻ muộn” hơn một chút. Tuy nhiên tựa game này đặc biệt trải qua nhiều thăng trầm, đồng thời đánh dấu sự thành công của “ông lớn” FPT Online trong làng game Việt Nam. Sau khi ra mắt năm 2007, tựa game này được coi là thất bại do lượng người chơi quá ít. Vài tháng sau, nhờ sự nỗ lực của nhà phát hành, game phát hành lại và trở thành tựa game cạnh tranh trực tiếp với Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG.
Với đồ họa 3D đẹp mắt, lối chơi tuy quen thuộc nhưng cuốn hút hơn, game dần khẳng định vị thế của mình trong thể loại MMORPG. Thời kỳ vàng son, Thiên Long Bát Bộ từng đạt doanh thu 49 tỷ trong 1 tháng, xếp thứ 2 chỉ sau Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG mà thôi.
Sau nhiều lần thay đổi người quản lý, đồng thời sự cạnh tranh gay gắt của các game 3D khác như Thế Giới Hoàn Mỹ, Cabal Online… Thiên Long Bát Bộ bắt đầu đi qua phía bên kia sườn dốc của vòng đời. Năm 2014, tựa game này chính thức về ngôi nhà mới VNG với cái tên Tân Thiên Long. Bình mới rượu cũ, Tân Thiên Long vẫn được các game thủ chào đón và tiếp tục hành trình “phiêu bạt giang hồ” cho đến nay. Riêng NPH FPT Online cũng dừng kinh doanh game và “thế lực FPT” trong làng game online biến mất vài tháng sau đó.
CrossFire (Đột Kích)
Ra mắt đầu năm 2008, gần như cùng thời điểm với Sudden Attack (Biệt Đội Thần Tốc) của VNG và Special Force (Đặc Nhiệm Anh Hùng) của FPT, CrossFire (Đột Kích) của VTC đã tạo nên một chỗ đứng vững chắc trong thể loại FPS online tại Việt Nam. Chỉ 1 năm sau khi chào sân, Đột Kích trở thành game online số 1 tại Việt Nam với hơn 10 triệu tài khoản và lượng người chơi cùng lúc lên đến 105.000. Đây cũng là tựa game bắn súng online duy nhất được cấp phép tại nước ta. Nhiều giải đấu trong và ngoài nước được tổ chức, góp phần đẩy mạnh phong trào Esports tại Việt Nam. Năm 2010, đại diện Genius Gaming của Việt Nam xuất sắc giành giải nhì tại World Esports Master; năm 2011, Đột Kích chính thức góp mặt trong giải đấu danh giá World Cyber Games.
Phát triển mạnh là thế, nhưng khá nhiều thành kiến đã khiến lượng người chơi của tựa game này không được duy trì. Từ hình ảnh bạo lực đối với bậc phụ huynh đến việc báo chí đăng tải các tin về những mặt trái của game online, Đột Kích nhận vô số chỉ trích yêu cầu đóng cửa. VTC đã buộc phải thay đổi các hình ảnh trong game như máu thành màu trắng, biểu tượng headshot thành hình quả táo, dao găm thành búa gỗ,… khiến nhiều game thủ cảm thấy không thoải mái. Trên hết, việc Hack, cheat tràn lan không kiểm soát làm cho một lượng game thủ chán nản chuyển sang game khác như CS:GO. Nhiều người cho rằng, nhắc đến Đột Kích là nhắc đến việc hack chơi với nhau, hay gọi tựa game này là Đột “Kid” ám chỉ trẻ trâu xài hack phá game.
Sau tất cả, Đột Kích vẫn phát triển mạnh qua việc cập nhật nhiều điều mới lạ, từ lối chơi đến nhân vật, mẫu mã vũ khí. Việc VTC “song kiếm hợp bích” cùng VNG (nắm phiên bản mobile của Đột Kích với tên gọi CrossFire Legends) cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ông hoàng FPS tại Việt Nam. Nhiều giải đấu vẫn diễn ra đều đặn, nhiều game thủ nổi tiếng từ tựa game này, điển hình như Rambo của EvaTeam (ai không chơi vẫn biết nhờ… Kiều Anh Hera). Ngày 8/4 này, VTC bắt đầu tổ chức sinh nhật 10 tuổi của Đột Kích với chuỗi sự kiện hấp dẫn, có cả các buổi tiệc offline và giải đấu cùng đồng hành.
Mỗi game thủ đều có những trải nghiệm riêng, những “mối tình đầu” riêng, nên có thể người đọc sẽ thấy thiếu hụt một vài tựa game yêu thích của mình. Nhưng không thể phủ nhận sức nóng một thời cũng như sự ảnh hưởng của những tựa game online nói trên đối với làng game Việt Nam.