Những scandal ồn ào về sự cố kiểm duyệt nội dung gây tranh cãi trong game đã nhiều lần xảy ra và xảy ra với nhiều game. Một số game vì nó mà lao đao, bao nhiêu công sức đổ ra bị thảm họa truyền thông và không ai muốn bán cũng không ai mua game nữa. Tuy nhiên cũng có những game vấp phải sự cố và bỗng nhiên được người ta lùng mua rầm rộ để xem chính cái nội dung bị cấm kia nó như thế nào.
Sau đây là những tựa game đã “vô tình hay cố ý” trở nên thành công khi dính vào các vụ bê bối kiểm duyệt nội dung.
Death Race – Kẻ khởi nguồn
Được sản xuất vào năm 1976, Death Race là một tựa game đơn giản được nhà phát triển Exidy sản xuất dựa theo tựa phim ra mắt năm 1975 là Death Race 2000. Game là một trò chơi đua xe đơn giản, người chơi điều khiển một chiếc xe trên màn hình trắng đen và… cố gắng tông vào càng nhiều nhân vật “gremlin” (có hình dạng giống một người) càng tốt. Mà thực ra đó chính là con người vì theo nội dung của phim gốc thì những tay đua sẽ giành điểm thưởng bằng cách tông chết người.
Tất nhiên, quan niệm xã hội ở những năm 1970 khắt khe hơn nhiều so với hiện nay về đánh giá bạo lực trong sản phẩm giải trí. Cả nước Mỹ sôi sục chỉ trích tựa game này mớm mầm bạo lực giết người cho người chơi game. Những tưởng theo chân báo chí và dư luận, người chơi sẽ tẩy chay Death Race nhưng họ đã làm điều ngược lại là… đổ xô đi mua game để chơi thử xem sao.
Thành công lớn bắt nguồn từ vấn đề kiểm duyệt nội dung này không những mang về cả núi tiền cho Exidy mà còn tạo tiền đề cho những tựa game sau này học hỏi phong cách lái xe tự do trên đường phố mà ngay lập tức bạn có thể đoán chính xác là ai. Grand Theft Auto, tất nhiên rồi.
GTA San Andreas – Hot coffee sinh ra hot game
Lại nói về dòng Grand Theft Auto, có một sự cố kiểm duyệt nội dung khó quên của San Andreas chắc hẳn ai trải qua thời đó cũng còn nhớ. Đó là rắc rối liên quan đến bản mod “hot coffee”, một nhiệm vụ trong game dẫn đến một cảnh sex khá lộ được khám phá ra và chuyền tay nhau rộng rãi trên mạng. Đến lúc này chắc một số bạn sẽ dừng đọc và mở Youtube lên tìm… à mà thôi cứ đọc tiếp nhé!
Thực ra đây là một “bản nháp” đã bị hủy bỏ khỏi game nhưng nó vẫn nằm lại trong bản cài dưới dạng bị khóa cho ẩn đi, không ai phát hiện ra cho đến khi game được cập bến PC. Người dùng PC đã soi bản cài game và phát hiện ra nhiệm vụ ẩn này, người chơi muốn mở nhiệm vụ này trong game phải cài một bản mod của hacker gọi là “hot coffee mod” để mở khóa của nhà sản xuất và kích hoạt nhiệm vụ.
Sự việc vở lở khiến các tổ chức xếp hạng game nâng độ tuổi chơi của GTA San Andreas lên “AO”, một mức gần như cấm địa chỉ dành cho các sản phẩm bạo lực hoặc sex nặng và chỉ được bán cho người trưởng thành. Nhiều nhà bán lẻ lớn gỡ game khỏi kệ hàng và tuyên bố ngưng bán game vì họ không thích bán các sản phẩm được đánh giá Adult Only. Rockstar đã phải quyết định thu hồi tất cả đĩa game để làm lại bản cài mới xóa hẳn phần nhiệm vụ ẩn ra khỏi bộ cài.
Hậu quả tưởng như sẽ là doanh số sụt giảm dành cho GTA San Andreas nhưng cuối cùng nó lại trở thành một trong những game bán chạy nhất nhờ vào sự truyền thông rộng rãi về sự cố trên. Thậm chí game còn được ghi vào sách kỷ lục Guiness dành cho game xuất bản năm 2009 cho mục “tựa game bán chạy nhất mọi thời đại ở hệ máy PS2”. Nói cho cùng nếu bảo hot coffee là nguyên nhân chính để San Andreas thành công thì không đúng, nhưng một phần nào đó nó đã đóng góp cho sự thành công của tựa game này.
Hatred – Khi “sự cố” là một sự cố ý
Nếu các trường hợp kể từ đầu đến giờ có một cái gì đó gọi là “ngoài tầm kiểm soát” của nhà sản xuất, hay nhà sản xuất vô tình biến một cú vấp ngã “sml” của sự cố kiểm duyệt nội dung thành một cơ hội thành công, thì Hatred của nhà sản xuất Destructive Creations là một kế hoạch có chủ đích.
Game ra đời năm 2015 tuy nhiên một thời gian trước và sau khi game ra mắt nó đã bị bao phủ bởi một lớp “sương mù bạo lực” dày đặc. Các công bố từ nhà sản xuất cho thấy đây là một game mang nội dung bạo lực rất nặng. Người chơi vào vai một người da trắng tóc dài mang tư tưởng diệt chủng nhân loại và anh ta không có nhiệm vụ nào lớn lao ngoài việc giết không chừa một ai bất kể già trẻ lớn bé bất kể dân thường hay cảnh sát.
Dư luận xã hội một lần nữa sôi sục về việc làng game tạo ra một sản phẩm theo kiểu cổ súy cho tư tưởng thù hận nhân loại và giết người điên cuồng không mục đích. Tất nhiên là mọi động tĩnh của nhà sản xuất được theo dõi chặt chẽ và bàn tán sôi nổi trên mạng. Thậm chí Valve đã có một nỗ lực ngăn chặn game bằng cách gỡ nó khỏi chương trình Greenlight của mình vì lý do nội dung không phù hợp. Nhưng ngay ngày hôm sau họ đã phải phục hồi game và “thánh” Gaben đã phải gửi một thư xin lỗi tới nhà sản xuất do một “quyết định chưa chính xác”. Game ra mắt vào ngày 1/6/2015 và nhanh chóng bán được 135.000 bản.
Đây có thể xem là một sự cố tình sử dụng dư luận xã hội để truyền thông sản phẩm của đội ngũ truyền thông ở Destructive Creations. Với một gameplay không có gì mới lấy theo gần như nguyên mẫu của game Postal sản xuất từ năm 1997, nội dung bạo lực đã trở thành đòn bẩy đưa doanh số game lên cực cao. Một sản phẩm tương tự nhưng “sạch” hơn dùng để so sánh là Halo: Spartan Strike sử dụng cùng phong cách bắn súng isometric nhưng có cải tiến hơn, có điểm Greenlit gần như bằng nhau. Halo ra đời lâu hơn và bán giá rẻ hơn nhưng họ chỉ bán được chưa tới 100.000 bản và bán rất chậm so với Hatred.
Rõ là đạo cao một thước ma cao một trượng.
(còn tiếp)