Early Access hay còn gọi là những tựa game đang trong giai đoạn phát triển, đây vốn là những sản phầm chưa hoàn chỉnh và liên tục có những update theo thời gian. Có thể vài người sẽ không thích những tựa game kiểu này, có thể do chúng còn chưa hoàn thiện và vướng một đống lỗi nhảm nhí. Nhưng nếu là một game thủ thực thụ, thì có những tựa game cực kỳ xuất sắc ngay cả trong giai đoạn Early Access này.
Factorio
Tôi dám chắc phải hơn 80% người đọc bài này chưa từng nghe đến cái tên Factorio, thậm chí còn không bao giờ để ý tới nó nếu chỉ nhìn qua cái hình bìa bên ngoài. Trên thực tế đây cũng là một game thuộc dạng “siêu Hardcore”, hay nói đúng hơn nó là sự kết hợp giữa xây lắp đồ hàng, quản lý đô thị, tower defense và chiến thuật thời gian thực.
Đây là một tựa game cực kỳ hiếm hoi trên Steam được đánh giá ở mức Hoàn hảo 10/10, tức là gần như không có một khuyết điểm nào, nhưng cũng vì nó quá hardcore nên số lượng người biết đến không nhiều và có thử chơi cũng bỏ cuộc vì phức tạp. Factorio về cơ bản là một game kiểu mô phỏng, khi bạn sẽ được thả vào một mảnh đất rộng lớn, khai thác khoáng sản và xây dựng căn cứ.
Điểm hay của game này ở chỗ nó khéo léo kết hợp rất nhiều tính năng độc đáo vào cùng 1 chỗ, công trình trong Factorio không kết nối với nhau bằng đường xá như thường thấy, mà thay vào đó là các băng chuyền nối tiếp nhau dài dằng dặc. Nó không những nhìn vui mắt mà còn kích thích người chơi “vọc”, khi mà bạn có thể tự do lắp ráp và cải tiến tất cả mọi thứ mình muốn theo đúng kiểu ghép cái này lên cái kia, sau đó nhìn chúng hoạt động trơn tru, cảm giác như một kỹ sư cơ khí đúng nghĩa vậy.
Chính vì cơ chế hoạt động dây chuyền nên càng chơi về lâu bạn lại càng nghiện, khi mà căn cứ càng lúc càng lớn và số lượng công trình nhỏ như mắt muỗi lấp đầy màn hình, hoạt động theo một cơ chế định sẵn trơn tru tuyệt vời. Đây là cảm giác “đã mắt, đã tay” khi chơi một game mô phỏng, khi mọi thứ chi tiết đến đáng ngạc nhiên, và đều do người chơi tạo dựng nên một cách thủ công nhất.
RimWorld
Nếu Factorio đã thuộc diện Hardcore rồi, thì so với RimWorld cũng chỉ là trò trẻ con tập nói, khi mà cái game này thuộc diện biến thái hoàn toàn về cách chơi. RimWorld là kiểu mẫu khi nói cách chơi quan trọng hơn đồ họa, khi mà game này có hình ảnh xấu mịt mù như kiểu những năm 80, nhưng cách chơi thì phức tạp và gây nghiện khủng khiếp. Nói chung RimWorld là một game sinh tồn điển hình, khi bạn được quăng xuống 1 vùng đất xa lạ và xây dựng tất cả từ con số không.
Sở dĩ RimWorld gây nghiện vì 2 điều: 1 là nó quá phức tạp, phức tạp tới mức bạn có chơi hàng chục lần vẫn chưa hiểu hết, 2 là nó quá tàn nhẫn đến mức làm người chơi sợ hãi. Có thể hiểu đơn giản thế này, tất cả mọi thứ trong RimWorld đều có thể tận dụng làm tài nguyên bao gồm cả con người, từ cơ thể chân tay đến da tóc và cả các thứ lục phủ ngũ tạng linh tinh khác.
RimWorld có một hệ thống xây dựng chi tiết đến đáng sợ, thí dụ nếu bạn trồng lúa trong thời tiết lạnh thì phải có máy sưởi, nếu máy sưởi hỏng thì người dân sẽ đói, và khi đói thì chỉ nước xẻ thịt tù binh hoặc đào xác chết lên mà ăn. Khối lượng công việc trong RimWorld là cực kỳ khổng lồ, khi game có hàng tá yếu tố ngẫu nhiên, từ bão mặt trời đốt trụi ruộng vườn, hay một đợt dịch bệnh không báo trước khiến cả căn cứ chết bất đắc kỳ tử sạch sành sanh.
Chính vì lối chơi quá đồ sộ, cộng thêm lượng thông tin nhiều và rối rắm. Nên RimWorld khá kén người chơi, nhưng nếu đã quen và qua được phần mở đầu, bảo đảm bạn sẽ nghiện nó không dứt ra được.
Divinity: Original Sin 2
Nếu bạn chưa biết Divinity: Original Sin – một trong những siêu phẩm RPG hay nhất những năm gần đây thì thật tiếc, nhưng mà cũng không sao vì phiên bản 2 của nó đang trong giai đoạn Early Access rồi. Nếu Divinity: Original Sin là một bước sự quay trở lại mang tính đột phá của dòng RPG truyền thống, thì Divinity: Original Sin 2 là người tiếp nối hoàn hảo.
Divinity: Original Sin 2 nối tiếp cốt truyện của phần trước, với hệ thống chiến đấu và các lớp nhân vật có sự cải tiến đáng kể. Điểm hay của dòng game này nằm ở phần tương tác với môi trường, thí dụ như bạn có thể rải dầu trên đất rồi phóng lửa vào làm nó nổ tung, hoặc dùng phép thuật đóng băng nước để giữ chân kẻ địch. Mức độ tương tác với môi trường trong phần 2 này nhiều hơn, các phép thuật cũng hoành tráng và đẹp mắt hơn, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn Early Access.
Cũng giống như phần 1, Divinity: Original Sin 2 vẫn giữ lại tính năng đối thoại 2 chiều trứ danh của mình. Các nhân vật trong party sẽ có các kiến giải và ý kiến khác nhau tùy thuộc tình huống theo cốt truyện, bạn có thể lựa chọn những quyết định trái ngược, từ đó khiến các đoạn hội thoại trở nên sống động, cũng như dẫn đến rất nhiều nút thắt mở khó lường.
Với vài chục bảng Talent cũng như các nhánh xây dựng nhân vật khác nhau, tính tới nay Divinity: Original Sin 2 đã làm rất tốt so với người tiền nhiệm của nó, và chắc chắn sẽ là một bom tấn RPG khi ra mắt chính thức. Tất nhiên nếu bạn không thể chờ nổi thì vẫn nên chơi thử bản Early Access này, bảo đảm sẽ không thất vọng đâu.
The Wild Eight
Tiếp tục là một game đề tài sinh tồn khác, lần này là về mùa đông lạnh giá. The Wild Eight lấy đề tài về một nhóm người bị rơi máy bay, lạc trong một vùng núi băng giá lạnh cóng, khi ưu tiên hàng đầu là sống sót và trở về an toàn.
Điểm làm The Wild Eight sáng giá hơn các game sinh tồn khác là nó khuyến khích mọi người chơi cùng nhau, khi 8 nhân vật trong game mỗi người đều có điểm mạnh yếu riêng, và gần như bất khả thi nếu tìm cách sống sót một mình. Do là một game lấy bối cảnh băng giá, nên The Wild Eight sẽ không có màn xây dựng căn cứ hoành tráng, mà việc cấp thiết chỉ có làm sao để không chết cóng hoặc chết đói mà thôi.
The Wild Eight là một game sinh tồn đúng nghĩa, khi lượng tài nguyên có hạn và không thể tái tạo, nên bạn bắt buộc phải di chuyển liên tục để moi móc ra những thứ cần thiết. Chính vì điều này khiến nhịp độ của game rất nhanh, và khiến mọi người phải hợp tác cùng nhau, vì chắc chắn nếu đi một mình là kiểu gì một lúc sau cũng toi đời.
Chính vì lối chơi thiên về phần Multiplay khiến trở nên độc đáo The Wild Eight, và là một lựa chọn hoàn hảo nếu muốn thử cảm giác chết cóng, hoặc chết đói giữa rừng tuyết trong đêm đen mịt mù với bạn bè.
Theo: CCQ