Phụ Lục
Trải qua hàng chục năm thay đổi và phát triển của ngành công nghiệp trò chơi, có lẽ game thủ cũng không còn lạ gì với việc một số điều bắt buộc phải biến mất để những cái mới được lên ngôi. Dù biết đó là điều hiển nhiên cần phải có nhưng chúng ta vẫn phần nào cảm thấy sự tiếc nuối.
Trong bài viết lần này, mời bạn đọc cùng Mọt điểm lại một số điều đã và đang dần biến mất khi ngành game thay đổi ngày một mạnh mẽ hơn.
Đã từng có thời điểm E3 thống trị toàn bộ những sự kiện về trò chơi điện tử. Tất cả các hãng phát triển đều mang tới sự kiện này những thông tin mới nhất, những trò chơi hấp dẫn nhất giới thiệu tới người hâm mộ trên toàn thế giới.
Tôi vẫn nhớ y nguyên cảm giác hồi hộp, thổn thức khi Sony hay Microsoft giới thiệu những siêu phẩm chuẩn bị trình làng. Những khoảnh khắc đó khiến toàn bộ game thủ có mặt ở khán phòng khi đó bùng nổ. Thậm chí có những người còn rơi nước mắt khi nhìn thấy trò chơi mình yêu thích hồi bé được remake lại.
Tuy nhiên, khi các hãng bắt đầu tách riêng ra để tổ chức những sự kiện riêng, hay bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, E3 đã không còn khiến game thủ hào hứng nữa. Từ vị trí đỉnh cao trong ngành game, cái tên E3 giờ đây không khác gì một hội chợ nhỏ về trò chơi điện tử. Thậm chí E3 2022 còn bị hủy bỏ, và không ai thấy buồn về điều đó.
Đối với người dùng console, việc mua đĩa game giống như một thú vui sưu tầm khó bỏ. Đó là lý do vì sao PlayStation 5 vẫn phải cho ra 2 phiên bản đĩa truyền thống với bản digital riêng biệt. Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhiều khả năng các hãng sẽ dần từ bỏ đi việc phát hành đĩa, hoặc nếu có cũng sẽ chỉ nằm trong một số phiên bản giới hạn.
Ngay từ khi cloud gaming được giới thiệu, tôi đã dần mường tượng ra ngày mà các hãng tính tới kế hoạch tập trung phát triển mảng digital, chơi game đám mây và loại bỏ hẳn đi đĩa game truyền thống.
Dù biết đó là sự phát triển cần thiết của ngành game nhưng tôi vẫn không khỏi tiếc nuối nếu ngày đó trở thành sự thật. Mặc dù game digital và cloud gaming rất tiện lợi trong xu thế mạng internet ngày càng phát triển mạnh mẽ; mặc dù loại bỏ đi ổ đĩa cứng thì máy chơi game sẽ trở nên mỏng và đẹp hơn; nhưng rõ ràng việc được tự tay bóc seal đĩa, được ngửi mùi game mới, cảm nhận nó bằng tất cả các giác quan vẫn khiến game thủ thích thú hơn.
Tôi là một người sử dụng cả console lẫn PC, vậy nên tôi không hề có chút “kỳ thị” nào so với những người không được chơi game độc quyền. Tuy nhiên, điều thú vị lại chính là những tranh cãi nảy lửa xung quanh cụm từ “game độc quyền” đó. Nói không ngoa khi những trò chơi đỉnh cao như God of War, The Last of Us, Uncharted, Ratchet & Clank,... đã đưa PlayStation của Sony lên đỉnh của ngành công nghiệp game. Do đó, một bộ phận nhỏ người dùng của console tỏ ra khệnh khạng cũng là điều dễ hiểu.
Còn ở thời điểm hiện tại, Sony hay Microsoft đã dần xóa bỏ đi khái niệm game độc quyền. Cả 2 hãng đều đang cố gắng thu hút nhiều người dùng hơn từ PC. Sony đã đưa lên máy tính gần như tất cả những thương hiệu trò chơi độc quyền đỉnh nhất từ trước tới nay. Thậm chí trong tương lai, khoảng thời gian được trải nghiệm giữa PlayStation và PC sẽ được thu gọn ngắn hơn nữa. Và ở thời điểm cloud gaming phát triển nhất, có lẽ game độc quyền sẽ chỉ có ở trong ký ức của mỗi game thủ mà thôi.
Mặc dù loại bỏ khái niệm độc quyền thì tất cả game thủ ở các nền đều sẽ có cơ hội trải nghiệm như nhau, đây là một điều tốt; nhưng có lẽ nhiều người sẽ nhớ khoảng thời gian những tranh cãi nảy lửa nổ ra mỗi khi một trò chơi nào đó xuất hiện từ “Chỉ có trên…”.
Ở riêng thị trường Việt Nam, đã từng có thời điểm game crack lên ngôi và tạo ra những tranh cãi hàng năm không kết thúc. Tuy nhiên, trong tương lai, khi cloud gaming hoàn thiện hơn, khái niệm crack có lẽ sẽ trở thành một phần quá khứ đang nhớ trong tâm trí mỗi game thủ. Một trong những điểm mạnh của game crack là người dùng không cần phải bỏ tiền ra mua game, và có thể hoàn toàn chơi offline nếu không có nhu cầu chơi multiplayer.
Khi cloud gaming hoàn thiện, nó sẽ giải quyết được vấn đề tiền mua game. Bởi lẽ người dùng chỉ cần bỏ một số tiền nhỏ hàng tháng là đã có thể sử dụng dịch vụ chơi game thỏa thích ở bất cứ thiết bị nào. Người dùng chỉ cần một vài phép tính đơn giản cũng sẽ thấy số tiền bỏ ra một tháng vẫn là quá hời so với việc chơi tất cả những trò chơi điện tử hấp dẫn. Đó còn chưa kể nhiều người lựa chọn đợi đến mùa sale khủng của các nền tảng, khi đó giá của một tựa game cũng chưa bằng một buổi đi chơi của người dùng.
Bên cạnh đó, cloud gaming yêu cầu phải kết nối internet liên tục, đây chính là điểm khiến các game crack sẽ tới lúc bị lụi tàn. Tốc độ kết nối internet hiện nay vẫn phát triển liên tục nên người dùng không còn lo lắng về tốc độ hay độ trễ trong các hành động nữa. Tới một thời điểm nào đó, game thủ sẽ nhớ tới game crack như những thước phim đầy drama kịch tính trong ký ức mà thôi.
Việc ngành game phát triển, buộc phải bỏ đi những cái cũ và hướng tới những điều mới mẻ hơn là điều mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Bởi nếu không, chắc chắn ngành game sẽ không có bộ mặt như bây giờ. Tôi có may mắn được tiếp cận với trò chơi điện tử từ những năm 2000, và bản thân mình cũng đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của ngành game trong hơn 20 năm qua. Và tôi cho rằng đó thực sự là điều cần thiết. Những cái chưa tốt sẽ được hoàn thiện hơn, những điều tốt nhưng không còn hợp với xu thế thị trường cũng sẽ bị thay thế bằng những điều thú vị hơn.
Hồi mới bắt đầu được chơi game với lũ trẻ trong xóm, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng ở hiện tại, chỉ cần ngồi nhà và tất cả bạn bè đều có thể voice chat với nhau mà không cần gặp mặt. Hay như thời điểm tài chính không dư dả, tôi chơi game crack, nhưng rồi dần dần tôi cũng nhận ra được số tiền mình bỏ ra mua game xứng đáng hơn nhiều.
Ở bất cứ thời điểm nào cũng sẽ có sự thay đổi. Thay đổi là cần thiết để phát triển. Và khi phát triển, các hãng bắt buộc phải mở ra những xu thế mới để người chơi không cảm thấy nhàm chán. Và biết đâu ở một thời điểm nào đó trong tương lai xa, xu thế thị trường lại quay lại với một số điều đã từng bị cho là lỗi thời trong quá khứ.