Lần trước, Mọt Game đã gửi đến cho bạn những điều cơ bản nhất để bắt đầu chơi game đối kháng. Nhưng nó vẫn chỉ là kiến thức nền căn bản, bạn vẫn khó có thể hình dung mình sẽ phải làm gì trong một trận đấu thực sự hay tôi luyện bản thân thuần thục với thể loại game này. Biết là khó, nên nay Mọt Game lại tiếp tục "mách nước" cho bạn thêm vài thứ thực tiễn có thể áp dụng trong thực chiến và giúp bạn giành chiến thắng. Sau đây là bốn bước để chiến thắng đối thủ trong game đối kháng.
1/ Block (thủ)
Nghe nó hơi kỳ quặc đúng không? Ai mà không biết chiến thắng là khi bạn làm cho thanh máu của đối phương trở về 0, vậy thì tại sao việc ngồi thủ lại quan trọng hơn việc tấn công để rút máu đối thủ xuống chứ. Nhưng có một điều mà bạn không ngờ rằng, những tay chơi chuyên nghiệp thường chính là những tay có khả năng phòng thủ tốt nhất.
Không phải ai cũng là Daigo đâu, nên tập thủ đi.
Thủ trong game đối kháng đa số chỉ cần giữ hướng lùi so với đối thủ là có thể phòng thủ trước những đòn đánh của đối phương. Ở đây mình sẽ không nói quá sâu về vấn đề thủ như thế nào, vì nó viết ra thì sẽ vô cùng tận. Mình chỉ có thể giải thích lý do vì sao phải thủ và thủ căn bản như thế nào. Lợi ích đầu tiên sẽ là bạn sẽ không mất máu hoặc mất lượng máu rất ít. Nếu so việc hấp tấp mà bấm một loạt nút để trả đòn và nhận một series combo vào mặt, thì cách này dễ dàng hơn nhiều. Đa số các tựa game đối kháng 2D thì người chơi có thói quen ngồi thủ rất nhiều, vì trong game đòn đánh được chia ra ba dạng: đánh cao (high), đánh giữa (mid) và đánh thấp (low). Thường thì các đòn mid và low( đa dạng và thường thấy nhất) thì sẽ dễ dàng thủ được bằng cách ngồi thủ, trong khi đòn high thì không đánh trúng nhân vật đang ngồi. Trừ trường hợp đặc biệt là một đòn overhead mang tính chất high và nó buộc bạn phải đứng lên thủ nếu không thì sẽ ăn đòn. Nhưng yên tâm đi, một nhân vật thường chỉ có một tới hai đòn overhead thôi, và nó ít khi có thể dùng để nối thành một chuỗi combo, nên bạn chỉ cần ngồi đỡ đợi đến khi đối phương tính overhead thì đứng dậy là được. Dễ ẹc hà!
Vậy chỉ ngồi đỡ thì sao có thể giành chiến thắng? Vì không ai trên đời này có thể đánh mãi được. Đến một lúc nào đó, họ sẽ phải lộ sơ hở của chính họ và là cơ hội cho chúng ta trả lại những gì đã chịu đựng. Tuy nhiên, nói vốn dễ hơn làm. Bạn cần phải tập thủ, thủ cái gì và thủ khi nào, chứ không phải khư khư giữ mãi nút lùi. Bạn chỉ ăn đòn nhiều thêm thôi. Tốt nhất là bạn hãy tập lùi khi nào đối phương ra đòn, sẽ khó khăn lúc đầu, nhưng rồi khi đã quen thì bạn sẽ có thể làm thêm được nhiều thứ nữa.
2/ Anti-air (đối không)
Trong một trận đấu, có rất nhiều cách để tiếp cận đối phương: bạn có thể nhảy lên gây áp lực từ trên cao, hoặc lầm lũi tiến tới một cách chậm rãi. Đa phần những người mới thì đều chọn cách nhảy lên để tấn công từ trên cao xuống vì cơ bản nó cho cảm giác rất an toàn và nhìn cũng ngầu nữa. Nhưng họ không biết rằng đó chính là lúc họ yếu đuối và dễ ăn đòn nhất, vì họ không thể đỡ đòn được nếu đang ở trên không. Tất cả đều đến từ một lý do đơn giản: đòn đối không (anti-air).
Anti-air là một thuật ngữ để ám chỉ các đòn dùng để phòng không, để trả đòn đối phương nếu đối phương nhảy lên và có ý định tung đòn về phía bạn. Anti-air được xem như là kỹ năng cơ bản nhất trong game đối kháng mà bạn phải có, có thể so sánh ngang với khả năng last hit trong các tựa game MOBA hay ARTS vậy. Người chơi khác có thể đánh giá bạn có chơi tốt hay không chỉ bằng cách xem cách bạn anti-air vững hay không mà thôi. Và cũng như block, người chơi càng giỏi thì càng khó để nhảy lên đầu họ tấn công được.
Mỗi nhân vật trong các tựa game đối kháng có rất nhiều cách để phòng không. Có thể là đòn đánh thường, cũng có thể là một chiêu thức nào đó. Điểm chung của tất cả các đòn đó là có hướng đòn ra đòn lên phía trên hay ngang đỉnh đầu, và dùng để đánh trúng đối phương đang rơi xuống từ trên cao. Nếu bạn không thể anti-air, đối phương sẽ lợi dụng điều đó và tiếp tục nhảy lên, gây áp lực ép bạn vào góc tường và bạn càng dễ mắc sai lầm. Chỉ cần một hoặc hai lần anti-air chính xác thôi, đối phương sẽ ngại không dám nhảy nữa, buộc họ phải đánh nhau dưới đất, vậy chẳng phải là trận đấu dễ dàng hơn sao.
Anti-air đúng và nhìn lượng sát thương gây ra xem.
Anti-air căn bản không có gì quá phức tạp về động tác, nhưng nó đòi hỏi sự thuần thục và chính xác rất cao, và cũng một chút... can đảm nữa. Vì bạn trúng đòn hay đối phương trúng đòn chỉ cách nhau trong khoảnh khắc. Bạn bấm quá sớm, bạn ăn đòn. Bạn bấm quá trễ, bạn cũng ăn đòn. Bạn không bấm mà tiếp tục giữ lùi để block, bạn còn bị ép và ăn đòn nhiều hơn. Vì thế mới cần phải luyện tập, luyện tập thật nhiều để vượt qua nỗi sợ ăn đòn và bắt đối phương trả giá cho sai lầm của họ. Mình cũng nhắc luôn các bạn mới chơi: hãy hạn chế nhảy lại và tập anti-air nhiều hơn. Nó có thể rất nhàm chán, nhưng bạn sẽ thấy mình tiến bộ rõ rệt nếu tập tành đàng hoàng.
3/ Throw (vật)
Throw hay còn gọi là vật là một phần tạo nên sự khó lường trong game đối kháng. Trong một trận chiến đang công và thủ, bỗng một đòn vật bất ngờ sẽ làm đối phương ko kịp phản ứng, tạo lấy chút lợi thế cho mình đồng thời đẩy đối phương vào thế khó. Nó tạo nên sự đa dạng và biến hóa trong trận đấu nhiều. Biết throw và cách phòng chống throw cũng rất quan trọng để có thể chơi game đối kháng tốt.
Throw thôi cũng đẹp mắt nữa.
Throw có hai dạng chính: một là normal throw ( loại thường), hai là command throw( loại đặc biệt). Normal Throw thì chỉ là tổ hợp của hai nút được bấm cùng lúc (như trong Street Fighter V thì đó là nút đấm nhẹ + đá nhẹ) và bạn có thể dễ dàng hóa giải bằng cách bấm tương tự hai nút đó cùng lúc với đối phương(người ta hay gọi là tech throw). Còn command throw là dạng throw mà bạn phải thực hiện một thao tác nhất định thì mới làm được, và nó cũng chỉ xuất hiện ở một số nhân vật nào đó thôi chứ không phải tất cả char đều có. Với dạng này, bạn hoàn toàn không thể làm gì để thoát khỏi nó ngoại trừ thoát khỏi tầm throw của nhân vật đó (ví dụ như nhảy lên). Throw quan trọng tới mức nó trở thành một lối chơi riêng biệt và một số nhân vật tạo ra chỉ để phục vụ cho lối chơi đó (Zangief của Street Fighter V là điển hình).
Vậy thì throw sẽ cải thiện lối chơi của bạn như thế nào? Tưởng tượng nhé, bạn đã bị đối phương đánh ngã xuống mặt đất, khi bạn tỉnh dậy, thì hắn sẽ có những hành động sau: đánh đòn kế tiếp, normal throw, command throw( nếu có) hay đơn giản là... không làm gì hết. Nếu bạn đoán sai điều đối phương làm và để lộ sơ hở thì bạn hiểu kết quả rồi đó. Chỉ cần thêm throw vào thôi, vừa đa dạng về lựa chọn tấn công, vừa có thể phòng thủ cứng cáp hơn nhiều rồi.
4/ BnB combos (Breads and Butter combo)
Nếu đã đọc tới đây và bạn vẫn thấy mọi thứ quá đơn giản và không học được thêm gì mới, thì mình xin giới thiệu đến một thứ mang tính chất nâng cao hơn một chút để các bạn thử sức. BnB combos chính là những combo đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Vì mỗi nhân vật có 1 chuỗi combo BnB khác nhau, trong khuôn khổ bài viết khó mà nói hết được nên việc tìm hiểu có lẽ tùy vào sở thích của bạn với từng nhân vật cụ thể.
Bạn có tìm kiếm nó dễ dàng trên Youtube, tập xong rồi đem nó vào thực chiến được luôn, bảo đảm làm cho người chơi cùng cũng phải lác mắt. Nhưng cũng như toán học được xây dựng nên từ cộng và trừ, bạn có học combo cho giỏi mà vẫn không chạm vào được người đối phương thì có tập bao nhiêu thì cũng chỉ thua và thua mà thôi.. Nên Mọt game khuyên bạn nên bắt đầu từ những cái đơn giản sẽ tốt hơn.
Mong là qua bài viết này, bạn đã có thêm tự tin để dần dần chinh phục dòng game đầy thú vị này. Mọt Game hứa sẽ tiếp tục viết thêm nhiều bài hướng dẫn nữa để bạn bớt bỡ ngỡ và có thể tận hưởng trò chơi nhiều hơn. Và nếu bạn muốn học hỏi hay gặp gỡ những người bạn cùng đam mê với mình, hãy theo dõi fanpage SaiGonFGC để có thể cập nhật thông tin, cũng như tham gia các giải đấu được tổ chức liên tục của cộng đồng game đối kháng Việt Nam.