Cái ngày mà cộng đồng game thủ trên toàn thế giới được chính thức trải nghiệm tựa game card mang tên Artifact đã không còn xa nữa. Đối với những người đã quen thuộc với thể loại chơi game thẻ bài như Hearthstone hay Yugi-Oh, việc làm quen với Artifact sẽ không mấy khó khăn. Tương tự đối với những bạn đã từng chơi qua Dota 2, việc nhớ mặt hero, skill hay sử dụng sao cho hợp lý sẽ khá dễ dàng. Nhưng đối với những game thủ lần đầu tiên muốn trải nghiệm một loại game card như Artifact thì sẽ ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn có những hiểu biết cơ bản về những khái niệm sẽ xuất hiện trong Artifact.
Người thiết kế tựa game card đang nổi đình nổi đám này không ai khác chính là Richard Garfield, tác giả của Magic: The Gathering. Valve hứa sẽ xây dựng một cốt truyện riêng cho Artifact và thoát ly hoàn toàn Dota 2, mặc dù Artifact được lấy theo chủ đề của tựa game ARTS này. Mặc dù cốt truyện của Artifact chưa được tiết lộ, nhưng theo một số người tin, sẽ có 3 phe phái trong game: Red Mist, Vhouls và Bronze. Valve cũng cho biết thêm, hiện nay đã có khoảng 10.000 dòng đối thoại được viết riêng cho các nhân vật của Artifact để tương tác với nhau.
Phiên bản beta sẽ chính thức ra mắt vào ngày 19/11 tới đây, muộn hơn khoảng 20 ngày so với dự kiến trước đó. Sau đó 10 ngày, tức là vào ngày 28/11, bản chính thức sẽ chính thức được trình làng trên Steam. Đối với những bạn muốn trải nghiệm phiên bản mobile dành cho các thiết bị chạy iOS và Android thì sẽ phải đợi thêm đến năm 2019. Valve cũng cho biết thêm, hiện nay, chỉ những người tham dự PAX WEST và các khán giả của The International 2018 mới có cơ hội được trải nghiệm bản thử nghiệm beta. Bên cạnh đó, những người này còn có đặc quyền tải miễn phí Artifact khi nó xuất hiện trên Steam vào ngày 28/11.
Nếu không nằm trong số những người may mắn này, bạn sẽ phải bỏ ra 19,99 đô la để mua Artifact. Lần mua đầu tiên, người chơi sẽ sở hữu 228 thẻ: hai bộ bài (deck) được tạo sẵn gồm 54 thẻ và 10 gói gồm 12 thẻ.
https://twitter.com/wykrhm/status/1024742261425238016?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1024742261425238016&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.vpesports.com%2Fmore-esports%2Fartifact%2Fartifact-the-basics-objective-game-flow-card-types%2F
Không giống như các tựa card game khác, ở Artifact, bạn sẽ KHÔNG THỂ mua thẻ từ việc thu thập các đơn vị tiền tệ trong game. Thay vào đó, bạn sẽ phải mua các gói thẻ (package) từ Steam hoặc từ những người chơi khác thông qua Steam Market. Một gói thẻ sẽ có giá là 2 đô la và được đảm bảo chứa ít nhất một thẻ có độ hiếm cao nhất. Bạn cũng có thể tự để giá gói thẻ của chính mình trên Steam Market, tuy nhiên, Valve có một số chính sách để giữ giá nhằm ngăn việc một số game thủ đội giá quá cao.
Là một trò chơi theo chủ đề Dota 2, Artifact hoàn toàn khác hẳn những tựa card game khác mà bạn từng chơi như Yugi-Oh hay Hearthstone. Sẽ có 3 board, tương ứng với 3 lane trong game. Mỗi lane sẽ có 1 trụ (tower) với 40hp. Khi phá hủy được 1 trụ bất kỳ, một Ancient (tạm gọi là nhà chính) sẽ xuất hiện với 80hp. Mục tiêu của bạn sẽ là phá hủy 2 trong số 3 trụ của đối phương, hoặc phá vỡ Ancient. Làm được điều này trước, bạn sẽ là người thắng cuộc.
Một game đấu Artifact sẽ là màn solo giữa hai người chơi với một bộ bài cho mỗi người. Mỗi người có một bộ bài chính bao gồm tối thiểu 40 lá, trong đó có 5 lá là Hero card. Không có giới hạn tối đa cho số lá bài trong mỗi deck, nhưng hãy nhớ một điều rằng, đôi khi số lượng lớn chưa hẳn là có lợi. Ngoài 5 hero card, sẽ có 9 item card được cung cấp ngẫu nhiên để mua trong Shopping Phase.
Khi bắt đầu game, người chơi sẽ phải chọn ba hero. Ba hero này sẽ được đưa đến 3 lane, và các hero card của cả 2 người chơi cũng được giới thiệu với nhau. Sau đó, 3 melee creep sẽ được xuất hiện ở mỗi lane. Mỗi người sẽ bắt đầu với 5 card, và rút thêm 2 card vào đầu mỗi vòng tiếp theo.
Bạn cần phải nhớ ba khái niệm chính của Artifact: Round (vòng đấu), Lane (làn đường) và Phase (giai đoạn). Mỗi round sẽ là các lượt chơi ở cả 3 lane, lần lượt từ trái sang phải. Mỗi lane sẽ bắt đầu với việc người chơi sử dụng thẻ bài của mình (Action Phase). Sau đó là giai đoạn combat (Combat Phase) với những hiệu ứng chiến đấu từ các thẻ bài. Sau khi chiến đấu ở cả 3 lane đã kết thúc, người chơi sẽ bước vào giai đoạn mua sắm các item (Shopping Phase).
Action Phase là giai đoạn người chơi triệu hồi các card và cast các spell, kết thúc khi cả 2 người chơi không chọn thêm bất kỳ card nào. Trụ trong mỗi lane sẽ đóng vai trò như một fountain và hồi lại lượng mana đã mất cho các đơn vị trong lane đó. Mỗi lane cũng có một lượng mana pool riêng và sẽ được tăng lên cũng như hồi bổ sung sau mỗi round. Kết thúc Action Phase, các đơn vị card sẽ tấn công các đơn vị đối phương nằm ở vị trí đối diện trong lane của họ ở Combat Phase. Nếu ở phía đối diện của đối phương không có đơn vị nào, thẻ của bạn sẽ tấn công trực tiếp lên trụ. Cũng trong giai đoạn này, hạ mỗi creep sẽ cho 1 gold và con số đó đối với hero là 5 gold. Gold kiếm được sẽ được sử dụng để mua sắm các item cần thiết ở Shopping Phase.
Ở giai đoạn Shopping Phase, người chơi sẽ được cung cấp ba dạng item ngẫu nhiên. Bên trái là item trong Secret Shop (tương tự Secret Shop như Dota 2), ở giữa là một trong số 9 thẻ bạn đã đặt trong Item Deck của bạn và bên phải là item tiêu hao (như Healing Salve chẳng hạn).
Kết thúc giai đoạn Shopping Phase, round tiếp theo sẽ bắt đầu và người chơi được quyền chọn thêm cho mình 2 card nữa. Bên cạnh đó, mỗi trụ sẽ nhận thêm 1 mana point, cũng như sẽ có thêm 2 creep ngẫu nhiên sinh ra ở các lane.
Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các loại thẻ bài trong Artifact. Mời các bạn theo dõi Mọt Game để đón đọc những thông tin mới nhất và sớm nhất về tựa game thẻ bài đang tốn khá nhiều giấy mực này nhé.