Phụ Lục
Hầu hết các trò chơi trong ngành công nghiệp game hiện đại đều sở hữu một cốt truyện sâu sắc. Có những game không nhất thiết cần có lời thoại, diễn xuất của nhân vật để lột tả cốt truyện. Game thủ có thể tự tìm hiểu, xâu chuỗi lại câu chuyện bằng những chi tiết nhỏ mà hãng phát triển đặt rải rác khắp bản đồ game.
Chính điều này mới làm cho một trò chơi có ý nghĩa và có giá trị chơi lại cao. Đôi khi tất cả những chi tiết, tưởng như nhỏ nhặt đó, lại là mảnh ghép cho một cốt truyện lớn và gây sốc. Nếu tìm hiểu ngọn ngành các chi tiết nhỏ này, rất có thể sự thật về cốt truyện sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì game thủ thấy trong suốt thời lượng trải nghiệm game.
Vault Boy chính là biểu tượng của dòng game Fallout. Hình ảnh anh chàng nháy mắt, nở nụ cười hạnh phúc và giơ ngón cái “thả like” đã trở nên quá quen thuộc với tất cả người hâm mộ, kể cả những người chưa bao giờ thực sự chơi Fallout. Nụ cười nở trên gương mặt Vault Boy dường như khiến game thủ cảm thấy thật nhẹ nhõm. Nó giống như một sự lạc quan cần thiết trong bối cảnh hậu tận thế vậy.
Tuy nhiên, trên thực tế, Vault Boy không hề nở nụ cười, anh chàng cũng không “thả like” hay nháy mắt làm dáng. Tất cả những gì Vault Boy làm khi đó là cân nhắc về tỷ lệ sống sót của mình trong vụ nổ hạt nhân.
Vào thời Chiến Tranh Lạnh, dân chúng đã truyền tai nhau một cách tự kiểm tra xem mình có ở trong vùng an toàn so với bức xạ bom hạt nhân hay không, bằng cách sử dụng ngón tay cái. Khi đó, bạn chỉ cần nhắm một mắt và giơ ngón tay cái lên ngang tầm mắt còn lại, rồi đo nó với đám mây hình nấm mà bạn nhìn thấy ở khu vực xa. Nếu đám mây nhỏ hơn ngón tay cái, điều đó có nghĩa là khu vực bạn đang đứng an toàn khỏi bức xạ. Còn nếu đám mây to hơn ngón tay cái, tức bạn đang ở khu vực nguy hiểm.
Hình ảnh Vault Boy trong Fallout chính xác là anh chàng đang đo xem liệu mình đang đứng ở khu vực nhiễm phóng xa hay an toàn. Tuy nhiên, nếu game thủ hiểu theo nghĩa “thả like” cũng không sao hết, nó sẽ mang lại sự nhẹ nhõm hơn nhiều.
Trong Stardew Valley, người chơi có thể xây dựng trang trại, phát triển mối quan hệ và giải cứu một thị trấn nhỏ khỏi tay một tập đoàn lớn. Trong Pelican Town, khi một mùa mới bắt đầu, game thủ sẽ được trải nghiệm rất nhiều lễ hội thú vị của thị trấn này. Nhưng khi một năm cũ qua đi, bước sang năm mới, bạn sẽ nhận ra dường như người dân trong Pelican Town đang bị mắc kẹt trong một vòng lặp thời gian. Thoạt đầu bạn có thể thấy nó thú vị nhưng mỗi năm vẫn cái vòng lặp đó khiến chính bạn cũng cảm thấy tù túng, nó cho thấy ý nghĩa khác phía sau những lễ hội đó, đó là một cuộc sống lẩn quẩn không có cái mới và những người dân thị trấn cũng không hẳn là vui vẻ vì họ đều có bi kịch riêng của mình.
Nếu tích cực trò chuyện với người trong thị trấn, bạn sẽ thấy nhiều người đang gặp rắc rối. Kent – một cựu chiến binh bị mắc hội chứng PTSD (Rối loạn stress sau sang chấn), chấn thương nặng tới nỗi chỉ cần tiếng nổ bỏng ngô thôi cũng khiến ông trở nên mất kiểm soát. Shane là một người nghiện rượu nặng dẫn tới trầm cảm, đang cố gắng nghĩ ra lý do nào đó để tiếp tục sống. Hay như Penny, một phụ nữ trẻ nhưng gặp nhiều tổn thương khi phải sống chung và bị ngược đãi bởi mẹ mình. Thậm chí khi đeo đuổi Abigail, Mọt tôi có cảm giác cách suy nghĩ và hành động của cô nàng tóc tím này phảng phất dấu hiệu của một người xa rời cộng đồng, một dấu hiệu của trầm cảm bên cạnh phong cách nổi loạn của tuổi teen như ăn mặc phong cách dị, xung đột thường xuyên với phụ huynh, giải trí bằng cách đứng một mình trong nghĩa trang.
Đó là điều đối nghịch hoàn toàn so với hình ảnh một thị trấn vui vẻ, tràn đầy năng lượng mà người chơi thấy bên ngoài.
The Last of Us đã cho người hâm mộ một cảnh mở đầu không thể u ám hơn. Hình ảnh Joel ôm xác con gái mình đã lấy đi nước mắt của hàng triệu game thủ trên thế giới. Nhưng trong chuyến hành trình cùng cô bé Ellie tới tổ chức Flyfiles, người chơi có thể bắt gặp được nhiều câu chuyện đáng thương hơn nữa khi đại dịch bùng phát.
Có một câu chuyện đã khiến Mọt tôi thực sự lặng người đi. Đó là khi tôi khám phá những căn nhà bỏ hoang ở vùng ngoại ô. Tại đó có một căn phòng bên trong có rất nhiều xác chết, bao gồm cả một nhóm người lớn và một nhóm trẻ em. Đi lại xung quanh, tôi tìm thấy một lá thư của một người đàn ông tên Kyle để lại.
“Chúng tôi đã bị kẹt. Tôi nghĩ tất cả những người khác đã chết. Một vài đứa trẻ đang ở cạnh tôi. Những kẻ bị nhiễm bệnh đang đập phá ngoài cửa. Tôi không biết chúng tôi có thể cầm cự trong bao lâu nữa. Nếu Ish và những người khác sống sót, có thể họ sẽ tìm thấy chúng tôi. Họ phải tìm thấy chúng tôi. Nếu mọi chuyện tồi tệ đi, tôi sẽ làm nó nhanh thôi.”
Có thể thấy rằng Kyle cùng một vài người khác và cả trẻ em nữa, đã phải chống chọi lại sự tấn công của những người lên cơn do nhiễm bệnh. Kyle không biết mình có thể cầm cự được bao lâu, anh hi vọng một người tên Ish sẽ tới cứu mình. Những điều buồn nhất là Kyle đã lên kế hoạch giết tất cả mọi người, kể cả trẻ em, nếu một người nhiễm bệnh. Mục đích của Kyle rất cao cả, anh không muốn mọi người biến thành những thứ ở ngoài kia. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến cho người chứng kiến cảm thấy buồn tới lặng người.
Trong dòng game Bioshock, người chơi rất dễ bỏ qua những câu chuyện hay, được lồng ghép thông qua những đoạn ghi âm nằm rải rác trên đường đi. Theo tôi, nếu chịu khó tìm tòi và xâu chuỗi từng bản ghi âm lại với nhau, người chơi sẽ thấy ấn tượng về cốt truyện của game hơn nhiều. Và đặc biệt trong Bioshock 2 có một chi tiết sẽ khiến người chơi phải suy ngẫm.
Mark Meltzer là một người cha đang tìm kiếm cô con gái Cindy, bị mất tích, của mình. Khi tìm thấy đoạn ghi âm của Mark Meltzer, người chơi sẽ biết rằng anh đã lần theo manh mối Cindy đã bị bắt cóc và tới thành phố Rapture. Tuy nhiên, khi Mark tìm thấy Cindy, cô bé đã trở thành một Little Sister. Dù quá đau buồn nhưng Mark cũng không thể rời khỏi thành phố Raptune. Tiến sỹ Sofia Lamb đưa ra một lựa chọn để Mark được ở bên Cindy mãi mãi, đó là anh phải trở thành Big Daddy. Điều đáng buồn nhất là cuối cùng, người chơi chính đã giết chết Mark Meltzer.
Cảm xúc của Mọt tôi khi đó thực sự sững sờ khi biết mình chính là người đã đập tan giấc mơ của một người bố đã hết lòng vì con gái mình, một người bố đã chấp nhận biến đổi thành một loại máy móc nào đó để được ở cạnh con mình mãi mãi.
Trong Pokémon Black & White, khi đi qua cây cầu Marvelous, nếu để ý bạn có thể sẽ gặp được hồn ma của một cô gái trẻ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải đi ra đi vào liên tục khu vực cây cầu mới có thể nhìn thấy. Hồn ma này sẽ biến mất khi người chơi tiến tới gần. Khi đó, ngay cả NPC đứng cạnh cô gái cũng sẽ ngỡ ngàng khi thấy cô biến mất. Điều thương tâm nằm ở câu chuyện của hồn ma này.
Nếu bạn hỏi một bà lão ở phía đông của cây cầu về cô gái, bạn sẽ biết được khu vực hồn ma đứng chính là nơi cô gái thường xuyên dắt thú cưng của mình đi dạo trước khi cây cầu Marvelous được xây dựng. Hồn ma của cô gái này tiếp tục được tìm thấy ở Strange House, gần chân núi Reversal. Tới đoạn này, hồn ma dường như có những nhận thức mờ nhạt về người chơi và sẽ cho bạn biết rằng cô đang đi tìm bố, mẹ cũng như thú cưng của mình. Dường như cô chưa biết bản thân mình đã chết.
Trong Pokémon Black 2 & White 2, bố mẹ cô gái vẫn đang cố gắng tìm kiếm cách để giúp cô thoát khỏi tình trạng này. Người chơi sẽ được giao nhiệm vụ đi tìm kiếm Luna Wing, thứ mà họ tin rằng có thể đánh thức con gái mình. Tuy nhiên, khi bạn có được nó, mọi thứ đã quá muộn. Cô gái đã bị mắc kẹt trong cơn ác mộng mãi mãi.