Phụ Lục
Lý do nào khiến Hideo Kojima đặt tên cho tựa game của mình là Death Stranding? Trong cốt truyện của game, Death Stranding là một sự kiện siêu nhiên đã phá hủy trật tự của thế giới, và để các sinh vật vô hình BT kẹt lại trên Trái Đất. Đi kèm với các BT là một hiện tượng gọi là timefall thể hiện dưới dạng một cơn mưa, nhưng những giọt nước mà nó tạo ra khiến các hợp chất hữu cơ lão hóa đi cực kỳ nhanh chóng. Bên cạnh đó, Death Stranding nghe "ngầu" hơn nhiều so với những cái tên kiểu như shipper simulator, walking simulator, đúng không nào?
Sam, nhân vật chính của chúng ta có tên đầy đủ là Sam Bridges, một porter (nhưng Mọt thích gọi anh ta là Shipper hơn) của một công ty có tên Bridges. Anh đã rời khỏi công ty này hơn 10 năm trời bởi một chuyến giao hàng thất bại khiến các đồng đội của mình hi sinh, nhưng lại bị ép vào nghề bởi những người quen cũ Amelie và Die-Hard Man (gã đeo mặt nạ sọ người lắm lời mà bạn đã thấy trong buổi stream của Mọt). Họ muốn Sam giúp đỡ giải cứu Amelie cũng như kết nối các thành phố của nước Mỹ, vốn đang bị cách ly vì timefall và các BT.
BT là tên viết tắt của “Beached Thing” (các sinh vật mắc cạn) – những đối thủ vô hình mà Sam và cô nàng Fragile gặp phải ở đầu game. Chúng là những thực thể không thuộc về thế giới này, nhưng không rõ tại sao lại bị kẹt lại trên Trái Đất sau sự kiện Death Stranding. Chúng mang sự thù địch với các sinh vật sống và luôn muốn nuốt chửng họ, rồi tạo ra một vụ nổ mà game gọi là Voidout phá hủy mọi thứ xung quanh.
Khi các BT biến mất sau vụ nổ Voidout, chúng tạo ra một “cây cầu” nối Trái đất với chiều không gian của mình. Nơi đây được mô tả như một vùng không gian lật ngược chìm trong nước biển, nơi mà Sam có thể nhìn thấy nhiều sinh vật biển lẫn các sinh vật ngoài hành tinh bơi lội khắp nơi. Bởi là một Repatriate, Sam có thể tìm đến vị trí xác của mình để trở về Trái Đất sau khi bị BT “xơi tái.” Tuy nhiên cái hố khổng lồ mà Voidout tạo ra sẽ vẫn tồn tại sau khi Sam hồi sinh, ảnh hưởng đến địa hình của trò chơi và không thể vượt qua được.
Những đứa bé mà nhân vật chính Sam mang theo người được gọi là Bridge Baby (BB), được lấy từ các Stillmother để phục vụ cho công việc của các tay shipper như Sam. Stillmother không phải là người sống – họ là những người đã bị chết não được lưu trữ trong khu chăm sóc đặc biệt của Capital Knot City. Điều kiện đặc biệt của những Stillmother khiến các đứa bé BB kết nối với thế giới của người chết, và các nhân viên Bridge lại tạo ra kết nối Trance với đứa bé để do thám vị trí của BT.
Bối cảnh của game đặt tại nước Mỹ, sau khi sự kiện Death Stranding đã phá hủy nền văn minh nhân loại. Nhiệm vụ của Sam là mang các gói hàng đến những thành phố bị cách ly (game gọi là KNOT) và kết nối các thành phố đó với mạng lưới Chiral Network. Sau khi giao hàng, thành tích của Sam sẽ được tổ chức Bridge đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm cả… số lượng Like mà người chơi khác dành cho các vật phẩm bạn để lại trong bản đồ (sẽ được Mọt nói kỹ hơn sau).
Khi Sam mở rộng mạng lưới Chiral Network của mình, anh có thể truy cập vào bản đồ các khu vực, dùng máy in 3D gọi là Portable Chiral Constructor (PCC) để in ra các vật phẩm cần thiết chẳng hạn dây thừng, cầu thang, máy phát điện…
Khi chơi Death Stranding, thắc mắc lớn nhất của bạn về những thứ mà Sam đeo trên người có lẽ sẽ xoay quanh hộp nhựa chứa đứa bé và chiếc chong chóng xoay “tít thò lò” trên vai.
Trong số này, chiếc hộp nhựa được gọi là BB Pod (BB = Bridge Baby). Nó có tác dụng mô phỏng lại điều kiện trong tử cung của người mẹ “stillmother” bởi các Bridge Baby sẽ ngừng hoạt động nếu cảm thấy môi trường xung quanh xa lạ. Game thủ buộc phải “cập nhật” điều kiện môi trường trong BB Pod thông qua việc tải dữ liệu từ một Synchronization Incubator.
Chiếc chong chóng được gọi là Odradek (game không giải thích tại sao nó lại có cái tên này), đóng vai trò là một cảm biến có khả năng phát hiện các sinh vật BT sau khi đã kết nối trance bằng sợi cáp nối giữa đứa bé với người Sam. Nó sẽ vẫy càng lúc càng nhanh hơn khi khoảng cách giữa Sam với BT ngắn lại, và luôn luôn chỉ về hướng BT gần nhất. Nếu BT đi về phía Sam, Odradek sẽ tạo thành hình một bàn tay và chỉ, hoặc xoay tròn và biến thành màu cam nếu bạn sắp chạm phải BT.
Ngoài ra, Odradek còn cực kỳ hữu dụng với khả năng đỡ đạn, scan địa hình xung quanh, báo hiệu cho Sam biết về các địa hình trơn trượt, vách đá và các gói hàng mà những người chơi khác làm rơi vãi trên đường.
Câu hỏi này được áp dụng cho kiểu chơi “Online mà Offline” lạ lùng của Death Stranding. Trong Death Stranding, bạn không bao giờ gặp mặt những người chơi khác, nhưng có thể nhìn thấy những gì họ để lại trong game, từ các cây thang dài, những sợi dây leo núi được cắm sẵn hay hàng hóa họ làm rơi trên đường giao hàng. Các kho chứa hàng hình trụ nhỏ là nơi bạn có thể giao lưu với người khác một cách chủ động hơn (nhưng vẫn không phải là tiếp xúc trực tiếp) bởi game thủ có thể viết tin nhắn hoặc gửi các món đồ vào đây cho người khác sử dụng, hoặc lấy những món quà nho nhỏ mà người chơi khác để lại bên trong. Tiếc là các kho hàng này sẽ bị timefall phá hủy sau một thời gian.
Death Stranding chắc chắn sẽ chỉ có 2 thái cực là vô cùng hay hoặc dở ở mức không thể chịu nổi, hơn nữa nó lại còn vô cùng kén người chơi nữa.
Ngoài ra, game thủ còn có thể xây dựng các nơi trú ẩn tránh mưa thời gian (timefall) cho người khác sử dụng. Những nơi trú ẩn này cực kỳ hữu dụng bởi mưa thời gian không chỉ làm con người lão hóa, mà còn có thể phá hủy trang phục lẫn các gói hàng mà Sam mang trên người. Nếu “đại gia” hơn, bạn có thể xây các ngôi nhà an toàn nơi Sam có thể sửa chữa xe cộ, hồi phục thể lực… Đặc biệt, các sợi dây leo núi có thể được lắp đặt sát nhau để tạo ra một con đường an toàn hơn qua những vách núi cực cao, giúp game thủ đỡ phải vòng đi vòng lại tìm đường. Tóm lại, các tính năng online “nửa mùa” của Death Stranding là cực kỳ hữu dụng trong cuộc hành trình của các shipper.
Hi vọng rằng những thông tin cơ bản này đã giúp bạn hiểu hơn về những gì xảy ra trong những giờ đầu tiên của Death Stranding. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau của Mọt!