Phụ Lục
Vốn là một nhà phát triển game console truyền thống, Nintendo không quá mặn mà với những nền tảng khác bên ngoài các hệ máy của mình. Con dân PC, PS4, Xbox One thường chỉ có thể thèm thuồng nhìn Mario, Zelda “tung tăng” trên những GameCube, Wii, Switch… bởi Nintendo muốn tăng sức hấp dẫn cho các hệ máy của mình. Điều đó vẫn chưa thay đổi cho đến thời điểm này, với một ngoại lệ hiếm hoi: mobile, nền tảng không thuộc về bất kỳ một nhà phát hành nảo cả.
Việc Nintendo lên mobile là một quyết định đúng đắn. Theo những số liệu mà Mọt tui tìm được, trong năm 2018, họ đã thu được hơn 300 triệu USD doanh thu, dù thị trường của họ chưa thật sự bao phủ toàn cầu. Nhật Bản đóng góp 59% con số này, còn Mỹ góp thêm 27%. Nhân dịp… Mọt có hứng, hãy cùng nhau nhìn lại những bước đi của Nintendo trong làng game mobile những năm qua, các bạn nhé!
Tựa game mobile lớn đầu tiên của Nintendo là Super Mario Run được ra đời vào tháng 12/2016 và tháng 3/2017 trên Android. Nó đánh dấu bước chân đầu tiên của chàng thợ sửa ống nước này trên nền tảng có số lượng người dùng đông nhất thế giới. Như một bước thử nghiệm, Nintendo không chọn chiến thuật Free to Play bình thường như những Clash of Clan, Candy Crush,… mà theo một đường lối lạ: miễn phí và thu phí.
Bởi lo ngại microtransaction sẽ không được lòng các game thủ gạo cội đã yêu mến Mario từ đầu, Nintendo cho game thủ tải một phần nhỏ của Super Mario Run về chơi miễn phí. Nếu vẫn còn thèm sau khi chơi xong, họ có thể bỏ ra thêm một khoản tiền nhỏ để mua phiên bản hoàn chỉnh của game, không quảng cáo, không microtransaction. Kết quả? Theo số liệu 2018, Super Mario Run nhận được hơn 200 triệu lượt download, nhưng chỉ đem về cho Nintendo khoảng 7 triệu USD doanh thu. Nintendo thẳng thắn nói rằng trò chơi không đạt được doanh số như mong đợi, và thay đổi chiến thuật.
Tựa game lớn thứ hai trên mobile của Nintendo là Fire Emblem Heroes được phát hành vào tháng 2/2017, chỉ 2 tháng sau Super Mario Run. Game thủ thế giới có thể không quá quen thuộc với cái tên Fire Emblem, nhưng tại Nhật Bản nó là một trong các bom tấn ngang tầm với Dragon Quest. Trò chơi đi theo chiến thuật kiếm tiền quen thuộc là Free to Play và bán Orb cho game thủ triệu hồi các nhân vật ngẫu nhiên.
Những số liệu của Fire Emblem Heroes cho thấy điều hoàn toàn trái ngược với Super Mario Run: số lượt tải của Fire Emblem Heroes trong năm 2018 chỉ bằng 5%, nhưng lợi nhuận mà nó đem lại cao hơn gấp gần 30 lần – 10 triệu lượt tải và 200 triệu USD doanh thu. Với một mô hình kinh doanh đánh trúng vào game thủ và otaku Nhật, trò chơi thành công rực rỡ và cho Nintendo biết mình cần phải làm gì.
Animal Crossing: Pocket Camp là tựa game lớn thứ 3 của Nintendo trên Mobile, được ra mắt vào tháng 11/2017. Nintendo sử dụng kinh nghiệm từ Fire Emblem Heroes để cho game thủ được dùng tiền thật mua… lá cây (tiền ingame), và sau đó họ bổ sung thêm bánh quy – một dạng loot box. Điều này cho thấy Nintendo vẫn đang tiếp tục thử nghiệm những kiểu kiếm tiền mới trong các tựa game mobile của mình.
Dù dùng chung chiến thuật với Fire Emblem Heroes cộng với Animal Crossing là một thương hiệu lớn lâu đời, Animal Crossing: Pocket Camp có số liệu khá nghèo nàn khi chỉ đem về 40 triệu USD doanh thu cho Nintendo trong năm 2018. Người Nhật đóng góp đến 82% con số này, cho thấy Animal Crossing không phù hợp với những game thủ bên ngoài nước Nhật vốn ít được biết về series.
Sau ba tựa game mobile dựa trên các thương hiệu lâu đời, Nintendo tung ra Dragalia Lost vào tháng 9/2018 cho mobile. Đây là một thương hiệu mới toanh, nhưng nó nhanh chóng chứng tỏ sức mạnh bằng cách vượt qua doanh số cả năm của Animal Crossing chỉ trong ba tháng. Càng ấn tượng hơn nữa là trò chơi chỉ có mặt tại Nhật, Mỹ, Hong Kong và Đài Loan, chưa được mở ra cho game thủ khắp thế giới. Tay lính mới này cũng cho anh thợ già Mario “hít khói” nhờ khả năng hốt bạc của mình.
Dragalia Lost thành công nhờ gãi đúng mọi chỗ ngứa của game thủ: một trò chơi nhanh, với những màn chơi ngắn cho game thủ bật – tắt chỉ trong vài phút. Nó cũng “chơi tới bến” với hệ thống loot box, khi không chỉ nhân vật mà cả đồ trang sức, vũ khí cũng nằm trong loot box. Đây cũng là tựa game mobile đầu tiên mà Nintendo không hợp tác với studio DeNA, mà được thực hiện bởi Cygames, một studio dày thành tích làm game gacha của Nhật.
Với bốn bước đi có vững vàng, có vấp váp, Nintendo hẳn đã biết được những thông tin cần thiết để tiếp tục thành công trên mobile. Năm 2019 này, họ sẽ tung ra Mario Kart Tour, tựa Mario Kart đầu tiên không nằm trên một hệ máy do Nintendo sản xuất. Dòng game này có những màn đua ngắn, phù hợp với việc chơi vài phút rồi tắt trên mobile. Nó cũng có vẻ “đại chúng” hơn so với Super Mario Run hay Animal Crossing, và nếu Nintendo tạo ra một hệ thống kiếm tiền vừa đúng cho tựa game này, có lẽ lần này Mario sẽ làm được điều anh chàng chưa làm được trong vai trò kẻ tiên phong.
Sự thành công của một series game trên mobile còn có ảnh hưởng tích cực đến những phiên bản của series đó trên các hệ máy khác. Pokémon Go là một ví dụ - dù không do Nintendo sản xuất và trực tiếp phát hành, nó đã kéo sự chờ mong của game thủ với phiên bản Pokémon Let’s Go (2018) trên Switch lên cao, tạo điều kiện cho những kết quả doanh thu tích cực của nó trên thế giới. Theo các thống kê ban đầu, hai bản Pikachu! Và Eevee! Của trò chơi đã bán được hơn 3 triệu bản chỉ trong tuần đầu phát hành, biến chúng thành những game bán chạy nhất trên Switch.
Trong năm 2019 này, sẽ lại có những tựa game Pokémon mới được ra mắt. Hẳn chúng sẽ được “buff” từ danh tiếng của Pokémon Go và Pokémon Let’s Go. Đây là một minh chứng cho thấy việc dùng phiên bản mobile làm bàn đạp cho sự thành công của dòng game chính là rất hiệu quả, điều mà nhiều nhà phát hành khác như Bethesda hay Blizzard đang cố gắng thực hiện với những tựa game mobile mang những thương hiệu ăn khách của họ.